Podcast: Play in new window | Embed
Bài của Chị Marlene Sullivan, một tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô hiện đang sống tại Utah, Hoa Kỳ
Tôi bị mất thính giác nặng gần như suốt cả cuộc đời và chỉ có thể hiểu được khoảng 20 phần trăm những gì được nói tại bục giảng trong hầu hết các buổi họp của Giáo Hội. Thỉnh thoảng, bệnh khiếm thính của tôi khiến tôi cảm thấy cô đơn và tách biệt, chẳng hạn như khi cả giáo đoàn đều bật cười vì lời nhận xét hài hước của người nói chuyện nhưng tôi thì không, bởi vì tôi không nghe được. Và tôi không phải là người duy nhất. Các tín hữu lớn tuổi hơn trong tiểu giáo khu tâm sự với tôi rằng họ cũng gặp khó khăn trong việc nghe.
Đôi lần, sau khi cố gắng để nghe hiểu một người nói chuyện có giọng nói nhỏ trong buổi lễ Tiệc Thánh hoặc khi một giảng viên Trường Chủ Nhật tuyên bố rằng không cần phải sử dụng micrô vì mọi người đều có thể nghe, tôi tự hỏi tại sao mình đi nhà thờ nếu chỉ có thể nghe được quá ít. Chẳng phải tôi sẽ tiết kiệm được thời gian nhiều hơn nếu tôi ở nhà đọc các bài học Hãy Đến Mà Theo Ta hoặc học thánh thư sao?
Tuy nhiên, tôi muốn vâng lời và tiếp tục tham dự cùng với gia đình mình để tái lập các giao ước báp têm của mình và tưởng nhớ tới Đấng Cứu Rỗi bằng cách dự phần Tiệc Thánh. Việc cảm nhận được Thánh Linh luôn là một phước lành, và tôi luôn cảm thấy được gây dựng bởi những điều tôi có thể nghe được.
Một ngày Chủ Nhật nọ, ủy viên hội đồng thượng phẩm nói chuyện trong lễ Tiệc Thánh có một giọng nói âm vang và rõ ràng rất dễ nghe. Ông đã thảo luận câu chuyện trong Kinh Tân Ước về người đàn bà bị bệnh mất huyết trong 12 năm và có đức tin rằng người ấy có thể được chữa lành nếu người ấy có thể tìm đến và chạm tay vào áo choàng của Chúa Giê Su khi Ngài đi qua (xin xem Lu Ca 8:43–48).
Sau đó, người nói chuyện đưa ra một sự hiểu biết sâu sắc làm tôi vô cùng xúc động, giải thích rằng vì tình trạng của mình, người đàn bà này sẽ bị coi là ô uế và có lẽ sẽ không được phép tham dự nhà thờ. Trong 12 năm!
Những kết quả của việc này làm tôi kinh ngạc. Mặc dù bị bệnh, nhưng người đàn bà này có lẽ không ốm yếu đến nỗi không thể đi nhà thờ, ít nhất là thỉnh thoảng. Nhưng vì tập tục xã hội của thời kỳ đó, nên bà ấy không được phép tham dự. Thật là một thử thách khủng khiếp đối với một người có đức tin!
Khi tôi suy ngẫm về nỗi đau khổ mà chắc hẳn bà ấy đã cảm thấy là bị ngăn cấm không được thờ phượng Thượng Đế với những người đồng đạo vì tình trạng thể chất của mình—một điều gì đó mà bà ấy không thể kiểm soát được—Thánh Linh đã mở mắt tôi ra để thấy hoàn cảnh của bà ấy so với hoàn cảnh của tôi như thế nào. Tôi hiểu được rằng mặc dù tôi không thể là một người tham gia trọn vẹn, nhưng ít nhất tôi đã có đặc ân tham dự nhà thờ và nghe những gì tôi có thể nghe được. Người đàn bà này không có sự lựa chọn như vậy. Tôi cảm thấy hổ thẹn vì đôi lần thoáng nghĩ đến việc ở nhà.
Ngay lập tức, Thượng Đế phán cùng tâm hồn tôi, cho tôi biết rằng Ngài không muốn tôi cảm thấy có tội. Ngài muốn tôi cảm thấy biết ơn—biết ơn về đặc ân được tham dự nhà thờ và được củng cố bằng cách kết giao với các môn đồ trung tín của Đấng Ky Tô. Mặc dù tôi không thể nghe hết mọi điều, nhưng tôi có thể hiểu một số điều—và mỗi điều đều đã ban phước cho cuộc sống của tôi. Cũng có những giây phút đặc biệt mà Thánh Linh đã giúp tôi hiểu những điều tôi không thể nghe được.
Tôi cảm thấy biết ơn về sự tự do thờ phượng Thượng Đế và vui hưởng các phước lành của việc đi đến nhà của Ngài. Thánh Linh đã làm chứng với tôi rằng việc tham dự các buổi họp Giáo Hội, dự phần Tiệc Thánh, và học hỏi những gì tôi có thể học được sẽ tốt hơn nhiều so với việc không tham dự gì cả.
Ngày hôm đó thái độ của tôi đã thay đổi. Thay vì cảm thấy chán nản bởi những hạn chế của mình, thì lòng tôi tràn ngập sự bình an, và tôi quyết tâm tập trung vào các phước lành của việc tham dự nhà thờ. Tôi quyết tâm cố gắng chân thành biết ơn về điều tôi có thể nghe được thay vì chán nản về những gì tôi không thể nghe được.
Anh Cả Dieter F. Uchtdorf thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ đã nói: “Việc biết ơn trong lúc đau khổ không có nghĩa là chúng ta hài lòng với hoàn cảnh của mình. Điều đó thật sự có nghĩa là qua con mắt đức tin, chúng ta sử dụng đức tin để nhìn xa hơn những khó khăn hiện tại của mình.”1 Người đàn bà đưa tay ra sờ vào áo choàng của Chúa Giê Su là một lời nhắc nhở tuyệt vời cho tôi để có đủ đức tin nơi Chúa để nhìn xa hơn những hạn chế của tôi và đủ tin cậy vào Thượng Đế để biết rằng Ngài sẽ ban phước cho tôi để vượt qua những giới hạn về thể chất của mình.
Cuộc sống luôn đi kèm với đủ loại thử thách mà đè nặng lên chúng ta về mặt thuộc linh, cảm xúc, hoặc thể chất, nhưng ngay cả trong những lúc đau khổ, chúng ta được khuyến khích nên biết ơn về các phước lành mình vui hưởng. Chúa phán:
“Ta nói cho các ngươi hay, những người bạn của ta, chớ sợ hãi, hãy để cho lòng mình được an ủi; phải, hãy vui mừng luôn luôn và hãy tạ ơn về mọi điều. …
“… Và tất cả những gì đã làm cho các ngươi phải đau khổ sẽ hiệp lại làm lợi ích cho các ngươi và cho vinh quang của danh ta” (Giáo Lý và Giao Ước 98:1, 3).