Podcast số 211 – Buổi Họp Đặc Biệt Giáng Sinh 2021 – Phước Thay cho Những Người Hòa Giải – W. Mark Bassett

Bài của Anh Cả W. Mark Bassett thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô

Một lần nữa, Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn yêu dấu của chúng ta đã mời chúng ta đến cùng với nhau khi chúng ta bắt đầu kỷ niệm Lễ Giáng Sinh. Mặc dù các truyền thống và phong tục của chúng ta ở mỗi quốc gia đều khác nhau, nhưng chúng ta đều biết ơn và được phước để được hợp nhất—cùng thờ phượng một Đấng Cứu Rỗi Chúa Giê Su Ky Tô và kỷ niệm sự giáng sinh của Ngài cách đây hơn hai thiên niên kỷ.

Một truyền thống ưa thích trong gia đình Bassett, cũng như trong nhiều gia đình của anh chị em, là diễn lại câu chuyện Chúa giáng sinh. Đối với chúng tôi, việc đọc những câu chuyện trong Ê Sai, Lu Ca, Ma Thi Ơ, Nê Phi, và Mặc Môn, kèm theo những bài thánh ca Giáng Sinh, và được làm sống động với phần trình diễn trực tiếp đóng vai Ma Ri, Giô Sép, và hài đồng Giê Su, đã truyền cảm hứng và tràn đầy Thánh Linh—nhưng không phải lúc nào cũng được như vậy.

Ví dụ, vào một đêm Trước Lễ Giáng Sinh, đàn cừu là bọn trẻ nhà chúng tôi, bỗng dưng trở thành một dàn đồng ca những đứa trẻ khóc la. Tiếng gào khóc của chúng nhanh chóng kéo theo những đứa trẻ đóng vai người chăn cừu và các thiên sứ, cả đứa bé đóng vai hài đồng Giê Su cũng òa khóc theo. Năm kế tiếp, chúng tôi không có đàn cừu nữa. Không một ai dám đóng vai con cừu vì sợ rằng bởi lý do nào đó, đàn cừu lại là nguyên nhân gây ra nỗi sợ hãi và tiếng khóc gào thảm thiết. Một năm khác, mấy đứa trẻ đóng vai người chăn cừu lại hóa thành những thanh gươm ánh sáng, còn năm khác thì không một ai muốn làm nhà Thông Thái hay thiên sứ, thay vào đó lại khăng khăng muốn mặc trang phục từ lễ Halloween giả làm khủng long và cá heo. Nhưng có lẽ lần diễn lại đáng nhớ nhất của chúng tôi là khi chính đứa bé sơ sinh bị ngã từ máng cỏ ở quá cao và rất bấp bênh, đứa bé lao thẳng xuống phía lò sưởi bằng đá, vừa lúc tôi đỡ được nó cách sàn nhà có vài centimét. Tôi sẽ nhận hết công lao cho cú đỡ đó, mặc dù cú ngã nhào đó cũng hoàn toàn là lỗi của tôi.

Đêm thanh bình ư? Tất cả đều tốt đẹp ư? Có lẽ tốt hơn là nên gọi những màn trình diễn cảnh Chúa giáng sinh của chúng tôi là “Cảnh Hỗn Loạn trong Máng Cỏ.” Tôi phải thừa nhận rằng cứ mỗi Giáng Sinh, tôi thường tự hỏi liệu chúng tôi có nên thử một truyền thống Giáng Sinh mà thực sự mời gọi sự bình an không?

Sự bình an—trạng thái ngọt ngào và tràn đầy hy vọng đó mà chúng ta đều mong muốn, không những có vào mùa Giáng Sinh mà còn lúc nào cũng có. Tuy nhiên, trên khắp thế giới ngày nay, dường như càng ngày càng khó tìm thấy sự bình an. Khi học sách Giáo Lý và Giao Ước trong năm nay, tôi đã được nhắc nhở về một điều mặc khải miêu tả thời kỳ của chúng ta:

“Và vào ngày đó … toàn thể thế gian sẽ ở trong sự xáo động, và loài người sẽ mất can đảm.”1

Trong tình hình thế giới đầy xáo động hiện nay, thì sự bình an lớn lao hơn mà cả thế giới mong muốn này, có thể được tìm thấy ở đâu?

Chủ Tịch Russell M. Nelson đã tuyên bố:

“Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô chính xác là điều được cần đến trong một thế giới hoang mang, đầy tranh cãi và mệt mỏi.

“Mỗi con cái của Thượng Đế đều xứng đáng có cơ hội để nghe và chấp nhận sứ điệp chữa lành và cứu chuộc của Chúa Giê Su Ky Tô. Không có sứ điệp nào khác quan trọng hơn đối với hạnh phúc của chúng ta—bây giờ và vĩnh viễn.2

Sứ điệp của Sự Phục Hồi  sứ điệp Giáng Sinh. Ánh sáng của ngôi sao chỉ đường cho những người chăn chiên đến với hài đồng trong máng cỏ cũng tương tự như luồng ánh sáng phủ lên Joseph—cả hai đều đến trước khi tin lành vui mừng lớn lao loan báo cho thế gian về Đấng Ky Tô.

Sứ điệp của Ê Sai cho thế giới hỗn loạn của chúng ta vẫn là: “Vì có một con trẻ sanh cho chúng ta, tức là một con trai ban cho chúng ta; quyền cai trị sẽ nấy trên vai Ngài. Ngài sẽ được xưng là Đấng Lạ lùng, là Đấng Mưu luận, là Đức Chúa Trời Quyền năng, là Cha Đời đời, là Chúa Bình an.”3

Một trong những tôn danh được trân quý nhất của Chúa và Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô, là ‘[Hoàng Tử] Bình An’ [Ê Sai 9:5]. … Vương quốc của Ngài sẽ được thiết lập cùng với sự bình an và tình yêu thương.4

Khi chúng ta đọc trong Lu Ca năm nay, tôi hy vọng anh chị em sẽ cân nhắc những lời của “muôn vàn thiên binh với thiên sứ đó ngợi khen Đức Chúa Trời,” khi họ nói “Sáng danh Chúa trên các tầng trời rất cao, bình an dưới đất, ân trạch cho loài người.”5 Tôi đã suy ngẫm những lời này và cho rằng có thể là thích hợp đối với chúng ta để xem những lời này là một lời tuyên bố rằng “Giờ đã có Sự Bình An trên thế gian.” “Sự bình an đã đến!” họ có thể đã reo lên. Vì, thực sự là vào buổi tối hôm ấy trong chuồng gia súc đó, chính là “Hoàng Tử Bình An” đã xuống thế gian.

Vào ngày Giáng Sinh đầu tiên đó, các thiên sứ đã rao truyền rằng sự bình an đã đến. Trước họ, Gia Cốp đã tuyên bố: “Chúng tôi đã biết về Đấng Ky Tô, và chúng tôi đã từng hy vọng trông đợi vinh quang của Ngài hằng bao thế kỷ trước khi Ngài đến; và không phải chỉ riêng chúng tôi mới có niềm hy vọng về vinh quang của Ngài, mà trước chúng tôi, tất cả các thánh tiên tri cũng vậy.”6

Một lần nữa, Ê Sai đã tiên tri về thời kỳ của chúng ta, khi ông viết “Những kẻ đem tin tốt, rao sự bình an, … chân của những kẻ ấy [hoặc họ] trên các núi xinh đẹp là dường nào.”7

Vậy thì, những người xinh đẹp rao sự bình an này là ai? Đấng Cứu Rỗi đã tuyên phán cùng các môn đồ Ngài ở Ga Li Lê và cả ở xứ Phong Phú rằng “Phước cho những kẻ làm cho người hòa thuận, vì sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời.”8

Thêm vào đó, Vua Bên Gia Min đã dạy: “Và giờ đây, nhờ giao ước mà các người đã lập, các người sẽ được gọi là con cái của Đấng Ky Tô, các con trai và con gái của Ngài; vì này, hôm nay, Ngài đã sinh ra các người theo thể thuộc linh; vì các người có nói rằng, lòng các người đã thay đổi nhờ có đức tin nơi danh Ngài; vậy nên các người được Ngài sinh ra và đã trở thành các con trai và con gái của Ngài.”9

Anh chị em và tôi là các con cái giao ước của Chúa Giê Su Ky Tô, là mỗi người con của Ngài. Xin nhớ rằng, Ngài đã tuyên phán rằng những kẻ giải hòa đều được gọi là con của Thượng Đế. Do đó chúng ta—các con cái của Thượng Đế—phải  những người giải hòa. Đây là bổn phận giao ước của chúng ta. Anh chị em và tôi làm nên sự khác biệt trong thế giới hỗn loạn ngày nay khi chúng ta cố gắng làm người giải hòa—trong gia đình, trong giáo đoàn, cộng đồng của mình, thậm chí cả trên khắp thế giới, bởi lòng tốt của chúng ta, bởi việc làm tốt lành, và bởi lời nói của chúng ta—trực tiếp cũng như trực tuyến. Chúng ta hãy trung tín “rao sự bình an” khi chúng ta làm chứng về Ngài, trong lời nói  hành động.

Một lần nữa, chúng ta đọc trong sách Lu Ca:

“Sau khi các thiên sứ lìa họ lên trời rồi, bọn chăn nói với nhau rằng: Chúng ta hãy tới thành Bết Lê Hem, xem việc đã xảy đến mà Chúa cho chúng ta hay.

“Vậy, họ vội vàng đi đến đó, thấy Ma Ri, Giô Sép, và thấy con trẻ đang nằm trong máng cỏ.

“Đã thấy vậy, họ bèn thuật lại những lời thiên sứ nói về con trẻ đó.”10

Cũng như vậy, “chúng ta hãy tới” và “thuật lại” sứ điệp về sự bình an “nói về con trẻ đó.” Đây là sứ điệp mà những người truyền giáo của chúng ta giảng dạy cho người thân và bạn bè chúng ta: đây là sứ điệp sống động mà những người truyền giáo phục vụ chia sẻ khi họ phục vụ như Đấng Cứu Rỗi sẽ làm. Đây là sứ điệp mà chúng ta tuyên bố khi chúng ta yêu thương, chia sẻ, và mời gọi những người xung quanh mình dự phần vào niềm hy vọng và sự bình an được tìm thấy trong tin lành về Chúa Giê Su Ky Tô.

Trở lại màn diễn lại câu chuyện Giáng Sinh của gia đình Bassett mà chúng tôi cố gắng thực hiện nhưng đầy hỗn loạn vào mỗi dịp lễ Giáng Sinh—tại sao chúng tôi vẫn kiên quyết tiếp tục giữ truyền thống này, khuyến khích con cháu chúng tôi diễn lại cho chúng tôi cái đêm tuyệt đẹp đặc biệt đó, khi các thiên sứ hiện đến với tin lành về sự vui mừng lớn lao?

Câu trả lời thật đơn giản và thú vị: “Chúng tôi nói về Đấng Ky Tô, chúng tôi hoan hỷ về Đấng Ky Tô, chúng tôi thuyết giảng về Đấng Ky Tô, chúng tôi tiên tri về Đấng Ky Tô, và chúng tôi viết theo những điều tiên tri của chúng tôi, để cho con cháu chúng ta có thể hiểu được nguồn gốc nào mà chúng có thể tìm kiếm được sự xá miễn các tội lỗi của chúng.”11

Vâng, chúng ta thấy rằng toàn thể thế gian sẽ ở trong sự xáo động và loài người sẽ mất can đảm. Tuy nhiên, bất kể những thử thách, khi đối phó với sự chống đối, và giữa sự xáo động, chúng ta hãy kiên trì trong việc rao truyền sự bình an, vào mùa lễ này và lúc nào cũng vậy, trong khi chúng ta tự chuẩn bị mình và tất cả mọi người xung quanh chúng ta cho sự trở lại tuyệt vời của Hoàng Tử Bình An, chính là Chúa, Đấng Cứu Rỗi, và Đấng Cứu Chuộc, Chúa Giê Su Ky Tô. Để lặp lại lời của Chủ Tịch Nelson: “Mỗi con cái của Thượng Đế đều xứng đáng có cơ hội để nghe và chấp nhận sứ điệp về sự chữa lành và sự cứu chuộc của Chúa Giê Su Ky Tô.”

Cầu xin cho chúng ta là những người rao truyền sự bình an khi chúng ta kỷ niệm sự giáng sinh, cuộc đời, và sứ mệnh của Đấng Cứu Rỗi của chúng ta vào mùa Giáng Sinh này và luôn luôn, là lời cầu nguyện của tôi, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.