Podcast: Play in new window | Embed
Thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi vào năm 2010 của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô
Có lẽ lý do chúng ta đều đáp ứng giống nhau đối với tình mẫu tử là vì nó tiêu biểu cho tình yêu thương của Đấng Cứu Rỗi.
Chúa đã đặt lên trên vai cha mẹ trách nhiệm chính yếu về việc nuôi dưỡng phần thuộc linh của con cái họ. Đôi khi trách nhiệm này được giao cho chỉ một người cha hay mẹ. Mẹ tôi còn khá trẻ khi cha tôi qua đời, bỏ lại bà một mình nuôi bốn đứa con. Nhưng bà đã đương đầu với nghịch cảnh của mình bằng đức tin và lòng can đảm, và hứa với chúng tôi rằng nếu chúng tôi vẫn ở trên con đường lẽ thật thì lúc kết thúc sẽ tốt đẹp hơn lúc bắt đầu. Giống như những đứa con khác của các bà mẹ dũng cảm trong Sách Mặc Môn, “chúng tôi [đã] không nghi ngờ gì việc mẹ chúng tôi đã biết như vậy” (An Ma 56:48). Thưa các anh chị em, tôi hiểu theo cách riêng của mình ảnh hưởng lớn lao của những người mẹ.
Người bạn tốt của tôi là Don Pearson đã chia sẻ một kinh nghiệm làm nổi bật ảnh hưởng này. Một buổi tối nọ, đứa con trai bốn tuổi của anh là Eric xin anh đọc truyện cho nó nghe trước khi đi ngủ. Eric đã chọn quyển truyện ưa thích của nó: The Ballooning Adventures of Paddy Pork, câu chuyện về một gia đình nọ sống trên các hải đảo và đi từ đảo này đến đảo khác bằng khinh khí cầu. Đó là một quyển truyện tranh không lời nên Anh Pearson đặt lời cho câu chuyện.
“Paddy đang ở trên kinh khí cầu. Bây giờ nó đáp xuống một hòn đảo. Nó đang thả xuống một sợi dây ở bên hông của quả khinh khí cầu.”
Eric chặn lời cha của nó: “Cha ơi, đó không phải là sợi dây đâu,” nó nói: “Đó là dây thừng mà.”
Anh Pearson nhìn Eric rồi nhìn lại quyển truyện tranh và rồi anh nói tiếp: “Paddy đang ra khỏi quả khinh khí cầu và leo xuống cái cây. Ôi thôi! Cái áo choàng của nó bị vướng vào một cành cây rồi!”
Eric chặn lời cha nó một lần nữa: “Cha ơi, đó không phải là cái áo choàng đâu. Đó là áo khoác mà.”
Đến đó thì Anh Pearson có hơi lúng túng. Anh nói: “Eric, quyển truyện này không có lời, chỉ có tranh thôi. Tại sao con cứ nhất định đó là cái áo khoác vậy?”
Eric đáp: “Vì mẹ đã bảo con như vậy.”
Cha của nó đóng quyển sách lại và nói: “Eric, con nghĩ ai có lời nói quyết định, có quyền hạn tột bực trong nhà này?”
Lần này Eric suy nghĩ kỹ trước khi nó đáp: “Chính là Cha đó.”
Anh Pearson tươi cười với con mình. Thật là một câu trả lời hiếm có! Anh hỏi: “Làm sao con biết được vậy?”
Eric nhanh nhẩu đáp: “Mẹ bảo con như vậy.”
Như Chủ Tịch James E. Faust đã nói: “Không có điều gì tốt lành trên khắp thế gian hơn tình mẫu tử. Ảnh hưởng của người mẹ trong cuộc sống của con cái bà thì không thể đo lường được” (“Fathers, Mothers, Marriage,” Liahona, tháng Tám năm 2004, 3).
Nhờ kế hoạch thiêng liêng, việc nuôi dưỡng dường như là một phần của di sản thuộc linh được ban cho phụ nữ. Tôi đã thấy điều đó nơi mấy đứa con gái của tôi và giờ đây tôi thấy điều đó nơi các cháu gái của tôi—ngay cả trước khi chúng biết đi, chúng đã muốn bồng bế và chăm sóc cho các con búp bê nhỏ bé của chúng.
Trong nghề nghiệp của tôi là người nông dân và chủ trại chăn nuôi, tôi đã có thể quan sát cách thức tình cảm tự nhiên của một người mẹ tự biểu hiện ngay cả trong thiên nhiên như thế nào. Mỗi mùa xuân, chúng tôi dẫn một đàn bò và các con bê mới sinh của chúng đi dọc theo dòng Sông Snake ở Idaho nơi đó chúng gặm cỏ ở dưới chân đồi khoảng chừng một tháng. Rồi chúng tôi lùa chúng lại và mang chúng xuống con đường dẫn đến bãi rào. Từ nơi đó, chúng được chất lên trên chiếc xe tải chở đến đồng cỏ mùa hè của chúng ở Montana.
Vào một ngày mùa xuân nóng nực một cách lạ kỳ, tôi đang giúp lùa bò bằng cách cưỡi ngựa theo sau đàn bò trong khi chúng di chuyển xuống con đường bụi bặm hướng đến bãi rào. Công việc của tôi là lùa bất cứ con bê nào đang lang thang ra khỏi con đường. Công việc với tốc độ chậm cho tôi thời giờ để nghĩ ngợi.
Vì trời rất nóng nên các con bê nhỏ tiếp tục chạy ra mấy cái cây để tìm bóng mát. Tôi nghĩ đến giới trẻ của Giáo Hội đôi khi bị lôi cuốn ra khỏi con đường thẳng và hẹp. Tôi cũng nghĩ đến những người đã rời bỏ Giáo Hội hoặc có thể cảm thấy Giáo Hội bỏ họ, trong khi họ đang bị xao lãng. Tôi tự nghĩ rằng một sự xao lãng không cần phải là xấu xa mới có hiệu quả—đôi khi chỉ cần là bóng mát mà thôi.
Sau một vài giờ đi lùa về mấy con bê đi lạc và với mồ hôi nhễ nhại trên mặt, tôi bực tức hét các con bê: “Tụi bây phải đi theo mẹ bây chứ! Mẹ bây biết đi đâu mà! Mẹ bây đã đi xuống con đường này trước đây rồi!“ Các con bò mẹ biết rằng mặc dù bây giờ con đường nóng nực và đầy bụi bặm, nhưng lúc kết thúc sẽ tốt đẹp hơn lúc bắt đầu.
Ngay khi lùa bầy bò vào bãi rào thì chúng tôi thấy rằng ba con bò đang bồn chồn đi đi lại lại ở cổng. Chúng không thể tìm ra các con bê của mình và dường như cảm thấy rằng các con bê này còn ở lại đâu đó trên con đường. Một người chăn bò hỏi tôi xem chúng tôi phải làm gì. Tôi nói: “Tôi nghĩ là tôi biết mấy con bê con đó đang ở đâu. Khoảng nửa kilômét phía sau có một lùm cây. Tôi chắc chắn là chúng ta sẽ tìm ra chúng ở đó.“
Tất nhiên, đúng như tôi nghĩ, chúng tôi tìm ra các con bê đi lạc đang nằm ngủ trưa trong bóng mát. Chúng hoảng hốt khi chúng tôi tiến gần đến chúng và đã chống lại nỗ lực của chúng tôi để lùa chúng về với bầy. Chúng rất sợ hãi vì chúng tôi không phải là mẹ của chúng! Chúng tôi càng cố gắng đẩy chúng hướng tới bãi rào thì chúng càng trở nên lì lợm. Cuối cùng tôi nói với những người chăn bò: “Xin lỗi mấy chú em nhé, tôi biết việc này rõ hơn. Chúng ta hãy cưỡi ngựa trở lại và thả mẹ của chúng ra khỏi bãi rào. Các con bò sẽ đến và dẫn các con bê của mình đi rồi các con bê sẽ đi theo mẹ chúng.” Tôi nói đúng. Các con bò mẹ biết chính xác phải đi đâu để tìm ra các con bê của mình và chúng dẫn các con bê trở lại bãi rào như tôi nghĩ.
Thưa các anh chị em, trong một thế giới mà mọi người đều được ban cho quyền tự quyết thì có một số những người thân của chúng ta có lẽ đi lạc đường trong một thời gian. Nhưng chúng ta không thể nào bỏ cuộc. Chúng ta cần phải luôn luôn trở lại tìm họ—chúng ta chớ ngừng cố gắng. Vị tiên tri của chúng ta, Chủ Tịch Thomas S. Monson, đã đưa ra một lời khẩn nài cho chúng ta phải đi giải cứu những người thân của mình có lẽ đang đi lạc đường (để có ví dụ, xin xem, “Đứng Nơi Đã Được Chỉ Định cho Ngươi,” Liahona, tháng Năm năm 2003, 54–57). Với sự giúp đỡ của các vị lãnh đạo chức tư tế, các bậc cha mẹ cần phải tiếp tục đi trở lại và tìm ra những người thân của mình đang đi lạc đường, bảo đảm với họ rằng sẽ luôn luôn có một “mái nhà” trong gia đình và Giáo Hội, mong chờ họ trở lại. Chúng ta không bao giờ biết được khi nào thì tấm lòng của một người có thể thay đổi. Chúng ta không bao giờ biết được khi nào thì một tâm hồn có thể bị thế gian làm cho chán nản và mệt mỏi. Khi điều đó xảy ra thì dường như con cái của chúng ta hầu như lúc nào cũng tìm đến người mẹ trước hết, với những mối cảm xúc giống như những mối cảm xúc đã được bày tỏ trong bài thơ của Elizabeth Akers Allen:
Cầu mong những năm tháng quá khứ buồn bã trôi ngược với thời gian!
Con rất mệt mỏi vì nỗi nhọc nhằn và nước mắt …
Mệt mỏi vì những điều vô nghĩa, hèn hạ và giả dối,
Mẹ, Mẹ ơi, lòng con kêu tìm mẹ! …
Đối với con, trong những ngày đã qua,
Không có tình thương nào giống như tình mẹ dành cho con;
Không có điều nào giống như việc người mẹ có thể xua tan nỗi đau đớn
Của tâm hồn đau khổ và đầu óc chán nản.
Hãy để cho giấc ngủ dịu dàng đậu trên bờ mi nặng trĩu của con;
Xin ru con ngủ, mẹ ơi, xin ru con ngủ!
(“Rock Me to Sleep,” trong The Family Library of Poetry and Song, do William Cullen Bryant xuất bản [1870], 190–91; phép chấm câu được hiện đại hóa.)
Có lẽ lý do chúng ta đều đáp ứng giống nhau đối với tình mẫu tử là vì nó tiêu biểu cho tình yêu thương của Đấng Cứu Rỗi. Như Chủ Tịch Joseph F. Smith đã nói: “Tình yêu thương của một người mẹ chân thật giống tình yêu thương của Thượng Đế hơn bất cứ tình yêu thương nào khác” (“The Love of Mother,” Improvement Era, tháng Giêng năm 1910, 278).
Cũng như trong mọi việc, Đấng Cứu Rỗi nêu tấm gương toàn hảo trong tình yêu thương Ngài đã cho thấy đối với người mẹ trần thế của Ngài. Ngay cả trong những giây phút cuối cùng hệ trọng trong cuộc sống trần thế của Ngài—sau nỗi đau đớn trong Vườn Ghết Sê Ma Nê, phiên tòa xử đầy gian dối, mão gai, cây thập tự nặng nề mà trên đó Ngài đã bị đóng đinh một cách tàn nhẫn—Chúa Giê Su đã nhìn xuống từ cây thập tự và nhìn thấy mẹ của Ngài là Ma Ri, bà đã đến để có mặt với con trai của mình. Cử chỉ yêu thương cuối cùng của Ngài trước khi chết là bảo đảm rằng mẹ Ngài sẽ được chăm sóc khi Ngài phán cùng môn đồ của Ngài: “Đó là mẹ ngươi!” Và bắt đầu từ đó trở đi, người môn đồ ấy rước bà về nhà mình. Như thánh thư nói, rồi sau đó, Chúa Giê Su biết “mọi việc đã được trọn rồi” và Ngài gục đầu mà chết (xin xem Giăng 19:27–28, 30).
Ngày hôm nay, tôi đứng trước các anh chị em để làm chứng rằng Chúa Giê Su Ky Tô chính là Đấng Cứu Rỗi và Cứu Chuộc của thế gian. Đây là Giáo Hội của Ngài, Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Cha Thiên Thượng của chúng ta muốn tất cả các con cái của Ngài trở lại cùng Ngài. Tôi chắc chắn biết điều này nhờ vào sự làm chứng của Đức Thánh Linh cùng tâm hồn của tôi. Không phải lúc nào tôi cũng biết như vậy—khi còn nhỏ hơn, tôi đã phải dựa vào chứng ngôn của cha mẹ mình. Mẹ tôi bảo đảm với tôi rằng nếu tôi vẫn luôn ở trên con đường của lẽ thật, ngay cả khi nó dường như nóng bức và đầy bụi bậm, ngay cả khi có những điều làm cho xao lãng, thì lúc kết thúc sẽ tốt đẹp hơn lúc bắt đầu. Tôi vĩnh viễn biết ơn Mẹ tôi đã dạy bảo tôi như vậy. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.