Podcast: Play in new window | Embed
Tôn giáo không được nhắc đến trong gia đình tôi khi tôi lớn lên—mặc dù cha mẹ tôi rất sùng đạo trong phần lớn cuộc đời họ, nhưng việc cha tôi được chẩn đoán mắc bệnh nan y, cùng những thử thách khác, đã khiến họ từ bỏ tôn giáo mà họ đã được nuôi dạy từ nhỏ. Khi cha tôi mất vì bệnh ung thư, tôi vừa lên bốn tuổi và cũng là đứa con út trong số 13 người con, và người mẹ góa của chúng tôi đã không thể tin rằng Thượng Đế có thể để cho một điều như vậy xảy đến với gia đình chúng tôi.
Nhưng khi được 14 tuổi, tôi đã cảm thấy thiếu điều gì đó trong cuộc sống của mình. Tôi tự hỏi liệu tôi có mục đích nào lớn lao hơn mà tôi chưa biết hay không. Tôi cảm thấy giống như Joseph Smith, rằng “tâm trí tôi băn khoăn và bất ổn trầm trọng” (Joseph Smith—Lịch Sử 1:8). Mặc dù lúc đó tôi chưa từng nghe về Joseph Smith, tôi bắt đầu tìm kiếm giống như ông ấy khi tôi tham dự nhiều nhà thờ với hy vọng rằng mình sẽ tìm ra lẽ thật.
Và tôi đã tìm ra lẽ thật vào một ngày nọ, khi tôi thấy hai thanh niên mặc đồ vest đến nhà người hàng xóm của tôi. Tôi tò mò và hỏi họ liệu tôi có thể đến cuộc hẹn của họ không. Sau khi được mẹ cho phép, tôi bắt đầu học với những người truyền giáo và cuối cùng đã gia nhập Giáo Hội.
Việc gia nhập Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô đã giúp tôi tìm ra mục đích của mình, đặc biệt là trong những năm tháng trưởng thành khi tôi phải đưa ra nhiều quyết định mà những người xung quanh không đồng tình. Nhưng dù cho có mục đích và định hướng, thì không phải lúc nào tôi cũng chắc chắn rằng mọi việc sẽ ra sao.
Tuy nhiên, khi đối mặt với những ẩn số, những hoang mang và quá nhiều thay đổi, tôi luôn nhận được sự hướng dẫn từ Cha Thiên Thượng khi tôi hướng về Ngài. Tôi học được nhiều cách để nương cậy vào Ngài và vào đức tin của mình, điều mà đã giúp tôi tiến bước và tiếp tục tìm kiếm mục đích của mình.
Tiến Bước với Công Việc Truyền Giáo
Ở độ tuổi mà hầu hết các bạn cùng trang lứa đang chuẩn bị vào đại học, thì tôi lại tìm hiểu xem làm thế nào mình có thể đi truyền giáo. Ở Chile, tất cả mọi người phải trải qua một kỳ thi trước khi vào đại học. Kỳ thi này chỉ được tổ chức mỗi năm một lần, vậy nên nếu tôi đi truyền giáo, tôi không chỉ trì hoãn việc học trong hai năm mà còn phải chờ thêm một năm sau đó mới được đi học.
Gia đình tôi, đặc biệt là mẹ tôi, đã phản đối việc đi truyền giáo. Việc tôi được học đại học là rất quan trọng đối với bà ấy. Nhưng tôi tin rằng Chúa sẽ giúp tôi làm điều cần thiết, nên tôi thành tâm bắt đầu chuẩn bị.
Khi vị giám trợ đến nhà tôi với giấy tờ đi truyền giáo đã hoàn tất của tôi và xin chữ ký của mẹ tôi, bà ấy rất bất ngờ; tôi chưa nói cho bà ấy biết rằng mình vẫn tiếp tục quá trình ấy. Tôi đã mất nhiều công sức để thuyết phục, nhưng chính Chúa đã làm mềm lòng mẹ tôi và giúp bà ấy hiểu rằng tôi muốn phục vụ.
Phúc âm cho tôi sự đảm bảo rằng tôi đang làm điều đúng, nhưng chỉ bằng việc tiến lên phía trước, từng bước một, với đức tin—thậm chí khi tôi vẫn còn những thắc mắc và hoang mang—thì tôi mới tiếp tục tiến triển được.
Tuân Theo Hết Sự Mặc Khải Này đến Sự Mặc Khải Khác
Việc trở về nhà sau công việc truyền giáo cũng đồng nghĩa với việc bị hoang mang trở lại. Khi cầu xin sự hướng dẫn từ Cha Thiên Thượng qua việc cầu nguyện và nhịn ăn, tôi đã nhận được sự mặc khải rằng mình cần phải đến Hoa Kỳ và đi học ở trường Brigham Young University, một việc mà dường như là bất khả thi.
Tôi đã cố gắng hết sức có thể và thực hiện những bước tốt nhất tiếp theo. Đôi lúc tôi cảm thấy như mình rơi vào ngõ cụt—Tôi đã làm việc hết sức chăm chỉ, nhưng không biết chắc chắn liệu những nỗ lực của tôi có giúp mình đạt được mục tiêu hay không. Tuy nhiên, mục tiêu chính của tôi là tuân theo điều Chúa muốn tôi làm, và mục tiêu đó rất quý báu đối với tôi.
Mục tiêu chính của tôi là tuân theo điều Chúa muốn tôi làm, và mục tiêu đó rất quý báu đối với tôi.
Khi tôi nỗ lực như vậy, một ngày nọ tôi cảm thấy được soi dẫn để liên lạc với một người bạn thân đến từ Hoa Kỳ và hiện đang sống ở quê nhà của tôi. Lúc đó, tôi không biết rằng mọi việc sẽ diễn ra như thế nào—tôi chỉ liên lạc với anh ấy vì Thánh Linh hướng dẫn tôi làm như vậy—nhưng người bạn của tôi và cha của anh ấy cuối cùng đã góp phần quan trọng trong việc giúp tôi biết cách đăng ký và có được thị thực cần thiết để vào học trường BYU. Với sự giúp đỡ của họ và những hy sinh lớn lao của mẹ tôi để trả chi phí cho chuyến đi của tôi, tôi đã đến được nơi đó. Đó là một phép lạ.
Cuộc sống của tôi tiếp tục tiến triển trong cùng một cách như vậy. Tôi cố gắng hết sức và sau đó nhận được sự soi dẫn, mỗi lần từng chút một, để biết điều tôi nên làm tiếp theo. Theo cách đó, tôi tìm được việc làm ở trung tâm huấn luyện truyền giáo, tìm ra nhiều cách để trả học phí, quyết định chuyên ngành học, cuối cùng tốt nghiệp, và kết hôn.
Không phải lúc nào tôi cũng nhận được câu trả lời ngay lập tức và tôi chưa bao giờ có được một kế hoạch chi tiết hoàn hảo, nhưng tôi nhận được sự đảm bảo rằng Chúa hài lòng với hướng đi của mình.
Khi Sự Mặc Khải Trở Nên Khó Hiểu
Một vài năm sau, tôi hiểu được rằng sự hy sinh là thiết yếu đến mức nào đối với việc sống theo phúc âm. Nếu chúng ta muốn Chúa ban cho mình mục đích và chỉ dẫn, thì chúng ta phải sẵn lòng tuân theo chỉ dẫn đó.
Sau khi tốt nghiệp, mọi việc không diễn ra theo kế hoạch với công ty tôi đang làm, nên vợ tôi và tôi có hai lựa chọn: ở lại Hoa Kỳ hoặc trở về Chile. Cả hai chúng tôi đều cảm thấy rõ ràng rằng chúng tôi cần trở về Chile. Việc muốn trở về nhà có vẻ bình thường, nhưng lúc đó là một thời điểm khó khăn. Không có nhiều việc làm ở Chile. Tôi gặp khó khăn trong việc bán ngôi nhà của chúng tôi. Về mặt tài chính và hậu cần, không dễ hiểu khi làm như vậy; ngay cả gia đình chúng tôi cũng nghĩ rằng chúng tôi thiếu khôn ngoan.
Anh chị em sẽ làm gì khi sự mặc khải trở nên mâu thuẫn với lẽ thường tình? Mặc dù khó khăn, nhưng vợ tôi và tôi biết điều phải làm. Chúng tôi tự nhắc nhở mình rằng phúc âm đã giúp chúng tôi đến được đây. Nếu không có Chúa, tôi đã không có sự soi dẫn để giúp tôi phục vụ truyền giáo, được học hành, và gặp gỡ vợ tôi. Chúng tôi chỉ cần tin cậy rằng, bất kể lý do là gì, có người cần chúng tôi ở Chile.
Chúng tôi nhờ vị giám trợ trông nom ngôi nhà của mình và cho thuê cho đến khi ông ấy có thể bán nó đi, và chúng tôi cứ thế chuyển đi. Việc này rất khó khăn, nhưng chúng tôi nhận được rất nhiều phước lành và phép lạ khi vâng theo sự kêu gọi của Chúa. Chúa biết nơi có người cần chúng tôi và nơi mà chúng tôi có thể phục vụ tốt nhất cho những mục đích của Ngài, và Ngài ban phước cho chúng tôi vì chúng tôi vâng lời.
Tìm Kiếm Giải Pháp với Chúa
Tôi hy vọng rằng những người thành niên trẻ tuổi ngày nay sẽ noi theo tấm gương của anh của Gia Rết. Mặc dù dân Gia Rết biết rằng họ cần phải đến đất hứa, họ không chắc chắn làm thế nào họ có thể đến đó. Khi anh của Gia Rết “khẩn cầu danh Chúa” (Ê The 2:15), Ngài đã ban cho ông một vài giải pháp. Chúa phán bảo ông hãy đóng thuyền và hướng dẫn ông cách để cung cấp không khí thở cho những người trong thuyền.
Nhưng khi Chúa hỏi anh của Gia Rết: “Ngươi muốn ta làm gì cho các ngươi có ánh sáng trong thuyền?” (Ê The 2:23). Thay vì phán bảo cho anh của Gia Rết biết chính xác điều phải làm, Chúa đã phán bảo ông phải tự đi tìm giải pháp.
Cuộc đời tôi cũng giống như vậy. Đôi lúc Chúa ban cho tôi hướng dẫn rõ ràng. Những lúc khác, Ngài chờ tôi trình lên cho Ngài những ý tưởng của riêng tôi. Tuy nhiên, dù bằng cách nào đi nữa, điều thiết yếu là tôi phải mời Ngài tham gia vào quá trình này. Việc nhịn ăn, cầu nguyện, và hội ý với Chúa là các bước cần thiết cho những ai đang cố gắng đưa ra quyết định trong cuộc sống của họ.
Đối với những người thành niên trẻ tuổi đang tìm kiếm thêm mục đích sống, tôi khuyên điều này: Hãy hướng về Chúa để nhận được mặc khải cá nhân. Hãy thường xuyên đọc lại phước lành tộc trưởng của anh chị em. Và sẵn lòng hy sinh những thứ kém quan trọng hơn trong cuộc sống nếu Chúa phán bảo với anh chị em rằng Ngài có một mục đích lớn lao hơn cho anh chị em.
Tôi yêu mến Chúa. Phúc âm là tất cả đối với tôi. Tôi biết rằng Chúa thấy được tiềm năng của anh chị em và muốn giúp anh chị em đạt được mục đích thiêng liêng của anh chị em.