Podcast: Play in new window | Embed
Thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô
Tinh thần mặc khải là có thật—và có thể thật sự hoạt động trong cuộc sống cá nhân của chúng ta và trong Giáo Hội.
Tôi bày tỏ lòng biết ơn về sự soi dẫn trong việc chọn bài thánh ca tiếp theo sau bài nói chuyện của tôi: “Ta Đã Làm Điều Tốt?” Thánh Ca, số 58). Tôi hiểu điều gợi ý đó rồi.
Tôi xin mời các anh chị em cùng tôi suy xét hai kinh nghiệm về ánh sáng mà tất cả hoặc hầu hết chúng ta đều trải qua.
Kinh nghiệm đầu tiên xảy ra khi chúng ta bước vào một căn phòng tối và vặn đèn lên. Các anh chị em nhớ là có một luồng ánh sáng lập tức tràn ngập căn phòng đó và xua tan bóng tối. Những gì trước đó đã không thấy được và không rõ ràng thì giờ đã trở nên sáng sủa và có thể nhận diện được. Việc nhận ra ánh sáng chói chan ngay lập tức chính là đặc điểm nổi bật của kinh nghiệm này.
Kinh nghiệm thứ nhì xảy ra khi chúng ta quan sát màn đêm chuyển sang bình minh. Các anh chị em hẳn còn nhớ ánh sáng nơi chân trời từ từ gia tăng gần như khó thấy không? Trái với việc bật đèn lên trong căn phòng tối, ánh sáng từ mặt trời đang mọc lên không chói lọi ngay lập tức. Thay vì thế, cường độ của ánh sáng gia tăng dần dần và đều đặn, và bóng tối bị thay thế bởi ánh nắng rực rỡ của buổi bình minh. Cuối cùng, mặt trời thật sự ló dạng ở nơi chân trời. Nhưng dấu hiệu cho thấy rằng mặt trời sắp mọc lên rất rõ ràng từ nhiều giờ đồng hồ trước khi mặt trời thật sự ló dạng ở nơi chân trời. Việc nhận thấy ánh sáng tỏa ra dần dần chính là đặc điểm nổi bật của kinh nghiệm này.
Từ hai kinh nghiệm thông thường này về ánh sáng, chúng ta có thể học nhiều điều về tinh thần mặc khải. Tôi cầu nguyện rằng Đức Thánh Linh sẽ soi dẫn và chỉ dạy cho chúng ta vào lúc này khi chúng ta tập trung vào tinh thần mặc khải cũng như những mẫu mực cơ bản để nhận được sự mặc khải.
Tinh Thần Mặc Khải
Sự mặc khải là sự giao tiếp từ Thượng Đế với con cái của Ngài trên thế gian và là một trong các phước lành vĩ đại liên kết với ân tứ và sự đồng hành liên tục của Đức Thánh Linh. Tiên Tri Joseph Smith dạy: “Đức Thánh Linh là vị mặc khải,” và “không một người nào có thể nhận được Đức Thánh Linh mà lại không nhận được những điều mặc khải” (Những Lời Giảng Dạy của Các Vị Chủ Tịch Giáo Hội: Joseph Smith [2007], 132).
Qua thẩm quyền chức tư tế hợp thức, tinh thần mặc khải dành sẵn cho mọi người tiếp nhận các giáo lễ cứu rỗi của phép báp têm bằng cách dìm mình xuống nước để được xá miễn các tội lỗi và phép đặt tay ban cho ân tứ của Đức Thánh Linh—và là người đang hành động trong đức tin để làm tròn mệnh lệnh của chức tư tế “hãy tiếp nhận Đức Thánh Linh.” Phước lành này không giới hạn chỉ cho thẩm quyền chủ tọa của Giáo Hội; thay vì thế, phước lành này thuộc vào và cần phải được sử dụng trong cuộc sống của mỗi người nam, người nữ và trẻ em khi họ đến tuổi có trách nhiệm và thiết lập các giao ước thiêng liêng. Ước muốn chân thành và sự xứng đáng mời gọi tinh thần mặc khải vào cuộc sống của chúng ta.
Joseph Smith và Oliver Cowdery đạt được kinh nghiệm quý giá với tinh thần mặc khải khi họ phiên dịch Sách Mặc Môn. Hai người anh em này đã học được rằng họ có thể nhận được bất cứ kiến thức nào cần thiết để hoàn tất công việc của họ nếu họ cầu vấn trong đức tin, với một tấm lòng chân thật và tin rằng mình sẽ nhận được. Và sau một thời gian, họ càng hiểu thêm tinh thần mặc khải, nói chung hoạt động giống như như ý nghĩ và cảm nghĩ hiện đến tâm trí chúng ta bằng quyền năng của Đức Thánh Linh (Xin xem GLGƯ 8:1–2; 100:5–8.) Như Chúa đã dạy họ: “Giờ đây, này, đây là tinh thần mặc khải; này, đây là tinh thần mà ngày xưa Môi Se đã nhờ đó đem con cái của Y Sơ Ra Ên vượt qua biển đỏ như đi trên đất khô ráo. Vậy thì đây là ân tứ của ngươi.” (GLGƯ 8:3–4).
Tôi nhấn mạnh cụm từ “hãy sử dụng ân tứ đó” liên quan đến tinh thần mặc khải. Trong thánh thư, ảnh hưởng của Đức Thánh Linh thường được nhận ra như là “một tiếng nói nhỏ êm ái” (1 Các Vua 19:12 ; 1 Nê Phi 17:45; xin xem thêm3 Nê Phi 11:3) và một “tiếng nói hết sức dịu dàng” (Hê La Man 5:30). Vì Thánh Linh mách bảo chúng ta một cách dịu dàng và nhỏ nhẹ, nên rất dễ để chúng ta hiểu lý do tại sao phải tránh những phương tiện truyền thông không thích hợp, hình ảnh sách báo khiêu dâm, cũng như những chất và thói quen nghiện ngập đầy tai hại. Những công cụ này của kẻ thù nghịch có thể làm suy yếu và cuối cùng hủy diệt khả năng của chúng ta để nhận biết và đáp ứng các sứ điệp tinh vi do Thượng Đế ban cho qua quyền năng của Thánh Linh Ngài. Mỗi người chúng ta cần phải nghiêm túc cân nhắc và thành tâm suy ngẫm cách chúng ta có thể bác bỏ những cám dỗ của quỷ dữ và “hãy sử dụng ân tứ đó” một cách ngay chính, ấy là tinh thần mặc khải trong cuộc sống cá nhân và gia đình của chúng ta.
Mẫu Mực Mặc Khải
Những điều mặc khải được truyền ban trong nhiều cách khác nhau, ví dụ như giấc mơ, khải tượng, cuộc trò chuyện với các thiên sứ và sự soi dẫn. Một số điều mặc khải được tiếp nhận mãnh liệt ngay lập tức; một số khác được nhận ra dần dần và rất tinh tế. Hai kinh nghiệm về ánh sáng tôi đã mô tả đều giúp chúng ta hiểu rõ hơn hai mẫu mực mặc khải cơ bản này.
Một ngọn đèn được vặn lên trong căn phòng tối cũng giống như việc tiếp nhận một sứ điệp từ Thượng Đế một cách nhanh chóng, trọn vẹn và ngay lập tức. Nhiều người chúng ta đã trải nghiệm mẫu mực mặc khải này khi nhận được đáp ứng cho những lời cầu nguyện chân thành hoặc được hướng dẫn hoặc bảo vệ cần thiết, tùy theo ý muốn và kỳ định của Thượng Đế. Những điều mô tả về những biểu hiện ngay trước mắt và mạnh mẽ như vậy được tìm thấy trong thánh thư, được thuật lại trong lịch sử Giáo Hội và được chứng minh trong cuộc sống của chúng ta. Quả thật những phép lạ phi thường này đã xảy ra. Tuy nhiên, mẫu mực mặc khải này thường ít phổ biến hơn.
Việc ánh sáng dần dần tỏa ra từ mặt trời mọc cũng giống như việc tiếp nhận một sứ điệp từ Thượng Đế “từng hàng chữ một, từng lời chỉ giáo một” (2 Nê Phi 28:30). Thường xuyên nhất, sự mặc khải đến theo mức độ nhỏ rồi tăng dần theo thời gian và được ban cho tùy theo ước muốn, mức độ xứng đáng và sự chuẩn bị của chúng ta. Sự giao tiếp như vậy từ Cha Thiên Thượng dần dần và nhẹ nhàng “nhỏ giọt xuống [tâm hồn chúng ta] như những hạt sương từ thiên thượng” (GLGƯ 121:45). Mẫu mực mặc khải này được cho thấy phổ biến hơn và hiển nhiên trong những kinh nghiệm của Nê Phi khi ông cố gắng vài lần trước khi thành công lấy được các bảng khắc bằng đồng từ La Ban (xin xem 1 Nê Phi 3–4). Cuối cùng, ông được Thánh Linh dẫn dắt đến Giê Ru Sa Lem “không biết trước được là [ông] sẽ phải làm gì” (1 Nê Phi 4:6). Và ông đã không học cách đóng một chiếc tàu một cách tài tình chỉ trong một lần; thay vì thế, “thỉnh thoảng Chúa đã chỉ cho [ông] cách sử dụng mộc liệu để đóng tàu” (1 Nephi 18:1).
Lịch sử của Giáo Hội lẫn cuộc sống cá nhân của chúng ta đầy dẫy những ví dụ về mẫu mực của Chúa để nhận được sự mặc khải “từng hàng chữ một, từng lời chỉ giáo một.” Ví dụ, các lẽ thật cơ bản của phúc âm phục hồi đã không cùng một lúc ban cho Tiên Tri Joseph Smith trong Khu Rừng Thiêng Liêng. Những tài sản vô giá này được tiết lộ khi cần thiết và đúng kỳ định.
Chủ Tịch Joseph F. Smith giải thích việc mẫu mực mặc khải này xảy ra trong cuộc sống của ông như thế nào: “Khi còn nhỏ … tôi thường … xin Chúa cho tôi thấy một điều kỳ diệu nào đó, để tôi có thể nhận được một chứng ngôn. Nhưng Chúa đã giữ lại không cho tôi thấy những điều kỳ diệu mà chỉ cho tôi thấy lẽ thật từ hàng chữ một …, cho đến khi Ngài làm cho tôi phải hiểu lẽ thật từ đầu đến chân của tôi, và cho đến khi nỗi nghi ngờ và sợ hãi đã bị loại bỏ khỏi tôi. Ngài đã không cần gửi một thiên sứ từ thiên thượng đến để làm điều này, cũng như Ngài không cần phải phán bảo với tiếng kèn của một thiên sứ trưởng. Ngài đã ban cho tôi chứng ngôn mà tôi hiện có bằng giọng thì thầm êm nhẹ của Thánh Linh của Thượng Đế hằng sống. Cũng bởi nguyên tắc và quyền năng này, Ngài sẽ ban cho tất cả con cái loài người một sự hiểu biết về lẽ thật mà sẽ ở với họ, cũng như sẽ làm cho họ biết được lẽ thật, như Thượng Đế biết, và làm theo ý muốn của Đức Chúa Cha như Đấng Ky Tô đã làm. Và sẽ không bao giờ có một số biểu hiện kỳ diệu nào có thể đạt được như điều này.” (trong Conference Report, tháng Tư năm 1900, 40–41).
Là tín hữu của Giáo Hội, chúng ta thường nhấn mạnh đến những biểu hiện thuộc linh kỳ diệu và gây ấn tượng nhiều đến nỗi chúng ta có thể không cảm kích và ngay cả không nhận thấy mẫu mực điển hình mà Đức Thánh Linh hoàn thành công việc của Ngài theo mẫu mực đó. “Cách thức quá giản dị” (1 Nê Phi 17:41) để tiếp nhận các ấn tượng thuộc linh nhỏ và dần dần, mà theo thời gian, hoàn toàn tạo thành một lời đáp ứng hoặc hướng dẫn chúng ta cần, thì có thể làm cho chúng ta “đã nhìn xa quá điểm nhắm” (Jacob 4:14).
Tôi đã nói chuyện với nhiều người thắc mắc về sự vững mạnh của chứng ngôn cá nhân của họ và đánh giá thấp khả năng thuộc linh của họ vì họ không nhận được những ấn tượng thường xuyên, kỳ diệu hoặc mạnh mẽ. Có lẽ khi chúng ta xem xét những kinh nghiệm của Giô Sép trong Khu Rừng Thiêng Liêng, của Phao Lô trên đường đi đến thành Đa Mách, và của An Ma Con, thì chúng ta đều dần dần tin rằng chúng ta có một điều gì đó sai trái hoặc thiếu xót nếu trong cuộc sống mình, chúng ta không có những kinh nghiệm tương tự như những ví dụ thuộc linh được nhiều người biết đến và nổi bật này. Nếu các anh chị em có những ý nghĩ hoặc nỗi ngờ vực tương tự thì xin hãy biết rằng đó cũng là điều khá bình thường thôi. Hãy cứ tiến bước với sự vâng lời và đức tin nơi Đấng Cứu Rỗi. Khi làm như vậy, các anh chị em “không thể đi lầm đường được” (GLGƯ 80:3).
Chủ Tịch Joseph F. Smith đã dạy: “Hãy cho tôi thấy Các Thánh Hữu Ngày Sau phải trông cậy vào phép lạ, điềm triệu và khải tượng để giữ cho họ được trung thành trong Giáo Hội, và tôi sẽ cho các anh chị em tín hữu thấy … người nào không ở trong vị thế tốt trước mắt Thượng Đế, và những người đang bước đi trên con đường trơn trượt. Không phải là qua những biểu hiện kỳ diệu đối với chúng ta mà chúng ta sẽ được thiết lập trong lẽ thật, nhưng chính là qua lòng khiêm nhường và sự vâng lời trung tín đối với các lệnh truyền và luật pháp của Thượng Đế” (trong Conference Report, tháng Tư năm 1900, 40).
Một kinh nghiệm thông thường khác về ánh sáng giúp chúng ta học thêm lẽ thật về mẫu mực mặc khải “từng hàng chữ một, từng lời chỉ giáo một”.Đôi khi mặt trời mọc vào một buổi sáng u ám đầy mây hay sương mù. Vì tình trạng u ám đó, nên việc nhận ra ánh sáng càng khó thêm, và không thể nào nhận biết chính xác lúc nào là lúc mặt trời mọc ở nơi chân trời. Tuy nhiên vào một buổi sáng như vậy, chúng ta có đủ ánh sáng để nhận biết một ngày mới và đi làm công việc của mình.
Trong một cách tương tự, chúng ta nhiều lần nhận được điều mặc khải mà không nhận biết một cách chính xác cách nào hoặc khi nào chúng ta đang nhận được mặc khải. Một đoạn quan trọng trong lịch sử Giáo Hội giải thích về nguyên tắc này.
Vào mùa xuân năm 1829, Oliver Cowdery là một giáo viên ở Palmyra, New York. Khi nghe về Joseph Smith và công việc phiên dịch Sách Mặc Môn, Oliver đã có ấn tượng phải phụ giúp vị tiên tri trẻ tuổi này. Do đó, ông đã đi đến Harmony, Pennsylvania, và trở thành người biên chép cho Joseph. Thời điểm ông đến và giúp đỡ vô cùng thiết yếu cho sự ra đời của Sách Mặc Môn.
Sau đó, Đấng Cứu Rỗi đã mặc khải cho Oliver rằng ông càng thường xuyên cầu nguyện xin được hướng dẫn thì ông càng nhận được sự hướng dẫn từ Thánh Linh của Chúa. Chúa phán: “Nếu không phải như vậy, thì ngươi đã chẳng đến nơi mà hiện thời ngươi đang hiện diện. Này, ngươi biết rằng ngươi đã cầu vấn ta và ta đã soi sáng tâm trí ngươi; và giờ đây ta nói ra những điều này để ngươi có thể biết được rằng ngươi đã được Thánh Linh của lẽ thật soi sáng.” (GLGƯ 6:14–15).
Như vậy, Oliver đã nhận được một điều mặc khải qua Tiên Tri Joseph Smith cho ông biết rằng ông đã nhận được điều mặc khải. Hiển nhiên, Oliver đã không nhận biết cách nào và khi nào ông đã nhận được sự hướng dẫn từ Thượng Đế và cần lời chỉ dẫn này để hiểu thêm về tinh thần mặc khải. Nói theo nghĩa bóng, Oliver đã bước đi trong ánh sáng khi mặt trời mọc lên vào một buổi sáng u ám đầy mây.
Trong nhiều lúc bấp bênh và thử thách chúng ta gặp trong cuộc sống của mình, Thượng Đế đòi hỏi chúng ta phải làm hết khả năng của mình, để tự hành động chứ không bị tác động (xin xem 2 Nê Phi 2:26), và tin cậy nơi Ngài. Chúng ta có thể không thấy được các thiên sứ, nghe tiếng nói của Chúa, hoặc nhận được vô số những ấn tượng thuộc linh. Chúng ta thường có thể tiến bước với hy vọng và cầu nguyện—nhưng không có gì là bảo đảm tuyệt đối—rằng chúng ta đang làm theo ý muốn của Thượng Đế. Nhưng khi chúng ta tôn trọng các giao ước của mình và tuân giữ các lệnh truyền, khi chúng ta cố gắng một cách kiên trì hơn để làm điều thiện và để trở nên tốt hơn thì chúng ta có thể bước đi với sự tin tưởng rằng Thượng Đế sẽ hướng dẫn bước đi của chúng ta. Và chúng ta có thể quả quyết nói rằng Thượng Đế sẽ soi dẫn lời nói của chúng ta. Đây là một phần ý nghĩa của câu thánh thư: “Rồi thì niềm tin của ngươi sẽ vững mạnh trong sự hiện diện của Thượng Đế” (GLGƯ 121:45).
Khi các anh chị em tìm cách áp dụng tinh thần mặc khải một cách thích hợp, thì tôi hứa rằng các anh chị em sẽ “bước đi trong sự sáng của Chúa” (Ê Sai 2:5;2 Nê Phi 12:5). Đôi khi tinh thần mặc khải sẽ hoạt động ngay lập tức và thật mạnh mẽ, những lần khác thì tinh tế và dần dần hơn, và thường tinh vi đến nỗi các anh chị em không thể ý thức để nhận ra được. Nhưng dù phước lành này được tiếp nhận theo mẫu mực nào đi nữa, thì ánh sáng tỏa ra từ mẫu mực này sẽ chiếu rọi và mở rộng tâm hồn của các anh chị em, soi sáng sự hiểu biết của các anh chị em (xin xem An Ma 5:7; An Ma 32:28), và hướng dẫn cùng bảo vệ các anh chị em và gia đình của các anh chị em.
Tôi chia sẻ lời chứng của vai trò sứ đồ của mình rằng Đức Chúa Cha và Vị Nam Tử hằng sống. Tinh thần mặc khải là có thật—và có thể thật sự hoạt động trong cuộc sống cá nhân của chúng ta và trong Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Tôi làm chứng về các lẽ thật này trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.