Podcast: Play in new window | Embed
Bài của Cựu Chủ Tịch Thomas S. Monson (1927-2018) của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô
Khi John Linford được 43 tuổi thì ông cùng vợ là Maria, và ba người con trai đã quyết định rời khỏi nhà của họ ở Gravely, nước Anh, để hành trình hàng ngàn dặm nhằm gia nhập với Các Thánh Hữu trong thung lũng Great Salt Lake. Họ bỏ lại đứa con trai thứ tư đang phục vụ truyền giáo, bán hết đồ đạc, và đi đến Liverpool để lên tàu Thornton.
Cuộc hành trình bằng đường biển đến New York City, rồi từ đó bằng đường bộ đến Iowa, đã được chứng tỏ là không có chuyện gì xảy ra. Tuy nhiên, những khó khăn bắt đầu xảy ra không lâu sau khi gia đình Linford cùng Các Thánh Hữu Ngày Sau khác, là những người đã đi trên con tàu Thornton rời Iowa City vào ngày 15 tháng Bảy năm 1856. Họ đều thuộc đoàn xe kéo tay James G. Willie xấu số.
Thời tiết khắc nghiệt và gay go gây ra bệnh tật và chết chóc cho nhiều người trong đoàn, kể cả John. Cuối cùng, ông bắt đầu lâm bệnh và yếu đến mức ông đã phải được đặt lên một chiếc xe kéo tay để được kéo đi. Đến lúc đoàn người đến Wyoming, thì tình trạng của ông đã trở nên tồi tệ đáng kể. Một đội giải cứu từ Salt Lake City đã đến được nơi đó vào ngày 21 tháng Mười, chỉ vài giờ sau khi John qua đời. Ông đã qua đời sáng sớm hôm đó gần bờ Sông Sweetwater.
John có hối tiếc vì đã đánh đổi tiện nghi và cuộc sống thoải mái để lấy những vất vả, thiếu thốn và gian nan khi mang gia đình ông đến Si Ôn không?
“Không đâu, Maria,” Ông nói với vợ mình như vậy ngay trước khi ông qua đời. “Anh vui mừng là chúng ta đã đến nơi. Anh sẽ không sống để đi đến Salt Lake, nhưng em và các con trai sẽ đến, và anh không hối tiếc tất cả những gì chúng ta đã trải qua nếu các con trai của chúng ta có thể lớn lên và nuôi nấng gia đình của chúng ở Si Ôn.”1
Maria và các con trai của bà đã hoàn thành cuộc hành trình của họ. Khi Maria qua đời gần 30 năm sau đó, bà và John đã để lại một di sản về đức tin, sự phục vụ, sự tận tâm, và hy sinh.
Làm một Thánh Hữu Ngày Sau là làm người tiền phong, vì định nghĩa của một người tiền phong là “một người đi trước để chuẩn bị hoặc mở đường cho những người khác đi theo.”2 Và làm người tiền phong là trở nên quen thuộc với sự hy sinh. Mặc dù các tín hữu của Giáo Hội không còn được yêu cầu phải rời khỏi nhà cửa của họ để hành trình đến Si Ôn nữa, nhưng họ thường phải bỏ lại đằng sau những thói quen cũ, phong tục lâu đời, và bạn bè yêu mến. Một số đưa ra quyết định đau đớn để bỏ lại đằng sau những người trong gia đình là những người chống đối vai trò tín hữu của họ trong Giáo Hội. Tuy nhiên, Các Thánh Hữu Ngày Sau tiến bước và cầu nguyện rằng những người thân quý báu đó sẽ hiểu và chấp nhận.
Con đường của một người tiền phong không phải là dễ dàng, nhưng chúng ta đi theo bước chân của Đấng Tiền Phong tột bậc—chính là Đấng Cứu Rỗi—là Đấng đã đi trước, chỉ cho chúng ta thấy con đường để đi theo.
Ngài mời gọi “Hãy Đến mà Theo Ta,”3.
Ngài phán: “Ta là đường đi, lẽ thật và sự sống.”4
Ngài kêu gọi: “Hãy đến cùng ta.”5
Con đường có thể rất gay go. Một số người cảm thấy khó có thể chịu đựng được những lời nhận xét đầy nhạo báng và sỉ nhục của những người rồ dại chế giễu sự trinh khiết, tính chân thật, và việc tuân theo các lệnh truyền của Thượng Đế. Thế gian đã từng coi thường việc tuân thủ nguyên tắc. Khi Nô Ê được chỉ thị phải đóng một chiếc tàu, dân chúng rồ dại đã nhìn lên bầu trời không mây rồi chế giễu và nhạo báng—cho đến khi mưa xuống.
Trên lục địa châu Mỹ cách đây nhiều thế kỷ, con người nghi ngờ, tranh chấp, và không vâng lời cho đến khi ngọn lửa thiêu hủy Gia Ra Hem La, đất trồi cao đổ lên thành phố Mô Rô Ni Ha, và nước nhấn chìm thành phố Mô Rô Ni. Không còn cảnh chế giễu, nhạo báng, lời nói tục tĩu, và tội lỗi nữa. Những điều này đã được thay thế bằng sự im lặng hoàn toàn, bóng tối dày đặc. Thượng Đế đã hết kiên nhẫn, thời gian biểu của Ngài đã xong hết.
Maria Linford không bao giờ mất đức tin bất chấp tình trạng ngược đãi ở Anh, những gian nan khó khăn của cuộc hành trình của bà để đến “nơi mà Thượng Đế … đã chuẩn bị,”6 và các thử thách tiếp theo mà bà đã phải chịu đựng cho gia đình và Giáo Hội của bà.
Vào năm 1937, tại một buổi lễ cung hiến phần mộ để tưởng niệm về Maria, Anh Cả George Albert Smith (1870-1951) đã hỏi con cháu của Bà: “Các anh chị em có sống trung thành với đức tin của tổ tiên của mình không? … Xin hãy cố gắng sống xứng đáng với tất cả những hy sinh [họ] đã làm cho các anh chị em.”7
Khi tìm cách xây đắp Si Ôn trong lòng mình, trong nhà mình, trong các cộng đồng của mình, và trong quốc gia của mình, cầu xin cho chúng ta nhớ đến lòng can đảm kiên quyết và đức tin bền bỉ của những người đã hy sinh tất cả để chúng ta có thể vui hưởng những phước lành của phúc âm phục hồi, với hy vọng và lời hứa qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô.