Podcast: Play in new window | Embed
Bài của Chủ Tịch Henry B. Eyring, Đệ Nhất Cố Vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn vào năm 2013 của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô
Sách Giáo Lý và Giao Ước mời mọi người ở khắp nơi lắng nghe tiếng nói của Chúa Giê Su Ky Tô (xin xem GLGƯ 1:2, 4, 11, 34; 25:16). Sách này chứa đầy các sứ điệp, những lời cảnh báo và khuyên nhủ đầy khích lệ của Ngài được ban qua sự mặc khải cho các vị tiên tri đã được lựa chọn. Trong những điều mặc khải này, chúng ta có thể thấy cách Thượng Đế có thể đáp ứng những lời cầu nguyện với đức tin của chúng ta bằng các sứ điệp chỉ dạy, bình an và cảnh báo.
Trong những lời cầu nguyện của mình, chúng ta tìm cách biết được điều Thượng Đế muốn chúng ta làm, điều chúng ta nên làm để tìm thấy bình an và hạnh phúc trong cuộc sống này và cuộc sống mai sau, và điều nằm trước mặt chúng ta. Sách Giáo Lý và Giao Ước chứa đầy những câu trả lời cho những câu hỏi như vậy được những người bình thường và các vị tiên tri đặt ra trong lời cầu nguyện khiêm nhường. Sách này có thể là một sách hướng dẫn quý báu để dạy chúng ta cách nhận được những câu trả lời cho những thắc mắc về sự an lạc vật chất và sự cứu rỗi vĩnh cửu của chúng ta.
Lòng khiêm nhường và đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô chính là bí quyết. Oliver Cowdery nhận được câu trả lời của Chúa về ước muốn của ông để giúp đỡ trong việc phiên dịch Sách Mặc Môn: “Hãy nhớ rằng, nếu không có đức tin thì ngươi sẽ chẳng làm được gì cả; cho nên hãy cầu xin trong đức tin. Chớ coi thường những điều này; chớ cầu xin điều gì mà ngươi không nên cầu xin” (GLGƯ 8:10).
Nhiều lần trong sách Giáo Lý và Giao Ước, Chúa đã đòi hỏi đức tin và lòng khiêm nhường trước khi Ngài ban cho sự giúp đỡ. Một lý do về điều này là những sự đáp ứng của Ngài có thể không đến theo như cách chúng ta kỳ vọng. Những sự đáp ứng này cũng sẽ không dễ dàng chấp nhận.
Lịch sử Giáo Hội và những kinh nghiệm của các tổ tiên chúng ta cho thấy thực tế này. Ông cố nội Henry Eyring của tôi đã khẩn thiết cầu nguyện để biết điều ông nên làm khi nghe thấy phúc âm được phục hồi đã được giảng dạy vào năm 1855. Câu trả lời đã đến trong một giấc mơ.
Ông mơ thấy mình đang ngồi cùng bàn với Anh Cả Erastus Snow thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ và với một anh cả tên là William Brown. Anh Cả Snow giảng dạy các nguyên tắc của phúc âm dường như là một tiếng đồng hồ. Rồi Anh Cả Snow nói: “Trong danh của Chúa Giê Su Ky Tô, tôi truyền lệnh cho anh phải chịu phép báp têm và người này [Anh Cả Brown] … sẽ làm phép báp têm cho anh.”1 Gia đình tôi biết ơn Henry Eyring đã có đức tin và lòng khiêm nhường để chịu phép báp têm vào lúc 7 giờ 30 sáng trong một hồ nước mưa ở St. Louis, Missouri, Hoa Kỳ, do Anh Cả Brown thực hiện.
Sự đáp ứng cho lời cầu nguyện của ông không đến bằng một tiếng nói rõ ràng từ Chúa. Sự đáp ứng ấy đến trong một khải tượng và giấc mơ vào ban đêm, như nó đã đến với Lê Hi (xin xem 1 Nê Phi 8:2).
Chúa đã dạy cho chúng ta biết rằng những sự đáp ứng cũng có thể đến như là cảm nghĩ nữa. Trong sách Giáo Lý và Giao Ước, Ngài đã dạy cho Oliver Cowdery rằng: “Này, ta sẽ nói trong trí của ngươi và trong tâm của ngươi bởi Đức Thánh Linh, là Đấng sẽ đến với ngươi và sẽ ngự trong tâm ngươi” (GLGƯ 8:2).
Và Ngài đã khuyến khích Oliver theo cách này: “Ta chẳng đã phán bình an cho tâm trí ngươi về vấn đề này rồi hay sao? Ngươi có thể nhận được bằng chứng nào lớn hơn ngoài bằng chứng từ Thượng Đế?” (GLGƯ 6:23).
Sách Giáo Lý và Giao Ước, lịch sử Giáo Hội, và lịch sử do Henry Eyring lưu giữ khi đi truyền giáo chỉ ngay sau khi chịu phép báp têm đã dạy cho tôi biết rằng những sự đáp ứng cũng có thể cảm nhận được như là những lời cảnh báo cũng như sự bình an.
Vào tháng Tư năm 1857, Anh Cả Parley P. Pratt thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã tham dự một đại hội ở nơi mà bây giờ là Oklahoma, Hoa Kỳ. Henry Eyring ghi lại rằng “tâm trí của Anh Cả Pratt tràn đầy những ý nghĩ chán chường … , không thể nào nhận thức được tương lai hoặc cách nào để trốn thoát.”2 Henry ghi lại tin buồn diễn ra ngay sau đó về sự tuẫn đạo của Vị Sứ Đồ. Anh Cả Pratt đã tiến bước trong cuộc hành trình của mình bất chấp những cảm giác nguy hiểm, cũng giống như Tiên Tri Joseph Smith đã làm khi đi đến Carthage.
Đây là lời chứng của tôi rằng Chúa luôn luôn đáp ứng cho lời cầu nguyện khiêm nhường với đức tin. Sách Giáo Lý và Giao Ước và kinh nghiệm cá nhân của chúng ta dạy chúng ta biết cách nhận ra và chấp nhận những sự đáp ứng đó trong đức tin, cho dù đó là sự hướng dẫn, sự xác nhận về lẽ thật hoặc một lời cảnh báo. Tôi cầu nguyện rằng chúng ta sẽ luôn luôn lắng nghe và nhận ra tiếng nói nhân từ của Chúa