Podcast số 81 – Buổi Họp Đặc Biệt Giáng Sinh 2012 – Người Nhận Tử Tế và Biết Ơn – Dieter F. Uchtdorf

Bài của Anh Cả Dieter F. Uchtdorf

Thuộc nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ

Thật là một thời gian tuyệt vời trong năm. Khi nghe tiếng nhạc tuyệt diệu, thấy các ngọn đèn, và cảm thấy cái lạnh của thời tiết, thì tôi nhớ lại rất rõ nhiều dịp trong suốt cuộc đời tôi khi tinh thần Giáng sinh đã sưởi ấm lòng tôi và nâng cao tâm hồn tôi.

Giống như nhiều anh chị em, tôi thấy rằng một số những kỷ niệm Giáng Sinh trìu mến và sống động nhất là từ thời thơ ấu của tôi. Mặc dù tôi lớn lên trong những hoàn cảnh khá nghèo khổ, nhưng cha mẹ tôi muốn Giáng Sinh phải là thời gian vui vẻ và tuyệt diệu cho con cái của họ. Họ dành ra nhiều nỗ lực để làm cho Giáng Sinh thành một thời gian đặc biệt cho gia đình chúng tôi.

Là con cái, chúng tôi làm quà tặng cho nhau. Một năm nọ, tôi nhớ đã vẽ hình để làm quà Giáng Sinh cho chị tôi. Tấm hình đó chắc hẳn không phải là một tác phẩm nghệ thuật, nhưng chị tôi đã xem nó như là một vật quý báu. Ôi tôi yêu thương chị tôi biết bao vì điều đó! Một năm khác, người anh lớn hơn tôi 12 tuổi đã tặng cho tôi một món quà quý báu. Anh ấy nhặt được một que củi trong công viên gần nhà chúng tôi và khắc nó thành một cây dao nhỏ đồ chơi. Cây dao đó thật đơn giản, không kiểu cọ gì cả, nhưng ôi, tôi trân quý món quà đó biết bao vì nó là quà tặng từ anh tôi!

Một trong những niềm vui của mùa Giáng Sinh không phải là thấy gương mặt đầy phấn khởi của trẻ em khi chúng cầm trong tay gói quà chỉ dành riêng cho chúng sao?

Tuy nhiên, khi chúng ta lớn tuổi hơn, khả năng của chúng ta để nhận quà với cùng một lòng nhiệt tình và chân thật giống như vậy dường như giảm bớt. Đôi khi, người ta còn cảm thấy ngượng ngùng hoặc cảm thấy mang ơn người tặng quà, thậm chí cả một lời khen. Họ lầm tưởng rằng cách duy nhất có thể chấp nhận được để đáp ứng việc nhận quà là bằng cách tặng lại một vật gì đó có giá trị lớn hơn. Những người khác hoàn toàn không thấy ý nghĩa của một món quà—vì chỉ tập trung vào bề ngoài hay giá trị của món quà và bỏ qua ý nghĩa sâu xa của món quà mà người tặng đã chân thành tặng cho.

Điều này nhắc tôi nhớ đến một sự kiện xảy ra trong đêm cuối cùng của cuộc sống của Đấng Cứu Rỗi. Ngài quy tụ các môn đồ yêu dấu của Ngài lại quanh Ngài, bẻ bánh với họ, và đưa ra cho họ những lời chỉ dẫn quý báu cuối cùng. Các anh chị em còn nhớ là trong khi đang ăn, Chúa Giê Su đứng dậy, đổ nước vào một cái chậu, và bắt đầu rửa chân cho các môn đồ của Ngài không?

Khi Ngài đến bên Si Môn Phi E Rơ, thì người đánh cá này từ chối và nói rằng: “Chúa sẽ chẳng rửa chân tôi bao giờ.” Đấng Cứu Rỗi dịu dàng sửa sai ông: “Nếu ta không rửa cho ngươi, ngươi chẳng có phần chi với ta hết.”1

Tôi chắc chắn rằng Phi E Rơ nghĩ là ông có lý do cao quý để từ chối sự phục vụ này và cảm thấy rằng ông đã làm điều đúng. Nhưng vào lúc đó, ông đã không hiểu rõ ý nghĩa thuộc linh về điều Chúa Giê Su đang làm cho ông.

Vào thời gian Giáng Sinh, chúng ta nói rất nhiều về việc ban phát, và chúng ta đều biết rằng “Ban cho thì có phước hơn là nhận lãnh,”2 nhưng tôi tự hỏi nếu đôi khi chúng ta xem thường hoặc thậm chí còn không đếm xỉa đến tầm quan trọng của việc làm người được nhận quà.

Vào một ngày Giáng Sinh cách đây nhiều năm, một bé gái nhận được một bộ dụng cụ làm chuỗi hạt rất đẹp. Cha của cô bé ấy đề nghị nó làm một vật gì đó cho một trong số những người họ hàng đến dự tiệc gia đình.

Gương mặt của cô bé đó trở nên rạng rỡ và nó bắt đầu sáng tạo vật mà nó nghĩ sẽ là một món quà hoàn hảo. Nó đã chọn một người mà nó muốn tặng vật đó— đó là một người cô lớn tuổi với gương mặt khắc khổ và tính tình khó chịu.

Cô bé đó nghĩ: “Có lẽ nếu tôi làm cho cô ấy một cái vòng đeo tay thì cô sẽ vui lắm.”

Vậy nên, nó cẩn thận chọn ra từng hạt một và cố gắng hết sức để làm một món quà đặc biệt cho cô của nó.

Cuối cùng, khi làm xong, nó đến gần người cô, đưa cho bà chiếc vòng đeo tay, và nói cho bà biết là nó đã thiết kế và làm chiếc vòng đó chỉ cho riêng bà mà thôi.

Mọi người trong phòng trở nên im lặng trong khi người cô cầm lấy chiếc vòng đeo tay với ngón tay và ngón cái của bà thể như bà đang cầm một xâu ốc sên nhầy nhụa. Bà nhìn món quà, nheo mắt lại và nhăn mũi, rồi bỏ chiếc vòng đeo tay lại vào tay của cô bé. Sau đó, bà quay lưng lại không hề nói một lời nào và bắt đầu nói chuyện với một người khác.

Cô bé đỏ mặt vì ngượng. Với nỗi thất vọng vô cùng, nó lặng lẽ bước ra khỏi phòng.

Cha mẹ nó cố gắng an ủi nó. Họ cố gắng giúp nó hiểu rằng chiếc vòng đeo tay rất đẹp—mặc dù phản ứng không tử tế của người cô của nó. Nhưng cô bé không thể nào vui được mỗi khi nghĩ tới kinh nghiệm này.

Nhiều thập niên trôi qua, và cô bé đó—giờ đây đã trở thành người cô—vẫn còn nhớ tới cái ngày đó với một chút buồn bã khi món quà nhỏ bé của mình bị từ chối.

Mỗi món quà được tặng cho chúng ta—nhất là món quà đến từ tấm lòng—là một cơ hội để xây đắp hay củng cố một mối ràng buộc yêu thương. Khi là những người nhận tử tế và biết ơn, thì chúng ta đã làm cho mối quan hệ của mình với người cho quà có thể trở nên sâu đậm hơn. Nhưng khi không biết ơn hoặc còn từ chối một món quà thì chúng ta không những làm tổn thương người đã chia sẻ món quà với chúng ta mà trong một cách nào đó, chúng ta còn tự làm hại mình nữa.

Đấng Cứu Rỗi đã dạy rằng trừ khi chúng ta “không đổi lại và nên như đứa trẻ, thì [chúng ta] chẳng được vào nước thiên đàng đâu.”3

Khi nhìn thấy nỗi phấn khởi và thích thú của trẻ em vào thời gian này trong năm, có lẽ chúng ta có thể tự nhắc mình phải tái khám phá và phục hồi một thuộc tính quý báu và vinh quang của trẻ em—khả năng nhận quà một cách nhã nhặn và với lòng biết ơn.

Cũng chẳng có gì lạ, Đấng Cứu Rỗi là tấm gương hoàn hảo đối với chúng ta không những về lòng ban phát rộng rãi mà còn nhận một cách nhã nhặn nữa. Khi Ngài đang ở Bê Tha Ni, gần cuối giáo vụ trên trần thế của Ngài, một người đàn bà đến gần Ngài với một cái bình bằng ngọc đựng dầu rất hiếm và đắt tiền. Bà đã được phép xức dầu trên đầu Ngài với món quà quý báu này.

Một số người thấy sự kiện này thì nổi giận. Họ nói: ″Thật là phí tiền.″ Dầu đó rất là đắt tiền. Dầu đó có thể bán lấy tiền bố thí cho người nghèo. Họ chỉ thấy giá trị vật chất của món quà và hoàn toàn không thấy ý nghĩa thuộc linh lớn lao hơn nhiều.

Nhưng Đấng Cứu Rỗi hiểu biểu tượng và sự biểu lộ tình yêu mến trong món quà ấy, và Ngài đã nhận món quà đó một cách nhã nhặn.

Ngài phán cùng những người than vãn kêu ca: “Hãy để mặc người; sao các ngươi làm rầy người mà chi? … Người đã làm điều mình có thể làm được, đã xức xác cho ta trước để chôn.”4

Thưa các anh chị em, các bạn thân mến, chúng ta là loại người nhận nào? Chúng ta có giống như Đấng Cứu Rỗi nhận ra các món quà là cách bày tỏ tình thương yêu không?

Trong thời kỳ chúng ta, Đấng Cứu Rỗi đã phán rằng những người “nào tiếp nhận mọi điều với lòng biết ơn thì sẽ được làm vinh quang,”5 và ″trọn thế gian này là của [họ].”6

Tôi hy vọng rằng Giáng Sinh này và mỗi ngày trong năm chúng ta sẽ quan tâm đặc biệt tới nhiều món quà mà chúng ta được Cha Thiên Thượng nhân từ ban cho. Tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ nhận được những món quà này với lòng thán phục, biết ơn và phấn khởi của một đứa trẻ.

Lòng tôi xúc động và ấm áp khi tôi nghĩ với những món quà mà Cha Thiên Thượng nhân từ, nhân hậu và rộng lượng đã ban cho chúng ta: ân tứ Đức Thánh Linh không xiết kể, phép lạ của sự tha thứ, sự mặc khải và hướng dẫn cá nhân, sự bình an của Đấng Cứu Rỗi, sự chắc chắn và an ủi rằng cái chết đã bị chế ngự—và còn nhiều nữa.

Quan trọng hơn hết, Thượng Đế đã ban cho chúng ta món quà về Con Trai Độc Sinh của Ngài, là Đấng đã hy sinh mạng sống “hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.”7

Chúng ta có nhận các món quà này với lòng biết ơn khiêm nhường, với niềm vui không? Hoặc chúng ta chối bỏ các món quà này vì tính kiêu ngạo hay vì một ý nghĩ sai lầm là chúng ta độc lập khỏi Chúa? Chúng ta có cảm nhận tình yêu thương của Đức Chúa Cha được cho thấy trong các món quà này không? Chúng ta có nhận các món quà này trong một cách làm gia tăng mối quan hệ của chúng ta với Đấng Ban Cho kỳ diệu, thiêng liêng này không? Hay là chúng ta bị xao lãng đến nỗi không thấy điều Thượng Đế ban cho chúng ta mỗi một ngày?

Chúng ta biết rằng “Đức Chúa Trời yêu kẻ thí của cách vui lòng,”8 nhưng Ngài cũng không yêu thương người nhận tốt bụng, biết ơn và vui vẻ sao?

“Vì nó có ích lợi gì cho một người nếu một ân tứ được ban cho kẻ đó, và kẻ đó không chấp nhận ân tứ ấy? Này, kẻ đó không vui sướng với điều được ban cho và cũng chẳng vui với Đấng ban ân tứ cho mình.”9

Cho dù đã trải qua 9 mùa Giáng Sinh hay 90 mùa Giáng Sinh, thì chúng ta cũng vẫn là trẻ con—chúng ta đều là con cái của Cha Thiên Thượng.

Do đó, chúng ta có thể trải qua mùa Giáng Sinh này với lòng thán phục và kinh ngạc của một đứa trẻ. Chúng ta có thể nói: “Tim tôi tràn trề niềm vui sướng, và tôi sẽ hoan hỷ trong Thượng Đế của tôi”10—Đấng ban cho tất cả mọi ân tứ tốt lành.

Tôi cùng với các anh chị em và với tất cả những người mong muốn noi theo Đấng Ky Tô hiền lành cất tiếng ngợi khen Thượng Đế đầy quyền năng của chúng ta về món quà quý báu là Vị Nam Tử của Ngài.

Mùa Giáng Sinh này và mãi mãi, tôi cầu nguyện rằng chúng ta sẽ thấy được món quà tuyệt diệu về sự giáng sinh của Vị Nam Tử của Thượng Đế qua cái nhìn thanh khiết của một đứa trẻ. Tôi cầu nguyện rằng ngoài việc ban tặng những món quà tốt đẹp, chúng ta sẽ còn cố gắng để trở thành những người nhận tử tế và đầy lòng biết ơn. Khi làm như vậy, tinh thần của mùa lễ này sẽ mở rộng tấm lòng chúng ta và gia tăng niềm vui vô hạn. Trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.