Podcast: Play in new window | Embed
Thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô
Tôi mời anh chị em hãy siêng năng tìm hiểu và biết ơn về tầm quan trọng vĩnh cửu của các giao ước đền thờ, các giáo lễ đền thờ và sự thờ phượng trong đền thờ khi anh chị em cố gắng đến cùng Đấng Cứu Rỗi.
Công việc của Thượng Đế và sự vinh quang của Ngài là “mang lại sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu cho loài người” (Môi Se 1:39)—để chuẩn bị cho chúng ta sống “theo một cách thức cao quý hơn và thánh thiện hơn”1 để chúng ta có thể trở lại nơi hiện diện của Ngài.
Trong tấm lòng thương xót vô hạn và vĩnh cửu của Ngài, Chúa, qua các vị tiên tri và các sứ đồ của Ngài, đã liên tục mời gọi các con trai và con gái của Ngài chuẩn bị cho sự giáng lâm của Ngài và trở thành một dân Si Ôn—sẵn sàng được cất lên để gặp Ngài (xem An Ma 12:24; 34:32; Giáo Lý và Giao Ước 45:45; 65:5; 88:96–97). Và trọng tâm cho sự chuẩn bị đó luôn luôn là học hỏi giáo lý của Chúa Giê Su Ky Tô, thực hành đức tin nơi Ngài, hối cải, và tiếp nhận các giao ước và giáo lễ thiêng liêng.
Các ví dụ trong Kinh Cựu Ước về lời mời gọi của Thượng Đế dành cho con cái của Ngài để chuẩn bị sống theo một luật pháp cao hơn và tiếp nhận các giao ước và giáo lễ cứu rỗi là nhằm để giảng dạy cho chúng ta ngày nay.
Trong Xuất Ê Díp Tô Ký, Thượng Đế đã khuyến khích dân Y Sơ Ra Ên trở thành “thuộc riêng về Ngài” và tự thánh hóa để chuẩn bị gặp Ngài (xin xem Xuất Ê Díp Tô Ký 19:4–6, 10–11, 17). Giê Hô Va ban cho Y Sơ Ra Ên “bảng đá, luật pháp và các điều răn” (Xuất Ê Díp Tô Ký 24:12), và họ đã giao ước với Thượng Đế rằng: “Chúng tôi xin làm mọi việc Đức Giê Hô Va đã phán dặn” (Xuất Ê Díp Tô Ký 19:8; xin xem thêm 24:3). Chúa đã hứa nếu họ tuân theo các giao ước của họ thì Ngài sẽ ngự ở giữa họ (xin xem Xuất Ê Díp Tô Ký 29:45–46). Tuy nhiên, khi dân Y Sơ Ra Ên chứng kiến “sự vinh quang của Giê Hô Va” (Xuất Ê Díp Tô Ký 24:16) trên Núi Si Nai, họ sợ hãi, đứng từ xa và cuối cùng nổi loạn chống lại Thượng Đế (xin xem Xuất Ê Díp Tô Ký 20:18–21; 32:1–6).
Một ví dụ thứ hai trong Kinh Cựu Ước là về Vua Sa Lô Môn xây cất một ngôi nhà cho Chúa (xin xem 1 Các Vua 6:11–13). Hòm giao ước và các bình thánh khác được đặt ở “nơi chí thánh” (1 Các Vua 8:6), và “sự vinh quang của Đức Giê Hô Va đầy dẫy đền của Đức Giê Hô Va” (1 Các Vua 8:11). Sa Lô Môn đã dâng một lời cầu nguyện cung hiến và cầu xin những phước lành về vật chất và thuộc linh ban cho dân Y Sơ Ra Ên biết hối cải và thành tâm. Chúa đã nghe lời cầu xin khẩn khoản của họ và hứa ban cho dân Y Sơ Ra Ên những phước lành lớn lao nếu họ vâng lời. Tuy nhiên, dân Y Sơ Ra Ên bỏ Chúa và thờ các thần giả. (Xin xem 1 Các Vua 9–11.)
Các vị tiên tri khác trong Kinh Cựu Ước đã tìm cách siêng năng giảng dạy và làm dân Y Sơ Ra Ên nên thánh để “họ có thể trông thấy mặt của Thượng Đế; nhưng họ đã cứng lòng và không thể chịu đựng nổi sự hiện diện của Ngài” (Giáo Lý và Giao Ước 84:23–24).
Con cái của Y Sơ Ra Ên đã nhiều lần không tin, sợ hãi hoặc không muốn thay đổi; mong muốn một con đường dễ dàng hơn; để tâm vào vật chất thế gian; hoặc sẵn sàng nổi loạn chống lại Chúa và các vị tiên tri của Ngài. Mỗi khi dân Y Sơ Ra Ên quay lưng lại với Thượng Đế và từ bỏ các giao ước và giáo lễ của họ, thì “sự tức giận của Ngài đã phừng lên chống lại họ” (Giáo Lý và Giao Ước 84:24), và họ không thể nhận được vinh quang trọn vẹn của Ngài.
Mục Đích Thiêng Liêng của Sự Quy Tụ
Các nỗ lực của Chúa để quy tụ dân Ngài và ban phước cho họ qua các giao ước và giáo lễ đền thờ cũng được thuật lại trong Kinh Tân Ước và Sách Mặc Môn. Đấng Cứu Rỗi than: “Bao nhiêu lần ta muốn nhóm họp các con ngươi như gà mái túc con mình lại ấp trong cánh, mà các ngươi chẳng khứng!” (Ma Thi Ơ 23:37; xin xem thêm 3 Nê Phi 10:4–6).
Tiên Tri Joseph Smith giải thích: “Mục tiêu quy tụ … dân của Thượng Đế trong bất cứ thời đại nào của thế gian là gì? … Mục tiêu chính yếu là xây cất cho Chúa một ngôi nhà mà nơi đó Ngài có thể mặc khải cho dân Ngài các giáo lễ của nhà Ngài và các vinh quang của vương quốc Ngài, cùng giảng dạy con người về con đường cứu rỗi … để họ có thể … nhận được những điều mặc khải từ thiên thượng, và được hoàn thiện trong những sự việc của vương quốc của Thượng Đế—nhưng họ lại không chịu.”2
Chúa mong muốn quy tụ con cái của Ngài trong gian kỳ này và đã mặc khải “những điều đã bị che giấu trước khi thế gian được tạo dựng, … tất cả những việc liên quan đến ngôi nhà này, cùng chức tư tế của nó” (Giáo Lý và Giao Ước 124:41–42). Ngài khuyến khích tất cả chúng ta nên chuẩn bị trở lại nơi hiện diện của Ngài—có thể thực hiện được nhờ sự hy sinh chuộc tội của Ngài: “Này, ý muốn của ta là tất cả những người nào biết kêu cầu đến danh ta, và thờ phượng ta theo phúc âm vĩnh viễn của ta, phải quy tụ lại với nhau và đứng vững tại những nơi thánh thiện” (Giáo Lý và Giao Ước 101:22).
Tại Sao Các Giáo Lễ Đền Thờ lại Quan Trọng Đến Vậy?
Đền thờ là nơi chí thánh trong số tất cả mọi nơi thờ phượng. Tất cả những gì học được và tất cả những gì được thực hiện trong các đền thờ ngày sau đều nhấn mạnh đến kế hoạch hạnh phúc vĩ đại của Cha Thiên Thượng, thiên tính của Chúa Giê Su Ky Tô và vai trò của Ngài là Đấng Cứu Rỗi của chúng ta. Các giao ước đã nhận được và các giáo lễ đã được thực hiện trong đền thờ đều là thiết yếu cho sự nên thánh của tấm lòng chúng ta và cho sự tôn cao tột bậc của các con trai và con gái của Thượng Đế.
“Và chức tư tế cao hơn này điều hành phúc âm và nắm giữ chìa khóa về những điều kín nhiệm của vương quốc, tức là chìa khóa của sự hiểu biết về Thượng Đế.
“Vậy nên, trong các giáo lễ thuộc chức tư tế này, quyền năng của sự tin kính được biểu hiện rõ rệt.
“Và nếu không có những giáo lễ thuộc chức tư tế này cùng thẩm quyền của chức tư tế, thì quyền năng của sự tin kính không được biểu hiện cho loài người trong thể xác biết được” (Giáo Lý và Giao Ước 84:19–21).
Các giáo lễ thiêng liêng mà được tiếp nhận một cách xứng đáng và luôn luôn được ghi nhớ sẽ mở ra các kênh thiên thượng mà qua đó quyền năng của sự tin kính có thể tuôn chảy vào cuộc sống chúng ta. Bằng cách tiếp nhận các giáo lễ của chức tư tế, lập và tuân giữ các giao ước thiêng liêng, chúng ta được kết nối với Đấng Cứu Rỗi (xin xem Ma Thi Ơ 11:28–30)3 và có thể được ban phước với sức mạnh vượt quá sức mạnh của chính chúng ta để khắc phục những cám dỗ và thử thách trên trần thế khi chúng ta chuẩn bị trở lại nơi hiện diện của Thượng Đế.
Các Phước Lành của Các Giao Ước và Giáo Lễ Đền Thờ
Hai trong số các phước lành quan trọng nhận được từ các giao ước và giáo lễ đền thờ là niềm vui và quyền năng luôn gia tăng.
Đấng Cứu Chuộc là nguồn gốc tột bậc và duy nhất của niềm vui lâu dài. Niềm vui đích thực đến từ việc thực hành đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô, xứng đáng tiếp nhận và trung thành tôn trọng các giao ước và các giáo lễ thiêng liêng cùng cố gắng trở nên hết lòng cải đạo theo Đấng Cứu Rỗi và các mục đích của Ngài.
An Ma đã dạy cho con trai mình rằng sự thánh thiện và niềm vui lớn lao hơn trong cuộc sống của chúng ta có thể thực hiện được khi chúng ta được thanh tẩy và được nên thánh qua Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Chỉ bằng cách có đức tin nơi Đấng Cứu Chuộc, hối cải, và tuân giữ các giao ước thì chúng ta mới có thể nhận được hạnh phúc lâu dài mà chúng ta đều mong muốn được cảm nhận và gìn giữ.4
Hãy lưu ý đến lời hứa về niềm vui từ Chủ Tịch Russell M. Nelson: “Chúng ta mời tất cả các con cái của Thượng Đế ở cả hai bên bức màn che đến cùng Đấng Cứu Rỗi của họ, tiếp nhận các phước lành của đền thờ thánh, có được niềm vui lâu dài và hội đủ điều kiện cho cuộc sống vĩnh cửu.”5
Trong thời kỳ của chúng ta khi quyền lực của bóng tối hoành hành “đe dọa hủy diệt sự bình an của chúng ta,”6 quyền năng bảo vệ dành sẵn cho mỗi chúng ta trong và qua các giao ước và giáo lễ đền thờ (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 38:32; 43:16; 76:39–42; 105:11–12, 33; 138:12–15). Nê Phi đã thấy trong khải tượng và “thấy quyền năng của Chiên Con của Thượng Đế giáng xuống … trên dân giao ước của Chúa, … và họ được trang bị bằng sự ngay chính và bằng quyền năng của Thượng Đế trong vinh quang vĩ đại” (1 Nê Phi 14:14).
Trong lời cầu nguyện cung hiến Đền Thờ Kirtland, Tiên Tri Joseph Smith đã thỉnh cầu Đức Chúa Cha để “những tôi tớ của Ngài khi ra khỏi ngôi nhà này được mang quyền năng của Ngài” và để “không một tập đoàn tà ác nào … đứng lên đánh thắng được dân Ngài, là những người được mang danh Ngài trong ngôi nhà này” (Giáo Lý và Giao Ước 109:22, 26).
Mỗi người chúng ta nên cố gắng tìm hiểu và hiểu rõ hơn về quyền năng bảo vệ của các giao ước và giáo lễ có sẵn trong nhà của Chúa—để chúng ta là môn đồ có thể “đứng vững tại những nơi thánh thiện, và … không bị lay chuyển” (Giáo Lý và Giao Ước 45:32) và “trong ngày khốn nạn, có thể cự địch lại” (Ê Phê Sô 6:13).
Lời Mời và Chứng Ngôn
Tôi mời anh chị em siêng năng tìm hiểu và biết ơn tầm quan trọng vĩnh cửu của các giao ước đền thờ, các giáo lễ đền thờ và sự thờ phượng trong đền thờ khi anh chị em cố gắng đến cùng Đấng Cứu Rỗi và nhận được các phước lành có thể có được qua Sự Chuộc Tội của Ngài. Và tôi hân hoan làm chứng rằng Thượng Đế Đức Chúa Cha và Con Trai Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, hằng sống và ước muốn tha thiết nhất của hai Ngài là chúng ta được trở lại nơi hiện diện của Ngài và dự phần vào vinh quang của hai Ngài (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 97:16; 101:38).