Podcast: Play in new window | Embed
Bài của Anh Cả Dieter F. Uchtdorf thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ
Nếu cuộc sống và nhịp độ vội vã của nó cũng như nhiều căng thẳng đã làm cho các anh chị em khó cảm thấy vui vẻ, thì có lẽ bây giờ là lúc tốt nhất để một lần nữa tập trung vào điều quan trọng hơn hết.
Việc chúng ta có thể học được biết bao nhiêu về cuộc sống bằng cách nghiên cứu thiên nhiên là một điều phi thường. Ví dụ, các nhà khoa học có thể nhìn vào những vòng tròn của thân cây và đưa ra những lời phỏng đoán thành thạo về khí hậu và điều kiện tăng trưởng cách đây hằng trăm và còn cả hằng ngàn năm. Một trong những điều chúng ta biết được từ việc nghiên cứu sự tăng trưởng của cây cối là vào những mùa có điều kiện lý tưởng thì cây cối tăng trưởng ở tốc độ bình thường. Tuy nhiên, trong những mùa có điều kiện tăng trưởng không lý tưởng, thì cây cối tăng trưởng chậm và dồn hết sinh lực vào những yếu tố cơ bản cần thiết để sống sót.
Đến đây, các anh chị em có thể nghĩ rằng: “Điều đó thì thật là tốt đẹp nhưng nó có liên hệ gì đến việc lái máy bay vậy?” Vâng, tôi xin kể cho các anh chị em nghe đây.
Có bao giờ các anh chị em ở trên máy bay và trải qua cơn chấn động của không khí không? Nguyên nhân chính yếu của cơn chấn động là sự thay đổi đột ngột trong không khí chuyển động khiến cho chiếc máy bay bị xóc nảy lên nảy xuống, bay trệch đường và nhào lộn quay tròn. Mặc dù máy bay được chế tạo để chống lại bất cứ điều gì mạnh hơn cả cơn chấn động mà các anh chị em sẽ gặp trên một chuyến bay thường lệ, nhưng nó vẫn có thể làm cho hành khách mất bình tĩnh.
Các anh chị em thử nghĩ người phi công làm gì khi họ gặp cơn chấn động? Một học viên lái máy bay có thể nghĩ rằng việc gia tăng tốc độ là chiến lược tốt vì nó sẽ giúp cho họ vượt qua cơn chấn động nhanh hơn. Nhưng điều đó có thể là điều sai để làm. Các phi công chuyên nghiệp hiểu rằng có một tốc độ lý tưởng để bay vượt qua cơn chấn động mà sẽ giảm đến mức tối thiểu hậu quả tiêu cực của cơn chấn động. Và đa số mọi lúc điều đó có nghĩa là giảm tốc độ của mình. Nguyên tắc đó cũng áp dụng cho những cái ụ để làm giảm tốc độ trên đường.
Do đó, lời khuyên tốt là phải đi chậm lại một chút, tốc độ đều đều và tập trung vào những điều thiết yếu khi gặp phải tình thế bất lợi.
Tốc Độ của Cuộc Sống Hiện Đại
Đây là một bài học giản dị nhưng hệ trọng để học. Dường như có thể là điều hợp lý khi nói về cây cối và cơn chấn động trên không, nhưng lại là điều ngạc nhiên để thấy rằng thật dễ dàng biết bao để bỏ qua bài học này khi đến lúc áp dụng những nguyên tắc này vào cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Khi mức độ căng thẳng tăng lên, khi nỗi đau khổ xuất hiện, khi thảm cảnh giáng xuống thì chúng ta thường cố gắng theo kịp nhịp đi điên cuồng hoặc ngay cả bước nhanh hơn, vì nghĩ rằng bằng cách nào đó chúng ta càng đi nhanh thì chúng ta sẽ đỡ hơn.
Một trong những đặc điểm của cuộc sống hiện đại dường như là chúng ta đang chuyển động trong một tốc độ ngày càng gia tăng, bất kể là vì cơn chấn động hay chướng ngại vật.
Thành thật mà nói, thà bận rộn còn dễ hơn. Chúng ta đều có thể nghĩ ra một bản liệt kê các nhiệm vụ mà sẽ làm chật kín thời khóa biểu của mình. Một số người còn có thể nghĩ rằng giá trị của mình tùy thuộc vào chiều dài của bản liệt kê các nhiệm vụ phải làm. Thời khóa biểu của họ đầy dẫy các buổi họp và những vấn đề vụn vặt—ngay cả trong lúc căng thẳng và mệt mỏi. Vì họ phức tạp hóa cuộc sống của mình một cách vô ích, nên họ thường cảm thấy càng bực bội hơn, niềm vui giảm bớt và có quá ít ý nghĩa trong cuộc sống của họ.
Người ta nói rằng bất cứ đức hạnh nào, khi lên đến cực điểm, đều có thể trở thành tội lỗi. Việc làm cho ngày tháng của chúng ta quá bận rộn thì chắc chắn sẽ là như vậy. Đến một thời điểm nào đó, những thành tích có thể trở thành chướng ngại vật và tham vọng có thể trở thành trở ngại.
Giải Pháp Là Gì?
Người khôn hiểu được cùng áp dụng bài học về vòng tròn của thân cây và cơn chấn động trên không. Họ chống lại cám dỗ sa vào cảnh vội vã điên cuồng của cuộc sống hằng ngày. Họ tuân theo lời khuyên: “Có nhiều điều cho cuộc sống hơn là gia tăng tốc độ của cuộc sống.”1 Tóm lại, họ tập trung vào những điều quan trọng hơn hết.
Anh Cả Dallin H. Oaks, trong một đại hội trung ương mới đây, đã dạy: “Chúng ta phải từ bỏ một số điều tốt để chọn những điều khác tốt hơn hoặc tốt nhất vì những điều này phát triển đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và củng cố gia đình của chúng ta.”2
Cuộc tìm kiếm những điều tốt nhất chắc chắn dẫn đến các nguyên tắc phúc âm cơ bản của Chúa Giê Su Ky Tô—các lẽ thật giản dị và tuyệt vời đã được mặc khải cho chúng ta bởi Cha Thiên Thượng vô cùng quan tâm, vĩnh cửu và toàn tri. Các giáo lý và nguyên tắc cơ bản này, mặc dù đủ đơn giản để một đứa trẻ hiểu được, mang đến giải đáp cho những câu hỏi phức tạp nhất của cuộc sống.
Sự giản dị có một vẻ đẹp và rõ ràng mà đôi khi chúng ta không nhận thức được trong uớc muốn có được những giải pháp phức tạp.
Ví dụ, chẳng bao lâu sau khi các phi hành gia và các nhà du hành vũ trụ đi vào quỹ đạo của trái đất thì họ mới biết rằng những cây bút bi không thể viết được trong không gian. Và do đó có một số người rất tinh khôn đã cố gắng giải quyết vấn đề này. Họ mất hằng ngàn giờ đồng hồ và hằng triệu đô la, rồi cuối cùng, họ phát minh ra một cây bút có thể viết ở bất cứ nơi đâu, trong bất cứ nhiệt độ nào và hầu như trên bất cứ bề mặt nào. Nhưng các phi hành gia và các nhà du hành vũ trụ đã phải làm sao cho đến khi vấn đề này được giải quyết? Họ chỉ sử dụng bút chì.
Người ta trích lời của Leonardo da Vinci nói rằng “Giản dị là tốt nhất.”3 Khi chúng ta nhìn vào các nguyên tắc cơ bản của kế hoạch hạnh phúc, kế hoạch cứu rỗi, thì chúng ta có thể nhận ra và cảm kích tính tao nhã và vẻ đẹp của sự thông sáng của Cha Thiên Thượng, trong sự minh bạch và giản dị của kế hoạch này. Rồi làm theo điều Ngài đã truyền lệnh là khởi đầu sự thông sáng của chúng ta.
Quyền Năng của Những Điều Cơ Bản
Có câu chuyện kể rằng huấn luyện viên thần kỳ của môn bóng bầu dục là Vince Lombardi cử hành một nghi thức vào ngày đầu tiên của khóa huấn luyện. Ông thường giơ quả bóng lên, cho các vận động viên là những người đã chơi bóng bầu dục trong nhiều năm thấy quả bóng, và nói: “Thưa các bạn, … đây là quả bóng bầu dục!” Ông nói chuyện về kích thước và hình dạng của quả bóng, nó có thể được đá lên, ôm vào người hoặc chuyền đi như thế nào. Ông dẫn đội của mình ra sân chơi vắng vẻ và nói: “Đây là sân chơi bóng bầu dục.” Ông dẫn họ đi xung quanh sân, mô tả kích thước, hình dạng, luật lệ và cách chơi môn bóng đó như thế nào.4
Người huấn luyện viên này biết rằng ngay cả các cầu thủ đầy kinh nghiệm này, và quả thật toàn thể đội đó đều đầy kinh nghiệm, chỉ có thể trở nên xuất sắc bằng cách thông thạo những điều cơ bản. Họ có thể dành thời giờ của mình để tập luyện những thủ thuật phức tạp, nhưng chỉ khi nào họ thông thạo những điều cơ bản của cuộc chơi, họ mới trở thành một đội vô địch.
Tôi nghĩ rằng đa số chúng ta hiểu bằng trực giác rằng những điều cơ bản là quan trọng biết bao. Vấn đề là đôi khi chúng ta bị xao lãng bởi nhiều điều dường như hấp dẫn hơn.
Các ấn phẩm, những nguồn truyền thông đa dạng, những dụng cụ và đồ điện tử—tất cả đều hữu ích nếu được sử dụng đúng—có thể trở thành những điều làm xao lãng tai hại hoặc một phương tiện lạnh lùng cô lập với những người khác.
Tuy nhiên, trong nhiều tiếng nói và sự lựa chọn, Người của Ga Li Lê khiêm nhường đứng với bàn tay dang rộng, chờ đợi. Sứ điệp của Ngài là một sứ điệp giản dị: “Hãy đến mà theo ta.”5 Và Ngài không phán với một máy vi âm mà với một giọng êm ái, nhỏ nhẹ6 Thật là rất dễ dàng cho sứ điệp về phúc âm cơ bản bị chìm trong khối thông tin tràn ngập tấn công chúng ta từ mọi phía.
Thánh thư cũng như lời nói của các vị tiên tri tại thế nhấn mạnh đến các nguyên tắc và giáo lý cơ bản của phúc âm. Lý do chúng ta trở lại với các nguyên tắc cơ bản này, với các giáo lý thuần khiết, là vì đây là cửa ngõ của các lẽ thật với ý nghĩa sâu xa. Các nguyên tắc và giáo lý này là cánh cửa mở dẫn đến những kinh nghiệm vô cùng quan trọng vượt quá khả năng thấu hiểu của chúng ta. Các nguyên tắc giản dị, cơ bản này là chìa khóa để sống hòa hợp với Thượng Đế và con người. Những nguyên tắc này là những chìa khóa để mở các cửa sổ trên trời. Những chìa khóa này dẫn chúng ta đến sự bình an, niềm vui và sự hiểu biết mà Cha Thiên Thượng đã hứa với con cái của Ngài là những người lắng nghe và vâng lời Ngài.
Thưa các anh chị em, chúng ta cần phải chậm lại một chút, bước đi với tốc độ phù hợp nhất đối với hoàn cảnh của mình, tập trung vào điều quan trọng, ngước mắt nhìn lên và thật sự thấy những điều quan trọng hơn hết. Chúng ta hãy lưu tâm đến những lời giáo huấn cơ bản Cha Thiên Thượng đã ban cho con cái của Ngài, là những lời mà sẽ thiết lập nền tảng của một cuộc sống trần thế phong phú và hiệu quả với những lời hứa về hạnh phúc vĩnh cửu. “Hãy chú tâm làm tất cả những việc ấy một cách sáng suốt và có trật tự; vì không bắt buộc con người phải chạy mau hơn sức mình có thể chạy được. Và lại nữa, con người cần phải chuyên tâm, để nhờ đó mà họ có thể chiếm được phần thưởng.”7
Thưa các anh chị em, việc siêng năng làm những điều quan trọng hơn hết sẽ dẫn chúng ta đến với Đấng Cứu Rỗi của thế gian. Đó là lý do tại sao “chúng ta nói về Đấng Ky Tô, chúng ta hoan hỷ nơi Đấng Ky Tô, chúng ta thuyết giảng về Đấng Ky Tô, chúng ta tiên tri về Đấng Ky Tô, để [chúng ta] có thể biết được nguồn gốc nào [chúng ta] có thể tìm kiếm một sự xá miễn các tội lỗi của mình.”8 Trong cuộc sống hiện đại đầy phức tạp, hỗn loạn và vội vã, đây là “con đường tốt lành hơn.”9
Vậy Thì Những Điều Cơ Bản Là Gì?
Khi chúng ta tìm đến Cha Thiên Thượng và tìm kiếm sự thông sáng của Ngài về những điều quan trọng hơn hết, chúng ta nhiều lần học được tầm quan trọng của bốn mối quan hệ chính yếu: với Thượng Đế của chúng ta, với gia đình của chúng ta, với đồng bào của chúng ta và với bản thân mình. Khi chúng ta quyết tâm đánh giá cuộc sống của mình thì chúng ta sẽ thấy được nơi nào chúng ta đã rời xa khỏi con đường tốt lành hơn. Mắt hiểu biết của chúng ta sẽ được mở ra và chúng ta sẽ nhận biết điều cần phải làm để thanh tẩy tâm hồn và tập trung lại vào cuộc sống của mình.
Trước hết, mối quan hệ của chúng ta với Thượng Đế là thiêng liêng và thiết yếu nhất. Chúng ta là con cái linh hồn của Ngài. Ngài là Cha chúng ta. Ngài muốn chúng ta được hạnh phúc. Khi chúng ta tìm kiếm Ngài, khi chúng ta học hỏi về Vị Nam Tử của Ngài, Chúa Giê Su Ky Tô, khi chúng ta mở rộng lòng mình cho ảnh hưởng của Đức Thánh Linh, thì cuộc sống của chúng ta trở nên ổn định và vững chắc. Chúng ta trải qua sự bình an, niềm vui và mãn nguyện lớn lao hơn khi chúng ta hết sức cố gắng sống theo kế hoạch vĩnh cửu của Thượng Đế cùng tuân giữ các lệnh truyền của Ngài.
Chúng ta cải tiến mối quan hệ của mình với Cha Thiên Thượng bằng cách học hỏi về Ngài; bằng cách giao tiếp với Ngài, hối cải tội lỗi của mình và tích cực tuân theo Chúa Giê Su Ky Tô; vì “chẳng bởi [Đấng Ky Tô] thì không ai được đến cùng Cha.”10 Muốn củng cố mối quan hệ của mình với Thượng Đế, chúng ta cần dành ra một thời gian có ý nghĩa với Ngài. Lặng lẽ tập trung vào việc cầu nguyện và đọc thánh thư hằng ngày của riêng mình, luôn luôn cố gắng được xứng đáng với giấy giới thiệu đi đền thờ—những điều này sẽ là một cách đầu tư khôn ngoan về thời giờ và nỗ lực để đến gần Cha Thiên Thượng hơn. Chúng ta hãy chú tâm đến lời mời của tác giả Thi Thiên “Hãy yên lặng và biết rằng ta là Đức Chúa Trời.”11
Mối quan hệ chính yếu thứ nhì của chúng ta là với gia đình mình. Vì “không có thành công nào có thể bù đắp cho sự thất bại”12 nơi đây, nên chúng ta cần phải đặt gia đình mình làm ưu tiên số một. Chúng ta xây đắp mối quan hệ gia đình thắm thiết và yêu thương bằng cách cùng nhau làm những điều giản dị, như ăn tối chung với gia đình và buổi họp tối gia đình cũng như vui đùa với nhau. Trong mối quan hệ gia đình, tình yêu thương thật sự được biểu lộ trong thời gian dành cho nhau. Việc dành thời giờ cho nhau là bí quyết của cảnh hòa thuận trong nhà. Chúng ta nói chuyện với nhau thay vì nói chuyện về nhau. Chúng ta học hỏi lẫn nhau và chúng ta hiểu rõ điều khác biệt cũng như điều tương đồng của nhau. Chúng ta thiết lập một mối ràng buộc với nhau khi chúng ta cùng nhau đến gần Thượng Đế qua việc cầu nguyện, học hỏi phúc âm và thờ phượng trong ngày Chúa Nhật cùng với gia đình.
Mối quan hệ chính yếu thứ ba chúng ta có là với đồng bào của mình. Chúng ta xây đắp mối quan hệ này với một người một lúc—bằng cách nhạy cảm đối với nhu cầu của những người khác, phục vụ họ cùng ban phát thời giờ và tài năng của mình. Tôi rất cảm kích một chị phụ nữ đang gặp phải gánh nặng với những thử thách của tuổi tác và bệnh tật, nhưng quyết định rằng mặc dù chị không thể làm nhiều việc, nhưng chị có thể lắng nghe. Vậy nên, mỗi tuần, chị chờ xem có những người dường như đang gặp rắc rối hoặc chán nản và chị dành thời giờ lắng nghe họ. Chị ấy thật là một phước lành trong cuộc sống của rất nhiều người.
Mối quan hệ chính yếu thứ tư là với bản thân mình. Có thể dường như là kỳ quặc để nghĩ về mối quan hệ với bản thân mình, nhưng chúng ta thật sự có mối quan hệ đó. Một số người không thể hòa hợp với bản thân mình. Họ tự chỉ trích và suốt ngày xem thường cho đến khi họ bắt đầu tự ghét mình. Tôi xin đề nghị rằng các anh chị em chậm lại và dành ra thêm thời giờ để tự tìm hiểu về mình rõ hơn. Hãy đi bộ trong cảnh thiên nhiên, ngắm xem mặt trời mọc, vui hưởng những tạo vật của Thượng Đế, suy ngẫm về các lẽ thật của phúc âm phục hồi và tìm hiểu ý nghĩa của những lẽ thật này đối với riêng bản thân mình. Hãy học cách tự nhìn mình như Cha Thiên Thượng nhìn các anh chị em—là con trai và con gái yêu quý của Ngài với tiềm năng thiêng liêng.
Hân Hoan trong Phúc Âm Thanh Khiết
Thưa các anh chị em, chúng ta hãy sáng suốt. Chúng ta hãy tìm đến dòng nước giáo lý thanh khiết của phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng ta hãy vui mừng dự phần vào phúc âm này trong vẻ giản dị và minh bạch của nó. Các tầng trời đã mở lại rồi. Phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô đang hiện diện trên thế gian thêm một lần nữa và các lẽ thật giản dị của phúc âm là nguồn vui lớn lao!
Thưa các anh chị em, quả thật chúng ta có một lý do quan trọng để hân hoan. Nếu cuộc sống và nhịp độ vội vã của nó cũng như nhiều căng thẳng đã làm cho các anh chị em khó cảm thấy vui vẻ, thì có lẽ bây giờ là lúc tốt nhất để một lần nữa tập trung vào điều quan trọng hơn hết.
Sức mạnh không đến từ tình trạng sôi nổi vội vã mà từ việc ổn định trên một nền tảng vững chắc của lẽ thật và ánh sáng. Sức mạnh đến từ việc chú ý và đặt nỗ lực của chúng ta vào những căn bản của phúc âm phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô. Sức mạnh đến từ việc lưu ý đến những điều thiêng liêng quan trọng hơn hết.
Chúng ta hãy đơn giản hóa cuộc sống của mình một chút. Chúng ta hãy có những thay đổi cần thiết để một lần nữa tập trung cuộc sống của mình vào vẻ xinh đẹp tuyệt vời của con đường giản dị, khiêm tốn của vai trò môn đồ Ky Tô Giáo—là con đường luôn luôn dẫn đến một cuộc sống đầy ý nghĩa, hân hoan và bình an. Tôi cầu nguyện về điều này trong khi tôi để lại cho các anh chị em phước lành của tôi, trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.