Podcast số 37 – Đại Hội Trung Ương tháng 10, 2010 – Làm Gương cho các Tín Đồ – Russell M. Nelson

Bài của Chủ Tịch Russell M. Nelson

Chủ Tịch Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô

Cho dù là người truyền giáo toàn thời gian hay là tín hữu, chúng ta đều cần phải là tấm gương tốt cho những người tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô.

Các anh em thân mến, buổi chiều hôm nay, chúng ta nhóm họp ở nhiều địa điểm trên khắp thế giới. Những người truyền giáo toàn thời gian tuyệt diệu đang hiện diện với chúng ta. Tôi xin mời tất cả những người truyền giáo toàn thời gian đứng lên. Bất cứ các anh em ở đâu, xin mời các anh cả và các chủ tịch đoàn phái bộ truyền giáo đứng lên. Chúng tôi biết ơn mỗi anh em! Chúng tôi cám ơn các anh em! Chúng tôi yêu mến các anh em! Xin mời các anh em ngồi xuống.

Thỉnh thoảng chúng ta cần phải tự nhắc nhở lý do tại sao chúng ta có những người truyền giáo. Chính là vì lệnh truyền của Chúa, là Đấng đã phán:

“Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp têm cho họ.

“Và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế.”1

Lệnh truyền này là một trong số nhiều lệnh truyền đã được nhắc lại vì phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô đã được phục hồi trọn vẹn. Những người truyền giáo phục vụ bây giờ cũng giống như những người truyền giáo đã phục vụ trong thời Tân Ước. Sách Công Vụ Các Sứ Đồ mô tả những công việc truyền giáo ban đầu của Các Sứ Đồ và các môn đồ khác tuân theo giáo vụ trên trần thế của Chúa. Trong đó, chúng ta đọc về sự cải đạo khác thường và phép báp têm của Sau Lơ, người Tạt Sơ,2 là người trước đây đã “hằng ngăm đe và chém giết môn đồ của Chúa không thôi”3 cùng ngược đãi các tín hữu của Giáo Hội còn phôi thai. Từ sự khởi đầu như vậy, Sau Lơ đã trở thành Phao Lô cải đạo, một trong những người truyền giáo tài giỏi nhất của Chúa. Các chương 15 của sách Công Vụ Các Sứ Đồ thuật lại những công việc truyền giáo của Phao Lô và những người đồng hành của ông.

Trong một lá thư gửi cho một trong số những người bạn tin cậy nhất của ông, Phao Lô đã viết cho thiếu niên Ti Mô Thê: “Chớ để người ta khinh con vì trẻ tuổi; nhưng phải lấy lời nói, nết làm, sự yêu thương, đức tin và sự tinh sạch mà làm gương cho các tín đồ.”4 Lời khuyên dạy đó có hiệu lực đối với chúng ta bây giờ cũng như vào lúc đó. Nó áp dụng cho những người truyền giáo toàn thời gian của chúng ta, nó cũng áp dụng cho mỗi tín hữu của Giáo Hội. Cho dù là người truyền giáo toàn thời gian hay là tín hữu, chúng ta đều cần phải là tấm gương tốt cho những người tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô.

Những Người Truyền Giáo Toàn Thời Gian

Những người truyền giáo toàn thời gian, khoảng 52.000 người và hơn nữa, phục vụ trong 340 phái bộ truyền giáo trên khắp thế giới. Họ là các tín đồ và tôi tớ tận tụy của Chúa. Mục đích của họ là “mời gọi những người khác đến cùng Đấng Ky Tô bằng cách giúp họ nhận được phúc âm phục hồi nhờ vào đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài, sự hối cải, phép báp têm, tiếp nhận ân tứ Đức Thánh Linh, và kiên trì đến cùng.”5

Giống như Ti Mô Thê, hầu hết những người truyền giáo toàn thời gian đều là các thanh niên. Một số là các chị em; một số là những người truyền giáo cao niên. Chúng tôi yêu mến từng người truyền giáo một! Những người truyền giáo phục vụ để làm cho cuộc sống của con cái của Thượng Đế tốt đẹp hơn. Cha Thiên Thượng yêu thương mỗi con cái của Ngài. Xét cho cùng, Ngài là Cha của họ. Ngài muốn ban phước cho họ với ân tứ lớn nhất của Ngài, tức là cuộc sống vĩnh cửu.6 Những người truyền giáo giảng dạy những điều này bất cứ nơi đâu họ phục vụ. Họ giúp những người khác phát triển đức tin nơi Chúa, hối cải, chịu phép báp têm, tiếp nhận Đức Thánh Linh, tiếp nhận các giáo lễ của đền thờ và trung tín kiên trì đến cùng. Công việc và vinh quang của Thượng Đế—“để mang lại sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu cho loài người”7—cũng là công việc và vinh quang thiêng liêng của mỗi người truyền giáo.

Chúng ta cần thêm những người truyền giáo—những người truyền giáo xứng đáng hơn. Trong giáo vụ trên trần thế của Ngài, Chúa đã phán cùng các môn đồ của Ngài: “Mùa gặt thì trúng, song con gặt thì ít. Vậy, hãy xin Chủ mùa gặt sai con gặt đến trong mùa của mình.”8

Vào phiên họp của đại hội trung ương buổi sáng hôm nay, Chủ Tịch Thomas S. Monson yêu dấu của chúng ta đã đưa ra lời khẩn nài mạnh mẽ cho mỗi thiếu niên của Giáo Hội này nên chuẩn bị phục vụ truyền giáo. Tôi hy vọng toàn thể sứ điệp này của ông sẽ được lưu tâm đến trong mỗi mái gia đình của Giáo Hội.

Tôi xin thêm vào lời khuyên dạy sáng suốt của Chủ Tịch Monson. Trong gia đình tôi, tôi đã nhìn thấy các phước lành đến với mỗi người truyền giáo. Cho đến tận bây giờ, tổng số con cháu và vợ chồng của chúng được kêu gọi phục vụ với tư cách là những người truyền giáo toàn thời gian là 49 người và con số đó sẽ tiếp tục gia tăng. Trong mỗi trường hợp, tôi đã thấy mỗi người truyền giáo phát triển về mặt thông sáng, chín chắn trong cách xét đoán và đức tin trổ hoa. Cũng giống như nhiều thế hệ trước, họ dấn thân phục vụ Thượng Đế để “phục vụ Ngài với tất cả tấm lòng, năng lực, tâm trí, và sức mạnh [của họ].”9 Sự phục vụ truyền giáo đã giúp tạo thành vận mệnh thiêng liêng của họ.

Các Tín Hữu Truyền Giáo

Phao Lô dạy: “[Hãy] làm gương cho các tín đồ,” cũng áp dụng cho các tín hữu. Đa số chúng ta chưa từng và có thể không bao giờ là những người truyền giáo toàn thời gian. Nhưng tất cả đều có thể là các tín hữu truyền giáo. Lời nói đó nhắc tôi nhớ đến một bản tường thuật về một sự kiện khôi hài. Trên một sân chơi rộng lớn tại một trung tâm huấn luyện truyền giáo, người ta thấy có một tấm bảng. Tấm bảng có ghi: “Chỉ dành cho những người truyền giáo!” Có những người cũng muốn chơi trên sân đó đã giương lên một tấm bảng mới của họ. Tấm bảng của họ ghi: “Mỗi Tín Hữu là một Người Truyền Giáo!”

Mỗi tín hữu có thể là một tấm gương cho những người tin. Thưa các anh em, là các tín đồ của Chúa Giê Su Ky Tô, mỗi anh em có thể sống theo những lời giảng dạy của Ngài. Các anh em có thể có “tấm lòng thanh khiết và hai bàn tay trong sạch”; các anh em có thể có “hình ảnh của Thượng Đế ghi khắc trên [vẻ mặt] mình.”10 Việc làm thiện lành của các anh em sẽ được những người khác thấy rõ ràng.11 Ánh sáng của Chúa có thể ngời chiếu từ đôi mắt của các anh em.12 Với vẻ rực rỡ đó, các anh em nên chuẩn bị câu trả lời cho những câu hỏi đặt ra cho mình là vừa. Vì vậy, Sứ Đồ Phi E Rơ đã dạy: “Hãy thường thường sẵn sàng để trả lời mọi kẻ hỏi lẽ về sự trông cậy trong anh em.”13

Các anh em hãy trả lời một cách nhã nhặn và vui vẻ. Và câu trả lời của các anh em nên thích hợp với cá nhân đặt ra câu hỏi đó. Hãy nhớ rằng, người ấy cũng là một người con của Thượng Đế, chính là Thượng Đế rất muốn người ấy hội đủ điều kiện cho cuộc sống vĩnh cửu và trở lại với Ngài một ngày nào đó. Các anh em có thể chính là người mở con đường cho sự cứu rỗi và hiểu biết của người ấy về giáo lý của Đấng Ky Tô.14

Sau câu trả lời đầu tiên của các anh em, hãy sẵn sàng tiến đến bước kế tiếp. Các anh em có thể mời người bạn của mình đi nhà thờ với mình. Nhiều người bạn của chúng ta không biết rằng họ được chào đón trong các tòa nhà giáo hội của chúng ta. “Hãy đến mà xem” là lời mời gọi của Đấng Cứu Rỗi cho những người mong muốn học hỏi thêm về Ngài.15 Một lời mời đi tham dự buổi họp ngày Chúa Nhật với các anh em, hoặc tham gia vào buổi họp mặt thân mật hay buổi sinh hoạt phục vụ của Giáo Hội, sẽ giúp xua tan những chuyện không có thật, hiểu lầm và làm cho người khách mời cảm thấy thoải mái hơn ở giữa chúng ta.

Là tín hữu của Giáo Hội, hãy tìm đến những người mà các anh em không biết và nồng nhiệt chào hỏi họ. Mỗi Chúa Nhật, hãy thân thiện với ít nhất một người các anh em không biết trước đó. Mỗi ngày trong cuộc sống của các anh em, hãy cố gắng nới rộng vòng thân hữu của mình.

Các anh em có thể mời một người bạn đọc Sách Mặc Môn. Giải thích rằng sách đó không phải là một quyển tiểu thuyết hoặc sách lịch sử, mà là một chứng thư khác về Chúa Giê Su Ky Tô. Mục đích chính của sách này là “để thuyết phục cho người Do Thái và người Dân Ngoại tin rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, Thượng Đế vĩnh cửu, đã biểu hiện cho tất cả quốc gia biết.”16 Có một quyền năng trong quyển sách này mà có thể làm cảm động lòng người và khuyến khích cuộc sống của những người chân thành tìm kiếm lẽ thật. Hãy mời người bạn của các anh em thành tâm đọc sách này.

Joseph Smith nói về quyển sách quý báu đó: “Tôi đã nói với các anh em trong Giáo Hội rằng Sách Mặc Môn là một cuốn sách đúng thật nhất trong số tất cả các sách trên thế gian, và là nền tảng của tôn giáo chúng ta, và một người sẽ đến gần Thượng Đế hơn nhờ tuân theo những lời giảng dạy trong sách đó thay vì tuân theo bất cứ cuốn sách nào khác.”17 Sách Mặc Môn giảng dạy về Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô và là công cụ mà qua đó Thượng Đế sẽ làm tròn lời hứa thời xưa của Ngài là trong những ngày sau cùng này sẽ quy tụ dân Y Sơ Ra Ên bị phân tán.18

Cách đây nhiều năm, hai đồng nghiệp của tôi—một y tá và người chồng của chị là bác sĩ —hỏi tôi tại sao tôi sống cuộc sống như vậy. Tôi đáp: “Vì tôi biết Sách Mặc Môn là chân chính.” Tôi cho họ mượn quyển sách của tôi và mời họ đọc sách đó. Một tuần lễ sau, họ trả lại sách cho tôi với câu nói lịch sự ‘cám ơn thật nhiều nhé’.

Tôi đáp: “Anh chị nói cám ơn thật nhiều nhé’ là có ý muốn nói gì vậy? Thật là một phản ứng hoàn toàn không thích hợp đối với một người đã đọc quyển sách này. Anh chị không đọc quyển sách đó phải không? Xin hãy mang về đọc đi; rồi tôi sẽ lấy lại quyển sách của tôi sau.”

Khi thú nhận rằng họ chỉ giở các trang sách mà thôi, họ chấp nhận lời mời của tôi. Khi trở lại, họ đã nói qua màn lệ: “Chúng tôi đã đọc Sách Mặc Môn rồi. Chúng tôi biết sách đó là chân chính! Chúng tôi muốn biết thêm nữa.” Họ đã học hỏi thêm và tôi có đặc ân để làm phép báp têm cho cả hai người đó.

Một cách khác để các anh em có thể chia sẻ phúc âm là mời những người bạn gặp những người truyền giáo toàn thời gian tại nhà mình. Những người truyền giáo toàn thời gian được kêu gọi và chuẩn bị để giảng dạy phúc âm. Những người bạn của các anh em, với cảm giác thoải mái trong nhà của các anh em và với sự bảo đảm thường xuyên của các anh em, có thể bắt đầu cuộc hành trình của họ hướng đến sự cứu rỗi và tôn cao. Chúa phán: “Các ngươi được kêu gọi để thực hiện sự quy tụ những người chọn lọc của ta; vì những người chọn lọc của ta nghe tiếng nói của ta và không chai đá trong lòng.”19

Thánh thư dạy chúng ta rằng “vì trên thế gian này vẫn còn có nhiều người… bị ngăn cản khỏi lẽ thật vì họ không biết tìm thấy lẽ thật đâu cả.”20 Đó không phải là cơ hội của các anh em sao? Các anh em có thể trở thành người môn đồ giúp họ khám phá ra lẽ thật!

Giờ đây, trong thời đại Internet này, có những cách mới mẻ và hứng thú mà các anh em có thể làm công việc truyền giáo. Các anh em có thể mời bạn bè và những người láng giềng vào trang mormon.org mới. Nếu có trang nhật ký cá nhân trên mạng và những mạng lưới giao tiếp trực tuyến, thì các anh em có thể kết nối trang mạng của các anh em với trang mạng mormon.org. Và ở đó, các anh em có thể lập ra một tiểu sử sơ lược cho mình. Mỗi tiểu sử sơ lược gồm có một lời diễn giải về niềm tin, một kinh nghiệm và một chứng ngôn. Vì đây là một chức năng mới, đa số các tiểu sử sơ lược đều có sẵn bằng tiếng Anh. Sau này, sẽ có sẵn các tiểu sử sơ lược bằng các ngôn ngữ khác.

Các tiểu sử sơ lược này có thể có một ảnh hưởng sâu đậm tốt lành. Cách đây hai tháng, có một thanh niên tên là Zac—sinh viên đại học năm thứ nhất—thấy một mục quảng cáo về mormon.org trên truyền hình ở Baton Rouge, Louisiana. Cậu ta kết nối với trang mạng và trở nên tò mò bởi các tiểu sử sơ lược của các tín hữu Giáo Hội. Tại trang mạng của chúng ta, cậu ta tìm ra trang mạng kết nối cho biết có thể đi nhà thờ ở đâu. Ngày Chúa Nhật kế tiếp, cậu ta mặc áo sơ mi trắng và mang cà vạt, đi nhà thờ và được giới thiệu với các tín hữu của tiểu giáo khu cùng vui hưởng các buổi họp trong ba tiếng đồng hồ. Cậu ta được mời đến nhà của một tín hữu để ăn tối, sau đó là bài học đầu tiên của cậu ta với người truyền giáo. Chưa đến hai tuần, cậu ta đã chịu phép báp têm và làm lễ xác nhận với tư cách là tín hữu của Giáo Hội.21 Xin chào mừng Zac nhé! (Cậu ta đang lắng nghe đấy.)

Mỗi tín đồ mẫu mực của Chúa Giê Su Ky Tô có thể trở thành một tín hữu truyền giáo hữu hiệu. Các tín hữu và những người truyền giáo toàn thời gian có thể sát cánh làm việc để mang các phước lành của phúc âm đến cho bạn bè và những người láng giềng thân yêu. Nhiều người trong số họ thuộc vào Y Sơ Ra Ên, giờ đây được quy tụ như đã được hứa. Đây là tất cả sự chuẩn bị cho Ngày Tái Lâm của Chúa.22 Ngài muốn mỗi chúng ta thật sự làm gương cho những người tin.

Tôi biết rằng Thượng Đế hằng sống. Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô. Đây là Giáo Hội của Ngài. Sách Mặc Môn là chân chính. Joseph Smith là người phiên dịch Sách Mặc Môn và vị tiên tri của gian kỳ sau cùng này. Chủ Tịch Thomas S. Monson là vị tiên tri của Thượng Đế ngày nay. Tôi làm chứng như vậy trong thánh danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.