Podcast: Play in new window | Embed
Chúa đã truyền lệnh cho chúng ta phải tha thứ cho người khác. Ngài sẽ giúp chúng ta tuân giữ các lệnh truyền của Ngài, kể cả lệnh truyền này.
Tại sao một số lệnh truyền dường như khó để tuân giữ hơn những lệnh truyền khác?
Đây là một lệnh truyền mà đã làm nhiều người sợ hãi: “Ta, là Chúa, sẽ tha thứ cho ai mà ta muốn tha thứ, nhưng các ngươi được đòi hỏi phải biết tha thứ tất cả mọi người” (Giáo Lý và Giao Ước 64:10).
Khoan đã nào. Chúng ta phải tha thứ cho tất cả những ai đã đối xử bất công với chúng ta sao? Điều đó có khả thi không vậy?!
Việc tha thứ cho một ai đó vì đã nói lời thô lỗ với ta, hoặc vì đã giành gắp miếng cuối cùng trong bữa tối thì còn có khả năng. Nhưng còn những người gây cho ta những tổn thương sâu sắc thì sao? Còn về những sự xúc phạm nặng nề mà có thể gây tổn hại hoặc ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của ta?
Đôi khi, khả năng tha thứ cho một ai đó mà đã làm tổn thương chúng ta một cách nặng nề có thể là quá sức đối với chúng ta.
Nhưng đây là tin tốt lành: Với sự giúp đỡ của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta không bao giờ bị giới hạn trong chính khả năng của mình.
Sự Giúp Đỡ Bà Ấy Cần
Một Ky Tô Hữu người Hà Lan có tên Corrie ten Boom đã tận mắt khám phá ra quyền năng của việc cầu xin Thượng Đế giúp bà tha thứ cho một người nào đó.
Bà và chị gái Betsy của mình bị giam trong các trại tập trung trong Đệ Nhị Thế Chiến. Corrie và những người khác chịu đựng sự hành hạ khủng khiếp từ những tên lính quản ngục Đức Quốc Xã. Chị gái Betsy của bà thậm chí đã chết bởi sự hành hạ đó. Corrie thì sống sót.
Sau chiến tranh, Corrie khám phá ra quyền năng chữa lành của việc tha thứ cho người khác. Bà thường chia sẻ thông điệp của mình trước công chúng. Mặc dù vậy, một ngày họ, bà có một kinh nghiệm để thật sự kiểm chứng lời nói của mình.
Sau một bài diễn thuyết trước công chúng, một trong những người lính quản ngục tàn bạo nhất ở các trại tập trung đã tìm gặp Corrie.
Ông ấy nói với Corrie rằng sau chiến tranh, ông ấy đã trở thành một Ky Tô Hữu và đã hối cải những điều khủng khiếp mà ông ấy đã làm khi còn là lính quản ngục.
Ông ấy đưa bàn tay mình ra và nói: “Bà sẽ tha thứ cho tôi chứ?”
Mặc cho tất cả những gì bà đã học hỏi và chia sẻ về việc tha thứ cho người khác, Corrie đã không thể chấp nhận bàn tay của riêng người đàn ông này và tha thứ cho ông ta—bà không thể tự mình làm được bằng bất cứ cách nào.
Sau đó, bà đã viết: ″Thậm chí khi những ý nghĩ giận dữ, thù hận sôi sục trong lòng, tôi đã nhìn thấy tội lỗi của những ý nghĩ đó. … Tôi đã cầu nguyện: Thưa Chúa Giê Su, xin hãy tha thứ cho con và giúp con tha thứ cho ông ấy.
“Tôi cố gắng mỉm cười, [và] tôi cố gắng giơ tay ra. Tôi không thể làm được. Tôi không cảm thấy gì cả, ngay cả một tia lửa nhỏ của lòng nhiệt tình hoặc lòng bác ái. Và như vậy tôi thầm cầu nguyện một lần nữa. Thưa Chúa Giê Su, con không thể tha thứ cho ông ấy. Xin Chúa ban cho con sự tha thứ của Ngài.
″Khi tôi nắm lấy tay của ông ấy thì một điều lạ lùng nhất đã xảy ra. Từ vai của tôi dọc theo cánh tay của tôi và xuyên qua bàn tay tôi, một luồng điện dường như truyền từ tôi qua ông ấy, trong khi lòng tôi nảy nở một tình yêu thương dành cho người lạ này làm cho tôi gần như choáng ngợp.
“Vì thế, tôi khám phá ra rằng sự chữa lành của thế gian không dựa vào sự tha thứ hay lòng nhân từ của chúng ta mà tùy thuộc vào sự tha thứ của Ngài. Khi Ngài phán bảo chúng ta phải yêu thương kẻ thù của mình, thì Ngài ban cho tình yêu thương, cùng với lệnh truyền này.”1
Thượng Đế ở đây để giúp anh chị em tuân giữ các lệnh truyền của Ngài, kể cả lệnh truyền phải tha thứ—ngay cả khi điều đó rất khó. Ngài có thể giúp anh chị em cũng như Ngài đã giúp Corrie ten Boom.
Sự Chữa Lành Anh Chị Em Xứng Đáng Có Được
Cuộc sống thật khó khăn. Nó thật hỗn độn. Và chắc chắn là nó đầy những con người có quyền tự quyết mà Thượng Đế đã ban cho.
Trong những thời điểm mà khi một người nào đó đưa ra sự lựa chọn khiến cho anh chị em đau khổ trầm trọng—kể cả khi họ vô tình làm như vậy—anh chị em có thể nhận được quyền năng chữa lành khi cầu xin sự giúp đỡ và nỗ lực để tha thứ.
Sự tha thứ cho người khác mang lại sự chữa lành cho tâm hồn anh chị em. Với sự giúp đỡ của Thượng Đế, khi tha thứ cho người mà đã làm điều sai trái với mình, anh chị em sẽ trút bỏ được gánh nặng khủng khiếp mà có thể đang kìm hãm anh chị em. Ngay cả khi con đường dẫn đến sự chữa lành thật sự có thể khó khăn, thì cùng với Thượng Đế, anh chị em sẽ không bao giờ phải đơn độc bước đi.
Điều mà Sự Tha Thứ Không Đòi Hỏi
Anh Cả Jeffrey R. Holland thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ có lần đã nói về lệnh truyền phải tha thứ của Đấng Cứu Rỗi. Rồi ông nói:
“Tuy nhiên, điều quan trọng đối với một vài anh chị em đang sống trong đau khổ là hãy để ý điều Ngài không nói. Ngài không nói rằng: ‘Các ngươi không được phép cảm thấy nỗi đau hoặc sự đau khổ thật sự từ những kinh nghiệm đầy tổn thương do người khác gây ra.’ Ngài cũng không nói rằng: ‘Để được hoàn toàn tha thứ, các ngươi phải tiếp tục một mối quan hệ không lành mạnh hoặc quay trở về tình trạng bị ngược đãi, bị tổn thương.’ Nhưng ngay cả khi những hành vi xúc phạm nặng nề nhất có thể xảy đến, chúng ta có thể vượt lên khỏi nỗi đau của mình chỉ khi nào chúng ta đặt chân lên trên con đường của sự chữa lành thật sự.”2