Podcast: Play in new window | Embed
Bài của Anh Posenai Patu, một tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Nay của Chúa Giê Su Ky Tô đang sống tại Apia, Samoa
Tôi đang tham dự một buổi đại hội tôn giáo với chị gái tôi thì chị ấy nhờ tôi trèo lên cây và hái một chùm dừa cho buổi đại hội. Trong lúc đang hái dừa trên đỉnh ngọn cây, đột nhiên tôi ngất đi và ngã xuống. Tôi tiếp đất bằng lưng và không còn cảm nhận được đôi chân của mình nữa.
Tôi được đưa đến bệnh viện và các bác sĩ đã cố định phần xương ở lưng cho tôi. Tôi phải nằm ngửa lưng trong bệnh viện ròng rã suốt ba tháng, thậm chí không thể ngồi dậy được. Đó là khoảng thời gian đầy cảm xúc và chán nản. Tôi nằm dài trên giường bệnh và tự hỏi chuyện gì sẽ đến với mình và mình sẽ phải làm gì tiếp theo.
Hội Ý với Chúa
Sau ba tháng, tôi được thông báo sẽ đi New Zealand để phẫu thuật lưng. Cuộc phẫu thuật đã giúp tôi có thể ngồi dậy thay vì chỉ nằm một chỗ. Khi đang ở trong bệnh viện tại New Zealand, tôi gặp một cô gái đang công tác trong bệnh viện. Cô ấy hỏi tôi, “Tôi có quen anh không nhỉ? Trông anh quen quen.”
Chúng tôi bắt đầu trò chuyện. Cô ấy đã chia sẻ phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô và tặng tôi một quyển Sách Mặc Môn. Lúc đầu, tôi không hề đụng tới quyển sách đó. Tôi đặt quyển sách bên cạnh giường. Tuy nhiên, một ngày nọ, tôi đang ở một mình mà tivi thì lại chẳng có chương trình gì thú vị cả. Mắt tôi lướt đến quyển Sách Mặc Môn nằm trên bàn. Tôi mở sách ra và bắt đầu đọc.
Trong khi đọc, tôi có một cảm giác rằng Sách Mặc Môn rất khác biệt và sách đó chắc hẳn chứa đựng phúc âm chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô. Cô gái trong bệnh viện đã đánh dấu một vài câu, câu thứ nhất là An Ma 37:37: “Hãy hội ý với Chúa trong mọi việc làm của mình, và Ngài sẽ hướng dẫn con đến điều thiện.”
Những câu từ ấy ập đến tôi và khiến tôi suy ngẫm. Để biết liệu giáo Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô có phải là Giáo Hội chân chính không, tôi biết mình cần phải hội ý với Chúa. Tôi cũng muốn tận mắt kiểm chứng giáo hội này.
Nỗi Tuyệt Vọng của Tôi Đã Được Gột Sạch
Khi trở về nhà từ New Zealand, tôi đã mời những người truyền giáo đến giảng dạy cho tôi. Trong quá trình học hỏi, tôi đã phát triển được một chứng ngôn rằng đây chính là Giáo Hội của Đấng Ky Tô. Tôi biết ơn những người truyền giáo đã giảng dạy cho tôi. Tại lễ báp têm của tôi, họ đã có sức mạnh để đưa tôi xuống nước—một người giữ cơ thể tôi trong tay trong khi người kia thực hiện phép báp têm cho tôi.
Với phép báp têm của mình, toàn bộ những cảm nghĩ chán nản và tuyệt vọng mà tôi đã phải chịu đựng đều đã được gột sạch. Tôi biết rằng mình có một mục đích trong cuộc sống và Thượng Đế yêu thương tôi.
Trước khi chịu phép báp têm, tôi cảm thấy xấu hổ về tình trạng của bản thân do phải ngồi xe lăn. Tuy nhiên, sau khi chịu phép báp têm, tôi bắt đầu đến tiểu giáo khu vào mỗi Chủ Nhật và tham gia vào các sinh hoạt dành cho người thành niên trẻ tuổi độc thân. Thậm chí tôi còn tham dự các buổi khiêu vũ của giáo khu, nhảy múa trên chiếc xe lăn theo từng bài hát. Tôi cũng tham gia vào một cộng đồng dành cho người Samoa bị chấn thương cột sống.
Tôi nhận ra rằng mình đã được chữa lành khỏi cảm giác phải che giấu bản thân. Thông qua Giáo Hội, tôi đã có được sự tự tin để đến tương tác trở lại với mọi người.
Chúa cũng giúp tôi thúc đẩy bản thân và trưởng thành khi tôi được khuyến khích tham gia chương trình học ba năm tại trường Cambodian School of Prosthetics and Orthotics (tạm dịch: Trường Kỹ Thuật Tay Chân Giả và Chỉnh Hình Campuchia, gọi tắt là CSPO). Tôi không chắc mình có thể tham gia chương trình học này vì trước đây chưa có ai ngồi xe lăn từng đăng ký tuyển sinh cả. Tuy nhiên, cuối cùng, hoàn cảnh cho phép tôi có thể theo học trường CSPO tại Campuchia. Tôi tốt nghiệp ở đó với tư cách là sinh viên khuyết tật đầu tiên trong lịch sử chương trình học.
Sau khi trở lại Samoa, tôi đã nói chuyện tại một buổi họp đặc biệt devotional dành cho người thành niên trẻ tuổi độc thân (YSA) về sức khỏe. Sau buổi họp, một người phụ nữ bước đến bắt tay tôi và nói rằng cô ấy thích bài nói chuyện của tôi. Lagimanofia mới vừa trở về từ công việc truyền giáo của mình. Từ giây phút tôi gặp cô ấy, tôi cảm thấy cô ấy đã hoàn thiện tôi. Tôi đã cầu nguyện để tìm được một người có thể trở thành bạn đồng hành, yêu thương và chấp nhận tôi.
Khi tôi và Lagimanofia bắt đầu hẹn hò, cô ấy quan tâm và chấp nhận tôi, và gia đình cô ấy cũng rất ủng hộ. Chúng tôi kết hôn và cuộc sống của chúng tôi đã thay đổi mãi mãi khi chúng tôi nhận nuôi Posenai Jr. Chúa đã chuẩn bị cho chúng tôi nhận nuôi cậu bé. Việc có được Posenai Jr. trong cuộc sống khiến chúng tôi rất hạnh phúc.
Tôi Có Thể Phục Vụ Không?
Tại nhà thờ, tôi được kêu gọi với tư cách là thư ký tiểu giáo khu và sau này là cố vấn trong giám trợ đoàn. Tôi đã không thể tin rằng một người ngồi xe lăn lại có thể phục vụ. Tai nạn của tôi đã khiến tôi cảm thấy bản thân thật vô dụng, nhưng khi được phục vụ trong Giáo Hội, tôi cảm thấy mình hữu ích và điều đó giúp tôi nhận ra rằng tôi cũng có thể đóng góp sức lực của mình. Tôi yêu thích cơ hội được đến gần Chúa Giê Su Ky Tô hơn khi tôi phục vụ.
Với tư cách là cố vấn trong giám trợ đoàn, tôi muốn được hướng dẫn để có thể thực hiện chức vụ kêu gọi của mình một cách hiệu quả hơn. Điều đó khiến tôi muốn chuẩn bị nhiều hơn cho mỗi ngày Chủ Nhật. Tôi bắt đầu phát triển thói quen đọc thánh thư cũng như có cơ hội chia sẻ chứng ngôn của mình. Việc trở thành một lãnh đạo ở nhà thờ thậm chí còn giúp tôi trở thành một người lãnh đạo tại nơi làm việc. Tôi đã gây dựng nên cảm giác rằng mình có thể lãnh đạo và nêu lên ý kiến, điều này giúp tôi có thể lãnh đạo trong những lĩnh vực khác.
Hiện nay tôi đang công tác với chức danh hiệu trưởng Khoa Kỹ Thuật Tay Chân Giả và Chỉnh Hình tại Bệnh viện Meaole Tupua Tamasese, bệnh viện tuyến trung ương của Samoa. Khoa của tôi cung cấp thiết bị hỗ trợ đi lại và xe lăn cho khoảng 500 người mỗi năm. Thông qua Bộ Y Tế Samoa, Giáo Hội đã hỗ trợ cung cấp xe lăn và vật liệu chế tạo chân tay giả cần thiết (xin xem philanthropies.ChurchofJesusChrist.org/humanitarian-services). Những sự trợ giúp này giúp mọi người làm việc trở lại và trở nên tự lực cánh sinh. Chúng cũng mang đến cho mọi người niềm hy vọng và cơ hội trở lại cuộc sống mà họ tưởng như đã đánh mất.
Trông Cậy nơi Thượng Đế
Nếu tôi phải đưa ra lời khuyên cho những người khuyết tật, thì lời khuyên đó sẽ là: “Đừng để tình trạng khuyết tật ngăn cản anh chị em khỏi những điều anh chị em tin tưởng. Hãy dồn hết tâm huyết của mình vào điều anh chị em muốn đạt được và nỗ lực hết mình để đạt được điều đó. Khi anh chị em tìm kiếm sự giúp đỡ của Chúa, Ngài sẽ ban phước cho anh chị em [xin xem 2 Nê Phi 32:9].”
Với niềm tin đó, tôi tiếp tục tiến bước và điều đó đã tạo nên tôi của ngày hôm nay. Tôi tin rằng tôi được sắp đặt tại đây và được cứu vì một mục đích cao cả. Mặc dù tôi đã ngã từ trên cây xuống, nhưng Chúa đã cứu tôi để tôi có thể thay đổi cuộc đời mình và làm công việc giúp đỡ những người có cùng hoàn cảnh. Chúa đã dạy tôi rằng tôi có thể giúp đỡ nhiều người khác—không phải để vượt qua khuyết tật của bản thân mà lấy đó làm động lực.