Podcast: Play in new window | Embed
Thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ
Chính là kinh nghiệm chịu đựng sự sửa phạt mới có thể cải tiến và chuẩn bị chúng ta cho những đặc ân thuộc linh lớn lao hơn.
Cha Thiên Thượng là Thượng Đế với nhiều kỳ vọng nơi chúng ta. Những kỳ vọng của Ngài nơi chúng ta được Vị Nam Tử của Ngài là Chúa Giê Su Ky Tô bày tỏ bằng những lời này: “Ta muốn các ngươi phải được toàn hảo như ta, hay như Cha các ngươi trên trời là toàn hảo vậy” (3 Nê Phi 12:48). Ngài dự định làm cho chúng ta được thánh thiện để chúng ta có thể “đương nổi vinh quang thượng thiên” (GLGƯ 88:22) và “ở nơi hiện diện của Ngài” (Môi Se 6:57). Ngài biết điều gì cần thiết, vậy nên Ngài ban cho các giáo lệnh và giao ước của Ngài, ân tứ Đức Thánh Linh và quan trọng hơn hết, là Sự Chuộc Tội và Sự Phục Sinh của Con Trai Yêu Dấu của Ngài để làm cho chúng ta có thể thay đổi được.
Trong tất cả điều này, mục đích của Thượng Đế là chúng ta, con cái của Ngài, có thể kinh nghiệm được niềm vui tột bực, được ở với Ngài vĩnh viễn và trở thành giống như Ngài vậy. Cách đây vài năm, Anh Cả Dallin H. Oaks giải thích: “Sự Phán Xét Cuối Cùng không phải chỉ để đánh giá tất cả những hành động tốt và xấu những điều chúng ta đã làm, mà là việc nhìn nhận kết quả cuối cùng trong hành động và ý nghĩ của chúng ta—là con người chúng ta đã trở thành.Một người nào đó chỉ hành động thôi nhưng không thành tâm, thì không đủ. Các giáo lệnh, giáo lễ và giao ước của phúc âm không phải là bản liệt kê những ngân quỹ cần có trong một tài khoản nào đó ở thiên thượng. Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô là kế hoạch cho chúng ta thấy cách trở thành con người mà Cha Thiên Thượng mong muốn.”1
Đáng buồn thay, hầu hết các Ky Tô giáo thời cận đại không nhìn nhận rằng Thượng Đế đưa ra những đòi hỏi thật sự cho những người tin ở Ngài, thay vì thế, họ xem Ngài như là tôi tớ “sẽ đáp ứng nhu cầu của họ khi được gọi đến” hoặc một nhà trị liệu có vai trò giúp người khác “thấy hài lòng về bản thân họ.”2 Đó là một quan điểm về tôn giáo “không nhằm thay đổi con nguời.”3 “Ngược lại,” có một nhà văn nói rằng: “Thượng Đế được mô tả trong các thánh thư Hê Bơ Rơ lẫn Ky Tô giáo không những đòi hỏi sự cam kết, mà còn cả chính cuộc sống của chúng ta nữa. Thượng Đế trong Kinh Thánh quan tâm đến sự sống và cái chết, chứ không phải sự tế nhị, và đòi hỏi tình yêu thuơng có hy sinh chứ không phải tùy tiện, sao cũng được.”4
Tôi xin nói về một thái độ và lối thực hành đặc biệt mà chúng ta cần phải có nếu chúng ta muốn đáp ứng những kỳ vọng cao của Cha Thiên Thượng. Đây là: sẵn lòng chấp nhận và ngay cả tìm kiếm sự sửa đổi. Sự sửa đổi là thiết yếu nếu chúng ta làm cho cuộc sống của mình phù hợp với “bậc thành nhân, [đó là] được tầm thước vóc giạc trọn vẹn của Đấng Ky Tô” (Ê Phê Sô 4:13). Phao Lô đã nói về sự sửa đổi hoặc sửa phạt thiêng liêng: “Vì Chúa sửa phạt kẻ Ngài yêu” (Hê Bơ Rơ 12:6). Mặc dù thường rất khó để chịu đựng, nhưng thật sự chúng ta phải vui mừng vì Thượng Đế thấy đáng bỏ ra thời giờ và chịu nhiều phiền phức để sửa đổi chúng ta.
Sự sửa phạt thiêng liêng có ít nhất ba mục đích: (1) thuyết phục chúng ta phải hối cải, (2) cải tiến và thánh hóa chúng ta, và (3) đôi khi đổi hướng lộ trình của chúng ta trong cuộc sống thành lộ trình mà Thượng Đế biết là con đường tốt hơn.
Trước hết hãy cân nhắc sự hối cải, điều kiện cần thiết cho sự tha thứ và thanh tẩy. Chúa phán: “Phàm những kẻ ta yêu thì ta quở trách sửa phạt; vậy hãy có lòng sốt sắng, và ăn năn đi” (Khải Huyền 3:19). Ngài phán một lần nữa: “Và dân của ta cần phải được sửa phạt cho đến ngày nào họ biết tuân lời, nếu việc ấy cần phải xảy ra, qua những thống khổ mà họ phải gánh chịu.” (GLGƯ 105:6; xin xem thêm GLGƯ 1:27). Trong một điều mặc khải ngày sau, Chúa đã truyền lệnh cho bốn vị lãnh đạo cao cấp trong Giáo Hội phải hối cải (cũng như Ngài có thể truyền lệnh cho nhiều người chúng ta vậy) vì đã không dạy con cái một cách thích hợp “đúng theo các giáo lệnh” và đã không “siêng năng hơn và biết lo lắng hơn cho gia đình” (xin xem GLGƯ 93:41–50). Anh của Gia Rết trong Sách Mặc Môn đã hối cải khi Chúa đứng trong mây và nói chuyện với ông “trong ba tiếng đồng hồ…và khiển trách ông vì ông đã không nhớ khẩn cầu danh Chúa.” (Ê The 2:14). Vì sẵn lòng đáp ứng theo lời khiển trách nghiêm khắc này, nên về sau anh của Gia Rết được ban cho đặc ân để thấy và được Đấng Cứu Chuộc ở tiền dương thế chỉ dẫn (xin xem Ê The 3:6–20). Lời khiển trách của Thượng Đế đưa đến sự hối cải mà từ đó dẫn đến sự ngay chính (xin xem Hê Bơ Rơ 12:11).
Ngoài việc khuyến khích chúng ta hối cải, chính kinh nghiệm của việc chịu khiển trách có thể cải tiến và chuẩn bị cho chúng ta các đặc ân thuộc linh lớn lao hơn. Chúa phán: “Dân của ta phải được thử thách trong mọi việc, để họ có thể được chuẩn bị sẵn sàng tiếp nhận vinh quang mà ta dành sẵn cho họ, đó là vinh quang của Si Ôn; và ai không chịu sự sửa phạt thì không xứng đáng với vương quốc của ta” ( GLGƯ 136:31). Ở một nơi khác, Ngài phán: “Vì tất cả những kẻ nào không chịu sửa phạt mà trái lại chối bỏ ta, thì không thể được thánh hóa” (GLGƯ 101:5; xin xem thêm Hê Bơ Rơ 12:10). Như Anh CảPaul V. Johnson đã nói buổi sáng nay, chúng ta cần phải thận trọng đừng bực bội đối với chính những điều mà giúp mình khoác lên thiên tính.
Các tín đồ của An Ma đã thiết lập một cộng đồng Si Ôn ở Hê Lam, nhưng rồi bị bắt làm nô lệ. Họ không đáng bị đau khổ—mà đáng lẽ phải là ngược lại—nhưng biên sử chép rằng:
“Tuy nhiên, Chúa thấy cần phải sửa phạt dân Ngài; phải, Ngài thử lòng kiên nhẫn và đức tin của họ.
“Tuy nhiên–bất cứ kẻ nào đặt lòng tin cậy của mình nơi Ngài thì sẽ được nâng cao vào ngày sau cùng. Phải, và đối với dân này là như vậy” (Mô Si A 23:21–22).
Chúa đã củng cố họ và làm nhẹ gánh nặng của họ đến mức mà họ hầu như không cảm thấy gánh nặng đó trên lưng mình, và rồi cuối cùng Ngài giải thoát họ (xin xem Mô Si A 24:8–22). Đức tin của họ được kinh nghiệm của họ củng cố một cách vô hạn, và sau đó họ vĩnh viễn vui hưởng một mối quan hệ đặc biệt với Chúa.
Thượng Đế sử dụng một hình thức khiển trách hoặc sửa phạt khác để hướng dẫn chúng ta đến một tương lai mà chúng ta không hề biết hoặc bây giờ không thể hình dung được, nhưng Chúa biết đó là con đường tốt nhất cho chúng ta. Anh Cả Hugh B. Brown, cựu thành viên của Nhóm Túc Số Mười Hai và cố vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, đã chia sẻ một kinh nghiệm cá nhân. Cách đây nhiều năm, ông kể lại việc mua một nông trại xập xệ ở Canada. Trong khi dọn dẹp và sửa chữa bất động sản của mình, ông bắt gặp một bụi dâu cao gần hai mét và không có trái, nên ông cẩn thận tỉa xén nó đến mức chỉ còn trơ trọi mấy cái thân cây nhỏ. Rồi ông thấy một giọt nước giống như giọt lệ ở trên đỉnh của các thân cây nhỏ này thể như bụi dâu đang khóc và ông tưởng rằng ông nghe nó nói:
“Tại sao ông làm cho tôi ra nông nỗi này? Tôi đang phát triển tốt,…và giờ đây ông cắt cụt tôi đi. Mỗi cây trong vườn sẽ xem thường tôi… Tại sao ông làm cho tôi ra nông nỗi này? Tôi tưởng rằng ông là người làm vườn ở đây mà.”
Chủ Tịch Brown đáp: “Này, bụi dâu nhỏ kia, ta là người làm vườn ở đây, và ta biết ta muốn ngươi phải như thế nào. Ta không có ý định để cho ngươi thành một cây ăn trái hoặc cây cho bóng mát. Ta muốn ngươi là một bụi dâu, và hỡi bụi dâu nhỏ, một ngày nào đó, khi ngươi nặng trĩu trái, ngươi sẽ nói: ‘Cám ơn, Ông Làm Vườn, đã thương tôi nhiều đến mức cắt tôi cụt như vậy.’”
Nhiều năm sau, Chủ Tịch Brown là một sĩ quan cấp tá trong Quân Đội Canada phục vụ ở nước Anh. Khi vị sĩ quan chỉ huy bị tử thương, Chủ Tịch Brown là người kế nhiệm có thể sẽ được thăng cấp tướng, và ông được triệu về London. Nhưng mặc dù ông hoàn toàn có đủ điều kiện để được thăng cấp, ông đã bị từ chối vì ông là người Mặc Môn. Vị tướng chỉ huy chỉ nói rằng: “Anh xứng đáng để được bổ nhiệm, nhưng tôi không thể bổ nhiệm anh được.” Điều mà Chủ Tịch Brown đã mất 10 năm để hy vọng, cầu nguyện và chuẩn bị thì đã tuột mất khỏi tầm tay của ông trong giây phút đó vì sự kỳ thị rất rõ rệt. Tiếp tục câu chuyện của mình, Chủ Tịch Brown nhớ lại:
“Tôi lên xe lửa và bắt đầu đi về … với một tâm hồn đau khổ, đắng cay trong lòng. … Khi đi đến lều của mình, … tôi vứt cái mũ lên trên giường. Tôi nắm chặt tay lại và xá xá lên trên trời. Tôi nói: ‘Hỡi Thượng Đế sao Ngài lại làm cho con đến nông nỗi này? Con đã cố gắng hết sức làm mọi điều để hội đủ điều kiện. Tất cả những gì—đáng lẽ phải làm—thì con đã làm. Sao Ngài lại làm cho con đến nông nỗi này?’ Tôi cảm thấy cay đắng vô cùng.
“Và rồi tôi nghe một tiếng nói, và tôi nhận ra giọng nói này. Đó chính là tiếng nói của tôi, và tiếng nói đó rằng: ‘Ta là người làm vườn ở đây, và ta biết ta muốn ngươi phải làm gì.’ Tôi không còn cảm thấy cay đắng nữa, và tôi quỳ xuống bên cái giường để xin được tha thứ cho lòng vô ơn của mình. …
“… Và giờ đây, gần 50 năm sau, tôi nhìn lên [ Thượng Đế] và nói: ‘Cám ơn Ngài Làm Vườn đã cắt cụt tôi, đã thương tôi nhiều đến mức làm cho tôi đau.’”5
Thượng Đế biết Hugh B. Brown phải trở thành con người như thế nào và cần phải có điều gì để cho việc đó xảy ra, và Ngài đã đổi hướng lộ trình của ông để chuẩn bị cho ông trong vai trò sứ đồ thánh.
Nếu chúng ta chân thành mong muốn và cố gắng làm tròn những kỳ vọng cao của Cha Thiên Thượng, thì Ngài sẽ chắc chắn rằng chúng ta nhận được tất cả sự giúp đỡ chúng ta cần, cho dù đó là điều an ủi, củng cố hay sửa phạt. Nếu chúng ta sẵn lòng chấp nhận điều đó thì sự sửa đổi cần thiết sẽ đến dưới nhiều hình thức và từ nhiều nguồn gốc. Sự sửa đổi đó có thể đến trong khi chúng ta cầu nguyện và khi Thượng Đế nói với tâm trí của chúng ta qua Đức Thánh Linh (xin xem GLGƯ 8:2). Sự sửa đổi đó có thể đến dưới hình thức những lời cầu nguyện đã được đáp ứng là “không được,” hoặc trái với điều chúng ta đã mong muốn. Sự sửa phạt có thể đến khi chúng ta học thánh thư và được nhắc nhở về những điều thiếu sót, bất tuân hoặc chỉ là sự xao lãng.
Sự sửa đổi có thể đến qua những người khác, nhất là những người được Thượng Đế soi dẫn để làm cho chúng ta hạnh phúc hơn. Các vị sứ đồ, tiên tri, tộc trưởng, giám trợ và những người khác đã được đặt vào trong Giáo Hội thời nay cũng như thời xưa “để các thánh đồ được trọn vẹn về công việc của chức dịch và sự gây dựng thân thể Đấng Ky Tô” (Ê Phê Sô 4:12). Một số điều đãđược nói ra trong đại hội này có lẽ là sự kêu gọi các anh chị em phải hối cải hoặc thay đổi, mà nếu lưu tâm đến những điều đó thì các anh chịem sẽ được nâng lên cao hơn. Chúng ta có thể giúp đỡnhau với tư cách là những người đồng tín hữu trong Giáo Hội; đó là một trong những lý do chính mà Đấng Cứu Rỗi thiết lập một giáo hội. Ngay cả khi chúng ta bị những người không kính trọng hay yêu mến chỉ trích với ác ý, thì cũng có thể là điều hữu ích để chúng ta hiền lành đủ để cân nhắc và suy xét điều gì có thể là lợi ích cho chúng ta.
Sự sửa đổi, hy vọng là sẽ nhẹ nhàng, có thể đến từ người phối ngẫu. Anh Cả Richard G. Scott, là người vừa ngỏ lời cùng chúng ta, đã nhớ lại thời kỳ ban đầu trong hôn nhân của ông khi vợ của ông là Jeanene đã khuyên ông nên nhìn thẳng vào người khác khi nói chuyện với họ. Bà nói: “Anh nhìn xuống sàn nhà, lên trần nhà, ngoài cửa sổ, bất cứ nơi nào ngoại trừ nhìn vào mắt họ.” Ông đã chấp nhận lời phê bình nhẹ nhàng đó, và nhờ vậy ông đã trở nên hữu hiệu hơn khi hội ý và làm việc với người khác. Khi phục vụ với tư cách là người truyền giáo toàn thời gian dưới sự hướng dẫn của Chủ Tịch Scott lúc bấy giờ, tôi có thể chứng thực là ông quả thật nhìn thẳng vào mắt người khác trong khi nói chuyện. Tôi cũng có thể nói thêm rằng khi một người cần được sửa đổi, cái nhìn như vậy có thể thấu hiểu những điều thầm kín.
Cha mẹ cũng có thể và cần phải sửa đổi, ngay cả sửa phạt để con cái họ không bị lệ thuộc vào kẻ nghịch thù và những kẻ ủng hộ nó, đó là những kẻ không có lòng thương xót. Chủ Tịch Boyd K. Packer nhận xét rằng khi một người ở trong vị thế sửa đổi một người khác mà không làm như vậy, thì người ấy đang nghĩ đến bản thân mình. Hãy nhớ rằng lời khiển trách cần phải đưa ra đúng lúc, một cách mạnh mẽ và rõ ràng, “khi được Đức Thánh Linh tác động; rồi sau đó, phải tỏ một tình thương yêu gấp bội đối với người mà ngươi đã khiển trách, kẻo người ấy sẽ xem ngươi là kẻ thù.” (GLGƯ 121:43).
Hãy nhớ rằng nếu chúng ta chống lại không chịu sửa đổi, thì những người khác có thể ngừng không đề nghị chúng ta sửa đổi nữa cho dù họ yêu thương chúng ta. Nếu chúng ta nhiều lần không làm theo sự sửa phạt của Thượng Đế nhân từ, thì Ngài cũng sẽ ngừng không làm nữa. Ngài đã phán: “Thánh Linh của ta không phải lúc nào cũng tranh đấu với loài người” (Ê The 2:15). Cuối cùng, hầu hết sự sửa phạt của chúng ta cần phải đến từ bản thân mình—chúng ta cần trở nên tự sửa đổi. Một trong số các cách mà người bạn đồng sự yêu dấu đã quá cố của chúng tôi, Anh Cả Joseph B. Wirthlin đã trở thành một môn đồ thanh khiết và khiêm nhường như vậy, là bằng cách phân tích việc ông thi hành mọi công việc chỉ định và nhiệm vụ. Trong ước muốn của mình để làm hài lòng Thượng Đế, ông đã quyết tâm học hỏi điều ông đáng lẽ đã làm giỏi hơn và rồi siêng năng áp dụng mỗi bài học nhận được.
Tất cả chúng ta đều có thể làm tròn những kỳ vọng cao của Thượng Đế bất kể khả năng và tài năng của chúng ta lớn hay nhỏ. Mô Rô Ni quả quyết: “Nếu các ngươi chối bỏ được tất cả mọi sự không tin kính cùng yêu mến Thượng Đế với tất cả năng lực, tâm trí và sức mạnh, thì ân điển của [Đấng Ky Tô] sẽ đủ cho các ngươi, để nhờ ân điển của Ngài mà các ngươi có thể được toàn thiện trong Đấng Ky Tô” (Mô Rô Ni 10:32). Chính vì nỗ lực siêng năng, tận tụy về phần chúng ta mang đến ân điển làm cho có quyền năng và khả năng này, là một nỗ lực chắc chắn gồm có việc vâng phục sự sửa phạt của Thượng Đế cũng như sự hối cải chân thành và hoàn toàn. Chúng ta hãy cầu nguyện để có được sự sửa đổi đầy soi dẫn và yêu thương của Ngài.
Cầu xin Thượng Đế giúp đỡ các anh chị em trong khi các anh chị em cố gắng đáp ứng những kỳ vọng cao của Ngài, và cầu xin Ngài ban cho các anh chị em hạnh phúc và sự bình an trọn vẹn đến một cách tự nhiên từ việc đáp ứng những kỳ vọng của Ngài. Tôi biết rằng các anh chị em và tôi có thể trở nên hiệp một với Thượng Đế và Đấng Ky Tô. Tôi xin khiêm nhường và tin tưởng làm chứng về Cha Thiên Thượng và Con Trai Yêu Quý của Ngài cũng như tiềm năng vui mừng chúng ta có được là nhờ vào hai Ngài, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.