Podcast: Play in new window | Embed
Thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi năm 2011 của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô
Bằng cách phục vụ tận tâm và sẵn lòng hy sinh, công việc truyền giáo của các em sẽ trở thành một kinh nghiệm thiêng liêng đối với bản thân mình.
Sự kiện quan trọng trong cuộc đời của một người truyền giáo là cuộc phỏng vấn cuối cùng với vị chủ tịch phái bộ truyền giáo, hay còn gọi là cuộc phỏng vấn “ra về”. Trọng tâm cuộc phỏng vấn là một cuộc thảo luận về điều dường như là cả một cuộc đời với những kinh nghiệm đáng nhớ và các bài học quan trọng đạt được trong vòng chỉ 18 đến 24 tháng.
Mặc dù nhiều kinh nghiệm và bài học này có thể là phổ biến đối với công việc phục vụ truyền giáo, nhưng mỗi phái bộ truyền giáo là độc nhất vô nhị, với những thử thách và cơ hội nhằm giúp chúng ta phát triển cũng như trắc nghiệm chúng ta tùy theo nhu cầu và cá tính của mình.
Từ lâu trước khi rời mái ấm gia đình trần thế để đi phục vụ truyền giáo toàn thời gian, chúng ta đã rời cha mẹ thiên thượng để làm tròn công việc truyền giáo của mình trên trần thế. Chúng ta có Cha Thiên Thượng là Đấng biết rõ chúng ta—các ưu điểm, khuyết điểm, khả năng, và tiềm năng của chúng ta. Ngài biết chúng ta cần vị chủ tịch phái bộ truyền giáo và những người bạn đồng hành nào, các tín hữu cũng như những người tầm đạo nào để trở thành người truyền giáo, người chồng, người cha, và người nắm giữ chức tư tế mà mình có thể trở thành.
Các vị tiên tri, tiên kiến, và mặc khải chỉ định những người truyền giáo theo sự hướng dẫn và ảnh hưởng của Đức Thánh Linh. Các vị chủ tịch phái bộ truyền giáo đầy cảm ứng hướng dẫn những cuộc thuyên chuyển mỗi sáu tuần và nhanh chóng học biết được rằng Chúa biết chính xác nơi nào Ngài muốn mỗi người truyền giáo phải phục vụ.
Cách đây vài năm, Anh Cả Javier Misiego, từ Madrid, Tây Ban Nha, đi phục vụ truyền giáo toàn thời gian ở Arizona. Vào lúc đó, sự kêu gọi truyền giáo của anh ấy đến Hoa Kỳ có vẻ như hơi khác thường, vì hầu hết các thanh niên từ Tây Ban Nha đều được kêu gọi phục vụ ở quê hương của họ.
Vào lúc kết thúc buổi họp đặc biệt fireside của một giáo khu, mà anh và người bạn đồng hành của mình được mời tham dự, một tín hữu kém tích cực của Giáo Hội được bạn dẫn đến, tiến đến gần Anh Cả Misiego. Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm, người đàn ông này đến một giáo đường. Ông ta hỏi Anh Cả Misiego là có biết một người tên là Jose Misiego ở Madrid không. Khi Anh Cả Misiego đáp rằng tên của cha anh là José Misiego, thì ông ta phấn khởi hỏi thêm một vài câu hỏi nữa để xác nhận rằng đúng là José Misiego, người mình đang tìm. Khi rõ ràng là họ đang cùng nói về một người, thì người tín hữu kém tích cực này bắt đầu khóc. Ông ta giải thích và mô tả công việc truyền giáo của mình, theo như ông nghĩ, đã thất bại như thế nào: “Cha của Anh Cả là người duy nhất tôi làm phép báp têm cho trong suốt thời gian truyền giáo của tôi.” Ông đã cho là những năm kém tích cực của mình là do một số cảm nghĩ không thích đáng và lo âu, vì tin rằng ông đã làm cho Chúa thất vọng vì lý do nào đó.
Rồi Anh Cả Misiego đã mô tả điều bị cho là thất bại này của một người truyền giáo lại có ý nghĩa như thế nào đối với gia đình của anh. Anh nói cho ông ta biết rằng cha của anh chịu phép báp têm lúc còn là một thanh niên độc thân, đã kết hôn trong đền thờ, rằng Anh Cả Misiego là đứa con thứ tư trong số sáu đứa con, và ba người anh trai cùng một người chị gái đã phục vụ truyền giáo toàn thời gian, rằng tất cả đều tích cực trong Giáo Hội, và tất cả những người kết hôn đều đã được làm lễ gắn bó trong đền thờ.
Người đàn ông đó cũng là người truyền giáo đã được giải nhiệm rồi trở nên kém tích cực, bắt đầu khóc nức nở. Qua các nỗ lực của mình, ông mới được biết nhiều cuộc sống đã được phước, và Chúa đã gửi một Anh Cả từ Madrid, Tây Ban Nha xa xôi đến tận một buổi họp đặc biệt fireside ở Arizona để cho ông ta biết rằng ông đã không thất bại. Chúa biết Ngài muốn mỗi người truyền giáo phải phục vụ ở nơi nào.
Trong bất cứ cách thức nào, Chúa cũng đều có thể chọn ban phước cho chúng ta trong lúc truyền giáo. Các phước lành của sự phục vụ truyền giáo không chấm dứt khi chúng ta được chủ tịch giáo khu của mình giải nhiệm. Công việc truyền giáo của các em là một thời gian huấn luyện cho cuộc sống còn lại. Những kinh nghiệm, bài học, chứng ngôn nhận được qua việc phục vụ trung tín là nhằm thiết lập một nền tảng dựa trên phúc âm mà sẽ kéo dài trong suốt cuộc sống trần thế cho đến thời vĩnh cửu. Tuy nhiên, vì các phước lành phải tiếp tục sau khi phục vụ truyền giáo, nên có những điều kiện cần phải được đáp ứng. Chúng ta đọc trong sách Giáo Lý và Giao Ước: “Vì tất cả những ai muốn nhận được phước lành từ tay ta đều phải tôn trọng luật pháp mà đã được lập ra cho phước lành đó, và những điều kiện của nó” (GLGƯ 132:5). Nguyên tắc này được giảng dạy trong câu chuyện của sách Xuất Ê Díp Tô Ký.
Sau khi nhận được phận sự của mình từ Chúa, Môi Se đã trở lại Ai Cập để dẫn con cái của Y Sơ Ra Ên ra khỏi cảnh tù đày. Vì hết tai họa này đến tai họa khác cũng đều không bảo đảm cho họ được tự do, nên dẫn đến tai họa thứ 10 và cuối cùng: “Đêm đó ta sẽ đi qua xứ Ê Díp Tô, hành hại mọi con đầu lòng xứ Ê Díp Tô” (Xuất Ê Díp Tô Ký 12:12).
Để bảo vệ khỏi “kẻ tiêu diệt” (câu 23), Chúa đã chỉ dạy cho dân Ngài phải dâng lên của lễ hy sinh, một con chiên con “chẳng tì vít” (câu 5), và lấy huyết từ của lễ hy sinh. Rồi họ “lấy huyết” và đem bôi trên cửa mỗi nhà—“trên hai cây cột và mày cửa của nhà” (câu 7)—với lời hứa này: “khi ta … thấy huyết đó, thì sẽ vượt qua, chẳng có tai nạn hủy diệt các ngươi.” (câu 13).
“Dân Y Sơ Ra Ên bèn cúi đầu lạy, rồi đi, làm theo như lời Đức Giê Hô Va đã phán dặn” (câu 28). Họ dâng lên của lễ hy sinh, lấy huyết và bôi lên nhà họ. “Vả, khi giữa đêm, Đức Giê Hô Va hành hại mọi con đầu lòng tại xứ Ê Díp Tô” (câu 29). Môi Se và dân của ông được bảo vệ theo như lời hứa của Chúa.
Huyết là một sản vật của của lễ hy sinh mà đã được dân Y Sơ Ra Ên sử dụng và dâng lên, tượng trưng cho Sự Chuộc Tội trong tương lai của Đấng Cứu Rỗi. Mặc dù, chỉ của lễ hy sinh và huyết không thôi đã không đủ để nhận được phước lành được hứa. Nếu không bôi huyết lên trên trụ cửa, thì của lễ hy sinh cũng thành vô ích.
Chủ Tịch Thomas S. Monson đã dạy: “Công việc truyền giáo rất khó. Công việc này đòi hỏi sức lực, tận dụng khả năng, đòi hỏi nỗ lực tốt nhất của một người. … Không có công việc lao nhọc nào đòi hỏi phải làm nhiều giờ hơn, hoặc phải tận tụy hơn hay phải hy sinh và cầu nguyện khẩn thiết như vậy” (“That All May Hear,” Ensign, tháng Năm năm 1995, 49).
Nhờ kết quả của sự hy sinh đó, mà chúng ta trở về từ công việc truyền giáo với các ân tứ của riêng mình: Ân tứ về đức tin. Ân tứ về chứng ngôn. Ân tứ về sự hiểu biết vai trò của Thánh Linh. Ân tứ về việc học tập phúc âm hằng ngày. Ân tứ về việc đã phục vụ Đấng Cứu Rỗi của chúng ta. Các ân tứ này đã được gói ghém kỹ lưỡng trong các quyển thánh thư đã sờn mòn, những quyển Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta, rách tả tơi, các quyển sổ nhật ký của người truyền giáo, và tấm lòng biết ơn. Tuy nhiên, giống như con cái Y Sơ Ra Ên, các phước lành liên tục có liên quan tới sự phục vụ truyền giáo đòi hỏi phải áp dụng sau khi hy sinh.
Cách đây một vài năm, trong khi Chị Waddell và tôi chủ tọa Phái Bộ Truyền Giáo Spain Barcelona, tôi đã đưa ra một chỉ định cuối cùng cho mỗi người truyền giáo trong cuộc phỏng vấn cuối cùng của họ. Khi trở về nhà, họ được yêu cầu phải lập tức dành thời giờ ra để xem lại các bài học và các ân tứ đã được Cha Thiên Thượng rộng lượng ban cho họ. Họ được yêu cầu phải thành tâm liệt kê và xem xét cách tốt nhất để áp dụng các bài học đó vào cuộc sống sau khi đi truyền giáo về—các bài học mà sẽ ảnh hưởng đến mọi khía cạnh trong cuộc sống của họ: học vấn và chọn lựa nghề nghiệp, hôn nhân và con cái, sự phục vụ tương lai trong Giáo Hội, và quan trọng hơn hết, con người mà họ sẽ tiếp tục trở thành và việc họ tiếp tục phát triển với tư cách là các môn đồ của Chúa Giê Su Ky Tô.
Không bao giờ là quá trễ đối với bất cứ người truyền giáo đã được giải nhiệm để xem xét các bài học nhận được qua sự phục vụ trung tín và áp dụng các bài học này một cách chuyên cần hơn. Khi làm như vậy, chúng ta sẽ cảm nhận trọn vẹn hơn ảnh hưởng của Thánh Linh trong cuộc sống của mình, gia đình chúng ta sẽ được củng cố, và chúng ta sẽ trở nên gần gũi với Đấng Cứu Rỗi và Cha Thiên Thượng hơn. Trong một đại hội trung ương trước đây, Anh Cả L. Tom Perry đã đưa ra lời mời này: “Tôi kêu gọi các anh chị em là những người truyền giáo đã được giải nhiệm trở về hãy tái dâng hiến mình, để một lần nữa có ước muốn và tinh thần phục vụ của người truyền giáo. Tôi kêu gọi các anh chị em hãy sống và làm phần vụ giống như một tôi tớ của Cha Thiên Thượng. … Tôi muốn hứa rằng các phước lành lớn lao đang chờ đợi các anh chị em nếu các anh chị em tiếp tục tiến lên với nhiệt tâm mà mình đã từng có trước đây với tư cách là người truyền giáo toàn thời gian” (“Người Truyền Giáo được Giải Nhiệm Trở Về,” Liahona, tháng Giêng năm 2002, 88, 89; Ensign, tháng Mười Một năm 2001, 77).
Giờ đây, cùng với các thanh niên chưa phục vụ truyền giáo toàn thời gian, tôi chia sẻ lời dạy của Chủ Tịch Monson từ tháng Mười năm ngoái: “Tôi xin lặp lại điều mà các vị tiên tri đã dạy từ lâu—mỗi thanh niên xứng đáng, có khả năng cần phải chuẩn bị đi phục vụ truyền giáo. Công việc truyền giáo là một bổn phận của chức tư tế—một nghĩa vụ mà Chúa kỳ vọng nơi chúng ta là những người đã được ban cho rất nhiều” (“Cho Đến Khi Chúng Ta Gặp Lại Nhau,” Liahona, tháng Mười Một năm 2010, 5–6).
Cũng giống như những người truyền giáo thời xưa lẫn thời nay, Chúa biết các em và chuẩn bị sẵn một kinh nghiệm truyền giáo cho các em. Ngài biết vị chủ tịch phái bộ truyền giáo của các em và người bạn đời tuyệt vời của ông, sẽ yêu thương các em như con ruột của họ, và sẽ tìm kiếm sự cảm ứng và hướng dẫn thay cho các em. Ngài biết mỗi một người đồng hành của các em và điều các em sẽ học được từ họ. Ngài biết mỗi khu vực nơi các em sẽ làm việc, các tín hữu các em sẽ gặp gỡ, những người các em sẽ giảng dạy, và những cuộc sống mà các em sẽ ảnh hưởng cho đến vĩnh cửu.
Qua sự phục vụ tận tâm và sẵn lòng hy sinh, công việc truyền giáo của các em sẽ trở thành một kinh nghiệm thiêng liêng đối với bản thân mình. Các em sẽ chứng kiến phép lạ của sự cải đạo trong khi Thánh Linh tác động qua các em để cảm động tấm lòng của những người mình giảng dạy.
Trong khi các em chuẩn bị phục vụ thì có nhiều việc để làm. Việc trở thành một tôi tớ hữu hiệu của Chúa sẽ đòi hỏi nhiều hơn là việc được phong nhiệm, đeo lên tấm thẻ tên, hoặc đi vào trung tâm huấn luyện truyền giáo. Đó là một tiến trình bắt đầu từ lâu trước khi các em được gọi là “Anh Cả.”
Hãy đến nơi các em phục vụ truyền giáo với chứng ngôn riêng của mình về Sách Mặc Môn, có được qua việc học tập và cầu nguyện. “Sách Mặc Môn là bằng chứng mạnh mẽ về thiên tính của Đấng Ky Tô. Sách đó cũng là bằng chứng về Sự Phục Hồi qua Tiên Tri Joseph Smith. … Là người truyền giáo, trước hết các em cần phải có một chứng ngôn riêng rằng Sách Mặc Môn là chân chính. … Sự làm chứng này của Đức Thánh Linh [sẽ trở thành] một trọng tâm điểm của việc giảng dạy của các em” (Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta: Sách Hướng Dẫn cho Công Việc Truyền Giáo [2004], 103).
Hãy đến nơi các em phục vụ truyền giáo một cách xứng đáng để có được sự đồng hành của Đức Thánh Linh. Chủ Tịch Ezra Taft Benson nói: “Thánh Linh là yếu tố duy nhất và quan trọng nhất trong công việc này. Với việc Thánh Linh làm vinh hiển sự kêu gọi của mình, các em có thể làm các phép lạ thay cho Chúa ở nơi phục vụ truyền giáo. Nếu không có Thánh Linh, các em sẽ không bao giờ thành công bất chấp tài năng và khả năng của mình” (trong Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta, 176).
Hãy đến nơi các em phục vụ truyền giáo và sẵn sàng làm việc. “Thành công của các em với tư cách là người truyền giáo [sẽ được] đo lường chủ yếu nhờ lòng cam kết của các em để tìm kiếm, giảng dạy, làm phép báp têm, và lễ xác nhận.” Các em sẽ được kỳ vọng “làm việc hữu hiệu mỗi ngày, làm hết sức mình để mang những người khác đến cùng Đấng Ky Tô” (Thuyết Giảng Phúc Âm của Ta, 10, 11).
Tôi xin lặp lại lời mời của Anh Cả M. Russell Ballard, được đưa ra cho một nhóm thanh niên trước đây đang chuẩn bị để phục vụ: “Chúng tôi trông cậy vào các em, các em thiếu niên của tôi trong Chức Tư Tế A Rôn. Chúng tôi cần đến các em. Giống như 2.000 chiến sĩ trẻ của Hê La Man, các em cũng là các con trai linh hồn của Thượng Đế, và các em cũng có thể được ban cho quyền năng để xây đắp và bảo vệ vương quốc của Ngài. Chúng tôi cần các em lập các giao ước thiêng liêng, cũng như những người ấy đã làm. Chúng tôi cần các em hoàn toàn vâng lời và trung tín, cũng giống như những người ấy” (“The Greatest Generation of Missionaries,” Liahona, tháng Mười Một năm 2002, 47).
Khi chấp nhận lời mời này, các em sẽ học được một bài học quan trọng, giống như Anh Cả Misiego và tất cả những người đã trung tín phục vụ, trở về và áp dụng bài học đó. Các em sẽ học được rằng những lời của vị tiên tri của chúng ta, Chủ Tịch Thomas S. Monson là chân chính: “Cơ hội truyền giáo hiếm có thuộc về các em. Các phước lành của thời vĩnh cửu đang chờ đợi các em. Các em có đặc ân để làm người tham dự chứ không phải làm người đứng ngoài quan sát sự phục vụ của chức tư tế” (Ensign, tháng Năm năm 1995, 49). Tôi làm chứng rằng điều này là chân chính trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.