Podcast số 134 – Đại Hội Trung Ương tháng 4, 2011 – Được Kêu Gọi Làm Thánh Hữu – Benjamin De Hoyos

Thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô

Chúng ta được phước biết bao để được kết tình thân hữu với Các Thánh Hữu Ngày Sau!

Các anh chị em thân mến, tôi cầu nguyện rằng Đức Thánh Linh sẽ giúp tôi đưa ra sứ điệp này.

Trong những chuyến đi thăm và các buổi đại hội trong các giáo khu, tiểu giáo khu và chi nhánh, lòng tôi luôn tràn ngập một niềm vui sâu đậm khi gặp gỡ các tín hữu của Giáo Hội, là những người được gọi là Thánh Hữu trong thời nay cũng giống như các tín đồ trong thời trung thế. Tinh thần bình an và yêu thương mà tôi luôn cảm nhận khi được ở với họ giúp tôi nhận thức rằng tôi đang ở trong một giáo khu của Si Ôn.

Mặc dù có nhiều người đến từ những gia đình đã là tín hữu trong Giáo Hội được hai hoặc nhiều hơn hai đời, nhưng đa số đều là những người mới cải đạo. Đối với những người mới cải đạo này, chúng tôi xin lặp lại lời chào mừng những người Ê Phê Sô của Sứ Đồ Phao Lô:

“Dường ấy anh em chẳng phải là người ngoại, cũng chẳng phải là kẻ ở trọ nữa, nhưng là người đồng quốc với các thánh đồ, và là người nhà của Đức Chúa Trời.

“Anh em đã được dựng lên trên nền của các sứ đồ cùng các đấng tiên tri, chính Đức Chúa Jêsus Christ là đá góc nhà” (Ê Phê Sô 2:19–20).

Cách đây vài năm, trong khi phục vụ trong văn phòng ngoại vụ của Giáo Hội ở Mexico, chúng tôi được mời tham dự một chương trình hội luận trên đài phát thanh. Mục đích của chương trình này là nhằm mô tả và thảo luận về các tôn giáo khác nhau trên thế giới. Hai chúng tôi được chỉ định đại diện cho Giáo Hội trong việc trả lời những câu hỏi mà có thể được đặt ra trong loại chương trình như vậy. Sau vài mục quảng cáo, theo cách họ nói như vậy trên đài phát thanh, vị giám đốc chương trình giới thiệu: “Chúng tôi có hai anh cả từ Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô hiện diện với chúng tôi buổi tối hôm nay.” Vị ấy ngừng lại rồi hỏi: “Tại sao Giáo Hội có một cái tên dài như vậy? Tại sao quý vị không dùng một cái tên ngắn hơn hoặc nghe giống thương mại hơn?”

Người bạn cùng đi với tôi và tôi đều mỉm cười trước một câu hỏi lý thú như vậy và rồi tiếp tục giải thích rằng tên của Giáo Hội không phải do con người chọn, mà là do Đấng Cứu Rỗi ban cho qua một vị tiên tri trong những ngày sau này: “Vì Giáo Hội của ta sẽ được gọi như vậy trong những ngày sau cùng, tức là Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô” (GLGƯ 115:4). Vị giám đốc chương trình lập tức kính cẩn đáp: “Vậy thì, chúng tôi sẽ lặp lại tên đó với niềm hân hoan lớn.” Bây giờ tôi không thể nhớ bao nhiêu lần vị ấy đã lặp lại cái tên đầy ý nghĩa đó của Giáo Hội, nhưng chắc chắn là tôi còn nhớ cảm giác êm đềm ở đó khi chúng tôi giải thích không những tên của Giáo Hội mà còn giải thích mối liên hệ của cái tên đó với các tín hữu của Giáo Hội—Các Thánh Hữu Ngày Sau.

Chúng ta đọc trong Kinh Tân Ước rằng các tín hữu của Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô được gọi là Ky Tô Hữu lần đầu tiên ở thành An Ti Ốt (xin xem Công Vụ Các Sứ Đồ 11:26), nhưng họ gọi nhau là Thánh Hữu. Chắc hẳn là họ đã phấn khởi biết bao khi nghe Sứ Đồ Phao Lô gọi họ “là người đồng quốc với các thánh đồ, và là người nhà của Đức Chúa Trời.” (Ê Phê Sô 2:19)), và “cũng đã được gọi làm thánh đồ” (Rô Ma 1:7; sự nhấn mạnh được thêm vào).

Các tín hữu của Giáo Hội sống theo phúc âm và tuân theo lời khuyên dạy của các vị tiên tri đến mức họ sẽ trở nên thánh hóa dần dần, thậm chí còn không nhận biết được. Các tín hữu khiêm nhường của Giáo Hội hướng dẫn việc cầu nguyện chung gia đình và học thánh thư hằng ngày, tham gia vào lịch sử gia đình và thường xuyên hiến dâng thời giờ thờ phượng của họ trong đền thờ, thì đều trở thành Thánh Hữu. Họ là những người tận tâm thiết lập gia đình vĩnh cửu. Họ cũng là những người đã dành ra thời giờ từ cuộc sống bận rộn của họ để giải cứu những người đã trở nên xa lánh Giáo Hội cũng như khuyến khích những người kém tích cực này trở lại và ngồi vào bàn ăn với Chúa. Họ là các anh cả và các chị truyền giáo, cùng các cặp vợ chồng lớn tuổi đã đáp ứng lời kêu gọi phục vụ với tư cách là những người truyền giáo của Chúa. Vâng, thưa các anh chị em, họ trở thành các Thánh Hữu đến mức độ mà họ nhận ra cảm giác ấm áp và kỳ diệu được gọi là lòng bác ái, hoặc tình yêu thương thanh khiết của Đấng Ky Tô (xin xem Mô Rô Ni 7:42–48).

Các Thánh Hữu, hoặc tín hữu của Giáo Hội, cũng dần dần biết Đấng Cứu Rỗi qua những nỗi khổ sở và thử thách.Chúng ta đừng quên rằng ngay cả Ngài cũng đã phải chịu đau khổ đủ điều. “Và Ngài sẽ nhận lấy cái chết để Ngài có thể mở những dây trói buộc của sự chết đang trói buộc dân Ngài; và Ngài sẽ nhận lấy những sự yếu đuối của họ để cho lòng Ngài tràn đầy sự thương xót, theo thể cách xác thịt, để Ngài có thể theo thể cách xác thịt mà biết được cách giúp đỡ dân Ngài theo những sự yếu đuối của họ.” (An Ma 7:12).

Trong vài năm qua, tôi đã chứng kiến nỗi đau khổ của nhiều người, kể cả nhiều Thánh Hữu của chúng ta. Chúng tôi liên tục cầu nguyện cho họ, cầu khẩn Chúa can thiệp để đức tin của họ có thể không suy yếu và để họ có thể tiến bước một cách kiên nhẫn. Chúng tôi xin lặp lại những lời an ủi của tiên tri Gia Cốp từ Sách Mặc Môn cho những người này:

“Vậy thì, hỡi đồng bào thân mến của tôi, hãy đến với Chúa, Đấng Thánh. Hãy ghi nhớ rằng, các nẻo đường của Ngài đều ngay chính. Này, con đường dành cho nhân loại tuy chật hẹp, nhưng nó nằm trong một lộ trình thẳng trước mặt họ, và người giữ cổng là Đấng Thánh của Y Sơ Ra Ên; và Ngài không thu dụng tôi tớ nào ở đó cả; và cũng không có một lối nào khác ngoài lối vào bởi cổng đó; vì Ngài không thể nào bị lừa gạt được đâu, vì Đức Chúa Trời là danh Ngài.

“Và kẻ nào gõ, Ngài sẽ mở cho” (2 Nê Phi 9:41–42).

Dù hoàn cảnh, thử thách hay khó khăn có thể bao vây chúng ta đi nữa thì cũng không quan trọng; một sự hiểu biết về giáo lý của Đấng Ky Tô và Sự Chuộc Tội của Ngài sẽ là nguồn sức mạnh và bình an của chúng ta—vâng, thưa các anh chị em, cảm giác thanh thản trong tâm hồn đó phát sinh từ tinh thần mà Chúa ban cho các Thánh Hữu trung tín của Ngài. Ngài nuôi dưỡng chúng ta khi phán: “Ta để sự bình an lại cho các ngươi. … Lòng các ngươi chớ bối rối và đừng sợ hãi” (Giăng 14:27).

Trong nhiều năm, tôi đã chứng kiến lòng trung tín của các tín hữu của Giáo Hội, Các Thánh Hữu ngày sau, là những người đã khắc phục nỗi thống khổ và đau buồn bằng lòng dũng cảm và nhiệt tình sâu xa, với đức tin nơi kế hoạch của Cha Thiên Thượng và nơi Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô, vì vậy họ đã kiên trì và tiếp tục trên con đường thánh thiện, thẳng và hẹp. Tôi không có lời nào thích hợp để bày tỏ lòng biết ơn và ngưỡng mộ của mình đối với tất cả các Thánh Hữu trung tín đó là những người tôi đã có được đặc ân để gặp gỡ!

Mặc dù sự hiểu biết của chúng ta về phúc âm có thể không sâu sắc như chứng ngôn của chúng ta về lẽ thật của phúc âm, nhưng nếu chúng ta đặt niềm tin mình nơi Chúa, thì chúng ta sẽ được hỗ trợ trong tất cả những nỗi khó khăn, thử thách và khổ sở của mình (xin xem An Ma 36:3). Lời hứa này của Chúa ban cho các Thánh Hữu của Ngài không ngụ ý rằng chúng ta sẽ được miễn khỏi những nỗi đau khổ hoặc thử thách, mà là chúng ta sẽ được hỗ trợ để vượt qua những điều đó và chúng ta sẽ biết rằng chính Chúa là Đấng hỗ trợ chúng ta.

Các anh chị em thân mến, chúng ta được phước biết bao để được kết tình thân hữu với Các Thánh Hữu Ngày Sau! Chúng ta được phước biết bao khi có được chứng ngôn về Đấng Cứu Rỗi giống như các vị tiên tri thời xưa và thời nay đã có!

Tôi làm chứng rằng Chúa của chúng ta, Đấng Chí Thánh Y Sơ Ra Ên, hằng sống và rằng Ngài hướng dẫn Giáo Hội của Ngài, là Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, qua vị tiên tri yêu dấu của chúng ta là Thomas S. Monson. Trong tôn danh của Chúa chúng ta là Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.