Podcast số 14 – Cổ Vũ Sức Mạnh của Giới Trẻ tháng 3, 2021 – Hãy Chuẩn Bị Để Luôn Có Thánh Linh của Ngài – Paul B. Pieper

Hãy Chuẩn Bị để Luôn Có Thánh Linh của Ngài

Anh Cả Paul B. Pieper

Thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi

Việc chuẩn bị dự phần Tiệc Thánh một cách xứng đáng mỗi tuần có thể giúp chúng ta luôn có Thánh Linh ở bên mình.

Khi tôi 12 tuổi, tôi cùng gia đình đi thăm các di tích lịch sử của Giáo Hội ở ngoại ô New York, Hoa Kỳ. Trong Khu Rừng Thiêng Liêng, tôi nhớ mình đã suy ngẫm về Khải Tượng Thứ Nhất và những khải tượng tuyệt vời khác mà Joseph đã nhìn thấy và nghĩ: “Chà! nếu tôi có một kinh nghiệm thuộc linh tuyệt vời với các nhân vật thiên thượng như Joseph đã từng, thì cuộc đời tôi sẽ dễ dàng hơn nhiều.”

Kể từ đó, tôi đã học được rằng thay vì có một kinh nghiệm thuộc linh ngoạn mục một lần trong đời, tôi cần có những kinh nghiệm nhỏ thường xuyên để giúp tôi vững vàng trong chứng ngôn của mình và an toàn trên con đường trở về ngôi nhà thiên thượng. Cha Thiên Thượng biết rằng chúng ta cần sự hướng dẫn thường xuyên trong cuộc sống của mình, và Ngài đã chuẩn bị con đường để chúng ta nhận được điều đó.

Đối với tất cả những ai có đủ đức tin nơi Vị Nam Tử của Ngài để hối cải và chịu phép báp têm, thì Ngài ban cho ân tứ Đức Thánh Linh. Qua lễ Tiệc Thánh hằng tuần, Ngài cung cấp cho chúng ta khả năng để “luôn được Thánh Linh của Ngài ở cùng [chúng ta]” nếu chúng ta tưởng nhớ đến Đấng Cứu Rỗi và tuân giữ các giáo lệnh của Ngài. (Giáo Lý và Giao Ước 20:77). Điều này giúp chúng ta có thể được Thánh Linh hướng dẫn hàng ngày trong cuộc sống của mình khi sử dụng quyền tự quyết của chúng ta để đưa ra các quyết định mà sẽ giúp đỡ chúng ta trên con đường trở về với Cha Thiên Thượng.

Tiệc Thánh và Thánh Linh

Cha Thiên Thượng biết chúng ta cần thường xuyên nhận được sự hướng dẫn của Thánh Linh của Ngài, chứ không chỉ là những kinh nghiệm ngoạn mục diễn ra một lần. Qua Tiên Tri Joseph Smith, Ngài đã khôi phục giáo lễ báp têm bằng cách dìm mình xuống nước, là điều giúp chúng ta trở nên trong sạch. Rồi thì chúng ta được chuẩn bị để tiếp nhận ân tứ Đức Thánh Linh qua lễ xác nhận mà sẽ ban chúng ta khả năng được Thánh Linh hướng dẫn hàng ngày.

Cha Thiên Thượng biết rằng việc trở nên trong sạch một lần là không đủ và chúng ta cần phải tưởng nhớ đến Đấng Cứu Rỗi và trở nên trong sạch nhiều lần để giữ cho Thánh Linh luôn ở bên chúng ta. Ngài phục hồi giáo lễ Tiệc Thánh cho mục đích đó. Nếu chúng ta chuẩn bị kỹ càng và thường xuyên dự phần Tiệc Thánh, chúng ta được hứa rằng chúng ta “có thể luôn được Thánh Linh của Ngài ở cùng [chúng ta]” (Giáo Lý và Giao Ước 20:77; sự nhấn mạnh được thêm vào).

Tuy nhiên, việc chỉ xuất hiện ở nhà thờ và ăn bánh và uống nước sẽ không cho phép chúng ta nhận được lời hứa của Chúa. Sự chuẩn bị có chủ đích của chúng ta đối với giáo lễ này cho phép chúng ta nhận được quyền năng của Đấng Cứu Rỗi trong cuộc sống của mình.

Các vận động viên không trở nên thành thạo khi chỉ mặc đồng phục hoặc bước ra sân thi đấu. Họ phải rèn luyện cơ thể, học các kỹ thuật và luyện tập để trở nên thành thạo trong môn thể thao của họ. Tương tự như vậy, chúng ta phải học cách chuẩn bị để dự phần Tiệc Thánh một cách tôn nghiêm và xứng đáng để có thể nhận được quyền năng mà Ngài có thể ban cho chúng ta.

Một cách để chuẩn bị tấm lòng và thuộc linh của các em để dự phần Tiệc Thánh là thực hiện một cuộc phỏng vấn nhỏ với chính mình mỗi tuần. Tôi thích dùng câu thánh thư Giáo Lý và Giao Ước 20:37 để tự phỏng vấn bản thân. Trong câu này có những yêu cầu về phép báp têm mà Thượng Đế đã mặc khải cho Tiên Tri Joseph. Nó bao gồm những tiêu chuẩn mà tất cả những ai muốn được báp têm phải đáp ứng. Tôi thấy rằng điều đó giúp tôi chuẩn bị để đón nhận những lời hứa được tái lập có sẵn qua Tiệc Thánh.

Một cách để chuẩn bị tấm lòng và thuộc linh của các em để dự phần Tiệc Thánh là thực hiện một cuộc phỏng vấn nhỏ với chính mình mỗi tuần. … Tôi thấy rằng điều đó giúp tôi chuẩn bị để đón nhận những lời hứa được tái lập có sẵn qua Tiệc Thánh.

Lấy câu thánh thư đó làm sự hướng dẫn, đây là một số câu hỏi tôi tự vấn mình để xem liệu tôi có sự chuẩn bị để dự phần Tiệc Thánh hay không.

Tôi đã hạ mình trước mặt Thượng Đế chưa?

Yêu cầu đầu tiên được liệt kê trong Giáo lý và Giao ước 20:37 là hạ mình trước mặt Thượng Đế. Chúng ta làm điều này bằng cách chấp nhận và sẵn lòng làm theo ý muốn của Ngài như được chép trong thánh thư, được dạy dỗ bởi các tôi tớ của Ngài, hoặc khi được thúc giục.

Tôi tự hỏi liệu tôi có đang chống lại Thượng Đế về điều gì trong cuộc sống của tôi bây giờ không. Tôi có đang chống lại sự chỉ dẫn của Ngài không? Tôi có chú ý đến những lời dạy của tôi tớ Ngài không? Nếu đang không làm vậy, thì tôi lập kế hoạch cải thiện và cam kết làm tốt hơn khi chuẩn bị dự phần Tiệc Thánh. Thượng Đế là Đấng thông hiểu mọi sự việc—khi tôi nhận ra rằng Ngài có một cái nhìn bao quát cho cuộc đời tôi, thì việc hạ mình trước mặt Ngài và tin tưởng rằng Ngài sẽ hướng dẫn tôi đến điều tốt nhất sẽ dễ dàng hơn.

Tôi có một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối không?

Việc có một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối liên quan đến sự khiêm nhường. Có nghĩa là sẵn sàng tuân phục theo ý muốn của Thượng Đế. Trở nên khiêm nhường có nghĩa là chúng ta nói lời xin lỗi và tha thứ ngay cả khi điều đó rất khó hoặc khi chúng ta có thể cảm thấy người khác đã sai. Các em có thể nói: “Tôi không nghĩ xấu về bất kỳ ai” không? Các em đã từng làm tổn thương ai đó xung quanh mình, hoặc các em có cảm giác xấu về ai đó không? Các em có cần xin được tha thứ không?

Khi tôi có một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối, thì tôi sẵn lòng nỗ lực để hòa thuận lại với Thượng Đế và những người xung quanh tôi. Tôi cố gắng loại bỏ những suy nghĩ và cảm nghĩ tiêu cực đối với người khác. Thánh Linh không ở cùng chúng ta khi chúng ta có những cảm nghĩ tranh chấp, vì vậy việc loại bỏ chúng là một bước quan trọng trong việc chuẩn bị bản thân để nhận lời hứa của lễ Tiệc Thánh.

Tôi có muốn trở nên trong sạch trở lại, và tôi có thể làm chứng rằng tôi đã hối cải mọi tội lỗi của mình không?

Một yêu cầu khác trong Giáo Lý và Giao Ước 20:37 là “thực sự hối cải tất cả tội lỗi của mình.” Khi làm phép báp têm, chúng ta được rửa sạch tội lỗi của mình. Chúng ta đã hứa sẽ cố gắng tuân giữ các lệnh truyền của Thượng Đế và hối cải khi phạm sai lầm.

Tôi tự hỏi mình: “Tôi chỉ dự phần Tiệc Thánh vì tôi nghĩ tôi nên làm, hay tôi thực sự muốn trở nên trong sạch trở lại?” Tôi nghĩ về những tội lỗi và sai lầm của mình trong tuần vừa qua và tự hỏi bản thân rằng liệu tôi có thực sự muốn thay đổi và loại bỏ chúng hay không. Khi các em có ước muốn để trở nên trong sạch, nhờ Thánh Linh, các em sẽ thấy được những điều mình cần cải thiện và Ngài sẽ tiếp tục thúc giục các em hối cải và đưa ra những sự lựa chọn tốt hơn.

Thú nhận với Chúa (và với những người khác mà chúng ta có thể đã làm tổn thương hoặc xúc phạm nếu cần) là một phần trong sự chuẩn bị của chúng ta.

Hãy tự hỏi bản thân: “Có điều gì cần thay đổi mà tôi chưa làm không? Có điều gì mà tôi vẫn cần phải hối cải không?” Việc giải quyết các vấn đề thông qua sự hối cải chân thành có thể giúp chúng ta đủ điều kiện để dự phần Tiệc Thánh một cách xứng đáng.

Tôi có sẵn lòng mang lên mình danh của Chúa Giê Su Ky Tô không?

Mỗi giao ước mà chúng ta lập biểu thị một cam kết để chúng ta mang danh Đấng Ky Tô một cách đầy đủ hơn. Khi báp têm, chúng ta bày tỏ sự sẵn lòng mang danh Chúa Giê Su Ky Tô và tuân giữ các lệnh truyền của Ngài. Khi chúng ta lập thêm các giao ước trong đền thờ hoặc chấp nhận chức vụ kêu gọi, chúng ta tiếp tục mang lên mình chính nghĩa của Đấng Ky Tô và những lời giảng dạy của Ngài. Việc bày tỏ sự sẵn lòng của chúng ta để mang danh của Ngài như một phần của lễ Tiệc Thánh mỗi tuần có nghĩa là tái cam kết tất cả các giao ước và cam kết mà chúng ta đã lập với Ngài trước đây.

Khi đánh giá sự chuẩn bị của mình để dự phần Tiệc Thánh, tôi tự hỏi mình những câu hỏi như: “Tôi có đang cố gắng hết sức để làm gương về Đấng Ky Tô và những lời dạy của Ngài không? Tôi có đang giữ tất cả những lời hứa mà tôi đã hứa liên quan đến các giao ước của mình không? Hôm nay, tôi có cam kết với Đấng Ky Tô và các giao ước của tôi với Ngài như ngày đầu tiên tôi lập các giao ước đó không? ”

Tôi có quyết tâm phục vụ Ngài đến cùng không?

Chúng ta đã hứa với Chúa khi lập giao ước báp têm rằng chúng ta sẽ cố gắng tuân giữ các lệnh truyền của Ngài. Hai lệnh truyền lớn nhất là yêu mến Chúa và yêu thương người lân cận của mình (xin xem Ma Thi Ơ 22:36–40). Chúng ta thể hiện tình yêu thương của mình đối với Thượng Đế và đồng bào bằng cách phục vụ họ.

Tôi tự hỏi mình: “Tôi có dành thời gian để phục vụ không? Tôi miễn cưỡng phục vụ, hay tôi vui vẻ phục vụ?” “Tôi có đang cố gắng làm vinh hiển sự kêu gọi của mình không?” Phục vụ người khác là một cách tuyệt vời để chuẩn bị dự phần Tiệc Thánh. Thực tế, thường thì khi phục vụ người khác chúng ta cần sự hướng dẫn của Thánh Linh.

Tin Cậy vào Những Lời Hứa của Chúa

Khi có chủ ý chuẩn bị mỗi tuần để dự phần Tiệc Thánh một cách xứng đáng, thì chúng ta sẽ có tư cách để luôn được Thánh Linh tác động và hướng dẫn cuộc sống của chúng ta. Đó là một lời hứa từ Chúa.