Podcast: Play in new window | Embed
Chiến Thắng Những Nỗi Lo Lắng Trần Tục
Bài của Anh Cả Hans T. Boom
Thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi
Những nỗi lo lắng trần tục không được làm tôi xao lãng việc tuân giữ lời của Thượng Đế.
Thậm chí khi chúng ta được hứa những phước lành lớn lao, nếu chúng ta lo lắng về những điều trần tục thay vì ý muốn của Chúa, thì chúng ta sẽ mất những phước lành đó. Điều này được minh họa rõ nét qua kinh nghiệm của một người đàn ông trong những ngày đầu của Sự Phục Hồi.
James Covel đã từng là một mục sư của một tôn giáo khác trong bốn mươi năm, nhưng sau khi nghe phúc âm phục hồi thì ông đã “giao ước với Chúa rằng ông sẽ tuân theo bất cứ lệnh truyền nào Chúa ban cho ông qua Tiên Tri Joseph” (Giáo Lý và Giao Ước 39, tiêu đề của tiết). Qua Joseph, Chúa phán với Covel: “[Hãy] chịu lắng nghe tiếng nói của ta phán cùng ngươi rằng: Hãy đứng dậy, và chịu phép báp têm, và làm sạch tội lỗi mình đi, trong khi cầu khẩn danh ta, rồi ngươi sẽ nhận được Thánh Linh của ta và một phước lành lớn lao mà ngươi chưa từng bao giờ biết đến” (Giáo Lý và Giao Ước 39:10).
Tuy nhiên, Covel nhanh chóng “chối bỏ lời của Chúa, và quay trở lại với những nguyên tắc và những người trước kia của [ông ta]” (Giáo Lý và Giao Ước 40, tiêu đề của tiết). Nói về Covel, Chúa phán rằng “hắn đã tiếp nhận lời của ta một cách vui sướng, nhưng liền sau đó quỷ Sa Tan đã cám dỗ hắn; và sự sợ bị ngược đãi bắt bớ và những nỗi lo lắng trần tục đã khiến cho hắn chối bỏ đạo” (Giáo Lý và Giao Ước 40:2). Bởi vì những nỗi lo lắng trần tục của mình, Covel đã mất đi phước lành mà ông từng được Chúa hứa ban cho.
Tôi Nên Ở Lại hay Đi?
Trong cuộc đời mình, tôi đã học được rằng chúng ta không được để cho những nỗi lo lắng trần tục làm mình xao lãng việc vâng lời Chúa. Tôi lớn lên trong một ngôi nhà tuyệt vời đầy tình yêu thương, nơi ba mẹ đã dạy dỗ chúng tôi nên người trong phúc âm, và tình yêu thương của họ dành cho chúng tôi cho thấy tình yêu thương mà Cha Thiên Thượng dành cho con cái Ngài.
Khi 16 tuổi, tôi được mời làm việc trong một nông trại ở Hoa Kỳ, với cơ hội là một ngày nào đó tôi có thể xây cất một ngôi nhà riêng cho mình tại đó. Điều đó thật hấp dẫn đối với tôi, bởi vì quê hương Hà Lan của tôi chỉ là một quốc gia nhỏ bé, với dân cư đông đúc.
Thật ra, tất cả các tổ tiên bên nội của tôi cũng có ước muốn tương tự là được sống ở một nơi khác. Họ đã chuyển đến Indonesia, trước đây từng là thuộc địa của Hà Lan. Tôi có thể hoàn toàn hiểu được lý do tại sao. Tại Indonesia, khí hậu thuận hòa, quang cảnh lại đẹp, và đất đai thì còn rất nhiều. Tôi cũng thừa hưởng cái gien thích đi đây đó để khám phá mà đã thôi thúc tổ tiên tôi. Tôi có nên rời khỏi quê hương mình để đi phiêu lưu và tìm kiếm thành công không?
Trong thời gian đưa ra quyết định đó, ba tôi đã đưa cho tôi bản sao của một lá thư được gửi đến ông và các chị em của ông nhiều năm trước đây từ chủ tịch phái bộ truyền giáo của họ, Donovan van Dam. Chủ tịch van Dam đã mời họ ở lại Hà Lan và xây dựng Giáo Hội tại đó. Ba tôi nói với tôi rằng ông đã quyết định làm đúng như vậy. Và bởi vì tên của gia đình Boom được ghi trên lá thư, nên bây giờ đến lượt tôi phải quyết định điều cần làm.
Trong những năm sau Đệ Nhị Thế Chiến, nhiều tín hữu Giáo Hội đã di cư đến Hoa Kỳ và Canada. Việc đó vẫn tiếp diễn trong những năm 1970, mặc cho các vị lãnh đạo Giáo Hội khuyến khích tín hữu ở lại đất nước của chính họ và củng cố Giáo Hội ở nơi họ sống. Một cách thành tâm, tôi cũng quyết định ở lại và xây dựng Giáo Hội tại Hà Lan, dù không hoàn toàn hiểu điều đó có ý nghĩa gì trong tương lai.
Thật Khó để Quyết Định
Khi tôi tốt nghiệp trung học vào cuối những năm 1970, nền kinh tế Hà Lan đang rối loạn. Tỉ lệ thất nghiệp ở mức cao. Nhìn chung, tất cả mọi thứ trông khá ảm đạm. Thật khó cho những người mới tốt nghiệp quyết định xem điều cần làm tiếp theo là gì.
Ba tôi đang phục vụ với tư cách là một chủ tịch chi nhánh. Thỉnh thoảng ông thảo luận với tôi về khả năng đi phục vụ truyền giáo toàn thời gian. Dĩ nhiên, đó có thể là một điều tuyệt vời để làm. Tôi đã trông chờ điều đó suốt cuộc đời mình.
Nhưng tôi không hiểu được làm thế nào việc phục vụ truyền giáo có thể giúp tôi chu cấp cho gia đình tương lai của mình. Từ nhỏ, tôi đã luôn luôn có ước muốn mãnh liệt là một ngày nào đó tìm được tình yêu của đời mình và chúng tôi cùng nhau xây dựng gia đình.
Bấy giờ, tôi 17 tuổi, và không biết phải làm gì tiếp theo, tôi bắt đầu theo đuổi nền học vấn cao hơn. Nhưng sau một vài tuần, tôi cảm thấy rằng lĩnh vực nghiên cứu này không làm cho tôi hạnh phúc. Tôi ngờ vực là liệu nó có thể giúp tôi tìm được công việc ổn định không nữa. Tôi đã nghĩ đến việc bỏ học.
Cha mẹ tôi không hài lòng về điều đó. Họ nói với tôi là tôi chỉ có thể bỏ học nếu tôi có một công việc. Có lẽ họ nghĩ là tôi sẽ chẳng bao giờ tìm được việc bởi vì khủng hoảng tài chính. Tôi đã dành mọi buổi chiều trên chiếc xe đạp, đi từ doanh nghiệp này đến doanh nghiệp khác. Cuối cùng, một công ty thuê tôi làm việc trong nhà kho của họ.
Kế Hoạch của Tôi
Mặc dù nhận vị trí tạm thời này, tôi vẫn có một kế hoạch. Tôi dự tính trở thành một cảnh sát. Một công việc làm cho chính phủ sẽ là cách ổn định để chu cấp cho gia đình tương lai của tôi và mọi việc sẽ ổn.
Tôi nhớ cái ngày mà tôi thi vào trường cảnh sát. Tôi bắt xe lửa vào sáng sớm và mất cả ngày để hoàn thành đủ mọi bài kiểm tra. Vào cuối ngày, tôi được gọi vào văn phòng. Họ nói rằng tôi đã qua được tất cả các bài kiểm tra và họ muốn nhận tôi, nhưng bởi vì tôi mới 17 tuổi, tôi còn quá trẻ. Họ nói tôi thử lại vào năm sau.
Thế giới của tôi như sụp đổ, và trên suốt đoạn đường về nhà, tôi đã nghĩ: “Tiếp theo là gì?” Về đến nhà, ba tôi lắng nghe những nỗi hoang mang của tôi và đề nghị ban cho tôi một phước lành. Tôi kỳ vọng là Chúa sẽ phán bảo với tôi rằng mọi việc sẽ ổn thỏa và tôi sẽ được nhận vào học viện cảnh sát bằng một cách thức diệu kỳ. Thay vì vậy, Chúa phán với tôi là nếu tôi chọn để ưu tiên Ngài trước hết, thì tôi sẽ luôn luôn có miếng ăn và phương tiện để chăm sóc cho gia đình tương lai của mình.
Một Kế Hoạch Tốt Hơn
Đáp ứng cho những lời cầu nguyện của tôi, tôi đã nhận được câu trả lời là: với tôi, việc đặt Chúa trước hết có nghĩa là phục vụ một công việc truyền giáo toàn thời gian. Tôi đã luôn luôn có ý định làm như vậy nhưng chưa biết được là việc đó sẽ dẫn đến đâu. Giờ thì tôi đã biết rằng việc phục vụ truyền giáo là điều tôi sẽ làm, và tôi muốn thực hiện nó càng sớm càng tốt.
Lúc đó, chi phí đi truyền giáo là 10.000 đồng gun-đơn cũ của Hà Lan, tức là bằng cỡ tiền lương của một năm. Tôi tiếp tục làm việc tại nhà kho và đến mùa hè năm 1981, tôi đã có được 10.000 đồng gun-đơn. Tôi cũng được 18 tuổi. Ba tôi, vị chủ tịch chi nhánh, cũng như vị chủ tịch giáo hạt và chủ tịch phái bộ truyền giáo, nói rằng tôi còn quá trẻ để đi truyền giáo. Vào lúc đó, độ tuổi cho phép là 19 tuổi. Nhưng vào sinh nhật thứ 18 của mình, tôi tự đến gặp cả bác sĩ và nha sĩ và nhờ họ hoàn tất phần thăm khám và đề xuất của họ trong đơn đăng ký truyền giáo của tôi.
Bằng cách nào đó, tôi đã xoay sở để các vị lãnh đạo của tôi phỏng vấn tôi và nộp đơn của tôi đi. Rồi chúng tôi chờ đợi. Tôi đã không biết rằng ba tôi, với tư cách là chủ tịch chi nhánh, đã nhận được một lá thư. Đơn đăng ký của tôi đã bị gửi trả lại với thông báo rằng tôi còn quá trẻ. Nhưng ông đã không muốn cho tôi biết ngay, vì thế ông giấu nó trong túi áo vét của mình nhiều tuần mà tôi không hay biết. May mắn thay, trong cùng lúc đó, ông đã nhận được một thông báo khác. Thư này nói rằng trong một vài trường hợp, Các Vị Thẩm Quyền Trung Ương sẵn lòng cho phép các em thiếu niên đi sớm hơn khi các em đã chuẩn bị kỹ lưỡng. Chẳng bao lâu sau, tôi được kêu gọi phục vụ và được chỉ định đến Phái Bộ England London East. Công việc truyền giáo đã trở thành phước lành cả đời.
Các phước lành từ Chúa
Ba tháng sau khi tôi quay trở về từ công việc truyền giáo, tôi quả thật đã gặp tình yêu của đời mình. Một năm sau đó chúng tôi kết hôn và được làm lễ gắn bó trong Đền Thờ London England. Nền kinh tế vẫn chưa hồi phục, nhưng tôi đã luôn luôn có thể tìm được công việc và chu cấp cho gia đình mình. Chúng tôi luôn luôn có thức ăn để ăn và có nhà để ở.
Khi là một người truyền giáo, tôi đã yêu thích câu thánh thư này: “Chừng nào con còn tuân giữ các lệnh truyền của Thượng Đế thì con sẽ được thịnh vượng trong xứ” (An Ma 36:1). Lấy câu này làm kim chỉ nam, tôi đã quyết định làm điều mà ba tôi đã làm—ở lại Hà Lan và xây dựng Giáo Hội tại quê hương tôi.
Ngày nay, chi nhánh nhỏ nơi tôi lớn lên hiện là một tiểu giáo khu tuyệt vời, nơi mà các cháu tôi thích đến chơi với nhiều bạn bè, cùng nhau quây quần trong Hội Thiếu Nhi đông đúc. Các con trai của chúng tôi có sự nghiệp tốt và được ban phước với cuộc sống ấm no. Tôi thấy rằng những quyết định của tôi đã tác động đến thế hệ tiếp theo, chúng cũng mong muốn đặt Chúa làm ưu tiên trong cuộc sống của mình.
Tôi biết ơn vì đã sớm học được trong cuộc đời mình rằng sự lựa chọn đúng là chiến thắng những nỗi lo lắng trần tục và đặt Cha Thiên Thượng lên trên hết. Ngài đã ban cho tôi những phước lành mà tôi sẽ không bao giờ biết được nếu chọn khác đi.