Podcast số 165 – Đại Hội Trung Ương tháng 4, 2011 – Trở Thành Như Trẻ Nhỏ – Jean A. Stevens

Đệ Nhất Cố Vấn trong Chủ Tịch Đoàn Trung Ương Hội Thiếu Nhi vào năm 2011 của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô

Nếu chúng ta thật lòng học hỏi và sẵn lòng noi theo gương của các trẻ em, thì các thuộc tính thiêng liêng của chúng có thể nắm giữ chìa khóa để khai mở sự tăng trưởng thuộc linh của chúng ta.

Trong sự thông sáng lớn lao và tình yêu thương bao la của Ngài, Cha Thiên Thượng gửi các con trai và con gái linh hồn của Ngài đến thế gian này với tư cách là trẻ con. Với một thiên tính và vận số, chúng đến với những gia đình như là những sự ban cho quý báu. Cha Thiên Thượng biết trẻ em là công cụ để giúp chúng ta trở nên giống như Ngài. Chúng ta có thể học hỏi được nhiều điều từ trẻ em.

Lẽ thật quan trọng này được thấy rõ khi một thành viên trong Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi được chỉ định đến Hồng Kông cách đây vài năm. Ông đến thăm một tiểu giáo khu nghèo đang gặp khó khăn về nhiều phương diện, đã không thể lo liệu cho các nhu cầu riêng của mình. Trong khi vị giám trợ mô tả tình cảnh của họ, Vị Thẩm Quyền Trung Ương này cảm thấy có ấn tượng phải bảo các tín hữu đóng tiền thập phân. Vì biết được hoàn cảnh khốn cùng của họ, vị giám trợ lo lắng không biết ông có thể thực hiện lời dạy đó như thế nào. Ông nghĩ về điều đó và quyết định rằng ông sẽ đi nói chuyện với một số tín hữu trung tín nhất trong tiểu giáo khu của mình và yêu cầu họ đóng tiền thập phân. Ngày Chúa Nhật kế tiếp, ông đi đến Hội Thiếu Nhi. Ông giảng dạy cho trẻ em về luật thập phân của Chúa và hỏi chúng có sẵn lòng đóng tiền thập phân từ số tiền mà chúng kiếm được không. Các em đó, nói rằng chúng sẽ làm điều đó. Và chúng đã làm.

Sau đó, vị giám trợ đi đến những người lớn trong tiểu giáo khu và chia sẻ cho họ biết rằng con cái trung tín của họ đã đóng tiền thập phân trong sáu tháng qua. Ông hỏi họ có sẵn lòng để noi theo gương của các em này và làm theo như vậy không. Các tín hữu rất xúc động trước việc các trẻ em sẵn lòng hy sinh để làm điều cần thiết là đóng tiền thập phân của chúng. Và các cửa sổ trên trời được mở ra. Với tấm gương của các trẻ em trung tín này, một tiểu giáo khu đã tăng trưởng trong sự vâng lời và chứng ngôn.

Chính Chúa Giê Su Ky Tô đã giảng dạy cho chúng ta phải xem trẻ em như là tấm gương. Kinh Tân Ước chép lại câu trả lời của Ngài khi Các Sứ Đồ của Ngài tranh luận người nào sẽ lớn nhất trong vương quốc thượng thiên. Chúa Giê Su trả lời câu hỏi của họ bằng một bài học với đối tượng tuy nhỏ nhưng thật mạnh mẽ. Ngài gọi một trẻ nhỏ đến cùng Ngài và đặt nó ở giữa họ rồi phán:

“Nếu các ngươi không đổi lại và nên như đứa trẻ, thì chẳng được vào nước thiên đàng đâu.

“Hễ ai trở nên khiêm nhường như đứa trẻ nầy, sẽ là lớn hơn hết trong nước thiên đàng” (Ma Thi Ơ 18:3–4).

Chúng ta nên học điều gì từ trẻ em? Chúng có những đức tính nào và nêu ra những tấm gương nào mà có thể giúp đỡ chúng ta trong việc phát triển phần thuộc linh của mình?

Các trẻ em quý báu này của Thượng Đế đến cùng chúng ta với tấm lòng tin tưởng. Chúng tràn đầy đức tin và tiếp nhận những cảm nghĩ của Thánh Linh. Chúng nêu gương khiêm nhường, vâng lời và yêu thương. Chúng thường là người đầu tiên biết thương yêu và là người đầu tiên biết tha thứ.

Tôi xin chia sẻ một vài kinh nghiệm về việc các trẻ em có thể ban phước cho cuộc sống của chúng ta như thế nào với tấm gương vô tội nhưng mạnh mẽ của chúng về các thuộc tính giống như Đấng Ky Tô.

Todd chỉ mới hai tuổi, gần đây đã đi với mẹ nó đến một viện bảo tàng nghệ thuật đang có một cuộc triển lãm đặc biệt về các bức tranh rất đẹp vẽ Đấng Cứu Rỗi. Khi họ đi ngang qua các bức tranh thiêng liêng này, người mẹ nghe đứa bé cung kính nói tên “Chúa Giê Su.” Người mẹ nhìn xuống và thấy đứa bé khoanh tay và cúi đầu trong khi nó xem các bức tranh. Chúng ta có thể học được từ Todd một điều gì về thái độ khiêm nhường, cung kính và yêu thương đối với Chúa không?

Mùa thu vừa qua tôi quan sát tấm gương của một đứa bé trai 10 tuổi ở Armenia. Trong khi chúng tôi chờ cho lễ Tiệc Thánh bắt đầu, thì nó thấy người tín hữu lớn tuổi nhất của chi nhánh đi tới. Nó vội vã đi đến bên bà, đưa tay của nó cho bà vịn để bà bước đi vững vàng. Nó giúp bà đi đến dãy ghế ở phía trước của giáo đường để bà có thể nghe được. Hành động tử tế tầm thường của nó có dạy cho chúng ta biết rằng những người lớn nhất trong vương quốc của Chúa chính là những người tìm kiếm cơ hội để phục vụ những người khác không?

Katie thuộc lứa tuổi các em trong Hội Thiếu Nhi, đã giảng dạy cho chúng tôi khi chúng tôi thấy ảnh hưởng của nó đối với gia đình nó. Nó tham dự Hội Thiếu Nhi và bị thu hút bởi những điều giảng dạy của phúc âm. Với đức tin và chứng ngôn đang tăng trưởng, Katie để một lá thư ngắn ở trên cái gối của cha mẹ nó. Nó viết rằng các lẽ thật phúc âm đã tìm ra một “chỗ trong tâm hồn nó.” Nó chia sẻ nỗi khát khao của nó để được gần gũi với Cha Thiên Thượng, tuân theo các giáo lệnh của Ngài và có được gia đình làm lễ gắn bó trong đền thờ. Chứng ngôn giản dị của đứa con gái tuyệt vời này đã làm cho cha mẹ nó vô cùng xúc động. Katie và gia đình nó đã thật sự nhận được các giáo lễ thiêng liêng của đền thờ mà ràng buộc gia đình với nhau vĩnh viễn. Tấm lòng tin tưởng và tấm gương về đức tin của Katie đã giúp mang đến các phước lành vĩnh cửu cho gia đình nó. Chứng ngôn chân thật của nó và ước muốn tuân theo kế hoạch của Chúa có thể làm cho chúng ta thấy được rõ ràng hơn điều thật sự quan trọng không?

Gia đình của chúng tôi đang học từ một đứa bé sáu tuổi trong họ hàng thân thiết tên là Liam. Năm ngoái, nó vật lộn với căn bệnh ung thư não ác tính. Sau hai cuộc giải phẫu khó khăn, người ta quyết định là nó cũng cần phải được trị liệu bằng bức xạ. Trong những lần trị liệu bằng bức xạ như vậy, nó bị bắt buộc phải ở một mình và tuyệt đối nằm yên. Liam không muốn bị gây mê vì nó không thích cảm giác đó. Nó quyết định rằng nếu nó chỉ có thể nghe tiếng của cha nó ở trong ống loa của máy intercom, thì nó có thể nằm yên mà không cần thuốc gây mê.

Trong những lúc nguy ngập này, cha của nó nói với nó bằng những lời đầy khuyến khích và yêu thương. “Liam, mặc dù con không thể thấy cha được nhưng cha ở ngay đây này. Cha biết con có thể làm điều đó được. Cha thương con.” Liam hoàn tất 33 lần trị liệu bằng bức xạ cần thiết trong khi vẫn hoàn toàn nằm yên, một kỳ công mà các bác sĩ của nó nghĩ rằng khó có thể thực hiện được nếu không gây mê cho một bệnh nhân nhỏ như vậy . Qua những tháng đau đớn và khó khăn, niềm lạc quan lây lan của Liam là mộttấm gươngmạnh mẽ để đối phó với nghịch cảnh bằng hy vọng và còn cả niềm vui nữa. Các bác sĩ, y tá của nó và vô số những người khác đã được soi dẫn bởi lòng can đảm của nó.

Chúng ta đều học được các bài học quan trọng từ Liam—các bài học về sự lựa chọn đức tin và tin cậy nơi Chúa. Cũng giống như Liam, chúng ta không thể thấy Đức Chúa Cha, nhưng có thể lắng nghe tiếng Ngài để cho chúng ta sức mạnh cần thiết nhằm chịu đựng những thử thách của cuộc sống.

Tấm gương của Liam có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn những lời của Vua Bên Gia Min để trở thành như một đứa trẻ—phục tùng, nhu mì, khiêm nhường, kiên nhẫn và đầy tình yêu thương không? (xin xem Mô Si A 3:19).

Những em nhỏ này cho chúng ta thấy các ví dụ về một số đức tính giống như trẻ con mà chúng ta cần phải phát triển hoặc tái khám phá nơi bản thân mình để bước vào vương quốc thiên thượng. Chúng là các linh hồn trong sáng không có tì vết của thế gian—dễ dạy và đầy đức tin. Tất nhiên, Đấng Cứu Rỗi có một tình yêu thương và lòng cảm kích đặc biệt đối với các trẻ nhỏ.

Trong số các sự kiện phi thường về sự hiện đến của Đấng Cứu Rỗi ở Châu Mỹ, giáo vụ dịu dàng của Ngài dành cho trẻ em thì đặc biệt khác thường. Trong một cách đầy xúc động, Ngài đã tìm đến từng đứa trẻ một.

“Ngài bồng từng đứa trẻ một và ban phước cho chúng, rồi cầu nguyện cùng Đức Chúa Cha cho chúng.

“Và khi làm như vậy xong, Ngài lại khóc. …

“Và Ngài phán cùng đám đông, và bảo họ rằng: Hãy nhìn xem các con trẻ của các ngươi” (3 Nê Phi 17:21 23).

Anh Cả M. Russell Ballard đã dạy chúng ta về tầm quan trọng của lời khuyên bảo của Đấng Cứu rỗi là “hãy nhìn xem các con trẻ của các ngươi” khi ông nói: “Hãy lưu ý rằng Ngài đã không nói ‘hãy liếc nhìn chúng’ hoặc ‘nhìn chúng một cách thờ ơ’ hay ‘thỉnh thoảng nhìn đến chúng một cách chung chung.’ Mà Ngài phán phải nhìn xem chúng. Đối với tôi, điều đó có nghĩa rằng chúng ta nên nhìn chúng với đôi mắt và với tấm lòng của mình; chúng ta nên nhìn và biết ơn chúng về con người thật sự của chúng: con cái linh hồn của Cha Thiên Thượng, với các thuộc tính thiêng liêng” (“Behold Your Little Ones,” Tambuli, tháng Mười năm 1994, 40; sự nhấn mạnh được thêm vào).

Không có một chỗ nào hoàn hảo để nhìn xem các con trẻ của chúng ta hơn là trong gia đình mình. Mái ấm gia đình là một nơi mà chúng ta đều có thể học hỏi và cùng phát triển. Một trong những bài ca tuyệt vời của Hội Thiếu Nhi dạy về lẽ thật này:

Thượng Đế ban cho chúng ta gia đình

Để giúp chúng ta trở thành con người Ngài muốn chúng ta trở thành—

Đây là cách Ngài chia sẻ tình yêu thương của Ngài,

Vì gia đình thuộc về Thượng Đế.

Chính là ở nơi đây trong gia đình chúng ta, trong một bầu không khí yêu thương, là nơi chúng ta thấy và biết ơn các thuộc tính thiêng liêng của các con cái linh hồn của Ngài một cách riêng biệt hơn. Chính là ở nơi đây trong gia đình chúng ta mà tấm lòng của chúng ta có thể được xoa dịu và khiêm nhường mong muốn thay đổi để trở thành giống như trẻ nhỏ hơn. Đây là một tiến trình mà qua đó chúng ta có thể trở thành giống như Đấng Ky Tô hơn.

Các anh chị em đã từng có một số kinh nghiệm sống nào mà đã lấy đi tấm lòng tin tưởng và đức tin giống như trẻ nhỏ không? Nếu vậy, thì hãy nhìn xung quanh để thấy trẻ em trong cuộc sống của các anh chị em. Và hãy nhìn chúng một lần nữa. Chúng cóthể là trẻ em trong gia đình mình, ở bên kia đường, hoặc ở trong Hội Thiếu Nhi của tiểu giáo khu mình. Nếu chúng ta thật lòng học hỏi và sẵn lòng noi theo gương của các trẻ em, thì các thuộc tính thiêng liêng của chúng có thể nắm giữ chìa khóa để khai mở sự tăng trưởng thuộc linh của chúng ta.

Tôi sẽ luôn luôn biết ơn về phước lành của các con tôi. Tấm gương của mỗi đứa chúng nó đã dạy tôi nhiều bài học cần thiết. Chúng đã giúp tôi thay đổi để sống tốt hơn.

Tôi chia sẻ chứng ngôn khiêm nhường nhưng chắc chắn rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô. Ngài là Vị Nam Tử hoàn hảo—phục tùng, nhu mì, khiêm nhường, kiên nhẫn và đây tình yêu thương. Cầu xin cho mỗi chúng ta thật lòng noi theo gương Ngài, để trở thành như trẻ nhỏ, và bằng cách ấy trở về ngôi nhà thiên thượng của mình, tôi cầu nguyện trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.