Podcast: Play in new window | Embed
Bài của Anh Eric D. Snider và David A. Edwards làm việc tại các tạp chí của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô
Sự mặc khải hiện đại làm sáng tỏ thánh thư.
Giáo Lý và Giao Ước 19 giải thích hai điều về Đấng Cứu Rỗi.
Lu Ca nói rằng mồ hôi của Chúa trong Vườn Ghết Sê Ma Nê “trở nên như giọt máu lớn” (Lu Ca 22:44). “Trở nên như” cho thấy đó chỉ là một cách nói ẩn dụ.
Chúa Giê Su làm sáng tỏ hình ảnh đó. Ngài nói rằng nỗi đau khổ của Ngài đã khiến Ngài “rớm máu từng lỗ chân lông” (Giáo Lý và Giao Ước 19:18). Không có phép ẩn dụ nào cả. Nỗi thống khổ của Ngài lớn đến nỗi Ngài thực sự đã đổ máu từ lỗ chân lông.
Ở những nơi khác, thánh thư sử dụng các cụm từ như “cực hình bất tận” và “hình phạt vĩnh cửu.” An Ma Con nói rằng ông “đã bị một cực hình vĩnh cửu xâu xé” (An Ma 36:12). Nhưng cực hình của ông chỉ kéo dài ba ngày (xin xem An Ma 36:16). Điều đó “vĩnh cửu” như thế nào?
Một lần nữa, Chúa Giê Su đã làm sáng tỏ. Vì Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su đều là vĩnh cửu và bất tận, nên bất kỳ hình phạt nào hai Ngài đưa ra, theo định nghĩa, đều là hình phạt “vĩnh cửu” hay “bất tận”, bất kể thời gian là bao lâu (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 19:6–12). Chỉ có nỗi đau khổ của những đứa con trai diệt vong mới thực sự kéo dài mãi mãi (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 76:30–38).
Chỉ một phép báp têm là đủ—nhưng việc này cần phải có thẩm quyền.
Những người cải đạo tương lai thường hỏi những người truyền giáo: Nếu tôi đã chịu phép báp têm ở một giáo hội khác rồi thì sao? Tôi có cần phải chịu phép báp têm một lần nữa không?
Sách Giáo Lý và Giao Ước giải thích rằng nếu không có chức tư tế—là thẩm quyền để hành động trong danh của Thượng Đế—thì “dù đã được làm phép báp têm cả trăm lần thì cũng không được lợi ích gì” (Giáo Lý và Giao Ước 22:2).
Vì vậy, câu trả lời về cơ bản là: “Phép báp têm trước đây của em là một hành động ngay chính dựa trên những gì em biết vào thời điểm đó. Bây giờ em đã biết nhiều hơn, và Chúa muốn em hành động dựa trên sự hiểu biết đó.”
Không ai giỏi trong mọi việc. Và điều đó là bình thường.
Tiên Tri Joseph Smith không giỏi kinh doanh hay kinh tế. Theo cách nói của thế gian, ông không phải là người thành công.
Chúa phán với ông rằng mọi việc sẽ diễn ra như thế này: “Trong những công việc thế tục, ngươi sẽ không có được sức mạnh, vì đây không phải là chức vụ kêu gọi của ngươi” (Giáo Lý và Giao Ước 24:9).
Em sẽ có những người bạn và bạn học sẽ được học ở những trường đại học tốt hơn em, có được những công việc danh giá hơn em và thành công hơn em trong cuộc sống.
Vậy thì sao?
Cuộc sống không phải là một cuộc tranh đua. Tất nhiên, em nên cố gắng hết sức mình. Nhưng đừng hoảng loạn nếu em thấy người khác vượt lên em trên con đường đời. Họ có thể không hướng tới cùng một điểm đến như em! Hãy tiếp tục làm điều Chúa muốn em làm—“sự kêu gọi” của em—và đừng lo lắng về kế hoạch của Ngài dành cho bất cứ ai khác.
Ngôi nhà của Thượng Đế là một ngôi nhà có trật tự.
Đấng Cứu Rỗi thường nhắc nhở Tiên Tri Joseph Smith rằng mọi việc phải được thực hiện “một cách trật tự” (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 20:68; 28:13; 58:55; 107:84). Các em cần có các quy tắc nếu không sẽ có hỗn loạn.
Nhưng điều đó không có nghĩa là không bao giờ có bất kỳ sự nới lỏng nào. Ví dụ, Chúa phán với Joseph Smith rằng “việc các ngươi ăn hay uống gì khi dự phần Tiệc Thánh là điều không quan trọng”—miễn là chúng ta làm điều đó để tưởng nhớ đến nỗi đau đớn và Sự Chuộc Tội của Ngài (Giáo Lý và Giao Ước 27:2).
Tuy nhiên, khi nói đến việc lãnh đạo Giáo Hội, thì không có sự nới lỏng nào. Chỉ có một người tại một thời điểm có thể nhận được sự mặc khải cho Giáo Hội: đầu tiên là Joseph Smith (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 28:2); sau đó là bất kỳ ai được Chúa chỉ định để “thay thế” (Giáo Lý và Giao Ước 28:7)—Brigham Young, John Taylor, và vân vân cho đến vị tiên tri ngày nay.
Các vị lãnh đạo đầy soi dẫn khác của Giáo Hội có thể giảng dạy, cố vấn và đưa ra lời khuyên bảo (xin xem Giáo Lý và Giao Ước 28:4–5). Nhưng chỉ có Chủ Tịch của Giáo Hội mới có thể nói thay cho Thượng Đế về những vấn đề ảnh hưởng đến toàn thể Giáo Hội.