Podcast: Play in new window | Embed
Bài của Anh Cả Boyd K. Packer thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô
Cách đây nhiều năm, vào buổi tối trước lễ Giáng Sinh, một người bà con của tôi mất một đứa con trai năm tuổi vì bệnh viêm phổi cấp tính. Gia đình đứng xung quanh quanh chiếc quan tài để dâng lên lời cầu nguyện chung gia đình. Một tấm mền nhỏ, do người mẹ của em may, được xếp ngang đôi chân của đứa bé.
Ngay khi họ sắp đậy nắp chiếc quan tài, thì mẹ của tôi tiến đến, vòng tay ôm lấy người mẹ đau buồn, và giúp người ấy mở tấm mền ra và đắp lên đứa bé. Lần cuối cùng mà cha mẹ đứa bé nhìn thấy đứa con trai nhỏ của họ, thể như nó đang ngủ, được đắp tấm mền mà nó ưa thích. Đó là một giây phút rất cảm động. Đó là điều mà các bà nội, bà ngoại thường làm!
Chúng tôi trở về Thành Phố Brigham để dự tang lễ của người cha vợ của tôi, William W. Smith. Một thanh niên mà tôi biết là học sinh trong lớp giáo lý đứng bên chiếc quan tài và xúc động nhiều. Tôi không biết là người ấy quen với cha vợ của tôi.
Người ấy nói: “Một mùa hè nọ, tôi làm việc với anh ấy ở nông trai. Anh Smith nói chuyện với tôi về việc đi truyền giáo. Gia đình tôi không thể nào giúp đỡ một người đi truyền giáo được. Anh Smith bảo tôi cầu nguyện về điều đó và nói: ‘Nếu em quyết định đi, thì tôi sẽ trả tiền cho công việc truyền giáo của em,’ và anh ấy đã làm thế.”
Vợ của tôi cũng như mẹ vợ của tôi đã không biết điều đó. Đó là một trong những điều mà các ông nội, ông ngoại thường làm.
Chúng tôi có 10 đứa con. Một ngày Chúa Nhật rắc rối nọ khi con cái của chúng tôi còn nhỏ, vợ tôi đang ngồi trong buổi lễ Tiệc Thánh. Như thường lệ, tôi vắng mặt vào ngày Chúa Nhật. Con cái của chúng tôi chiếm gần hết dãy ghế.
Chị Walker, một bà ngoại dễ mến, tóc bạc trắng, là người đã nuôi nấng 12 đứa con, lặng lẽ di chuyển từ một vài dãy ghế phía sau và nhẹ nhàng ngồi vào dãy ghế giữa các đứa con luôn luôn hiếu động của chúng tôi. Sau buổi lễ, vợ tôi cám ơn chị đã giúp đỡ.
Chị Walker nói: “Chị bận bịu lắm phải không?” Vợ tôi gật đầu. Đoạn Chị Walker vỗ nhẹ vào tay vợ tôi và nói: “Chị bận bịu bây giờ nhưng cuộc sống sau này của chị sẽ tràn đầy vui mừng!” Lời nhận xét dịu dàng của chị có tính cách tiên tri biết bao! Đó là điều mà các bà nội, bà ngoại thường làm!
Chúng tôi trông coi Phái Bộ Truyền Giáo New England. Một trong những người truyền giáo của chúng tôi kết hôn và có năm đứa con. Anh ấy đi kiếm một chiếc xe lớn hơn cho gia đình mình và không bao giờ trở về nữa. Thi hài anh được tìm ra sau này dưới một gầm xa lộ; chiếc xe của anh đã bị đánh cắp.
Tôi gọi điện thoại cho vị chủ tịch giáo khu của anh để đề nghị đến giúp đỡ gia đình anh. Vị này đã đưa ra lời đề nghị giúp đỡ rồi.
Ông nội của anh đã nói: “Chúng tôi biết bổn phận mình là gì. Chúng tôi sẽ không nhận bất cứ sự giúp đỡ nào từ Giáo Hội. Chúng tôi biết bổn phận của mình là gì.” Đó là điều mà các ông nội, ông ngoại thường làm!
Mục đích của tôi là ngỏ lời cùng các anh chị em và ngỏ lời cùng các ông bà nội ngoại và cùng các tín hữu lớn tuổi khác mà không có con cái nhưng đã thay thế cho các ông bà nội ngoại.
Thánh thư cho chúng ta biết: “Người già cả có sự khôn ngoan, kẻ hưởng trường thọ được đều thông sáng” (Gióp 12:12).
Có một lần tại buổi họp giáo khu, tôi để ý thấy một số đông các tín hữu lớn tuổi hơn thường lệ. Đa số họ là những người góa bụa. Tôi nói với vị chủ tịch giáo khu rằng họ thật là một ấn tượng tốt đẹp biết bao.
Vị chủ tịch trả lời: “Vâng, nhưng họ không tích cực trong Giáo Hội,” có nghĩa là họ không phục vụ với tư cách là người lãnh đạo hay giảng viên. Ông nói như thể họ là một gánh nặng.
Tôi lặp lại lời ông: “Không tích cực trong Giáo Hội à?” và hỏi: “Vậy thì họ có tích cực trong phúc âm không?” Thoạt tiên, ông không hiểu rõ lắm sự khác biệt đó.
Giống như nhiều người trong chúng ta, ông đã chú trọng thật nhiều đến những gì mà người ta làm nên ông đã không nhận thấy việc họ là ai, họ là một nguồn kinh nghiệm, khôn ngoan và soi dẫn vô giá.
Chúng ta đương đầu với một thử thách đáng ngại. Dân số trên toàn cầu đang giảm thấp. Tỷ lệ sinh đẻ trong đa số các quốc gia đang sụt thấp và tuổi thọ trung bình đang gia tăng. Gia đình thì ít con hơn—cố ý giới hạn. Trong một số quốc gia, trong chỉ một ít năm nữa sẽ có nhiều ông bà nội ngoại hơn con cháu. Tuổi già của dân số có những ảnh hưởng sâu rộng về mặt kinh tế, xã hội và tinh thần. Nó sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của Giáo Hội.
Chúng ta phải dạy giới trẻ của chúng ta gần gũi với các ông bà nội ngoại già cả.
Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn mới đây đã chỉ thị cho các em thiếu nữ gần đến tuổi trưởng thành của người phụ nữ phải họp với những người mẹ và những người già như bà nội, bà ngoại trong Hội Phụ Nữ (xin xem thư của Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn, đề ngày 19 tháng Ba năm 2003).
Một số các em thiếu nữ xa lánh Hội Phụ Nữ, họ thích sinh hoạt với các em cùng tuổi với họ hơn.
Các em thiếu nữ: Chớ dại dột mà làm lỡ cơ hội quen biết với các chị lớn tuổi hơn. Họ sẽ mang nhiều giá trị đến cuộc sống các em hơn những sinh hoạt mà các em hết sức vui thích.
Các vị lãnh đạo: Hãy dạy các em thiếu nữ biết đến gần những người mẹ và các bà nội, bà ngoại của họ và các phụ nữ lớn tuổi trong Hội Phụ Nữ. Rồi họ sẽ có được mối liên kết tương tự như các em thiếu niên đã có trong các nhóm túc số chức tư tế.
Tất cả sự chú ý mà giới trẻ của chúng ta nhận được sẽ thiếu sót, trừ phi chúng ta dạy cho họ mục đích của Sự Phục Hồi. Các chìa khóa của chức tư tế được phục hồi và thẩm quyền gắn bó đã được tiết lộ và đền thờ được xây cất để ràng buộc các thế hệ với nhau. Giềng mối quý báu, vĩnh cửu đó đã liên kết từ thời xưa suốt đến mọi sự mặc khải “Làm cho lòng cha trở lại cùng con cái, lòng con cái trở lại cùng cha” (Ma La Chi 4:6).
Vị giám trợ: Anh em có nhận thấy rằng một số vấn đề mà anh em lo lắng về giới trẻ, và với những người khác, có thể được giải quyết nếu họ gần gũi với cha mẹ và ông bà họ, những người lớn tuổi hơn chăng?
Nếu lòng của anh em chĩu nặng với quá nhiều lời khuyên bảo, thì có các chị lớn tuổi hơn, các bà nội, bà ngoại trong tiểu giáo khu, là những người có thể ảnh hưởng đến các phụ nữ trẻ đã lập gia đình và đóng vai một người bà đối với họ. Và có các ông nội, ông ngoại đối với các thiếu niên. Những người lớn tuổi hơn có tính vững chãi, trầm tĩnh có được từ kinh nghiệm. Hãy học cách sử dụng phương tiện đó.
Tiên Tri Joseph Smith đã nói: “Cách thức để nhất trí trong bất cứ vấn đề quan trọng nào là hội nhập với những người [nam và người nữ] khôn ngoan, những người [nam và người nữ ] từng trải và lớn tuổi để phụ giúp trong hội đồng trong mọi lúc rắc rối” (Teachings of the Prophet Joseph Smith, do Joseph Fielding Smith tuyển chọn [1976], 299).
Chúng ta cố gắng quy tụ những người trẻ lại cùng với nhau mà quên đi việc quy tụ họ lại cùng với các thế hệ khác. Có rất nhiều điều mà các tín hữu lớn tuổi hơn có thể làm. Nếu ta thấy những tín hữu lớn tuổi kém tích cực trong Giáo Hội, thì hãy tự hỏi: “Họ có tích cực trong phúc âm không?”
Chớ bỏ qua quyền năng tán trợ lớn lao trong những lời cầu nguyện của các bậc cha mẹ và ông bà. Hãy nhớ rằng “người công bình lấy lòng sốt sắng cầu nguyện, thật có linh nghiệm nhiều” (Gia Cơ 5:16).
An Ma Con, một kẻ phản nghịch, đã bị một thiên sứ đánh và là người đã bảo ông: “Này Chúa đã nghe những lời cầu nguyện của dân Ngài và cả lời cầu nguyện của tôi tớ Ngài, là An Ma, cha của ngươi; vì người đã cầu nguyện cho ngươi với một đức tin mãnh liệt để ngươi có thể trở về với sự hiểu biết lẽ thật; vì mục đích này nên ta mới đến đây để làm cho ngươi tin về quyền năng và thẩm quyền của Thượng Đế, ngõ hầu cho lời cầu nguyện của các tôi tớ của Ngài được đáp lại tùy theo đức tin của họ” (Mô Si A 27:14).
Vợ tôi và tôi đã thấy ông bà và rồi cha mẹ chúng tôi lìa đời. Một số kinh nghiệm mà thoạt tiên chúng tôi nghĩ là gánh nặng hay phiền phức đã từ lâu được xem xét lại là các phước lành.
Cha vợ của tôi chết trong nhà chúng tôi. Ông cần được chăm sóc luôn luôn. Các y tá đã dạy cho con cái chúng tôi cách chăm sóc ông ngoại đang đau liệt giường. Điều mà chúng học hỏi được thì có giá trị lớn lao đối với chúng và đối với chúng tôi. Chúng tôi thật biết ơn biết bao để có ông gần gũi với chúng tôi.
Chúng tôi đã được trả lại ngàn lần bởi ảnh hưởng của ông đối với con cái chúng tôi. Đó là một kinh nghiệm sống lớn lao cho con cái của chúng tôi, một kinh nghiệm mà tôi đã học được khi còn niên thiếu lúc Ông Nội Packer chết trong nhà chúng tôi.
Hãy quý trọng những người già cả về việc họ là ai, chứ không phải chỉ về những gì mà họ có thể làm.
Các anh chị em có bao giờ tự hỏi tại sao Chúa đã tổ chức Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ để cho những vị lãnh đạo thâm niên của Giáo Hội sẽ luôn là những người lớn tuổi? Mẫu mực thâm niên này quý trọng sự khôn ngoan và kinh nghiệm hơn sự hăng hái của giới trẻ và thể chất.
Số tuổi trung bình của Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai hiện nay là 77 tuổi. Chúng tôi không nhanh nhẹn nhiều. Chúng tôi có thể đã quá thời kỳ trai tráng. Tuy nhiên, Chúa đã ra lệnh là nó phải như vậy.
Cách đây một hai đại hội, Joseph Wirthlin đã nói rằng ông sẽ thách các thành viên trong Nhóm Túc Số Mười Hai chạy đua. Thoạt tiên, tôi nghĩ rằng tôi sẽ chấp nhận lời thách thức ấy. Rồi tôi lại nghĩ sẽ an toàn hơn nếu chạy đua với Anh David Haight 96 tuổi. Nghĩ lại thì tôi thấy không nên vì David có thể ngoéo chân tôi với cây gậy của ông và tôi sẽ thua cuộc. Nên tôi đã gạt bỏ ý nghĩ đó!
Khi Chủ Tịch Đoàn và Nhóm Túc Số Mười Hai họp lại, tuổi của chúng tôi cộng lại thành 1.161 tuổi đời với đủ loại kinh nghiệm kỳ lạ khác nhau. Và chúng tôi có 430 năm tích lũy với tư cách là Các Vị Thẩm Quyền Trung Ương của Giáo Hội. Hầu như bất cứ điều gì chúng tôi nói đến, thì một người trong chúng tôi đã có kinh nghiệm đó rồi—kể cả quân sự!
Chúng ta hiện đang sống trong những thời kỳ rối ren. Trong cả cuộc đời của giới trẻ chúng ta, những rắc rối sẽ không ít hơn và chắc chắn là sẽ nhiều hơn. Những người lớn tuổi đưa ra một sự hiểu biết chắc chắn về những sự việc mà có thể chịu đựng được.
Con cái chúng tôi đã lập gia đình và rời nhà để sống cuộc sống riêng của chúng.
Một gia đình ra đi với một chiếc xe hơi cũ kỹ và những đứa con nhỏ của họ. Vợ tôi bật khóc. Tôi an ủi vợ và nói: “Có Giáo Hội nơi mà chúng đến. Sẽ có một bà nội, bà ngoại ở đó để trả lời những câu hỏi của con gái mình về việc bếp núc hay nuôi con và một ông nội, ông ngoại để dạy con rể mình những điều thiết thực.”
Một người được xem như bà nội, bà ngoại có thể được tìm thấy trong Hội Phụ Nữ. Và một ông nội, ông ngoại sẽ được tìm thấy trong các nhóm túc số chức tư tế. Nhưng không phải tất cả mọi ông bà nội, ngoại đều là tín hữu trong Giáo Hội.
Một đứa con trai của tôi mua một căn nhà nhỏ ở một tiểu bang xa. Nó cho tôi thấy những viên gạch ở góc nền đang bị mòn. Nó hỏi tôi nó phải làm gì.
Tôi không biết nhưng tôi hỏi: “Có một cặp vợ chồng lớn tuổi nào sống gần con không?”
Nó nói: “Dạ có, bên kia đường và cách mấy căn nhà là một cặp vợ chồng về hưu.”
“Tại sao con không nhờ ông ấy đến xem thử sao. Ông ấy biết khí hậu ở đó.”
Việc đó đã được thực hiện và nó nhận được lời khuyên của người đàn ông lớn tuổi mà đã từng thấy vấn đề giống như thế và nhiều vấn đề khác. Đó là điều mà những người được xem như ông nội, ông ngoại có thể làm.
“Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi, hầu cho ngươi được sống lâu trên đất mà Giê Hô Va Đức Chúa Trời ngươi ban cho” (Xuất Ê Díp Tô Ký 20:12).
Sứ Đồ Phao Lô đã dạy rằng “các bà già” phải dạy các thiếu nữ và “những người già cả” phải khuyên nhủ các thanh niên “lấy mình con làm gương về việc lành” (xin xem Tít 2:1–7).
Chúng ta nay đã già. Trong kỳ định, chúng ta sẽ được gọi qua bên kia bức màn che. Chúng ta không chống lại điều đó. Chúng ta cố gắng giảng dạy những điều thiết thực mà chúng ta đã học được trong những năm tháng cho những người trẻ hơn—cho gia đình chúng ta và cho những người khác.
Chúng ta không thể làm điều mà chúng ta từng làm trước đây, nhưng chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm hơn trước đây. Những bài học của cuộc sống, một số rất là đau đớn, cho chúng ta đủ điều kiện để khuyên bảo, sửa trị và ngay cả cảnh cáo giới trẻ của chúng ta.
Trong tuổi già của các anh chị em, có rất nhiều điều để làm, có rất nhiều cách để xử sự. Đừng lui khỏi đời để hưu trí. Đối với một số người, điều đó sẽ vô ích, ngay cả ích kỷ . Các anh chị em có thể đã phục vụ truyền giáo và được giải nhiệm và tự xem mình đã hoàn thành sự phục vụ của mình trong Giáo Hội, nhưng các anh chị em không bao giờ được giải nhiệm khỏi sự tích cực trong phúc âm. “Nếu các ngươi mong muốn phục vụ Thượng Đế thì các ngươi sẽ được kêu gọi để làm công việc” (GLGƯ 4:3).
Cuối cùng, các anh chị em, khi đã già yếu, có thể biết được rằng sứ mệnh lớn hơn hết là củng cố gia đình mình, và gia đình của những người khác, để gắn bó các thế hệ với nhau.
Giờ đây, tôi đang giảng dạy một nguyên tắc chân chính. Tôi đang giảng dạy giáo lý , “nguyên tắc phải phù hợp một cách chính xác với giáo lý mà các anh em đã được ban cho như một lệnh truyền trong điều mặc khải” (GLGƯ 128:7).
Trong bài thánh ca “Tìm Đâu Cho Thấy Một Nền Vững Vàng,” được xuất bản năm 1835 trong sách thánh ca đầu tiên của Thánh Hữu Ngày Sau, chúng ta thấy những lời này:
Ngay cả trong tuổi già của họ, tất cả dân của ta sẽ làm chứng
Về tình yêu thương toàn năng, vĩnh cửu, bất biến của ta;
Và rồi, khi tóc họ trở nên bạc, …
Ta sẽ ôm họ vào lòng ta giống như chiên con.
(Thánh Ca, số 85, câu 6)
Hãy giữ vững sự nhiệt huyết trong chứng ngôn của các anh chị em về phúc âm phục hồi và sự làm chứng của các anh chị em về Đấng Cứu Chuộc của chúng ta luôn được vững mạnh để con cái chúng ta có thể tự củng cố mình qua nhiệt tình của đức tin của các anh chị em. Đó là điều mà các ông bà nội, ngoại phải làm! Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.