Podcast số 131 – Đại Hội Trung Ương tháng 10, 2011 – Các Giao Ước – Russell M. Nelson

Thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ năm 2011 của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô

Khi biết rằng mình là con cái của giao ước, chúng ta biết mình là ai và Thượng Đế trông mong điều gì nơi chúng ta.

Một tuần sau khi được chỉ định mới gần đây để thành lập giáo khu đầu tiên ở Moscow, Nga,1 tôi đã tham dự một đại hội giáo hạt ở St. Petersburg. Trong khi nói về lòng biết ơn của mình đối với những người truyền giáo ban đầu và các vị lãnh đạo địa phương đã mang sức mạnh đến cho Giáo Hội ở Nga, tôi đã nhắc đến tên của Vyacheslav Efimov. Anh là người Nga cải đạo đầu tiên trở thành chủ tịch phái bộ truyền giáo. Vợ chồng anh đã phục vụ rất tuyệt vời trong chỉ định đó. Chẳng bao lâu sau khi họ hoàn tất công việc truyền giáo của mình, thì chúng tôi rất buồn khi biết Chủ Tịch Efimov đột ngột qua đời.2 Anh thọ 52 tuổi.

Trong khi nói về cặp vợ chồng tiền phong này, thì tôi cảm thấy có ấn tượng để hỏi giáo đoàn xem Chị Efimov có lẽ đang có mặt ở buổi họp này không. Ở đằng xa cuối căn phòng, một phụ nữ đứng dậy. Tôi mời chị đến chỗ micrô. Vâng, đó là Chị Galina Efimov. Chị nói với lòng tin chắc và chia sẻ một chứng ngôn mạnh mẽ về Chúa, về phúc âm của Ngài, và về Giáo Hội phục hồi của Ngài. Vợ chồng chị đã được làm lễ gắn bó trong đền thờ thánh. Chị nói rằng họ đã được kết hợp vĩnh viễn. Họ vẫn là hai người bạn đồng hành truyền giáo, chị ở bên này bức màn che và anh ấy ở bên kia bức màn che.3 Với giọt lệ vui mừng, chị cảm tạ Thượng Đế về các giao ước đền thờ thiêng liêng. Tôi cũng đã khóc, và hoàn toàn hiểu rằng sự kết hợp trường cửu được cặp vợ chồng trung tín này nêu gương là kết quả ngay chính của việc lập, tuân giữ, và tôn trọng các giao ước thiêng liêng.

Một trong những khái niệm quan trọng nhất của tôn giáo chân chính là khái niệm về giao ước thiêng liêng. Trong ngôn ngữ pháp lý, một giao ước thường có nghĩa là thỏa thuận giữa hai hoặc nhiều bên. Nhưng trong bối cảnh tôn giáo, một giao ước có nhiều ý nghĩa hơn. Đó là một lời hứa thiêng liêng với Thượng Đế. Ngài ấn định các điều kiện. Mỗi người có thể chọn để chấp nhận các điều kiện đó. Nếu một người chấp nhận các điều kiện của giao ước và tuân theo luật pháp của Thượng Đế, thì người ấy nhận được các phước lành liên quan với giao ước đó. Chúng ta biết rằng “khi chúng ta nhận được bất cứ một phước lành nào từ Thượng Đế, thì đó là vì chúng ta tuân theo luật pháp mà phước lành này được căn cứ vào đó.”4

Qua các thời đại, Thượng Đế đã lập giao ước với con cái của Ngài.5 Các giao ước của Ngài được thấy trong suốt kế hoạch cứu rỗi và do đó là một phần của phúc âm trọn vẹn của Ngài.6 Ví dụ, Thượng Đế đã hứa gửi một Đấng Cứu Rỗi cho con cái của Ngài,7 và đối lại, yêu cầu họ tuân theo luật pháp của Ngài.8

Trong Kinh Thánh, chúng ta đọc về những người nam và nữ trong Cựu Thế Giới đã được nhận ra là con cái của giao ước. Đó là giao ước gì? “Giao ước Đức Chúa Trời đã lập với tổ phụ [của họ], khi Ngài phán cùng Áp Ra Ham rằng: Các dân thiên hạ sẽ nhờ dòng dõi ngươi mà được phước.”9

Trong Sách Mặc Môn, chúng ta đọc về những người trong Tân Thế Giới cũng được nhận ra là con cái của giao ước.10 Chúa phục sinh cho họ biết: “Và này, các ngươi là con cháu của các tiên tri; và các ngươi thuộc gia tộc Y Sơ Ra Ên; và các ngươi thuộc giao ước mà Đức Chúa Cha đã lập với tổ phụ các ngươi, khi Ngài phán cùng Áp Ra Ham rằng: Nhờ dòng dõi của ngươi, mà tất cả các dân trên thế gian này đều sẽ được phước.”11

Đấng Cứu Rỗi giải thích về tầm quan trọng về nguồn gốc của họ với tư cách là con cái của giao ước. Ngài phán: “Đức Chúa Cha đã dấy ta lên cho các ngươi trước nhất, rồi sai ta xuống ban phước cho các ngươi để dẫn dắt mỗi người trong các ngươi ra khỏi điều bất chính của mình; và sở dĩ phải làm vậy là vì các ngươi là con cái của giao ước”12

Giao ước mà Thượng Đế lập với Áp Ra Ham13 và về sau tái xác nhận với Y Sác14 và Gia Cốp15 có một tầm quan trọng tột bực. Giao ước này gồm có nhiều lời hứa, kể cả:

  • Chúa Giê Su Ky Tô sẽ sinh ra trong dòng dõi của Áp Ra Ham.
  • Áp Ra Ham sẽ có rất đông con cháu, họ được quyền tăng trưởng và tiến triển vĩnh cửu và cũng được quyền mang chức tư tế.
  • Áp Ra Ham sẽ trở thành tổ phụ của nhiều dân tộc.
  • Một số đất đai sẽ được con cháu ông thừa hưởng.
  • Tất cả các dân tộc trên thế gian sẽ được ban phước qua con cháu của ông.16
  • Và giao ước đó sẽ được trường cửu—còn cả “đến ngàn đời.”17

Một số lời hứa này đã được làm tròn; những lời hứa khác vẫn còn đang chờ được ứng nghiệm. Tôi xin trích dẫn từ lời tiên tri ban đầu trong Sách Mặc Môn: “Cha chúng ta [Lê Hi] không những chỉ nói riêng về dòng dõi của chúng ta mà còn nói đến tất cả gia tộc Y Sơ Ra Ên khi ông đề cập đến giao ước mà sẽ được thực hiện vào những ngày sau; là giao ước mà Chúa đã lập với tổ phụ Áp Ra Ham của chúng ta.”18 Thật là kỳ diệu, phải không? Khoảng 600 năm trước khi Chúa Giê Su giáng sinh ở Bết Lê Hem, các vị tiên tri biết rằng chỉ trong những ngày sau, giao ước của Áp Ra Ham cuối cùng mới được làm tròn.

Để giúp làm tròn lời hứa đó, Chúa đã hiện đến trong những ngày sau này để tái lập giao ước của Áp Ra Ham. Đức Thầy đã phán cùng Tiên Tri Joseph Smith:

“Áp Ra Ham đã nhận được những lời hứa về dòng dõi của ông, và về hậu tự của ông—ngươi là hậu tự của ông, … tôi tớ Giô Sép của ta. …

“Lời hứa này cùng áp dụng cho ngươi, vì ngươi xuất phát từ Áp Ra Ham.”19

Với lời hứa mới này, chúng ta đã nhận được thánh chức tư tế và phúc âm trường cửu như những người thời xưa. Chúng ta có quyền nhận được phúc âm trọn vẹn, vui hưởng các phước lành của chức tư tế, và đủ điều kiện để có được phước lành lớn nhất của Thượng Đế—tức là cuộc sống vĩnh cửu.20

Một số chúng ta là dòng dõi thật sự của Áp Ra Ham; những người khác được quy tụ vào gia đình của ông với tính cách là con nuôi. Chúa không phân biệt gì cả.21 Chúng ta cùng nhau nhận được các phước lành đã được hứa này—nếu chúng ta tìm kiếm Chúa và tuân theo các lệnh truyền của Ngài.22 Nhưng nếu không, thì chúng ta mất hết các phước lành của giao ước.23 Để phụ giúp chúng ta, Giáo Hội của Ngài cung ứng các phước lành tộc trưởng để cho mỗi người nhận được phước lành này một viễn ảnh về tương lai của mình, cũng như một sự liên kết với quá khứ, chính là lời tuyên bố về dòng dõi trở ngược lại tới Áp Ra Ham, Y Sác, và Gia Cốp.24

Những người anh em của giao ước có quyền để hội đủ điều kiện với lời thề và giao ước thuộc về chức tư tế.25 Nếu các anh em “trung thành để nhận được hai chức tư tế … và làm vinh hiển chức vụ kêu gọi của [mình], thì [các anh em] được thánh hóa bởi Thánh Linh để thể xác của [các anh em] được đổi mới.”26 Đó cũng chưa phải là hết. Những người đàn ông xứng đáng nhận được chức tư tế đều nhận được Chúa Giê Su Ky Tô, và những người nhận được Chúa thì nhận được Thượng Đế Đức Chúa Cha.27 Và những người nhận được Đức Chúa Cha thì nhận được tất cả những gì Ngài có.28 Các phước lành kỳ diệu từ lời thề và giao ước này sẽ đến với những người đàn ông, phụ nữ và trẻ em trên khắp thế giới.

Trách nhiệm của chúng ta là giúp làm tròn giao ước của Áp Ra Ham. Con cháu của chúng ta là dòng dõi được tiền sắc phong và chuẩn bị để ban phước cho tất cả mọi người trên thế gian.29 Đó là lý do tại sao bổn phận chức tư tế gồm có công việc truyền giáo. Sau khoảng 4.000 năm mong đợi và chuẩn bị, thì đây là ngày đã được định khi phúc âm phải được mang đến cho các sắc tộc trên thế gian. Đây là thời gian quy tụ đã được hứa cho dân Y Sơ Ra Ên. Và chúng ta được tham gia! Thật là phấn khởi, phải không? Chúa đang trông cậy vào chúng ta và các con trai của chúng ta—và Ngài vô cùng biết ơn các con gái của chúng ta—chúng xứng đáng phục vụ với tư cách là những người truyền giáo trong thời kỳ trọng đại này của sự quy tụ của Y Sơ Ra Ên.

Sách Mặc Môn là bằng chứng hiển nhiên rằng Chúa đã bắt đầu quy tụ con cái của giao ước Y Sơ Ra Ên của Ngài.30 Sách này được viết cho thời kỳ chúng ta, sách có ghi rằng một trong các mục đích của sách là “các người có thể biết rằng, giao ước mà Đức Chúa Cha đã lập với con cái của Y Sơ Ra Ên, … đã bắt đầu được thực hiện. … Vì này, Chúa sẽ nhớ đến những giao ước Ngài đã lập với dân Ngài trong gia tộc Y Sơ Ra Ên.”31

Thật vậy, Chúa đã không quên! Ngài đã ban phước cho chúng ta và những người khác ở khắp nơi trên thế gian với Sách Mặc Môn. Một trong các mục đích của sách này là “để thuyết phục cho người Do Thái và người Dân Ngoại tin rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô.”32 Sách này giúp chúng ta lập giao ước với Thượng Đế. Sách này mời chúng ta tưởng nhớ tới Ngài và biết Vị Nam Tử Yêu Dấu của Ngài. Sách này là một chứng thư khác về Chúa Giê Su Ky Tô.

Con cái của giao ước có quyền nhận được giáo lý của Ngài và biết về kế hoạch cứu rỗi. Họ thỉnh cầu điều này bằng cách lập các giao ước đầy ý nghĩa thiêng liêng. Brigham Young nói: “Tất cả Các Thánh Hữu Ngày Sau lập giao ước mới và vĩnh viễn khi họ gia nhập Giáo Hội này. … Họ lập giao ước mới và vĩnh viễn để hỗ trợ Vương Quốc của Thượng Đế.”33 Họ tuân giữ giao ước bằng cách tuân theo các lệnh truyền của Ngài.

Chúng ta giao ước tại lễ báp têm là sẽ phục vụ Chúa và tuân giữ các giáo lệnh của Ngài.34 Khi dự phần Tiệc Thánh, chúng ta tái lập giao ước đó và tuyên bố sẵn lòng mang danh của Chúa Giê Su Ky Tô. Trong cách này, chúng ta được nhận làm con nuôi với tư cách là các con trai và con gái của Ngài cũng như được biết là các anh chị em với nhau. Ngài là cha của cuộc sống mới của chúng ta.35 Cuối cùng, trong đền thờ thánh, chúng ta có thể trở thành người đồng kế tự với các phước lành của một gia đình vĩnh cửu, như đã từng được hứa với Áp Ra Ham, Y Sác, Gia Cốp và con cháu của họ.36 Như vậy, hôn nhân thượng thiên là giao ước về sự tôn cao.

Khi biết rằng mình là con cái của giao ước, chúng ta biết mình là ai và Thượng Đế trông mong chúng ta điều gì.37 Luật pháp của Ngài được ghi vào lòng chúng ta.38 Ngài là Thượng Đế của chúng ta và chúng ta là dân của Ngài.39 Các con cái cam kết với giao ước thì luôn trung tín, ngay cả trong lúc nghịch cảnh. Khi giáo lý đó được gieo sâu vào lòng chúng ta, thì ngay cả nọc của cái chết cũng dễ chịu đựng và sức chịu đựng thuộc linh của chúng ta được củng cố.

Lời khen ngợi tuyệt diệu nhất có thể nhận được ở nơi đây trong cuộc sống này được biết là dành cho người giữ giao ước. Phần thưởng cho một người giữ giao ước sẽ nhận được ở nơi đây trong cuộc sống này và trong cuộc sống mai sau. Thánh thư dạy rằng “các người hãy nên suy ngẫm về trạng thái đầy phước lành và hạnh phúc của những người tuân giữ các lệnh truyền của Thượng Đế. Vì này, họ được ban phước lành trong tất cả mọi điều, … và nếu họ trung thành cho đến cùng thì họ sẽ được thu nhận vào thiên thượng … [và] họ có thể ở với Thượng Đế trong một trạng thái hạnh phúc bất tận.”40

Thượng Đế hằng sống. Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô. Giáo Hội của Ngài đã được phục hồi để ban phước cho tất cả mọi người. Chủ Tịch Thomas S. Monson là vị tiên tri ngày nay của Ngài. Và chúng ta, với tư cách là con cái trung tín của giao ước, sẽ được ban phước bây giờ và mãi mãi. Tôi làm chứng như vậy trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.