Podcast: Play in new window | Embed
Bài của Anh John H. Heath làm việc tại Sở Lịch Sử của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô
Khi Elizabeth Ann Smith 18 tuổi chuyển đến Ohio, bà đã gặp một doanh nhân khôi ngô tuấn tú tên là Newel K. Whitney. Bà miêu tả ông là “một chàng trai trẻ, [người] đã đến miền Tây để ‘tìm kiếm vận may của mình.’ Anh ấy là người cần kiệm và đầy năng lực, và anh ấy tích lũy tài sản nhanh hơn hầu hết những … người cộng sự của mình.” Họ kết hôn vào tháng Mười năm 1822 và là “một cặp vợ chồng hạnh phúc, với tương lai tươi sáng.”
Họ định cư ở Kirtland, Ohio, nơi Newel điều hành một công ty thương mại thành công.
Chúng ta có thể rút ra các mẫu mực về cách Chúa giao tiếp với con cái của Ngài bằng cách nhìn vào các kinh nghiệm của gia đình Whitney và của rất nhiều người khác. Ví dụ, chúng ta có thể thấy cách họ tiến đến việc biết Đấng Cứu Rỗi và cách Ngài giúp họ nhận ra bản thân họ là con cái của giao ước. Việc biết về họ mang lại những hiểu biết sâu sắc hơn về những điều mặc khải của Chúa trong sách Giáo Lý và Giao Ước.
Chuẩn Bị Tiếp Nhận Lời của Chúa
Cha mẹ của Ann đã chọn cách nuôi dạy bà không theo tôn giáo. Newel có tư duy kinh doanh. Nhưng khi họ định cư ở Kirtland, Ann cảm thấy cuộc sống của họ thiếu một điều gì đó. Họ bắt đầu tìm kiếm giáo hội nào mà đi theo phúc âm như đã được Chúa Giê Su Ky Tô giảng dạy trong Kinh Tân Ước. Trong một thời gian, họ thờ phượng với giáo hội Disciples of Christ do Alexander Campbell sáng lập.
Ann nhớ lại, “Một đêm nọ … trong lúc hai vợ chồng tôi đang ngồi trong nhà của mình tại Kirtland, chúng tôi cầu nguyện lên Đức Chúa Cha để được chỉ đường, thì Thánh Linh ngự trên chúng tôi và một đám mây bao phủ căn nhà. … Một sự kính sợ uy nghi tràn ngập chúng tôi. … Chúng tôi nghe một tiếng nói … vang lên: ‛Hãy chuẩn bị để tiếp nhận lời của Chúa, vì lời của Chúa sẽ đến.’”
Ở New York, cách đó hàng trăm dặm, Chúa đã phán bảo Joseph Smith gửi những người truyền giáo đi thuyết giảng phúc âm. Khi những người truyền giáo đó—do Oliver Cowdery và Parley P. Pratt dẫn dắt—thuyết giảng ở Kirtland, Ann đã lắng nghe và về sau viết: “Tôi biết đó là tiếng nói của Đấng Chăn Hiền Lành.” Sự làm chứng của những người truyền giáo, những tín đồ khác như Lucy và Isaac Morley, và quan trọng hơn hết là Đức Thánh Linh, đã dẫn dắt họ đến việc lập các giao ước thiêng liêng. Ann và Newel chịu phép báp têm vào Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô vào tháng Mười Một năm 1830.
Một điều mặc khải khác bảo Các Thánh Hữu hãy “đi đến Ohio,” nơi mà họ sẽ nhận được “một phước lành mà con cái loài người chưa bao giờ biết đến” (Giáo Lý và Giao Ước 39:14–15; xin xem thêm 37:1).
Joseph và Emma Smith đến Kirtland vào tháng Hai năm 1831, Newel và Ann đưa họ về nhà mình sống trong một tháng. Mười tám tháng sau, họ lại để cho Joseph và Emma sống trong cửa hàng đã được sửa sang lại của họ.
Gia đình Whitney bắt đầu hiểu rõ hơn về nguồn gốc vĩnh cửu của mình. Cuối năm đó, Chúa đã mặc khải cho Tiên Tri Joseph rằng Newel sẽ phục vụ với tư cách là vị giám trợ ở Kirtland. Newel đã nói: “Tôi không thể thấy được ở bản thân mình là một Giám Trợ, thưa Anh Joseph; nhưng nếu anh nói đó là ý muốn của Chúa thì tôi sẽ cố gắng.’
Joseph đáp: “Anh không cần phải nghe lời của mình tôi thôi. Mà hãy tự mình đi cầu xin Cha.”
Sau khi cầu nguyện, Newel nghe một tiếng nói từ trời phán rằng: “Sức mạnh của con ở trong Ta.”
Đây là giai đoạn phát triển đối với Newel và Ann khi họ cùng nhau cố gắng tuân giữ các giao ước của mình. Ann đã viết về một cách thức mà họ đã phục vụ người khác:
“Theo gương của Đấng Cứu Rỗi của chúng ta … , chúng tôi quyết tâm tổ chức một Bữa Tiệc cho Người Nghèo … ; người què, người câm, người điếc, người mù, người già yếu và bệnh tật.
“Bữa tiệc này kéo dài ba ngày, trong thời gian đó tất cả những người nào ở vùng lân cận Kirtland mà đến đều sẽ được mời. Đối với tôi, đó quả thật là “một tiệc yến đồ béo” [Ê Sai 25:6]; Một mùa vui không bao giờ quên.”
Về sau, Newel phục vụ với tư cách là người truyền giáo cùng với Joseph Smith và là đối tác trong Liên Hiệp Công Ty, một hợp tác xã kinh doanh nhằm giải quyết các nhu cầu của Các Thánh Hữu. Số tiền thu được từ cửa hàng của ông đã tài trợ cho phần lớn sự phát triển của Giáo Hội ở Kirtland và Missouri, và ông đã phục vụ Giáo Hội theo nhiều cách khác nhau. Có lẽ quan trọng nhất, Ann và Newel có được 14 người con và đã nuôi dạy 10 người đến tuổi trưởng thành.
Những người khác quy tụ lại để xây dựng các giáo khu của Si Ôn. Gia đình Kimball, Youngs, Crosbys, Tippets, và nhiều gia đình khác đang cố gắng đặt phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô làm trọng tâm trong cuộc sống của họ. Mỗi người đều mang lại năng lực và tài năng cụ thể. Những điều mặc khải ban đầu đã hướng dẫn, khiển trách, và trấn an họ cũng như hướng dẫn Giáo Hội đang phát triển.
Xây dựng Ngôi Nhà của Chúa
Đối với các tín hữu thời kỳ đầu của Giáo Hội, ở cấp độ tập thể và cá nhân, việc nhận được quyền năng đã được hứa là trọng tâm trong nỗ lực về mặt thế tục lẫn thuộc linh của họ (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 38:32).
Chúa đã nhiều lần truyền lệnh xây cất các đền thờ ở Kirtland và Missouri. Ở Kirtland, Các Thánh Hữu đã thành công với nỗ lực phi thường để dựng lên một tòa nhà phi thường. Đó là nỗ lực tốt nhất của họ để xây dựng một điều gì đó xứng với Chúa Giê Su Ky Tô. Đền thờ vẫn vững chắc cho đến ngày hôm nay. Cửa hàng của Newel, cùng với nhà máy đốt tro gần đó của ông, là những phần thiết yếu trong nền kinh tế ở Kirtland mà hỗ trợ cho dự án xây cất đền thờ.
Năm 1836, Đấng Cứu Rỗi hiện đến trong đền thờ và chấp nhận những nỗ lực của họ. Ngài hứa rằng dân Ngài “sẽ hết sức hân hoan vì những phước lành sẽ được trút xuống, và vì phước lành thiên ân mà các tôi tớ của ta đã được ban cho trong ngôi nhà này” (Giáo Lý và Giao Ước 110:9). Sau đó, Môi Se, Ê Li A và Ê Li hiện đến và truyền giao các chìa khóa thiết yếu cho gian kỳ sau cùng (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 110:11–16).
Sự Ngược Đãi và Những Mối Bận Tâm của Thế Gian
Những ngày tháng về sau sẽ thử thách Các Thánh Hữu, kể cả gia đình Whitney. Trong thời kỳ kinh tế suy thoái trên toàn quốc và sự khủng hoảng trong ngành ngân hàng, nhiều người đã quay lưng lại chống báng Giáo Hội và Vị Tiên Tri. Newel đã do dự khi nhận được lệnh truyền phải chuyển đến Missouri. Ông đã dành hết cả đời mình cho cửa hàng của ông ở Kirtland. Phần lớn lợi nhuận mà nó mang lại được dùng để hỗ trợ Giáo Hội. Làm sao ông có thể bỏ đi được?
Chúa đã khiển trách ông vì đã quá quan tâm đến những sự việc của thế gian và vì “những sự nhỏ nhoi trong tâm hồn” (Giáo Lý và Giao Ước 117:11). Newel đã hối cải và vâng lời. Ông định cư ở Nauvoo, Illinois, nơi ông tiếp tục phục vụ với tư cách là giám trợ và sau đó là Giám Trợ Chủ Tọa.
Các Giáo Lễ Đền Thờ
Ở Nauvoo, một lần nữa đền thờ lại là trung tâm của sinh hoạt thế tục và thuộc linh. Khi các bức tường của đền thờ bắt đầu được dựng lên, Chúa đã tổ chức Hội Phụ Nữ qua vị tiên tri của Ngài. Emma Smith là chủ tịch đầu tiên, và Sarah Cleveland và Ann Whitney là hai cố vấn của bà. Emma giao phó những nhiệm vụ quan trọng cho Ann và yêu cầu bà lãnh đạo tổ chức khi Emma không có mặt ở đó.
Chúa tiếp tục mặc khải các giáo lễ đền thờ cho Vị Tiên Tri. Vào năm 1842, khi Đền Thờ Nauvoo vẫn còn xây dang dở, Joseph Smith đã tập trung các vị lãnh đạo Giáo Hội, kể cả Newel, ở tầng trên của cửa hàng Red Brick Store (Cửa Hàng Gạch Đỏ) của ông và thực hiện giáo lễ thiên ân. Khi một phần của ngôi đền thờ—căn gác—được cung hiến, cả Ann và Newel đều thực hiện lễ thiên ân cho Các Thánh Hữu khác trước khi họ đi đến Thung Lũng Salt Lake.
Trên con đường giao ước, Ann và Newel đã tìm đến Đấng Cứu Rỗi, hối cải, hết lòng phục vụ, dâng hiến, hy sinh, và hân hoan. Họ dần biết đến Chúa Giê Su Ky Tô và xem mình là con cái của giao ước. Hàng triệu người sau họ đã tuân theo cùng mẫu mực đó để lập và sống theo các giao ước thiêng liêng cũng như xây dựng vương quốc của Chúa. Việc cố gắng tìm hiểu những câu chuyện của họ sẽ giúp chúng ta trong những giai đoạn yên bình cũng như những lúc thử thách.
Gần cuối đời, Ann đã viết: “Khi anh chị em có được một chút hiểu biết sâu sắc về các mục đích mà Thượng Đế sáng tạo ra mình … thì liệu anh chị em có thể nhận thấy rằng những điều [thử thách] này đáng để sống, đáng để chịu đựng không? Khi chúng ta noi theo bước chân của Đấng Thầy thì liệu có thể có bất kỳ sự hy sinh nào là quá lớn lao chăng?”