Podcast: Play in new window | Embed
Bài của Anh Cả John Gutty thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô
Chúa đã giao phó cho tất cả các tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô với trách nhiệm thiêng liêng là làm cho lòng con cái trở lại cùng cha. “Nầy, ta sẽ sai đấng tiên tri Ê Li đến cùng các ngươi trước ngày lớn và đáng sợ của Đức Giê Hô Va chưa đến. Người sẽ làm cho lòng cha trở lại cùng con cái, lòng con cái trở lại cùng cha, kẻo ta đến lấy sự rủa sả mà đánh đất nầy.” (Ma La Chi 4:5–6) Tiên Tri Joseph Smith đã làm cho những câu thánh thư này trở nên có ý nghĩa hơn nhiều khi ông nói, “giờ đây, từ trở lại nên được dịch thành ràng buộc, hoặc gắn bó” (Teachings of Presidents of the Church: Joseph Smith [2007], 472). Giáo lệnh này đi kèm với những lời hứa giúp ban phước cho chúng ta và ràng buộc chúng ta chặt chẽ hơn với Đấng Cứu Rỗi.
Một trong những phước lành đó là niềm vui. Chủ Tịch Howard W. Hunter đã nói, “Tôi đã học hỏi được rằng những người tham gia vào việc công việc nghiên cứu lịch sử gia đình và sau đó thực hiện công việc giáo lễ đền thờ cho những cái tên mà họ tìm thấy sẽ cảm nhận được niềm vui lớn lao hơn khi họ nhận được phước lành từ cả hai bên bức màn che” (Howard W. Hunter, “A Temple-Motivated People,” Ensign, tháng Hai năm 1995, 4–5).
Công việc lịch sử gia đình cũng sẽ ban phước cho con cháu của chúng ta. Trong một bài viết trên tờ New York Times, Bruce Feiler đã tóm tắt một bản nghiên cứu về khả năng phục hồi của trẻ em: “Trẻ em càng biết nhiều về lịch sử của gia đình mình, chúng càng có ý thức mạnh mẽ hơn trong việc kiểm soát cuộc sống của riêng mình, lòng tự trọng của chúng càng cao và chúng càng tin rằng mình có một gia đình êm ấm.” Việc trẻ em biết được nguồn cội của mình “hóa ra lại là yếu tố dự báo tốt nhất về sức khỏe cảm xúc và mức độ hạnh phúc của chúng” (“The Stories That Bind Us,” New York Times, ngày 15 tháng Ba năm 2013). Đây là một phước lành đầy quyền năng mà chúng ta có thể tiếp nhận.
Tôi muốn khuyến khích anh chị em suy nghĩ về hai ý kiến đơn giản sau đây khi chúng ta suy ngẫm về tầm quan trọng của công việc đền thờ.
Công việc quy tụ Y Sơ Ra Ên là một lệnh truyền. Chủ Tịch Russell M. Nelson, vị tiên tri yêu dấu của chúng ta, đã nhấn mạnh một cách mạnh mẽ rằng trách nhiệm độc nhất của chúng ta là giúp quy tụ Y Sơ Ra Ên đã bị phân tán và chuẩn bị thế gian cho Ngày Tái Lâm của Chúa Giê Su Ky Tô. Vị tiên tri đã mời gọi chúng ta chung tay giúp đỡ công việc quy tụ Y Sơ Ra Ên và nói rằng đó là “điều quan trọng nhất đang diễn ra trên thế gian ngày nay” (Russell M. Nelson và Wendy W. Nelson, “Niềm Hy Vọng của Y Sơ Ra Ên” [buổi họp đặc biệt devotional dành cho giới trẻ toàn cầu, ngày 3 tháng Sáu năm 2018], bổ sung cho tạp chí New Era và Ensign, 3, ChurchofJesusChrist.org).
Sự vâng lời là một quy tắc thiên thượng và khi gia nhập Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta được mời phải hết lòng vâng lời Chúa với tất cả “năng lực, tâm trí, và sức mạnh” (Giáo Lý và Giao Ước 59:5). Khi tham gia vào công việc đền thờ và lịch sử gia đình, chúng ta đang tán trợ vị tiên tri tại thế và Chúa. Như Đấng Ky Tô đã phán: “Nếu các ngươi yêu mến ta, thì giữ gìn các điều răn ta.” (Giăng 14:15). Khi làm như vậy, chúng ta có thể tin tưởng rằng Ngài sẽ dẫn dắt và ban phước cho chúng ta.
Công việc lịch sử gia đình là một cách thức để chúng ta tỏ lòng hiếu kính với cha mẹ. Dựa trên điều răn hiếu kính cha mẹ, tôi muốn khuyên nhủ anh chị em rằng mỗi khi anh chị em tưởng nhớ về tổ tiên của mình, hãy nghĩ đến những phước lành và vinh quang mà anh chị em có thể mang lại cho mỗi người trong số họ bằng cách thay mặt họ thực hiện công việc lịch sử gia đình và đền thờ. Hãy góp nhặt những câu chuyện của họ bởi vì mỗi cá nhân đều có một câu chuyện đời của riêng mình, và những câu chuyện này sẽ ban phước và củng cố cuộc sống của chúng ta. Chúng ta có thể học hỏi từ những đức tính và sự hi sinh của họ, những di sản và truyền thống phong phú của họ. Khi hiếu kính cha mẹ mình qua lối sống ngay chính và tôn trọng, chúng ta cảm nhận được tình yêu thương của họ cũng như nhận được nhiều phước lành hơn khi làm theo lời khuyên của họ. Khi chúng ta tôn vinh dòng họ của mình, chúng ta tiếp nhận danh tính từ những người tổ tiên thế hệ trước, và rồi sau đó chúng ta trao lại danh tính thiêng liêng này cho các thế hệ mai sau. Thêm vào đó, chúng ta tỏ lòng hiếu kính với tổ tiên của mình nhiều nhất khi chúng ta đảm bảo rằng họ nhận được các phước lành từ đền thờ.
Khi chúng ta cầu nguyện và suy ngẫm về việc hướng lòng mình trở lại cùng tổ tiên, đền thờ và Đấng Cứu Rỗi, chúng ta biết mình đang phục vụ NGÀI. Anh Cả Bednar đã dạy, “Việc hành động theo những lời giảng dạy của Đấng Cứu Rỗi sẽ mời gọi quyền năng thuộc linh vào cuộc sống của chúng ta—khả năng để lắng nghe và lưu tâm, khả năng để phân biệt và khả năng để chống chọi thử thách. Trở thành một môn đồ tận tụy là câu trả lời tốt nhất và duy nhất cho mọi câu hỏi và thử thách” (David A. Bednar, “Faithful Parents and Wayward Children,” Ensign, tháng Ba năm 2014, 16-22).
Tôi muốn làm chứng rằng đây là vương quốc của Ngài, và mục đích của Ngài là mang lại sự bất diệt và cuộc sống vĩnh cửu cho loài người. Tôi biết rằng Chúa hằng sống và yêu thương mỗi người chúng ta và Ngài muốn chúng ta trở về sống với Ngài. Tôi yêu thích công việc đền thờ và lịch sử gia đình và biết rằng công việc này sẽ ràng buộc chúng ta với tổ tiên của mình cũng như giúp chúng ta trở thành những môn đồ tận tụy hơn của Đấng Cứu Rỗi Chúa Giê Su Ky Tô.