Podcast: Play in new window | Embed
Xây đắp Si Ôn là một trách nhiệm lớn lao, nhưng nó cũng mang lại phần thưởng lớn lao.
Lẽ thật lớn đầu tiên đến từ thiên thượng là Thượng Đế yêu thương chúng ta với tất cả tấm lòng, năng lực, tâm trí, và sức mạnh của Ngài. Ngài muốn điều tốt nhất cho chúng ta—Ngài luôn luôn muốn như vậy, và Ngài sẽ mãi mãi muốn như vậy. Ngài muốn chúng ta được hạnh phúc; không phải hạnh phúc tạm thời hay bề ngoài mà là hạnh phúc sâu thẳm và vĩnh cửu giống như Ngài. Ngài muốn chúng ta tiến triển và đạt được tiềm năng thiêng liêng của mình với tư cách là con trai hoặc con gái của Thượng Đế.
Tôi biết việc này không phải lúc nào cũng dễ dàng. Nhiều người trong số các em phải đối mặt với nhiều khó khăn và thử thách cá nhân mà đôi khi có thể thật là choáng ngợp. Các em có lẽ đã nhìn vào những hoàn cảnh riêng của mình, vào một số tình trạng trong gia đình mình, hoặc những vấn đề giữa các quốc gia trên khắp thế giới, và tự hỏi: “Làm sao mình có thể vượt qua hàng loạt những thử thách này chứ?” Một câu trả lời có thể làm các em ngạc nhiên: Hãy tìm cách để xây đắp Si Ôn.
Si Ôn ở đâu?
Trong suốt lịch sử, Thượng Đế thường xuyên kêu gọi dân Ngài thiết lập Si Ôn. Đó thường là một chỗ nhất định nơi mà dân của Thượng Đế có thể được tự do khỏi những ảnh hưởng của thế gian và sống hòa thuận với nhau. Nhưng trong gian kỳ cuối cùng vĩ đại này, Si Ôn không chỉ được giới hạn trong phạm vi một vị trí địa lý nhất định. Trong thời kỳ chúng ta, Si Ôn có thể là bất kỳ nơi nào có một tín hữu trung thành của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô. Chúa mô tả những người dân này của Si Ôn là “đồng một lòng và một trí” (Môi Se 7:18) và “có tấm lòng thanh khiết” (Giáo Lý và Giao Ước 97:21). Nói ngắn gọn, chúng ta không còn nghĩ tới Si Ôn là nơi chúng ta sẽ đến sống mà là cách chúng ta sẽ sống.
“Chúng ta có người lân cận để giúp đỡ, người nghèo khó để nâng đỡ, và điều tốt để làm ở khắp mọi nơi.”
Nhiều phước lành tuyệt diệu đều có sẵn cho các em khi các em cố gắng hết sức để xây đắp Si Ôn, để trở thành người mà Đấng Cứu Rỗi cần các em trở thành, và để giúp chuẩn bị con đường cho sự trở lại của Ngài xuống thế gian. Nỗ lực như vậy cần nhiều công sức và đức tin lớn lao, nhưng nó cũng sẽ mang lại hạnh phúc và niềm vui lâu dài. Tôi hy vọng các em sẽ thấy điều này thật là cảm động và phấn khởi cũng như tôi vậy! Như Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy rằng không có điều gì—thật sự không có điều gì—có thể quan trọng hơn thế.1 Và chúng ta được tham gia! Chúng ta là những chiến sĩ ở đầu chiến tuyến của lẽ thật. Chúng ta không mang theo súng đạn; chúng ta mang theo băng gạc! Chúng ta được kêu gọi để giúp chữa lành thế gian và chuẩn bị một giáo đoàn toàn cầu gồm những người mà Đấng Cứu Rỗi có thể đến cùng.
Yêu Thương Thượng Đế và Người Lân Cận
Chúng ta có thể có được gia đình hoặc khu phố hay quốc gia như vậy bằng cách tuân giữ giáo lệnh là phải yêu thương. Và chúng ta càng yêu mến Thượng Đế, thì chúng ta càng yêu mến người lân cận của mình hơn và thấy được cách mà chúng ta có thể ban phước cho họ. Chúng ta có người lân cận để giúp đỡ, người nghèo khó để nâng đỡ, và điều tốt để làm ở khắp mọi nơi.
“Chúng ta không còn nghĩ tới Si Ôn là nơi chúng ta sẽ đến sống mà là cách chúng ta sẽ sống.”
Chúa đã có lần mô tả trách nhiệm và phước lành này theo cách sau:
“Vậy nên, hãy trung thành; … cứu giúp kẻ yếu, nâng đỡ những bàn tay rũ rượi, và làm vững mạnh những đầu gối suy nhược.
“Và nếu ngươi trung thành cho tới cùng thì ngươi sẽ nhận được mão triều thiên của sự bất diệt, và cuộc sống vĩnh cửu trong những gian nhà mà ta đã chuẩn bị sẵn trong nhà của Cha ta” (Giáo Lý và Giao Ước 81:5–6).
Bênh Vực cho Lẽ Thật
Khi Thượng Đế kêu gọi chúng ta hãy xây đắp Si Ôn, Ngài kêu gọi chúng ta bênh vực cho những lời giảng dạy của Ngài và vững chắc trong đức tin của mình. Điều này sẽ không phải lúc nào cũng dễ dàng hay thoải mái để làm, nhưng chúng ta cần phải làm điều đó—với lòng trắc ẩn, lòng khiêm nhường, sự thấu hiểu, và lòng bác ái không hề nao núng dành cho người khác. Trong công cuộc của chúng ta để thiết lập Si Ôn, chúng ta chắc hẳn sẽ gặp phải những người có thể ăn mặc hoặc cư xử hoặc trông không thích hợp. Khi gặp những người như vậy, chúng ta cần cẩn trọng, nên phản ứng với thái độ khiêm tốn, chứ đừng tự mãn. Trong những tình huống như vậy, cách tốt nhất chúng ta có thể làm là bản thân mình hãy cư xử thích hợp và cho thấy “tình yêu thương chân thật” dành cho họ (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 121:41).
Tôi muốn người khác vui hưởng các phước lành mà tôi có, nhưng đôi khi tôi tự hỏi làm thế nào để chia sẻ các phước lành đó theo cách mà sẽ không gây phật lòng hoặc hiểu lầm. Những câu thánh thư này đã giúp tôi vượt qua tất cả những sự kêu gọi của tôi trong Giáo Hội và các trách nhiệm cá nhân với tư cách là môn đồ của Đấng Ky Tô:
“Vậy nên, thật vậy, ta nói cho các ngươi hay, hãy cất cao tiếng nói của các ngươi lên với dân này; hãy nói ra những ý nghĩ mà ta sẽ đặt trong lòng các ngươi, để các ngươi sẽ không bị bối rối trước mặt mọi người;
“Vì điều các ngươi phải nói sẽ được ban cho các ngươi chính trong giờ phút đó, phải, vào chính lúc đó.
“Nhưng ta ban cho các ngươi một lệnh truyền, rằng bất cứ điều gì các ngươi rao truyền đều phải rao truyền trong danh ta, với một tấm lòng nghiêm trang và tinh thần nhu mì, trong mọi việc.
“Và ta ban cho các ngươi lời hứa này, rằng nếu các ngươi làm được như vậy thì Đức Thánh Linh sẽ được gởi xuống để làm chứng về mọi điều mà các ngươi sẽ nói ra” (Giáo Lý và Giao Ước 100:5–8).
Một Phước Lành để Tiến Lên Phía Trước
Các bạn trẻ thân mến của tôi, sẽ có những ngày thử thách trước mắt, nhưng cuối cùng cuộc sống của các em sẽ rực rỡ khi các em dâng tấm lòng của mình lên Ngài, yêu thương Chúa Giê Su Ky Tô, và làm hết sức mình để sống theo phúc âm. Khi các em trung tín, Si Ôn sẽ ở nơi nào các em đang ở. Tôi ban phước cho các em để vui vẻ chấp nhận điều này. Chúa có rất nhiều điều đang dành sẵn cho các em!