Podcast: Play in new window | Embed
Bài của chị Julie B. Beck, Đệ Nhất Cố Vấn trong Chủ Tịch Đoàn Trung Ương Hội Thiếu Nữ vaog năm 2003 của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô
Một vài ngày trước khi đứa cháu ngoại gái lớn nhất của chúng tôi ra đời, cha mẹ nó tự hỏi không biết đứa bé sẽ là trai hay gái. Tại nhà thờ, ngày Chúa Nhật kế, họ hát những lời này “Có niềm hy vọng sáng chói trước mặt chúng ta” (“Tạ Ơn Thượng Đế Đã Ban Cho Một Vị Tiên Tri,” Thánh Ca và Các Bài Ca Thiếu Nhi, trang 36). Đột nhiên, họ hiểu, họ quay lại nhìn nhau và nói: “Nó là con gái!” Khi đứa bé ra đời, họ đặt tên nó là Hope (Hy Vọng).
Hope (Hy Vọng), được đặt cho một cái tên thật thích hợp, giờ đây đã năm tuổi. Nó thức dậy mỗi ngày háo hức chờ đợi những điều hào hứng mới. Đây là năm đầu tiên nó đi học, và nó có thật nhiều điều mà nó muốn học. “Niềm hy vọng sáng lạn” tỏa chiếu từ đôi mắt nó (xin xem 2 Nê Phi 31:20).
Trong mấy tuần qua, tôi đã gặp nhiều em thiếu nữ. Tôi đã nói chuyện với các em về những tài năng, những vất vả và ước mơ của các em về tương lai. Trong tâm trí mình, tôi vẫn còn thấy những gương mặt của các em. Tôi nhìn thấy gương mặt vui vẻ của một em thiếu nữ chỉ mới là tín hữu của Giáo Hội được sáu tháng. Tôi nhìn thấy gương mặt cô đơn của một em gái là người độc nhất trong gia đình của em mà là tín hữu của Giáo Hội, một mình đứng chờ ở trạm xe buý t. Tôi nhìn thấy gương mặt lo âu của một em gái mà đã hỏi: “Có bao giờ em có thể xứng đáng để được đi đền thờ?” Và tôi nhìn thấy những gương mặt mệt mỏi của các thiếu nữ bước ra khỏi giường rất sớm để đi học lớp giáo lý . Một số các em rất phấn khởi về cuộc sống và một số các em thì lại băn khoăn cho những thử thách và tương lai của mình. Khi tôi nói chuyện với các em, tôi đang tìm kiếm để xem có niềm hy vọng sáng lạn tỏa chiếu trong đôi mắt các em chăng.
Đôi khi tôi tự hỏi các em có nhớ rằng các em là con gái của một Đấng Cha Thiên Thượng yêu thương các em chăng. Khi chịu phép báp têm, các em đã noi theo gương của Đấng Cứu Rỗi và các em đã bước vào con đường dẫn về mái nhà thiên thượng của mình. Nê Phi nói rằng các em giờ đây “được ở trên con đường chật và hẹp ấy, tức là con đường dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu vậy; phải, các [anh] em đã đi vào bằng lối cổng hẹp” (2 Nê Phi 31:18). Vì các em đã trên con đường đó rồi, các em chỉ cần ở lại đó, và muốn ở lại đó, các em phải có hy vọng, một niềm hy vọng sáng chói trước mặt các em và soi sáng con đường của các em.
Mặc Môn hỏi: “Các [anh] em sẽ hy vọng điều gì?” Câu trả lời của ông cho chúng ta biết về ba hy vọng lớn lao: “Qua sự chuộc tội của Đấng Ky Tô cùng quyền năng phục sinh của Ngài, các [anh] em sẽ có hy vọng được sống lại đời đời” (Mô Rô Ni 7:41).
Khi chịu phép báp têm, các em đã trở thành những người tham gia vào việc có được hy vọng lớn lao đầu tiên, Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô. Mỗi khi dự phần Tiệc Thánh một cách xứng đáng, các em có được cơ hội để bắt đầu lại và sống tốt lành thêm hơn. Điều đó giống như chôn vùi quá khứ, phần không xứng đáng của bản thân các em và bắt đầu với một cuộc sống mới.
Tôi đã nói chuyện với hai thiếu nữ mà đã thật sự chôn vùi lối sống cũ của họ. Họ có một số quần áo mà không đúng theo tiêu chuẩn của các con gái của Thượng Đế mà có lập giao ước, nên họ đào một cái lỗ sâu dưới đất, bỏ tất cả các bộ quần áo không đúng đắn của họ vào cái lỗ đó và chôn chúng!
Hy vọng và đức tin của các em nơi Đấng Cứu Rỗi sẽ gia tăng khi các em hối cải và thực hiện những thay đổi cá nhân tương đương với việc chôn vùi các tội lỗi của mình. Các em cũng có thể muốn xin cha mẹ và giám trợ của mình giúp đỡ khi các em cố gắng để sống tốt hơn. Khi các em hối cải và dự phần Tiệc Thánh một cách xứng đáng, thì các em mới có thể “sống trong đời mới” (Rô Ma 6:4). Có niềm hy vọng sáng chói trước mặt các em nhờ vào Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô. Bởi vì các em đã chịu phép báp têm, nên các em đã ở trên con đường đi đến cuộc sống vĩnh cửu. Các em cứ ở lại đó!
Niềm hy vọng lớn thứ nhì là Sự Phục Sinh. Các em đều đã được hứa rằng nhờ vào Đấng Cứu Rỗi Giê Su Ky Tô, các em sẽ được phục sinh, và các em biết rằng khi cuộc sống này chấm dứt, thì vẫn sẽ còn có cuộc sống khác để sống.
Cháu gái của tôi tên Katie là một sinh viên đại học 20 tuổi tràn đầy niềm hy vọng với nhiều tài năng và dự tính cho tương lai. Cách đây bốn năm, Katie chết trong một tai nạn xe hơi. Mặc dù gia đình của chúng tôi vẫn còn thấy nhớ cháu, nhưng chúng tôi biết rằng chúng tôi sẽ lại được sống với cháu và chúng tôi không lo lắng cho cháu. Trong cái ví của Katie là giấy giới thiệu đi đền thờ do vị giám trợ của cháu cấp để cháu có thể chịu phép báp têm cho tổ tiên của cháu. Katie sống xứng đáng. Không lâu trước khi Katie chết, cháu đã viết những lời này: “Nếu hôm nay là ngày cuối cùng của tôi trên dương thế, thì đây là điều ghi chép mà tôi muốn để lại. Hãy làm cho mỗi ngày có được ý nghĩa… . Hãy luôn sống gần Chúa. Đạt được tất cả sự hiểu biết mà các anh chị em có thể đạt được về thánh thư, phúc âm, những sáng tạo của Chúa… . Hãy hết lòng tận tụy … và luôn luôn tưởng nhớ đến Đấng Ky Tô về tấm gương và Sự Chuộc Tội của Ngài và cố gắng mỗi ngày được giống như Ngài” Katie đã bước vào con đường dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu và cháu đã ở lại đó.
Nhờ vào Đấng Ky Tô mà có được niềm hy vọng sáng chói trước mặt các em và các em không cần phải lo lắng quá nhiều về bệnh tật, chết chóc, nghèo khó hay những nỗi khổ sở khác. Chúa sẽ chăm sóc các em. Trách nhiệm của các em là tuân giữ các giáo lệnh, nuôi dưỡng những lời nói của Đấng Ky Tô và đi trên con đường dẫn về mái nhà thiên thượng của mình.
Với niềm hy vọng về Sự Chuộc Tội và Sự Phục Sinh, các em có được một niềm hy vọng thứ ba, đó là niềm hy vọng về cuộc sống vĩnh cửu. Bởi vì các em có được một Đấng Cứu Rỗi, nên các em dự tính cho một tương lai mà vượt qua cuộc sống này. Nếu tuân giữ các giáo lệnh, các em được hứa ban cho cuộc sống vĩnh cửu. Các em cũng có thể tự chuẩn bị bằng cách nghiên cứu, học hỏi và trở nên quen thuộc “với tất cả các sách hay và các ngôn ngữ của những dân tộc khác nhau” (GLGƯ 90:15). Các em hiểu rằng “bất cứ nguyên tắc tri thức nào chúng ta thâu hoạch được trong cuộc sống này cũng sẽ tồn tại với chúng ta khi chúng ta được sống lại” (GLGƯ 130:18).
Tôi được ban phước để có được một người mẹ đã dành đời mình cho việc chuẩn bị gặp Thượng Đế. Bà hiểu các nguyên tắc sáng tạo, học hỏi và phục vụ trong cuộc sống này. Phương châm của bà là: “Khi sẵn lòng nhận làm công việc mà quá khả năng của mình, thì mình sẽ tăng trưởng.” Tôi xin được kể cho các em nghe một vài điểm nổi bật nhất từ cuộc sống đầy hào hứng của bà. Khi còn trẻ, bà sống ở vùng rừng núi hoang vu Uintah nơi mà cha của bà làm việc. Bà học cách đốn những cây cao, câu cá và cắm trại ngoài trời. Mùa đông, bà đi học trường ở thành phố, chơi trong đội bóng rổ, và học thổi kèn. Bà theo học đại học và trở thành y tá. Sau khi kết hôn, bà đi truyền giáo với chồng bà ở Ba Tây nơi mà bà học nói tiếng Bồ Đào Nha. Bà đi viếng nhiều nước và đã giảng dạy phúc âm cho hằng ngàn người. Bà học hỏi thánh thư hàng ngày, đã viết một vài quyển sách về lịch sử gia đình, làm việc trong đền thờ, giữ liên lạc với 62 cháu nội ngoại và có thể chiên 600 cái bánh doughnuts trong một buổi sáng!
Mẹ tôi đã ở trên lối đi của Đấng Cứu Rỗi với một đức tin không bị lay chuyển nơi Ngài (xin xem 2 Nê Phi 31:19) trong suốt cuộc sống của bà. Mỗi ngày bà thức dậy háo hức chờ đợi những điều hào hứng mới. Đối với bà, cuộc sống này thật đầy thú vị và bà vẫn còn rất nhiều điều để học hỏi.
Bởi vì các em có một Đấng Cứu Rỗi, nên các em cũng tin vào một cuộc sống hạnh phúc vĩnh cửu của việc sáng tạo, phục vụ và học hỏi. Các em đang đi trên con đường chật và hẹp, và có niềm hy vọng sáng chói trước mặt các em.
Cách đây một vài năm, tôi ngồi với bà nội cao quý 97 tuổi của tôi. Khi bà ngồi cuộn mình trong chiếc xe lăn của bà, yếu ớt và gần bị lòa, bà đã nói chuyện nhỏ nhẹ về cuộc sống của bà. Tôi nói: “Đây là một thế giới tà ác. Có quá nhiều cám dỗ và thử thách. Có thể nào còn được xứng đáng và trở về với Cha Thiên Thượng không?” Bà chậm chạp ngồi thẳng người lên và nói bằng một giọng ra lệnh: “Được! Con phải được! Chính vì thế mà con có mặt ở đây!” Cám ơn Bà nội, đã dạy con về niềm hy vọng.
Giống như Katie, mẹ tôi, và cháu Hope năm tuổi, các em có thể thức dậy mỗi ngày háo hức chờ đợi những điều hào hứng mới với hy vọng sáng chói trước mặt các em bởi vì các em có một Đấng Cứu Rỗi. Các em đã chịu phép báp têm trong Giáo Hội của Ngài, Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Các em chỉ cần ở trong đó, tiến tới mái nhà thiên thượng của mình với một niềm hy vọng sáng lạn, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.