Podcast: Play in new window | Embed
Bài của chị Dara Layton, một tín hữu tại Washington, Hoa Kỳ của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô
Tôi lớn lên trong Giáo Hội—tôi đến dự các buổi sinh hoạt, và tôi cùng cầu nguyện và học thánh thư với gia đình. Nhưng thực sự tôi đã không có một chứng ngôn. Tôi không biết liệu mình có tin Thượng Đế hay Vị Nam Tử của Ngài hay không. Tôi không biết liệu Sách Mặc Môn có đúng thật hay không nữa.
Tôi đã muốn có một chứng ngôn, nhưng tôi cảm thấy nản chí sau khi cầu nguyện nhiều lần mà không cảm thấy như mình đã nhận được câu trả lời. Tôi bắt đầu tự hỏi: “Nếu Thượng Đế là có thật, thì tại sao Ngài không cho tôi thấy? Tại sao Ngài để tôi ngồi ở đây tự hỏi?”
Khi nhìn lại, tôi có thể thấy rõ lý do tại sao tôi đã không nhận được câu trả lời: Tôi đã không thực sự bỏ ra nỗ lực. Tôi đọc thánh thư một tuần một lần có năm phút và mong đợi một số kinh nghiệm mặc khải chỉ vì tôi cầu xin điều đó.
Tôi đã không hiểu rằng đức tin là một nguyên tắc của hành động.
Một Hạt Giống Đức Tin
Bất cứ ai nhìn từ bên ngoài đều gọi tôi là “tích cực” trong Giáo Hội, nhưng tôi vẫn không biết liệu Giáo Hội có chân chính hay không nữa. Nhưng tôi đã muốn biết.
Vì thế nên tôi quyết định đi phục vụ truyền giáo. Tôi đã nghĩ sai rằng với tư cách là người truyền giáo, tôi sẽ tự động trở nên dễ nhận được câu trả lời từ Thượng Đế hơn. Tôi vẫn không bỏ ra nhiều nỗ lực để cầu nguyện hoặc học hỏi, nhưng chẳng mấy chốc tôi đã nhận được chỉ định phục vụ.
Vào lúc bắt đầu phục vụ truyền giáo, tôi đã gặp khó khăn cảm nhận được Thánh Linh trong khi huấn luyện trực tuyến giữa thời gian đại dịch vì nỗ lực nửa vời của tôi. Nhưng rồi tôi đã được huấn luyện trực tiếp ở trung tâm huấn luyện truyền giáo. Và thời gian tôi ở đó là lúc tôi có nhiều kinh nghiệm thuộc linh nhất trong cuộc đời. Đó là lần đầu tiên tôi có được một hạt giống đức tin giản dị mà là có thật.
Thực Hiện một Sự Thay Đổi
Cuối cùng thì điều khó là khi đến phái bộ truyền giáo. Tôi cảm thấy như chứng ngôn nhỏ bé mà tôi đạt được đã biến mất.
Một ngày khi tôi đang khóc thì một ký ức chợt lóe lên trong đầu tôi. Cha tôi từng hỏi tôi về ngày học ở trường của tôi ra sao, và tôi luôn nói là nó rất buồn tẻ. Và ông nói: “Đó là vì con làm cho nó buồn tẻ. Nếu con muốn trường học trở nên thú vị, thì hãy làm cho nó thú vị.” Tôi nhận ra rằng tôi có thể tận dụng tối đa thời gian truyền giáo của tôi qua việc học hỏi và tăng trưởng hoặc là tôi có thể khổ sở.
Vậy nên tôi đã cầu nguyện chân thành hơn bao giờ hết để thưa cùng Cha Thiên Thượng rằng tôi sẽ thử và thay đổi thái độ của tôi. Sau đó, tôi đã có động lực để bỏ ra nỗ lực mới. Tôi bắt đầu thực sự học hỏi, cầu nguyện, và suy ngẫm, và với thời gian, chứng ngôn nhỏ bé đó đã trở lại—và tiếp tục tiến triển. Tôi ít thất vọng hơn và bắt đầu tìm thấy niềm vui nơi phúc âm.
Càng Bỏ Ra Nhiều Nỗ Lực để Nhận Được Chứng Ngôn, Thì Chứng Ngôn Càng Vững Mạnh Hơn
Khi ta chán nản vì cảm thấy như đức tin của mình không phát triển, ta có thể tự hỏi liệu Thượng Đế có ở đó hay không và Ngài có quan tâm không. Nhưng tôi đã học được rằng Ngài luôn luôn ở cùng chúng ta và sẽ giúp chúng ta củng cố đức tin và chứng ngôn của mình nếu chúng ta nhận lấy trách nhiệm và bỏ ra nỗ lực (xin xem Mô Rô Ni 10:4).
Anh Cả Robert D. Hales (1932–2017) thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã nói: “Mặc dù dường như không có công thức chính xác mà nhờ đó mỗi chúng ta nhận được một chứng ngôn, nhưng dường như có một khuôn mẫu rõ ràng.”1 Khuôn mẫu đó bao gồm việc có một ước muốn chân thành để biết lẽ thật, cầu nguyện, sẵn lòng phục vụ ở nơi nào mình được kêu gọi, cố gắng vâng lời, học hỏi thánh thư và áp dụng chúng trong cuộc sống chúng ta, và có một thái độ khiêm nhường.
Tôi sẽ không bao giờ củng cố đức tin của mình nếu tôi không thay đổi thái độ của mình, tuân theo khuôn mẫu này, và dốc hết tấm lòng liên kết với Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô. Khi tôi thực hiện những thay đổi này, tôi bắt đầu nhận được câu trả lời và tin vào các lẽ thật.
Chị Rebecca L. Craven, Đệ Nhị Cố Vấn trong Chủ Tịch Đoàn Trung Ương Hội Thiếu Nữ, gần đây có nói: “Việc làm một môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô đòi hỏi nhiều hơn là chỉ hy vọng hay tin tưởng. … Nó đòi hỏi chúng ta phải làm một điều gì đó.”2 Tôi đã tự mình biết được rằng điều này là đúng thật: tôi càng bỏ ra nhiều nỗ lực vào phúc âm thì tôi sẽ nhận được chứng ngôn vững mạnh hơn.
Đối với những người ngoài quan sát, mức độ tích cực của tôi trong Giáo Hội có lẽ vẫn không thay đổi. Nhưng tôi đã thay đổi cam kết của mình với phúc âm trong lòng tôi. Và điều đó đã tạo ra tất cả mọi sự khác biệt.