Podcast số 156 – Đại Hội Trung Ương tháng 10, 2010 – Nuôi Dạy Con Cái với Lòng Can Đảm – Larry L. Lawrence

Thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi vào năm 2010 của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô

Trong những ngày sau cùng, điều mà thế gian thực sự cần là việc nuôi dạy con cái với lòng can đảm của cha mẹ là những người không sợ nói thẳng và giữ vững lập trường.

Hôm nay tôi muốn ngỏ lời cùng các bậc cha mẹ của các thanh thiếu niên. Giới trẻ thông minh và đầy nghị lực của các anh chị em là tương lai của Giáo Hội, và vì lý do đó, họ là mục tiêu chính của kẻ nghịch thù. Nhiều anh chị em là các bậc cha mẹ trung tín đang lắng nghe Đại Hội hôm nay, đã cầu nguyện để được đáp ứng nhằm giúp các anh chị em hướng dẫn con cái mình qua những năm tháng quan trọng này của chúng. Những đứa cháu lớn nhất của tôi mới vừa đến tuổi niên thiếu, vậy nên đề tài này rất quan trọng đối với tôi. Không có cha mẹ hoàn hảo và cũng không có những câu trả lời dễ dàng, nhưng chúng ta có thể dựa vào các nguyên tắc về lẽ thật.

Chủ đề của Hội Hỗ Tương Thiếu Niên và Thiếu Nữ trong năm 2010 được trích ra từ Sách Giô Suê. Chủ đề đó bắt đầu với câu: “Hãy vững lòng bền chí, chớ run sợ, chớ kinh khủng” (Giô Suê 1:9). Câu thánh thư này cũng sẽ là một chủ đề hay cho các bậc cha mẹ. Trong những ngày sau cùng, điều mà thế gian thực sự cần là việc nuôi dạy con cái với lòng can đảm của cha mẹ là những người không sợ nói thẳng và giữ vững lập trường.

Hãy tưởng tượng trong một lát rằng đứa con gái của các anh chị em đang ngồi trên đường xe lửa và các anh chị em nghe thấy tiếng còi xe lửa. Các anh chị em có cảnh cáo nó phải rời khỏi đường xe lửa không? Hoặc các anh chị em sẽ do dự, lo lắng rằng nó có thể nghĩ là các anh chị em đã bảo vệ nó quá mức cần thiết chăng? Nếu nó làm ngơ trước lời cảnh cáo của các anh chị em thì các anh chị em có nhanh chóng kéo nó đi đến một chỗ an toàn không? Dĩ nhiên là các anh chị em sẽ làm như vậy rồi! Tình yêu thương của các anh chị em dành cho con gái của mình quan trọng hơn tất cả mọi suy nghĩ khác. Các anh chị em quý trọng mạng sống của nó hơn thiện chí tạm thời của nó.

Những thử thách và cám dỗ đang đến với thanh thiếu niên của chúng ta với tốc độ và sức mạnh của một chiếc xe lửa chở hàng. Như chúng ta đã được nhắc nhở trong Bản Tuyên Ngôn Gia Đình, cha mẹ có trách nhiệm bảo vệ con cái mình.1 Điều đó có nghĩa là về mặt tinh thần lẫn vật chất.

Trong Sách Mặc Môn, chúng ta đọc về An Ma Con khuyên dạy đứa con trai ương ngạnh của mình. Cô Ri An Tôn đã làm một số lỗi lầm nghiêm trọng trong khi phục vụ truyền giáo ở giữa dân Giô Ram. An Ma yêu thương con mình đến mức đã nói thẳng về vấn đề đó. Ông bày tỏ nỗi thất vọng sâu xa của mình rằng con trai của ông đã sống phóng đãng, và giải thích cho nó biết về những hậu quả nghiêm trọng của tội lỗi.

Tôi đều cảm thấy soi dẫn mỗi khi đọc những lời đầy can đảm này của An Ma: “Và giờ đây Thánh Linh của Chúa phán cùng cha rằng: Hãy truyền lệnh cho các con ngươi làm điều thiện … ; vậy nên, vì lòng kính sợ Thượng Đế, cha truyền lệnh cho con, hỡi con trai của cha, con hãy dằn lại những điều bất chính của mình” (An Ma 39:12). Sự can thiệp sớm của người cha đã trở thành một bước ngoặt đối với Cô Ri An Tôn. Ông đã hối cải và trung tín phục vụ về sau. (xin xem An Ma 42:31; 43:1–2).

Trái với tấm gương của An Ma là tấm gương của một người cha khác trong thánh thư, Ê Li trong Kinh Cựu Ước. Ê Li phục vụ với tư cách là thầy tư tế thượng phẩm ở Y Sơ Ra Ên trong thời kỳ của tiên tri Sa Mu Ên. Thánh thư giải thích rằng Chúa đã nghiêm khắc quở trách ông: “vì người đã biết tánh nết quái gở của các con trai mình, mà không cấm” (1 Sa Mu Ên 3:13). Các con trai của Ê Li không bao giờ hối cải và tất cả dân Y Sơ Ra Ên đã chịu đau khổ vì tính điên rồ của họ. Câu chuyện về Ê Li dạy cho chúng ta biết rằng cha mẹ yêu thương con cái thì không thể để cho con cái ngang tàng với mình.

Cách đây vài năm tại Đại Hội Trung Ương, Anh Cả Joe J. Christensen đã nhắc chúng ta nhớ rằng: “Việc nuôi dạy con cái không phải là một cuộc chiến được ưa thích.”2 Trong cùng một tinh thần đó, Anh Cả Robert D. Hales đã nhận xét: “Đôi khi chúng ta sợ con cái mình—sợ phải dạy bảo chúng vì sợ xúc phạm chúng.”3

Cách đây nhiều năm, đứa con trai 17 tuổi của chúng tôi muốn đi chơi cuối tuần với bạn bè của nó, chúng đều là các thiếu niên tốt. Nó xin phép đi. Tôi muốn cho phép nhưng vì một lý do nào đó, tôi cảm thấy lo lắng về chuyến đi đó. Tôi chia sẻ cảm nghĩ của mình với vợ tôi, bà cũng rất ủng hộ tôi. Vợ tôi nói: “Chúng ta cần phải lắng nghe tiếng nói cảnh cáo đó.”

Dĩ nhiên, con trai của chúng tôi rất thất vọng và hỏi lý do tại sao chúng tôi không muốn nó đi. Tôi thành thật đáp rằng tôi không biết tại sao. Tôi giải thích: “Cha chỉ cảm thấy không an tâm về chuyến đi đó và cha thương con quá nhiều nên không thể làm ngơ trước những cảm nghĩ này trong lòng.” Tôi rất ngạc nhiên khi nó nói: “Thôi được, Cha ạ. Con hiểu mà.”

Những người trẻ tuổi hiểu nhiều hơn chúng ta nghĩ; vì họ cũng có ân tứ Đức Thánh Linh. Họ đang cố gắng nhận biết Thánh Linh khi Thánh Linh phán bảo và họ đang nhìn theo tấm gương của chúng ta. Họ học được từ chúng ta cách lưu ý đến những thúc giục của Thánh Linh mà họ nhận được, rằng nếu họ “không cảm thấy an tâm về điều gì đó”, thì tốt hơn hết đừng đeo đuổi theo điều đó.

Việc vợ chồng đoàn kết khi đưa ra những quyết định trong việc nuôi dạy con cái là rất quan trọng. Nếu người cha hay mẹ không cảm thấy an tâm về một điều gì đó, thì đừng cho phép. Nếu người cha hay mẹ cảm thấy khó chịu về một cuốn phim, một màn trình diễn trên truyền hình, một trò chơi video, một buổi tiệc liên hoan, một cái áo đầm hoặc một sinh hoạt trên Internet, thì hãy có can đảm để hỗ trợ nhau mà nói không được.

Tôi muốn chia sẻ với các anh chị em một lá thư của một người mẹ đau khổ. Đứa con trai tuổi niên thiếu của người ấy dần dần mất Thánh Linh và không còn tích cực trong Giáo Hội. Chị giải thích điều này đã xảy ra như thế nào: “Trong suốt những năm niên thiếu của con trai tôi, tôi đã lo lắng và cố gắng ngăn nó không cho chơi trò chơi video đầy bạo động. Tôi nói chuyện với chồng tôi và cho anh ấy thấy những bài viết trong tạp chí Ensign và trong tờ nhật báo cảnh cáo về những trò chơi này. Nhưng chồng tôi thấy an tâm về điều đó. Anh ấy nói rằng con trai chúng tôi không dùng ma túy, thì tôi đừng nên lo lắng. Có những lúc tôi đem giấu những cái máy điều khiển trò chơi và chồng tôi thường lấy lại. Tôi bắt đầu thấy dễ dàng để nhượng bộ,… hơn là chống lại điều đó. Tôi thật sự cảm thấy việc chơi trò chơi điện tử thì cũng tạo ra thói nghiện ngập như ma túy. Tôi muốn làm một điều gì đó để phòng ngừa các bậc cha mẹ khác không phải trải qua kinh nghiệm này.”

Thưa các anh chị em, nếu người phối ngẫu của các anh chị em không cảm thấy an tâm về một điều gì đó, thì hãy kính trọng những cảm nghĩ đó. Khi chọn cách dễ dàng để làm bằng cách không nói và không làm gì cả thì các anh chị em có thể cho phép một hành vi hủy hoại vậy.

Cha mẹ có thể ngăn ngừa nhiều nỗi đau khổ bằng cách giảng dạy con cái mình nên trì hoãn mối quan hệ yêu đương cho đến khi chúng sẵn sàng cho hôn nhân. Việc kết đôi quá sớm với một bạn trai hoặc bạn gái là điều nguy hiểm. Việc trở thành một “cặp trai gái” tạo ra tình cảm mật thiết mà cũng thường đưa đến sự gần gũi xác thịt. Sa Tan biết kết quả này và sử dụng điều đó cho lợi ích của nó. Nó sẽ làm bất cứ điều gì nó có thể làm để ngăn cản các thiếu niên đi phục vụ truyền giáo và ngăn cản lễ hôn phối đền thờ.

Là điều thiết yếu để cha mẹ có can đảm nói thẳng và can thiệp trước khi Sa Tan thành công. Chủ Tịch Boyd K. Packer dạy rằng: “Khi có liên quan đến đạo đức, chúng ta có quyền lẫn bổn phận để cất lên tiếng nói cảnh cáo.”4

Tôi luôn luôn tin rằng không có điều gì thật sự tốt xảy ra vào đêm khuya và rằng những người trẻ tuổi cần biết mấy giờ họ được trông mong phải về nhà.

Có một sự thông sáng lớn lao cho thấy khi cha mẹ thức chờ con cái họ trở về nhà. Các thiếu niên và thiếu nữ lựa chọn tốt hơn khi họ biết cha mẹ của mình đang thức chờ nghe kể về buổi tối của họ và hôn họ chúc ngủ ngon.

Tôi xin được bày tỏ lời cảnh cáo riêng của mình về lối thực hành thông thường trong nhiều văn hóa. Tôi muốn nói đến việc ngủ lại nhà bạn hoặc ở lại chơi đêm nhà của một người bạn. Là một giám trợ, tôi nhận ra rằng có quá nhiều giới trẻ đã lần đầu tiên vi phạm Lời Thông Sáng hay Luật Trinh Khiết là một phần của việc ngủ lại nhà bạn. Lần đầu tiên, họ thường tiếp cận với hình ảnh sách báo khiêu dâm và ngay cả lần đầu tiên chạm trán với cảnh sát khi họ ngủ đêm xa nhà.

Áp lực bạn bè trở nên càng ngày càng mãnh liệt khi con cái chúng ta cách xa khỏi ảnh hưởng của chúng ta và khi khả năng phòng thủ của chúng bị suy yếu vào đêm khuya. Nếu các anh chị em cảm thấy không an lòng về một sinh hoạt qua đêm thì đừng sợ phải đáp ứng với tiếng nói cảnh cáo bên trong. Hãy luôn luôn cầu nguyện khi đến lúc phải bảo vệ con cái yêu quý của các anh chị em.

Việc nuôi dạy con cái với lòng can đảm không phải luôn luôn nói không được. Cha mẹ cũng cần có can đảm để nói vâng với lời khuyên dạy của các vị tiên tri hiện đại. Các vị lãnh đạo Giáo Hội của chúng ta khuyên dạy chúng ta phải thiết lập những mẫu mực ngay chính trong nhà mình. Hãy xem xét năm lối thực hành cơ bản mà có quyền năng củng cố giới trẻ chúng ta: cầu nguyện gia đình, học thánh thư chung gia đình, buổi họp tối gia đình, bữa ăn tối chung gia đình và phỏng vấn thường xuyên giữa cha mẹ với mỗi đứa con.

Phải có can đảm để tụ họp con cái lại từ bất cứ điều gì chúng đang làm và cùng nhau quỳ xuống chung với gia đình. Phải có can đảm để tắt máy truyền hình và máy vi tính và hướng gia đình các anh chị em qua những trang thánh thư mỗi ngày. Phải có can đảm để từ chối những lời mời vào tối thứ Hai, để các anh chị em có thể dành buổi tối đó cho gia đình mình. Phải có can đảm và quyết tâm tránh lịch trình đầy bận rộn để gia đình các anh chị em có thể có mặt ở nhà cùng ăn tối với nhau.

Một trong những cách hữu hiệu chúng ta có thể ảnh hưởng đến một đứa con trai hay con gái là khuyên dạy chúng trong những cuộc phỏng vấn riêng. Bằng cách lắng nghe kỹ, chúng ta có thể nhận ra những ước muốn trong lòng chúng, giúp chúng đặt ra mục tiêu ngay chính và cũng chia sẻ với chúng những ấn tượng thuộc linh mà chúng ta đã nhận được về chúng. Việc dạy bảo đòi hỏi can đảm.

Hãy cố tưởng tượng thế hệ đang vươn lên có thể trở thành như thế nào nếu năm mẫu mực ngay chính này được thực hành thường xuyên trong mỗi mái gia đình. Những người trẻ tuổi của chúng ta có thể được giống như đạo quân của Hê La Man: vô địch (xin xem An Ma 57:25–26).

Việc nuôi dạy các thanh thiếu niên trong những ngày sau là một công việc rất khiêm tốn. Sa Tan và những người theo nó đang cố gắng gây ra sự hủy diệt thuộc linh cho thế hệ này; Chúa đang kỳ vọng nơi các bậc cha mẹ dũng cảm để nuôi dạy thế hệ này. Thưa các bậc cha mẹ, “Hãy vững lòng bền chí, chớ run sợ, chớ kinh khủng” (Giô Suê 1:9). Tôi biết rằng Thượng Đế nghe và sẽ đáp ứng cho những lời cầu nguyện của các anh chị em. Tôi làm chứng rằng Chúa hỗ trợ và ban phước cho các bậc cha mẹ can đảm. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.