Podcast: Play in new window | Embed
Chúng ta có thể đến gần Đấng Cứu Rỗi hơn qua âm nhạc.
Ước gì tôi có thể hát được như Chị Sương. Ước gì tôi có thể đàn dương cầm được như Anh Minh. Đã bao nhiêu lần chúng ta nghe hoặc nghĩ những điều như vậy? Đôi khi chúng ta nghĩ về tài năng âm nhạc như là một ân tứ đặc biệt mà chỉ thuộc vào những người khác, một tài năng tuyệt vời mà chúng ta quý trọng nhưng nghĩ là chúng ta không có.
Trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, âm nhạc và ca hát là dành cho mọi người. Qua các bài thánh ca, chúng ta có thể biểu lộ lòng biết ơn và lời ca ngợi, học hỏi phúc âm phục hồi của Đấng Cứu Rỗi, tưởng nhớ tới Sự Chuộc Tội của Ngài, và cam kết noi theo Ngài.
Biểu Lộ Lòng Biết Ơn và Lời Ngợi Khen
Khi dân Y Sơ Ra Ên thời xưa được giải cứu khỏi Ai Cập, “đoạn, Môi Se và dân Y Sơ Ra Ên hát [một] bài ca cho Đức Giê Hô Va” (Xuất Ê Díp Tô Ký 15:1). Khi dân Gia Rết vượt đại dương, “họ đã hát lên những lời ca ngợi Chúa” (Ê The 6:9). Và khi Các Thánh Hữu thời xưa làm lễ cung hiến Đền Thờ Kirtland, họ đã hát bài thánh ca mới của William W. Phelps “The Spirit of God Like a Fire Is Burning.”1 (Thần Linh Cha như Lửa Hồng). Trong mọi gian kỳ của phúc âm, con cái của Thượng Đế đều cất cao tiếng hát để ngợi khen Ngài bằng âm nhạc. .
Nhiều bài thánh ca của chúng ta ngày nay chia sẻ trong tinh thần hân hoan và ngợi khen này. Ví dụ, một bài ca được ưa thích khác của William W. Phelps đã nói rằng:
Một nguồn vui khôn xiết,
Cứu Chúa Y Sơ Ra Ên,
Là chính Đấng chúng ta xin ơn lành,
Là bóng mát trong ngày,
Nguồn soi sáng lúc đêm trường,
Vua ta là Đấng ta trông chờ!2
Các bài thánh ca cũng có thể cho chúng ta cất cao tiếng nói biết ơn về các phước lành cụ thể, như đã được bày tỏ trong lời bài hát quen thuộc này:
Tạ ơn Chúa đã cho vị tiên tri đến cõi trần
Hầu chỉ giáo chúng con đến lúc sau cùng.
Tạ ơn Chúa phúc âm ngày nay được truyền rao khắp
Sáng soi trong tâm con lẽ chân thật.
Cảm kích Chúa với tất cả những phước lành
Cùng tình yêu cao đẹp Ngài gởi mỗi ngày.
Yêu mến Chúa với tất cả tấm chân thành,
Và luôn vui thích vâng lời phán của Ngài.3
Khi hát các bài thánh ca này, chúng ta tuân theo lệnh truyền “Nếu ngươi vui mừng”—có nghĩa là nếu các anh chị em vui mừng hay hạnh phúc—“thì hãy ngợi khen Chúa với ca hát, với âm nhạc, … và với lời cầu nguyện ngợi khen và tạ ơn” (GLGƯ 136:28).
Học Tập Phúc Âm của Ngài
Ngoài việc biểu lộ lòng biết ơn và lời ngợi khen, các bài thánh ca còn cho chúng ta cơ hội để học tập phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Ví dụ, bài thánh ca quen thuộc này của thiếu nhi giải thích một cách rất giản dị và tuyệt vời về mối quan hệ của chúng ta với Cha Thiên Thượng:
Tôi là con Đức Chúa Cha,
Ngài đã gửi tôi đến đây,
Đã gửi một nhà cửa ở nơi đây
Với cha mẹ tốt mến yêu.4
Các bài thánh ca khác cho chúng ta thấy cách sống theo các nguyên tắc phúc âm, chẳng hạn như bài thánh ca ưa thích này, được viết trong kỷ nguyên của người tiền phong:
Cùng lại nhau đây, không việc chi phải kinh hãi;
Với niềm vui, ta cùng đi.
Hành trình ta có dù cực nhọc gian lao khổ,
Ân lành kia ta được hưởng.
Ta phải cố gắng tranh đấu hết sức,
Dìu nhau trên lối, dắt nhau đưa đi.
Làm được việc này, tim ta sẽ vui—
Tất cả tốt, mọi điều đẹp!5
Một số bài thánh ca ưa thích nhất của chúng ta dạy chúng ta phải tuân theo các tôi tớ của Đấng Ky Tô, các vị tiên tri đã được chọn của Ngài trong thời kỳ của chúng ta. “Ca Khen Người,” chẳng hạn, giúp chúng ta nhớ đến vai trò quan trọng của Tiên Tri Joseph Smith trong Sự Phục Hồi của phúc âm:
Lòng hằng ngợi khen người giao tiếp với Giê Hô Va!
Vị Tiên Tri Thần Nhãn đã nhận được phước ân.
Được quyền mở gian kỳ sau chót dưới trái đất này,
Mọi vua trên đời kính khen người không hết lời.6
Việc suy ngẫm về các bài thánh ca này và các bài thánh ca khác cùng học những đoạn tham khảo thánh thư được liệt kê trong quyển thánh ca có thể giúp chúng ta học phúc âm và tưởng nhớ đến Đấng Cứu Rỗi trong cuộc sống hằng ngày của mình.
Nhớ đến Sự Chuộc Tội của Ngài
Một trong những cách quan trọng nhất mà chúng ta tưởng nhớ đến Đấng Cứu Rỗi là dự phần Tiệc Thánh mỗi tuần. Trong khi chuẩn bị cho sự kiện thiêng liêng này, chúng ta hát một bài thánh ca. Các bài ca Tiệc Thánh nhắc chúng ta về sự hy sinh của Đấng Ky Tô và ý nghĩa của Tiệc Thánh đối với chúng ta:
Xem Giê Su Đấng Cứu Chuộc từ trần,
Để chuộc tội lỗi thế gian nhân loại.
Chúa cứu thế đã hy sinh mạng Ngài, …
Chết trên thập tự huyết Ngài đổ ra.7
Dòng huyết Giê Su quý báu Ngài cho;
Chẳng nề thân Ngài đớn đau.
Quyết xóa ô dơ nên dâng đời sống,
Đem chuộc thế giới tội nô.8
Lòng buồn nghĩ Ngài chịu mọi khổ đau cứu chuộc lỗi nhân loại.
Thật chẳng biết nói sao bây giờ trước ân phước kia tuôn tràn?
Vậy nguyện lấy gương Ngài cùng tuân giữ luật và mọi điều răn,
Mai sau xứng đáng được thờ Chúa ở nơi vương quốc của Ngài.9
Nếu được hát lên một cách có suy nghĩ và thành tâm, thì những lời của các bài ca Tiệc Thánh giúp chúng ta chú trọng đến Đấng Cứu Rỗi. Các bài ca này chuẩn bị cho chúng ta dự phần Tiệc Thánh một cách có ý nghĩa và tái cam kết để mang lấy danh Đấng Ky Tô, luôn luôn tưởng nhớ đến Ngài cùng tuân giữ các giáo lệnh của Ngài.
Cam Kết Tuân Theo Chúa Giê Su Ky Tô
Sự cam kết tuân theo Đấng Cứu Rỗi được biểu lộ trong rất nhiều bài thánh ca của chúng ta. Khi hát các bài thánh ca này, chúng ta làm chứng với Cha Thiên Thượng rằng chúng ta muốn tuân theo Vị Nam Tử của Ngài. Ví dụ, hãy suy ngẫm về những dòng này:
Cảm tạ Đức Chúa Trời ban cho con ngày này.
Một đường lối ngay lành dẫn đến ở bên Ngài.
Cảm tạ Cha với những bài ca tán mỹ Cha.
Vui mừng, rất mừng được bước trong lẽ thật!10
Bài thánh ca “Con Sẽ Đi Đến Nơi Nào Ngài Sai Con” cũng đưa ra lời nói tương tự:
Tôi tin cậy vào sự che chở của Cha.
Tôi biết Ngài thương yêu tôi lắm.
Vậy nên tôi sẽ hết lòng làm theo ý Chúa:
Sẽ làm những gì Ngài bảo tôi làm.11
Các bài ca của chúng ta—cho dù đó là lời ngợi khen, lòng biết ơn, sự hiểu biết, sự tưởng nhớ, hoặc sự cam kết—đều làm hài lòng Chúa. Ngài đã phán: “Tâm hồn ta vui thích bài ca của con tim; phải, bài ca của người ngay chính là lời nguyện cầu dâng lên ta, và sẽ được đáp ứng bằng một phước lành trên đầu họ” (GLGƯ 25:12).
May thay, Chúa đã không phán: “Chỉ những bài ca hay mới là một lời cầu nguyện dâng lên ta,” hoặc, “Ta sẽ chỉ lắng nghe những người có tài năng âm nhạc mà thôi.” Trong âm nhạc cũng như trong cuộc sống của chúng ta, Ngài quan tâm đến tấm lòng của chúng ta nhiều hơn là khả năng của chúng ta.
Bất luận mức độ kỹ năng của chúng ta là thế nào, chúng ta đều có thể tham gia vào âm nhạc bằng cách hát các bài thánh ca. Và khi chúng ta hát với hết tấm lòng của mình, thì chúng ta đã đến cùng Đấng Ky Tô qua các bài thánh ca.