Podcast: Play in new window | Embed
Bài của Maren Daines, Tiến Sĩ Luật, Chuyên Viên Phát Triển Chính Sách và Chương Trình Gia Đình Toàn Cầu, và G. Sheldon Martin, Tiến Sĩ, Chuyên Viên Cố Vấn Sức Khỏe Tâm Thần Lâm Sàng của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô
Dựa trên các nguyên tắc phúc âm và các nghiên cứu hỗ trợ, khuôn mẫu này trong việc nuôi dạy con cái có thể giúp hướng dẫn anh chị em xây dựng các mối quan hệ đầy ý nghĩa, nuôi dưỡng đức tin và sự phát triển, và xây đắp tình đoàn kết và sự bền bỉ trong gia đình anh chị em.
Việc trở thành cha mẹ có mục đích vĩnh cửu và có thể cảm thấy rất mãn nguyện, soi dẫn, và hân hoan. Nhưng bởi vì mỗi gia đình đều khác nhau và đều đối mặt với những thử thách riêng của họ, việc nuôi dạy con cái cũng có thể đôi lúc dường như quá sức chịu đựng hoặc đầy mệt mỏi.
May mắn thay, chúng ta không phải làm điều đó một mình.
Với sự hướng dẫn từ Cha Thiên Thượng, sự hỗ trợ từ Đấng Cứu Rỗi và phúc âm của Ngài, và việc thành tâm áp dụng những lời khuyên dạy đầy soi dẫn, chúng ta có thể tìm thấy sự giúp đỡ và niềm hy vọng cho hành trình nuôi dạy con cái của mình.
Một Khuôn Mẫu Được Phúc Âm Hỗ Trợ cho Việc Nuôi Dạy Con Cái
Dựa trên phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô và các nghiên cứu hỗ trợ về việc nuôi dạy con cái, chúng tôi đã tìm ra ba nguyên tắc hướng dẫn để nuôi dưỡng sự phát triển về mặt cảm xúc và thuộc linh của một đứa trẻ. Khi phối hợp với nhau, các lĩnh vực nghiên cứu tương quan này tạo nên một khuôn mẫu hiệu quả mà có thể giúp đỡ nhiều gia đình trên khắp thế giới.
Khuôn mẫu này mạnh mẽ vì nó kết hợp các lẽ thật phúc âm với những khái niệm then chốt về việc nuôi dạy con cái và các nghiên cứu về sự phát triển của trẻ em. Việc tìm kiếm sự mặc khải cá nhân về cách áp dụng các nguyên tắc trong khuôn mẫu này có thể giúp anh chị em xây đắp sự bền bỉ trong gia đình mình và thiết lập một mái gia đình với trọng tâm là Chúa Giê Su Ky Tô.
Ba nguyên tắc hướng dẫn này là:
- Thiết lập các mối quan hệ thương yêu trong gia đình
- Nuôi dưỡng sự học hỏi và phát triển
- Xây đắp tình đoàn kết và sức mạnh qua sự phục vụ
Khuôn mẫu này giúp chúng ta tập trung vào những điều quan trọng nhất. Mỗi phần trong khuôn mẫu này là một yếu tố quan trọng để củng cố gia đình chúng ta. Khi kết hợp với nhau, chúng khuyến khích những mối quan hệ và trải nghiệm tích cực, giúp gia đình chúng ta đối phó với nghịch cảnh, xây đắp năng lực và sự bền bỉ.
Khi chúng ta phát triển trong vai trò làm cha mẹ, khuôn mẫu này có thể đóng vai trò như một khuôn khổ hữu ích để khám phá ra phương pháp tốt nhất nhằm giảng dạy và nuôi dưỡng mỗi trẻ em.
Dưới đây là một phần khái quát ngắn gọn về từng phần trong khuôn mẫu này và một ví dụ từ cuộc đời của Đấng Cứu Rỗi để hướng dẫn chúng ta áp dụng khuôn mẫu này vào cuộc sống của mình. Các thông tin bổ sung về cách nuôi dạy con cái, những lời khuyên thực tiễn, và câu trả lời cho những câu hỏi về việc nuôi dạy con cái có sẵn trên trang mạng family.ChurchofJesusChrist.org.
1. Thiết Lập Các Mối Quan Hệ Đầy Thương Yêu trong Gia Đình
Nguyên tắc này nhắc nhở chúng ta phải ưu tiên cho các mối quan hệ đầy yêu thương với Cha Thiên Thượng, Đấng Cứu Rỗi, người phối ngẫu, và con cái của mình. Các mối quan hệ gia đình này rất quan trọng. Thiên tính và những mối quan hệ vĩnh cửu của con cái chúng ta đến từ lẽ thật cơ bản rằng “mỗi người là một đứa con trai hay con gái linh hồn yêu dấu của cha mẹ thiên thượng, và, vì lẽ đó, mỗi người có một thiên tính và một số mệnh thiêng liêng.”1
Chúng ta có thể khuyến khích chúng tiến đến việc nhận biết Thượng Đế và Chúa Giê Su Ky Tô qua đức tin, lời cầu nguyện, việc học hỏi thánh thư, và sự mặc khải cá nhân từ Đức Thánh Linh (xin xem Giăng 17:3). Chúng ta có thể gia tăng đức tin bằng cách giúp con cái chúng ta “muốn tin” (An Ma 32:27) và giúp chúng cảm nhận tình thương yêu của Thượng Đế. Điều quan trọng là để con cái chúng ta nhận ra rằng Cha Thiên Thượng và Đấng Cứu Rỗi hoàn toàn hiểu chúng, thương yêu chúng một cách trọn vẹn, và muốn giúp chúng thành công (xin xem Rô Ma 8:38–39).2
Với tư cách là các bậc cha mẹ, điều quan trọng là phải tạo ra với từng đứa con một mối quan hệ yêu thương chứa chan sự ấm áp và đồng cảm. Việc hiểu biết về quan điểm của con cái chúng ta cũng như tôn trọng và lắng nghe điều chúng nói sẽ tạo nên một mối quan hệ thương yêu và vững chắc. Con cái chúng ta cần biết rằng chúng ta quan tâm đến chúng, quan tâm đến cảm nhận của chúng, và luôn sẵn sàng giúp đỡ chúng. Những tương tác đầy quan tâm của chúng ta với con cái mình sẽ giúp chúng phát triển một cái nhìn tích cực về bản thân chúng, nhận ra giá trị vĩnh cửu của chúng, và tạo ra các mối quan hệ tin cậy với Thượng Đế và Chúa Giê Su Ky Tô.
Ngoài ra, các thành viên trong gia đình có thể là chỗ dựa to lớn cho nhau. Chúng ta có thể nuôi dưỡng mối quan hệ gia đình khi quây quần bên nhau để kết nối, cầu nguyện, thảo luận, và vui chơi.
Hướng về Đấng Ky Tô
Chúa Giê Su Ky Tô chia sẻ tình yêu thương của Ngài với từng người một, qua một mối quan hệ mà mang lại sự gần gũi, hy vọng, và chữa lành. Sau khi Đấng Cứu Rỗi phán xong với dân Nê Phi, Ngài đã tìm đến với lòng trắc ẩn và đích thân phục sự để chữa lành và ban phước từng người. Ngài trìu mến “bồng từng đứa trẻ một và ban phước cho chúng, rồi cầu nguyện cùng Đức Chúa Cha cho chúng” (3 Nê Phi 17:21).
Với tư cách là các bậc cha mẹ, anh chị em có thể ban phước cho con cái mình qua việc thiết lập mối quan hệ thương yêu với chúng— bằng cách tạo ra từng sự kết nối một, nhưng đầy ý nghĩa.
Các Ý Tưởng để Thiết Lập Những Mối Quan Hệ Thương Yêu trong Gia Đình
- Giao tiếp với con cái của anh chị em bằng cách lắng nghe, đáp lại bằng tình yêu thương, và lưu tâm đến những dấu hiệu để đáp ứng nhu cầu của chúng.
- Nuôi dưỡng đức tin nơi Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su Ky Tô và khuyến khích sự cầu nguyện và mặc khải cá nhân để củng cố những mối quan hệ thiêng liêng này.
- Chăm lo cho bản thân và cuộc hôn nhân của anh chị em. Điều này sẽ giúp anh chị em kết nối hiệu quả hơn với con cái mình và cùng nuôi dạy chúng với người phối ngẫu trong tình yêu thương và đoàn kết, như những người cộng sự bình đẳng. Nếu anh chị em là người độc thân, hãy dẫn dắt gia đình mình với đức tin và sự tự tin. Tìm kiếm thêm sự hỗ trợ từ những người mà anh chị em tin cậy.
- Gia tăng cảm giác an toàn, sự gần gũi, và niềm vui trong mái gia đình của anh chị em.
2. Nuôi Dưỡng Sự Học Hỏi và Phát Triển
Nuôi dưỡng sự phát triển của con cái của anh chị em bằng cách xem trọng những cá tính riêng đặc biệt của chúng, dành cho chúng tình thương yêu kiên định, và hỗ trợ các nỗ lực của chúng. Khám phá xem con cái của anh chị em đang phát triển đến đâu và điều chỉnh sự hỗ trợ của anh chị em để phù hợp với các nhu cầu cụ thể của chúng. Tấm gương, sự dẫn dắt, hướng dẫn, và khích lệ của anh chị em là rất quan trọng trong việc nuôi dưỡng những khả năng và sự tự tin của con cái. Hãy hỏi han và có sự thông cảm khi con cái của anh chị em học hỏi qua những trải nghiệm.
Các bậc cha mẹ khi nuôi dạy con cái cũng tránh việc quá khắt khe, quá dễ dãi, hoặc bảo bọc quá mức. Việc tạo ra các giới hạn thích hợp, thói quen đều đặn, và kỳ vọng hợp lý sẽ thúc đẩy sự phát triển của con cái. Giống như Cha Thiên Thượng, các bậc cha mẹ nên tập trung vào việc tạo điều kiện cho con cái phát triển hơn là sự thoải mái của chúng (xin xem 2 Nê Phi 28:30; Giáo Lý và Giao Ước 50:24, 40).
Dẫn dắt, hướng dẫn, và đồng hành cùng con cái của anh chị em khi chúng học cách noi theo Chúa Giê Su Ky Tô.3 Hãy dạy chúng cách hướng về Đấng Cứu Rỗi và nương cậy vào Sự Chuộc Tội của Ngài để giúp chúng phát triển. Con cái của anh chị em sẽ dần khám phá ra từ tấm gương của anh chị em và kinh nghiệm của riêng chúng rằng chúng có thể “làm được mọi sự nhờ [Đấng Ky Tô]”, là Đấng luôn tha thứ và củng cố chúng (Phi Líp 4:13). Sự phát triển và thay đổi có thể khó khăn và cần tập luyện nhiều. Các bậc cha mẹ ngay chính và có chủ ý sẽ cố gắng dạy con cái họ không chỉ về cách đi “theo đường lối của lẽ thật” (Mô Si A 4:15) mà còn về lý do tại sao chúng nên làm như vậy. Hãy xây đắp sự hiểu biết của chúng và hỗ trợ việc chúng sử dụng đúng đắn quyền tự quyết trong mỗi điều chúng làm.
Hướng về Đấng Ky Tô
Chúa Giê Su Ky Tô giúp chúng ta tăng trưởng bằng cách nhận biết các ước muốn ngay chính trong lòng chúng ta và giúp anh chị em thực hiện chúng (xin xem 1 Sa Mu Ên 16:7; Ê Nót 1:12). Chúa đã hỏi các môn đồ của Ngài “từng người một … : Các ngươi muốn xin ta điều gì?” (3 Nê Phi 28:1; xin xem thêm 1 Nê Phi 11:1–3). Việc suy ngẫm về câu hỏi này có thể giúp anh chị em khám phá và phát triển điều mình coi trọng nhất. Xem xét cách Đấng Cứu Rỗi chăm lo cho việc học hỏi và phát triển của anh của Gia Rết bằng cách tôn trọng quyền tự quyết của ông và hỏi rằng: “Ngươi muốn ta làm gì cho các ngươi?” (Ê The 2:23). Chúa hỗ trợ ông ấy bằng cách đưa ra các chỉ dẫn cụ thể khi cần thiết, nhưng cũng bằng việc khuyến khích ông ấy tự mình nghĩ ra cách giải quyết. Đấng Cứu Rỗi không ép buộc hoặc kiểm soát anh chị em mà thay vào đó, Ngài phán dạy và thuyết phục anh chị em hãy sử dụng quyền tự quyết cá nhân của mình cho điều thiện (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 58:26–28).
Khuyến khích sự phát triển của con cái anh chị em bằng cách ủng hộ các ước muốn ngay chính trong lòng chúng—bằng cách mỗi lần đặt ra một câu hỏi sâu sắc.
Các Ý Tưởng cho Việc Gia Tăng Sự Học Hỏi và Phát Triển
- Hướng con cái của anh chị em đến Chúa Giê Su Ky Tô và dạy chúng cách tiếp cận quyền năng của Sự Chuộc Tội của Ngài.
- Làm theo gương Chúa Giê Su Ky Tô bằng cách mang đến tình thương yêu, sự hướng dẫn, hỗ trợ, và sự cảm thông khi con cái của anh chị em học cách noi theo Ngài.
- Giúp con cái của anh chị em phát triển bằng cách hỗ trợ sự hiểu biết, khả năng, quyền tự quyết, và sự tự tin của chúng.
- Đến cùng Đấng Ky Tô bằng cách học hỏi phúc âm của Ngài và cùng nhau thực hành việc sống theo phúc âm khi anh chị em tiến triển trên con đường giao ước.
3. Xây Đắp Tình Đoàn Kết và Sức Mạnh qua Sự Phục Vụ
Đấng Cứu Rỗi đã phán dạy các môn đồ của Ngài phải “yêu nhau; cũng như ta đã yêu các ngươi” (Giăng 13:34). Khi anh chị em an ủi, nâng đỡ, và phục vụ lẫn nhau, anh chị em sẽ lan tỏa tình thương yêu thanh khiết của Đấng Ky Tô và trở nên giống như Ngài hơn. Thượng Đế cũng ban cho nhiều cơ hội quý giá để con cái của anh chị em học hỏi và phát triển bằng cách tham gia vào công việc của Ngài và làm tròn lời hứa của chúng để phục vụ người khác (xin xem Môi Se 1:39; Mô Si A 18:7–11). Việc chia sẻ tình thương yêu của Đấng Ky Tô và lan tỏa ánh sáng của Ngài sẽ biến đổi chúng và những người chúng phục vụ.
Gia đình anh chị em cũng được lợi ích từ việc thuộc về một tiểu giáo khu hoặc chi nhánh là nơi mà con cái của anh chị em cho đi và nhận lại tình thương yêu và sự hỗ trợ. Việc “đồng tâm đoàn kết trong tình thương yêu lẫn nhau” (Mô Si A 18:21) tạo ra một chuỗi các mối quan hệ hỗ trợ và trải nghiệm tích cực để củng cố gia đình anh chị em. Khi phục vụ người khác với tình thương yêu giống như Đấng Ky Tô, anh chị em có thể giúp xây đắp Si Ôn trong gia đình mình và toàn xã hội (xin xem Môi Se 7:18).
Giảng dạy trẻ em rằng việc phục vụ có thể là một thói quen hằng ngày thay vì một dự án riêng biệt. Việc cố gắng phục vụ lẫn nhau sẽ giúp trẻ em và giới trẻ tìm thấy một cuộc sống trọn vẹn hơn khi họ lưu tâm đến nhu cầu của người khác hơn nhu cầu của chính mình. Thật lạ lùng thay khi việc xây dựng Si Ôn giúp xây đắp dân của Si Ôn.
Hướng về Đấng Ky Tô
Đấng Cứu Rỗi đã mời gọi mỗi người chúng ta hãy yêu thương và phục vụ lẫn nhau (xin xem Giăng 13:34–35). Việc tham gia vào công việc cứu rỗi của Cha Thiên Thượng sẽ củng cố và thay đổi chúng ta. Lo “việc của Cha [Ngài]” (Lu Ca 2:49) là một phần của sự phát triển mà Chúa Giê Su trải qua trong thời niên thiếu khi Ngài “khôn ngoan càng thêm, thân hình càng lớn, càng được đẹp lòng Đức Chúa Trời và người ta” (Lu Ca 2:52).
Gia đình của anh chị em tham gia vào công việc cứu rỗi và tôn cao của Thượng Đế bằng cách sống theo phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô, chăm sóc người hoạn nạn, mời gọi tất cả mọi người đón nhận phúc âm, và hợp nhất các gia đình cho thời vĩnh cửu.4
Hãy giúp con cái của anh chị em phát triển bằng cách đoàn kết thực hiện “công việc” (Giáo Lý và Giao Ước 64:33)—bằng cách mỗi lần thực hiện một hành động phục vụ với tình yêu thương.
Các Ý Tưởng cho Việc Xây Đắp Tình Đoàn Kết và Sức Mạnh qua Sự Phục Vụ
- Bày tỏ tình thương yêu dành cho Thượng Đế và gia tăng hiểu biết về Ngài bằng cách thương yêu và phục vụ con cái Ngài.
- Thương yêu lẫn nhau bằng cách phục sự những người xung quanh anh chị em và chăm sóc những người hoạn nạn.
- Quy tụ Y Sơ Ra Ên bằng cách chia sẻ phúc âm, nghiên cứu lịch sử gia đình, phục vụ trong đền thờ, và giúp đỡ người khác thiết lập và tuân giữ các giao ước thiêng liêng.
- Xây đắp tình đoàn kết và sức mạnh tổng thể bằng cách thương yêu, tạo cảm giác thân thuộc, và hỗ trợ lẫn nhau.
Áp Dụng Khuôn Mẫu Này trong Gia Đình Anh Chị Em
Các nguyên tắc hướng dẫn này có thể giúp anh chị em tập trung vào việc nuôi dạy con cái mỗi ngày. Ví dụ, hôm nay anh chị em có thể xem xét làm thế nào để có thể chủ động thiết lập một mối quan hệ thân thương hơn, gia tăng sự học hỏi, hoặc xây dựng người khác. Việc áp dụng khuôn mẫu này có thể nâng cao việc học hỏi phúc âm, nuôi dưỡng sự phát triển cá nhân của con cái của anh chị em, và khuyến khích việc hướng ngoại nhiều hơn mà sẽ nâng đỡ và ban phước cho gia đình anh chị em. Việc áp dụng các nguyên tắc này cũng có thể cải thiện cách anh chị em sử dụng các nguồn tài liệu của Giáo Hội mà đặt trọng tâm vào gia đình như Hãy Đến Mà Theo Ta và chương trình Trẻ Em và Giới Trẻ.
Có nhiều cách để áp dụng các nguyên tắc trong khuôn mẫu này. Hãy linh hoạt và tìm kiếm sự mặc khải cá nhân để thích ứng chúng với những nhu cầu trong gia đình anh chị em. Khuôn mẫu để “Thiết lập, gia tăng, xây đắp” này không nhất thiết là chúng ta phải làm nhiều hơn. Mặc dù anh chị em có thể cảm thấy soi dẫn để bổ sung một số điều vào những điều mình đang làm, khuôn mẫu này nhằm giúp anh chị em tận dụng tối đa thời gian mà gia đình anh chị em dành cho nhau.
Khi anh chị em làm bất kỳ điều gì để thiết lập những mối quan hệ thân thương, gia tăng sự học hỏi và phát triển, hoặc xây đắp tình đoàn kết và sức mạnh qua sự phục vụ, thì anh chị em đang đặt ra một nền tảng vững chắc cho mọi thứ mình đang làm trong gia đình.
Các Bậc Cha Mẹ Tốt Là Đáng Tin Cậy, Chứ Không Phải Hoàn Hảo
Điều quan trọng phải nhớ là anh chị em không cần phải hoàn hảo để trở thành cha mẹ tốt. Thay vào đó, hãy cố gắng trở thành một nguồn yêu thương và hỗ trợ đáng tin cậy cho con cái của anh chị em. Chỉ cần tương tác với con cái của anh chị em trong những cách nhỏ nhoi cũng có thể tạo nên sự khác biệt lớn.
Khi việc nuôi dạy con cái cảm thấy chán nản, hãy nhớ hít thở, cho phép mình nghỉ ngơi, và tiếp tục cố gắng. Anh chị em có thể tiến tới trong đức tin khi biết rằng Đấng Cứu Rỗi quan tâm sâu sắc đến anh chị em và con cái của anh chị em và sẽ làm vinh hiển những nỗ lực chân thành và ước muốn ngay chính của anh chị em.
Niềm Hy Vọng ở Đấng Ky Tô
Khi anh chị em cố gắng kiên trì thực hiện tất cả những gì có thể để thương yêu, nuôi dưỡng, và củng cố từng đứa trẻ một, thì anh chị em và gia đình của anh chị em có thể có hy vọng nơi Đấng Ky Tô nhờ vào lời hứa vĩnh cửu của Ngài cho anh chị em: “Chớ sợ hãi, hỡi các con trẻ, vì các ngươi là của ta, và ta đã thắng thế gian” (Giáo Lý và Giao Ước 50:41).