Podcast: Play in new window | Embed
Bài của Phumelele Mkhize, một tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô tại KwaZulu-Natal, Nam Phi
Con trai đầu lòng của chúng tôi chết non vào năm 2017. Chín tháng trước khi Đền Thờ Durban Nam Phi được làm lễ cung hiến vào năm 2020, đứa con trai thứ hai của chúng tôi cũng đã chết non.
Vào lúc đó, tôi cảm thấy giống như An Ne trong Kinh Cựu Ước. Tôi “lấy làm sầu khổ trong lòng, vừa cầu khẩn Đức Giê Hô Va, vừa tuôn tràn giọt lệ” (1 Sa Mu Ên 1:10).
Tôi cảm thấy bất lực và tức giận, và tôi đang đau đớn tột cùng. Tôi đã vật lộn về mặt cảm xúc, thể chất, và thuộc linh. Việc bám vào thanh sắt cảm thấy giống như bám vào một sợi chỉ đang dần dần tuột khỏi tay tôi. Tôi đã thực sự bị thiêu đốt trong “lò hoạn nạn” (Ê Sai 48:10).
Tôi rất biết ơn rằng tôi đã nhận được sự giúp đỡ và sự chữa lành từ gia đình, thánh thư, và lời cầu nguyện. Tôi cũng nhận được sự giúp đỡ từ các cố vấn. Tuy nhiên, đỉnh điểm của sự chữa lành của tôi lại đến trong đền thờ.
Khi bắt đầu phục vụ trong đền thờ, tôi bắt đầu được tràn đầy ánh sáng mà càng ngày càng sáng hơn. Ở đó tôi cảm thấy như ở nhà. Tôi cũng cảm thấy một sự bảo đảm chắc chắn rằng Chúa yêu thương tôi và lưu tâm đến những khó khăn của tôi.
Khi tiếp tục phục vụ trong nhà của Chúa, tôi bắt đầu nhìn những cái tên của tổ tiên tôi theo một cách khác. Chúng không chỉ là những cái tên. Ví dụ, tôi nhận ra rằng một người tổ tiên là một người con gái, một người mẹ, một người bà, một người dì, một người chị, một đứa cháu gái. Sự qua đời của bà chắc hẳn rất khó khăn đối với những người thân còn sống. Nhưng các phước lành được ban cho người tổ tiên này trong đền thờ qua các giáo lễ thiêng liêng làm thay tạo thành một niềm vui lớn lao và tuyệt vời vượt qua bất cứ nỗi đau đớn nào mà những người thân còn sống của bà có thể đã cảm thấy khi bà qua đời.
Sự hiểu biết này đã ban phước cho tôi khi tôi nghĩ về các con trai yêu quý của chúng tôi, tính chất vĩnh cửu của linh hồn chúng tôi, và kế hoạch cứu rỗi của Cha Thiên Thượng. Việc mất hai đứa con trai thúc giục tôi làm hết sức mình để sống theo phúc âm.
Có những ngày còn khó khăn hơn những ngày khác. Nhưng việc giữ những lời hứa giao ước của tôi làm cho những ngày đó dễ dàng hơn.
Để mượn lời của Chủ Tịch Russell M. Nelson: “Chúng tôi nhớ [các con trai] của mình rất nhiều. Tuy nhiên, nhờ vào phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô nên chúng tôi không lo lắng về [chúng]. Khi tiếp tục tôn trọng các giao ước của mình với Thượng Đế, chúng tôi sống trong hy vọng về việc chúng tôi sẽ được ở bên [chúng] một lần nữa.”1