Podcast: Play in new window | Embed
Thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô
Mục đích cuộc sống của chúng ta trên thế gian là phải tăng trưởng, phát triển, và được củng cố qua những kinh nghiệm của riêng mình.
Vào buổi sáng Sa Bát hôm nay, chúng ta tạ ơn và làm chứng về sự xác thật rằng Đấng Cứu Rỗi hằng sống. Phúc âm của Ngài đã được phục hồi qua Tiên Tri Joseph Smith. Sách Mặc Môn là chân chính. Chúng ta được Chủ Tịch Thomas S. Monson, vị tiên tri tại thế ngày nay hướng dẫn. Quan trọng hơn hết, chúng ta long trọng làm chứng về Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô và các phước lành vĩnh cửu có được từ đó.
Trong vài tháng qua, tôi đã có cơ hội nghiên cứu và học hỏi thêm về sự hy sinh chuộc tội của Đấng Cứu Rỗi cũng như cách Ngài đã tự chuẩn bị để ban điều vĩnh cửu đó cho mỗi người chúng ta.
Sự chuẩn bị của Ngài bắt đầu trong cuộc sống tiền dương thế khi Ngài trông đợi Cha Ngài, và nói rằng: “Thưa Cha, xin ý Cha sẽ được nên và vinh quang sẽ thuộc về Cha mãi mãi.”1 Bắt đầu từ giây phút đó và tiếp tục cho đến ngày nay, Ngài sử dụng quyền tự quyết của Ngài để chấp nhận và thực hiện kế hoạch của Cha Thiên Thượng. Thánh thư dạy chúng ta biết rằng trong suốt thời niên thiếu của Ngài, Ngài đã đi “lo việc Cha [Ngài]”2 và “trông đợi Chúa về thời gian giáo vụ của Ngài sẽ đến.”3 Vào lúc 30 tuổi, Ngài đã chịu đựng sự cám dỗ đầy khó khăn nhưng đã chọn chống lại, và phán rằng: “Sa Tan, hãy lui ra đằng sau ta.”4 Trong Vườn Ghết Sê Ma Nê, Ngài đã tin cậy Đức Chúa Cha, nói rằng: “Dầu vậy, xin ý Cha được nên, chớ không theo ý tôi,”5 và rồi Ngài đã sử dụng quyền tự quyết của Ngài để gánh chịu tội lỗi của chúng ta. Khi bị sỉ nhục trong một phiên tòa xử công khai và nỗi thống khổ vì bị đóng đinh, Ngài trông đợi Đức Chúa Cha, sẵn lòng “vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì sự gian ác chúng ta mà bị thương.”6 Ngay cả khi Ngài kêu lên: “Đức Chúa Trời tôi ơi! Đức Chúa Trời tôi ơi! sao Ngài lìa bỏ tôi?”7 Ngài đã trông đợi Cha Ngài—sử dụng quyền tự quyết của Ngài để tha thứ những kẻ thù của Ngài,8 chắc chắn là mẹ Ngài được chăm sóc,9 rồi kiên trì đến cùng cho đến khi mạng sống và sứ mệnh trên trần thế của Ngài chấm dứt.10
Tôi thường suy ngẫm tại sao Vị Nam Tử của Thượng Đế và các vị tiên tri thánh của Ngài cùng tất cả Các Thánh Hữu trung tín lại gặp thử thách và hoạn nạn, thậm chí khi họ đang cố gắng làm theo ý muốn của Cha Thiên Thượng vậy? Tại sao điều đó lại quá khó khăn như vậy, nhất là đối với Ngài và họ?
Tôi nghĩ về Joseph Smith, ông đã chịu đựng bệnh tật khi còn niên thiếu và bị ngược đãi trong suốt cuộc đời. Giống như Đấng Cứu Rỗi, ông đã kêu lên: “Hỡi Thượng Đế, Ngài ở đâu?”11 Tuy nhiên, dường như khi cô đơn, ông đã sử dụng quyền tự quyết để trông đợi Chúa và thực hiện ý muốn của Cha Thiên Thượng.
Tôi nghĩ về các tổ tiên tiền phong của chúng ta, bị đuổi ra khỏi Nauvoo và băng qua các cánh đồng, đã sử dụng quyền tự quyết của họ để noi theo một vị tiên tri thậm chí phải chịu cảnh bệnh hoạn, thiếu thốn, và ngay cả cái chết. Tại sao họ phải trải qua cảnh hoạn nạn khủng khiếp như vậy? Đến mức nào? Vì mục đích gì?
Khi đặt ra những câu hỏi này, chúng ta nhận biết rằng mục đích cuộc sống của mình trên thế gian là phải tăng trưởng, phát triển, và được củng cố qua những kinh nghiệm của riêng mình. Chúng ta làm điều này như thế nào? Thánh thư mang đến cho chúng ta một câu trả lời bằng một cụm từ giản dị: chúng ta “trông đợi Đức Giê Hô Va.”12 Những thử thách và gian nan đều được ban cho tất cả chúng ta. Những thử thách trần thế này nhằm mục đích cho chúng ta và Cha Thiên Thượng thấy chúng ta sẽ sử dụng quyền tự quyết của mình để noi theo Vị Nam Tử của Ngài hay không. Ngài đã biết rồi và cho dù hoàn cảnh của chúng ta có khó khăn đến mấy đi nữa, thì chúng ta có cơ hội để biết được rằng “tất cả những điều này sẽ đem lại cho [chúng ta] một kinh nghiệm, và sẽ lợi ích cho [chúng ta].”13
Điều này có nghĩa là chúng ta sẽ luôn luôn hiểu những thử thách của mình không? Đôi khi, chẳng phải tất cả chúng ta đều có lý do để hỏi: “Hỡi Thượng Đế, Ngài ở đâu” sao?14 Vâng! Khi một người phối ngẫu qua đời, thì người bạn đời sẽ tự hỏi câu hỏi đó. Khi khó khăn tài chính xảy đến với một gia đình, thì người cha sẽ hỏi câu hỏi đó. Khi con cái bị lạc lối, thì cha mẹ sẽ than khóc với nỗi buồn khổ. Vâng, “sự khóc lóc đến trọ ban đêm, nhưng buổi sáng bèn có sự vui mừng.”15 Rồi vào lúc đức tin và sự hiểu biết bắt đầu gia tăng, thì chúng ta đứng lên và chọn trông đợi Chúa, rồi nói: “Ý Cha được nên.”16
Vậy thì, trông đợi Chúa có nghĩa là gì? Trong thánh thư, từ trông đợi có nghĩa là hy vọng, mong chờ, và tin cậy. Hy vọng và tin cậy nơi Chúa đòi hỏi đức tin, lòng kiên nhẫn, khiêm nhường, nhu mì, nhịn nhục, tuân giữ các lệnh truyền, và kiên trì chịu đựng đến cùng.
Trông đợi Chúa có nghĩa là gieo mầm và nuôi dưỡng đức tin “với sự chuyên tâm lớn lao, và sự kiên nhẫn.”17
Điều đó có nghĩa là cầu nguyện như Đấng Cứu Rỗi đã cầu nguyện—lên Thượng Đế, Cha Thiên Thượng của chúng ta và—thưa rằng: “Nước Cha được đến; Ý Cha được nên!”18 Đó là một lời cầu nguyện chúng ta dâng lên với hết cả lòng mình, trong tôn danh của Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô.
Trông đợi Chúa có nghĩa là suy ngẫm trong lòng và “nhận được Đức Thánh Linh” để chúng ta có thể biết được “tất cả mọi việc [chúng ta] phải nên làm.”19
Khi tuân theo những thúc giục của Thánh Linh, chúng ta nhận ra rằng “hoạn nạn sanh sự nhịn nhục”20 và chúng ta biết “tiếp tục kiên nhẫn cho đến khi [chúng ta] được toàn hảo.”21
Trông đợi Chúa có nghĩa là “đứng vững”22 và “tiến tới” trong đức tin, “với một niềm hy vọng hết sức sán lạn.”23
Điều này có nghĩa là “chỉ trông cậy vào công nghiệp của Đấng Ky Tô”24 và “với ân điển của Ngài giúp đỡ [chúng ta, và nói rằng]: Hỡi Chúa, ý Ngài được nên, chứ không theo ý chúng con.”25
Khi trông đợi Chúa, chúng ta “một lòng vững chắc không lay chuyển trong việc tuân giữ lệnh truyền,”26 vì biết rằng chúng ta sẽ “được nghỉ ngơi khỏi mọi nỗi thống khổ của mình.”27
Và chúng ta “Vậy chớ bỏ lòng dạn dĩ mình”28 để “tất cả những gì đã làm cho [chúng ta] đau khổ sẽ hiệp lại làm lợi ích cho [chúng ta].”29
Những nỗi khổ sở đó sẽ đến dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau. Kinh nghiệm của Gióp nhắc chúng ta nhớ đến điều chúng ta có thể được đòi hỏi để chịu đựng. Gióp mất tất cả tài sản của mình, kể cả đất đai, nhà cửa và gia súc; những người trong gia đình; danh tiếng; sức khỏe thể chất và ngay cả sự an lạc về mặt tinh thần của ông. Vậy mà, ông trông đợi Chúa và chia sẻ một chứng ngôn cá nhân mạnh mẽ: Ông nói:
“Còn tôi, tôi biết rằng Đấng cứu chuộc tôi vẫn sống, Đến lúc cuối cùng Ngài sẽ đứng trên đất.
“Sau khi da tôi, tức xác thịt nầy, đã bị tan nát, Bấy giờ ngoài xác thịt tôi sẽ xem thấy Đức Chúa Trời.”30
“Dẫu Chúa giết ta, ta cũng còn nhờ cậy nơi Ngài.”31
Ngay cả với các tấm gương sáng của Gióp, các vị tiên tri và Đấng Cứu Rỗi, chúng ta cũng sẽ thấy rất khó khăn để trông đợi Chúa, nhất là khi không thể hiểu trọn vẹn kế hoạch và mục tiêu của Ngài dành cho bản thân mình. Sự hiểu biết đó thường được ban cho “từng hàng chữ một, [và] từng lời chỉ giáo một.”32
Trong cuộc sống của mình, tôi đã biết được rằng đôi khi tôi không được đáp ứng cho một lời cầu nguyện vì Chúa biết tôi chưa sẵn sàng. Khi Ngài đáp ứng, thì thường là “nơi này một ít, nơi kia một ít”33 vì đó là tất cả những gì tôi có thể chịu đựng hoặc tôi sẵn lòng làm.
Chúng ta thường cầu nguyện để có được lòng kiên nhẫn, nhưng chúng ta muốn có ngay lập tức! Khi còn trẻ, Chủ Tịch David O. McKay đã cầu nguyện để có được một điều gì làm chứng về lẽ trung thực của phúc âm. Nhiều năm sau, trong khi ông đang phục vụ truyền giáo ở Scotland, thì điều làm chứng đó cuối cùng đã đến. Về sau ông viết: “Điều đó bảo đảm với tôi rằng lời cầu nguyện chân thành đã được đáp ứng ‘vào lúc nào đó, ở đâu đó.’”34
Chúng ta có thể không biết khi nào hoặc cách nào mình sẽ được Chúa đáp ứng, nhưng điều đó sẽ đến trong kỳ định và cách thức riêng của Ngài, tôi làm chứng rằng những sự đáp ứng của Ngài sẽ đến. Đôi khi, chúng ta có thể phải chờ cho đến sau khi qua đời mới được đáp ứng. Điều này có thể đúng với một số lời hứa trong các phước lành tộc trưởng và đúng với một số phước lành được ban cho những người trong gia đình. Chúng ta đừng nản lòng đối với Chúa. Các phước lành của Ngài là vĩnh cửu, chứ không phải tạm thời.
Việc trông đợi Chúa cho chúng ta một cơ hội vô cùng quý báu để khám phá ra rằng có nhiều người đang trông đợi chúng ta. Con cái chúng ta trông đợi chúng ta cho thấy lòng kiên nhẫn, tình yêu thương và lòng cảm thông đối với chúng. Cha mẹ chúng ta trông đợi chúng ta cho thấy lòng biết ơn và trắc ẩn. Anh chị em của chúng ta trông đợi chúng ta có lòng khoan dung, thương xót và tha thứ. Người phối ngẫu của chúng ta trông đợi chúng ta yêu thương họ như Đấng Cứu Rỗi đã yêu thương mỗi người chúng ta.
Khi chịu đựng nỗi đau khổ thể xác, càng ngày chúng ta càng biết được thêm rằng có biết bao nhiêu người trông đợi mỗi người chúng ta. Đối với các chị em phụ nữ giống như Ma Ri và Ma Thê, đối với tất cả những người Sa Ma Ri nhân lành đang phục sự cho người bệnh, giúp đỡ người yếu đuối, cũng như chăm sóc cho người yếu đuối về tinh thần và thể chất, tôi cảm thấy lòng biết ơn của Cha Thiên Thượng nhân từ và Con Trai Yêu Dấu của Ngài. Trong giáo vụ hằng ngày giống như Đấng Ky Tô của mình, các anh chị em đang trông đợi Chúa và làm theo ý muốn của Cha Thiên Thượng. Lời trấn an của Ngài ban cho các anh chị em rất rõ ràng: “Quả thật, ta nói cùng các ngươi, hễ các ngươi đã làm việc đó cho một người trong những người rất hèn mọn nầy của anh em ta, ấy là đã làm cho chính mình ta vậy.”35 Ngài biết sự hy sinh và nỗi buồn phiền của các anh chị em. Ngài nghe những lời cầu nguyện của các anh chị em. Sự bình an và nghỉ ngơi của Ngài sẽ thuộc về các anh chị em khi tiếp tục trông đợi Ngài trong đức tin.
Mỗi người chúng ta được Chúa yêu thương hơn là mình có thể hiểu hay tưởng tượng được. Do đó, chúng ta hãy tử tế hơn với nhau và tử tế hơn đối với bản thân mình. Chúng ta hãy nhớ rằng trong khi trông đợi Chúa, chúng ta trở nên “[các] thánh hữu nhờ sự chuộc tội của [Ngài], … và trở thành như trẻ nhỏ, phục tùng, nhu mì, khiêm nhường, kiên nhẫn, đầy sự yêu thương, sẵn sàng chấp nhận tất cả những điều gì Chúa thấy cần gán cho mình, chẳng khác chi trẻ con thuần phục cha mình vậy.”36
Đây là sự tuân phục Đấng Cứu Rỗi đã dành cho Cha Ngài trong Vườn Ghết Sê Ma Nê. Ngài khẩn nài các môn đồ của Ngài: “Hãy … tỉnh thức với ta,” vậy mà Ngài trở lại tìm họ ba lần đều thấy họ đang ngủ.37 Vì không có sự đồng hành của các môn đồ này và cuối cùng không có sự hiện diện của Cha Ngài, nên Đấng Cứu Rỗi chọn chịu đựng “mọi sự đau đớn, thống khổ, cùng mọi cám dỗ.”38 Với một thiên sứ được gửi đến để củng cố Ngài,39 Ngài “đã không từ chối uống chén đắng đó.”40 Ngài trông đợi Cha Ngài khi nói: “Ý Cha được nên,”41 và Ngài đã khiêm nhường một mình làm tròn sứ mệnh.42 Bây giờ, với tư cách là một trong số Mười Hai Vị Sứ Đồ của Ngài trong những ngày sau này, tôi cầu nguyện rằng chúng ta sẽ được củng cố để tỉnh thức với Ngài và trông đợi Ngài trong suốt cuộc sống của mình.
Vào buổi sáng Sa Bát hôm nay, tôi bày tỏ lòng biết ơn rằng trong những thử thách gay go của tôi43 và của các anh chị em, chúng ta không cô đơn một mình. Ngài là Đấng trông nom chúng ta “không hề nhắp mắt, cũng không buồn ngủ.”44 Các thiên sứ của Ngài ở nơi đây và ở bên kia bức màn đều “sẽ vây quanh [chúng ta] để nâng đỡ [chúng ta].”45 Tôi chia sẻ chứng ngôn đặc biệt của mình rằng lời hứa của Đấng Cứu Rỗi là chân chính, vì Ngài phán: “Những ai trông đợi Đức Giê Hô Va thì chắc được sức mới, cất cánh bay cao như chim ưng; chạy mà không mệt nhọc, đi mà không mòn mỏi.”46 Cầu xin cho chúng ta trông đợi Ngài bằng cách tiến bước trong đức tin, để có thể nói trong lời cầu nguyện của mình: “Ý Cha được nên,”47 và trở về cùng Ngài một cách vinh dự. Trong thánh danh của Đấng Cứu Rỗi và Cứu Chuộc của chúng ta, chính là Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.