Podcast: Play in new window | Embed
Thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky
Cầu xin cho chúng ta bày tỏ tình yêu thương và lòng biết ơn đối với sự hy sinh chuộc tội của Đấng Cứu Rỗi qua những hành động phục vụ tầm thường, đầy trắc ẩn của mình.
Thưa các anh chị em, tôi hy vọng rằng những người trong số các anh chị em đang đến thăm Salt Lake sẽ có cơ hội vui hưởng màu sắc và hương thơm của các đóa hoa xuân xinh đẹp ở Khuôn Viên Đền Thờ.
Mùa xuân mang đến ánh sáng và một cuộc sống đổi mới—qua chu kỳ của mùa màng, nhắc nhở chúng ta về cuộc sống, sự hy sinh và Sự Phục Sinh của Đấng Cứu Chuộc chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô; vì “tất cả mọi vật đều làm chứng về [Ngài]” (Môi Se 6:63).
Ngược lại với quang cảnh xinh đẹp này của mùa xuân và biểu tượng của mùa xuân về hy vọng, là một thế giới đầy bấp bênh, phức tạp và hoang mang. Những đòi hỏi của cuộc sống hằng ngày—học vấn, việc làm, nuôi dạy con cái, sự điều hành và kêu gọi trong giáo hội, các sinh hoạt của thế gian, và ngay cả nỗi đau đớn và buồn phiền về bệnh tật và thảm cảnh bất ngờ—có thể làm cho chúng ta mệt mỏi. Làm thế nào chúng ta có thể tự thoát ra khỏi những thử thách phức tạp và những điều bấp bênh này để được yên tĩnh trong tâm hồn và hạnh phúc?
Chúng ta thường giống như người lái buôn trẻ tuổi từ Boston trong câu chuyện kể lại, vào năm 1849, đã hăng hái tham gia vào cuộc đổ xô đi tìm vàng ở California. Anh ta đã bán hết tài sản của mình để đi kiếm của cải trong các dòng sông ở California, nơi mà anh ta được cho biết là chứa đầy những thỏi vàng to đến nỗi một người không thể khiêng được.
Ngày này qua ngày khác, chàng thanh niên đó múc cái giần của mình xuống dòng sông nhưng khi lấy lên thì cái giần trống không. Anh ta chỉ có được một đống đá càng ngày càng cao. Thất vọng và khánh kiệt, anh ta đã sẵn sàng bỏ cuộc cho đến một ngày nọ, khi một người thăm dò quặng vàng dày dạn kinh nghiệm nói với anh ta rằng: “Con trai à, con có một đống đá khá lớn đấy.”
Người thanh niên đáp: “Không có vàng ở đây. Tôi đang định đi về nhà đây.”
Người thăm dò quặng vàng đến bên đống đá và nói: “Ôi chao, có vàng đấy chứ. Con chỉ cần biết tìm nó ở đâu thôi.” Ông lấy tay nhặt lên hai viên đá và đập chúng vào với nhau. Một viên đá vỡ ra cho thấy vài hạt phấn vàng nhỏ li ti lấp lánh trong ánh nắng mặt trời.
Khi thấy cái túi da căng phồng thắt ngang hông của người thăm dò quặng vàng, người thanh niên nói: “Tôi đang tìm các thỏi vàng giống như các thỏi vàng trong cái túi của ông kia kìa, chứ không phải các hạt phấn vàng nhỏ li ti này đâu.”
Người thăm dò quặng vàng già cả đưa cái túi của mình ra cho người thanh niên nhìn vào bên trong với hy vọng sẽ thấy vài thỏi vàng lớn. Người thanh niên sững sờ khi thấy cái túi đựng hằng ngàn hạt phấn vàng nhỏ li ti.
Người thăm dò quặng vàng già cả nói: “Con trai này, đối với ta, hình như con đang bận rộn tìm kiếm các thỏi vàng lớn nên con đã bỏ lỡ cơ hội đổ những hạt phấn vàng quý báu này vào đầy túi của con đấy. Việc kiên trì góp nhặt các hạt phấn vàng li ti này đã làm cho ta giàu có.”
Câu chuyện này minh họa lẽ thật thuộc linh mà An Ma đã giảng dạy cho con trai của mình là Hê La Man:
“Chính do những chuyện nhỏ nhặt tầm thường mà những chuyện lớn mới thành được. …
“… Và cũng chính với những phương tiện hết sức nhỏ bé ấy mà Chúa đem lại sự cứu rỗi cho biết bao linh hồn” (An Ma 37:6–7).
Thưa các anh chị em, phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô rất giản dị, cho dù chúng ta có cố gắng bao nhiêu đi nữa để làm phức tạp hóa phúc âm đó. Chúng ta nên cố gắng giữ cho cuộc sống của mình cũng giản dị như thế, không bị vướng víu với các ảnh hưởng bên ngoài, mà tập trung vào những điều quan trọng hơn hết.
Những điều quý báu giản dị nào của phúc âm đã làm cho cuộc sống của chúng ta được minh bạch và có mục đích? Những hạt phấn vàng nào của phúc âm mà chúng ta kiên trì tích lũy trong suốt cuộc sống của mình sẽ tưởng thưởng cho chúng ta với của cải tột bậc—là ân tứ quý báu về cuộc sống vĩnh cửu?
Tôi tin rằng có một nguyên tắc giản dị nhưng sâu sắc—còn là cao siêu nữa— bao gồm trọn vẹn phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Nếu chúng ta hết lòng chấp nhận và làm cho nguyên tắc này thành trọng tâm của cuộc sống mình, thì nguyên tắc này sẽ thanh tẩy và thánh hóa chúng ta để chúng ta có thể sống một lần nữa ở nơi hiện diện của Thượng Đế.
Đấng Cứu Rỗi đã nói về nguyên tắc này khi Ngài trả lời cho câu hỏi của một người Pha Ri Si: “Thưa thầy, trong luật pháp, điều răn nào là lớn hơn hết?
“Đức Chúa Giê Su đáp rằng: Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa, là Đức Chúa Trời ngươi.
“Ấy là điều răn thứ nhất và lớn hơn hết.
“Còn điều răn thứ hai đây, cũng như vậy: Ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình” (Ma Thi Ơ 22:36–40).
Chỉ khi nào chúng ta hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Thượng Đế và Đấng Ky Tô thì chúng ta mới có thể chia sẻ tình yêu thương này với người lân cận của mình qua những hành động nhân từ và phục vụ—theo cách mà Đấng Cứu Rỗi sẽ yêu thương và phục vụ tất cả chúng ta nếu Ngài ở giữa chúng ta ngày nay.
Khi tình yêu thương thanh khiết này—hoặc lòng bác ái—của Đấng Ky Tô bao phủ lấy chúng ta thì chúng ta mới suy nghĩ, cảm nhận và hành động giống như Cha Thiên Thượng và Chúa Giê Su đã làm. Động cơ thúc đẩy và ước muốn chân thành của chúng ta giống như Đấng Cứu Rỗi. Ngài đã chia sẻ ước muốn này với Các Sứ Đồ của Ngài vào ngày trước khi Ngài bị đóng đinh: Ngài phán:
“Ta ban cho các ngươi một điều răn mới, nghĩa là các ngươi phải yêu nhau; như ta đã yêu các ngươi thể nào, thì các ngươi cũng hãy yêu nhau thể ấy. …
“Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn đồ ta” (Giăng 13:34–35).
Tình yêu thương mà Đấng Cứu Rỗi đã mô tả chính là một tình yêu thương tích cực. Tình yêu thương này không được biểu lộ qua những hành động to tát và quả cảm, mà thay vì thế qua những hành động tầm thường về lòng nhân từ và sự phục vụ.
Chúng ta có thể phục vụ và yêu thương những người khác bằng nhiều cách và trường hợp. Tôi chỉ xin đề nghị một vài ví dụ.
Trước hết, lòng bác ái bắt đầu ở nhà. Nguyên tắc giản dị quan trọng nhất cần phải chi phối mỗi mái ấm gia đình là thực hành Luật Khuôn Vàng Thước Ngọc—lời dạy của Chúa rằng “Ấy vậy, hễ điều chi mà các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì cũng hãy làm điều đó cho họ” (Ma Thi Ơ 7:12). Hãy tưởng tượng trong một giây lát mình sẽ cảm thấy như thế nào nếu tiếp nhận những lời nói hoặc hành động thiếu ân cần. Qua tấm gương của mình, chúng ta hãy dạy những người trong gia đình mình phải yêu thương nhau.
Một chỗ khác mà chúng ta có nhiều cơ hội để phục vụ là trong Giáo Hội. Các tiểu giáo khu và chi nhánh của chúng ta phải là một nơi mà luật Khuôn Vàng Thước Ngọc luôn luôn hướng dẫn những lời nói và hành động của chúng ta đối với nhau. Bằng cách đối xử tử tế với nhau, nói những lời đầy hỗ trợ và khuyến khích, cũng như bén nhạy đối với nhu cầu của nhau, chúng ta có thể giúp tạo ra tinh thần đoàn kết yêu thương ở giữa các tín hữu của tiểu giáo khu. Chỗ nào có lòng bác ái thì sẽ không có chỗ cho chuyện ngồi lê đôi mách hoặc những lời không tử tế.
Các tín hữu trong tiểu giáo khu, cả người lớn lẫn các thanh thiếu niên, có thể cùng hợp tác trong sự phục vụ đầy ý nghĩa để ban phước cho cuộc sống của những người khác. Mới cách đây hai tuần, Chủ Tịch Giáo Vùng South America Northwest là Anh Cả Marcus B. Nash thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi, báo cáo rằng qua việc chỉ định “những người có tinh thần vững mạnh cho những người có tinh thần yếu đuối”, họ đã giải cứu hằng trăm người lớn và thanh thiếu niên kém tích cực. Qua tình yêu thương và sự phục vụ, họ đang trở lại, “từng người một”. Những hành động nhân từ này tạo ra một mối ràng buộc vững mạnh và lâu dài giữa tất cả những người tham gia—cả người giúp đỡ lẫn người được giúp đỡ. Có rất nhiều kỷ niệm quý báu về sự phục vụ như vậy.
Khi nhìn lại nhiều năm qua tôi đã điều hành Giáo Hội, một số kỷ niệm sâu đậm nhất của tôi là những lúc tôi cùng với những tín hữu khác trong tiểu giáo khu đến giúp đỡ một người nào đó.
Ví dụ, tôi còn nhớ khi là giám trợ làm việc bên cạnh vài tín hữu tích cực trong tiểu giáo khu của tôi khi chúng tôi dọn dẹp cái hầm chứa thức ăn ủ xi lô của gia súc tại nông trại an sinh của giáo khu. Đây không phải là một công việc chỉ định thú vị đâu! Có một anh tín hữu kém tích cực đã nhiều năm không đi nhà thờ được mời đến làm việc với chúng tôi. Vì người ấy đã cảm thấy được tình yêu thương và tình bằng hữu với chúng tôi trong khi chúng tôi làm việc và nói chuyện trong cái hầm chứa thức ăn ủ xi lô hôi hám đó, nên người ấy trở lại nhà thờ và về sau làm lễ gắn bó trong đền thờ với vợ con mình. Qua sự phục vụ, tình bằng hữu của chúng tôi đã ban phước cho con, cháu và giờ đây cho chắt của người ấy. Nhiều người trong số chúng đã phục vụ truyền giáo, kết hôn trong đền thờ, và đang nuôi dạy những gia đình vĩnh cửu—là một công việc vĩ đại có được từ một hành động tầm thường, một hạt phấn vàng nhỏ li ti.
Lãnh vực thứ ba mà chúng ta có thể phục vụ là trong cộng đồng của mình. Bằng cách biểu lộ đơn thuần về tình yêu thương và mối quan tâm của mình, chúng ta có thể tìm đến những người cần chúng ta giúp đỡ. Nhiều người trong số các anh chị em đã khoác vào cái áo thun có chữ Bàn Tay Giúp Đỡ và làm việc không biết mệt để làm nhẹ bớt nỗi đau khổ và cải tiến cộng đồng của mình. Các thành niên trẻ tuổi độc thân trong Giáo Khu Sendai Japan mới đây đã mang đến sự phục vụ vô giá trong việc tìm kiếm các tín hữu do hậu quả của cơn động đất và sóng thần hoành hành. Có vô số cơ hội để phục vụ.
Qua lòng nhân từ và sự phục vụ chân thành của mình, chúng ta có thể làm bạn với những người chúng ta phục vụ. Từ tình bạn này phát sinh ra sự hiểu biết rõ hơn về lòng tận tụy của chúng ta đối với phúc âm và một ước muốn để học biết thêm về chúng ta.
Người bạn tốt của tôi, Anh Cả Joseph Wirthlin, đã nói về quyền năng của nguyên tắc này như sau: “Lòng tử tế là thực chất của sự cao thượng. … [Lòng tử tế] là chìa khóa để mở những cánh cửa và để kết bạn. Lòng tử tế làm mềm lòng và tạo nên những mối quan hệ có thể kéo dài suốt đời” (“Đức Tính Tử Tế,” Liahona tháng Năm năm 2005, 26).
Một cách khác chúng ta có thể phục vụ con cái của Cha Thiên Thượng là qua công việc truyền giáo—không những với tư cách là những người truyền giáo toàn thời gian mà còn là bạn bè và người hàng xóm nữa. Sự tăng trưởng tương lai của Giáo Hội sẽ không xảy đến chỉ qua việc gõ cửa nhà người lạ, mà sẽ xảy ra khi các tín hữu, cùng với những người truyền giáo của chúng ta, thấy rõ nhu cầu và đáp ứng những nhu cầu đó trong tinh thần phục vụ bác ái với lòng tràn đầy tình yêu thương của Thượng Đế và Đấng Ky Tô.
Thưa các anh chị em, khi chúng ta làm điều này, những người thật lòng tìm kiếm lẽ thật sẽ cảm nhận được sự chân thật và tình yêu thương của chúng ta. Nhiều người sẽ muốn biết thêm về chúng ta. Rồi sau đó và chỉ sau đó, Giáo Hội mới bành trướng và lan rộng khắp thế giới. Điều này không thể chỉ được những người truyền giáo thực hiện không thôi, mà còn đòi hỏi mối quan tâm và sự phục vụ của mỗi tín hữu nữa.
Trong tất cả sự phục vụ của mình, chúng ta cần phải bén nhạy với những thúc giục của Đức Thánh Linh. Tiếng nói êm nhẹ đó sẽ cho chúng ta biết được người nào cần chúng ta giúp đỡ và mình có thể làm gì để giúp đỡ họ.
Chủ Tịch Spencer W. Kimball nói: “Điều thiết yếu là chúng ta phải phục vụ lẫn nhau trong vương quốc. … Thường thì các hành động phục vụ của chúng ta gồm có lời khích lệ giản dị hoặc ban phát … giúp đỡ những công việc tầm thường, nhưng có thể đưa đến những kết quả vinh quang… từ những hành động nhỏ nhặt nhưng tự nguyện!”
Và Chủ Tịch Thomas S. Monson đã dạy:
“Những người khác luôn luôn có nhu cầu, và mỗi người chúng ta có thể làm một điều gì đó để giúp đỡ một người nào đó.
“… Cuộc sống của chúng ta sẽ có rất ít mục đích trừ phi chúng ta chịu hy sinh bản thân để phục vụ những người khác” (“Hôm Nay, Tôi Đã Làm Được Gì cho Người Khác?” Liahona, tháng Mười Một năm 2009, 85).
Thưa các anh chị em, tôi xin khẳng định một lần nữa rằng, chúng ta nên mong muốn và tìm kiếm để có được trong cuộc sống của mình thuộc tính quan trọng nhất của Cha Thiên Thượng và Vị Nam Tử của Ngài là ân tứ về lòng bác ái, “tình yêu thương thanh khiết của Đấng Ky Tô” (Mô Rô Ni 7:47). Khả năng của chúng ta để yêu thương và phục vụ những người khác như Đấng Cứu Rỗi đã làm sẽ phát triển từ ân tứ này.
Tiên tri Mặc Môn dạy chúng ta về tầm quan trọng lớn nhất của ân tứ này và nói cho chúng ta biết cách có thể tiếp nhận ân tứ này:“Vậy nên, hỡi các đồng bào yêu mến của tôi, các người hãy cầu nguyện lên Đức Chúa Cha với tất cả mãnh lực của lòng mình, để các người được tràn đầy tình thương này, là tình thương mà Ngài đã ban cho tất cả những tín đồ chân chính của Vị Nam Tử của Ngài, tức là Chúa Giê Su Ky Tô; ngõ hầu các người có thể trở thành con cái của Thượng Đế; để khi Ngài hiện đến, chúng ta sẽ được giống như Ngài, vì chúng ta sẽ trông thấy Ngài như Ngài vốn thật là vậy; để chúng ta có hy vọng ấy; ngõ hầu chúng ta được thanh khiết giống như Ngài thanh khiết vậy” (Mô Rô Ni 7:48).
Những điều lớn lao có thành được là nhờ vào những điều nhỏ nhặt tầm thường. Giống như những hạt phấn vàng nhỏ li ti, nếu luôn luôn được tích lũy sẽ thành một kho tàng lớn, những hành động nhân từ và phục vụ nhỏ nhặt, tầm thường của chúng ta sẽ tích lũy thành một cuộc sống tràn đầy tình yêu mến Cha Thiên Thượng, lòng tận tụy đối với công việc của Chúa Giê Su Ky Tô, cùng một cảm giác bình an và vui sướng mỗi lần chúng ta tìm đến giúp đỡ một người khác.
Khi gần đến mùa lễ Phục Sinh, cầu xin cho chúng ta bày tỏ tình yêu thương và lòng biết ơn của mình đối với sự hy sinh chuộc tội của Đấng Cứu Rỗi qua các hành động phục vụ tầm thường, trắc ẩn đối với các anh chị em của mình tại nhà, ở nhà thờ và trong cộng đồng. Tôi cầu nguyện điều này trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.