Podcast: Play in new window | Embed
Bài của Chủ Tịch Boyd K. Packer
Chủ Tịch Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ
Mỗi người chúng ta có thể được tinh thần mặc khải và ân tứ Đức Thánh Linh hướng dẫn.
Đã 400 năm trôi qua kể từ khi quyển Kinh Thánh phiên bản King James được ấn hành với đóng góp đáng kể của William Tyndale, một vĩ nhân anh hùng trong mắt tôi.
Giới giáo sĩ không muốn Kinh Thánh được xuất bản bằng tiếng Anh bình dân. Họ săn đuổi Tyndale từ chỗ này đến chỗ nọ. Ông nói với họ: “Nếu Thượng Đế cứu mạng tôi thì không mấy năm nữa tôi sẽ làm cho một thiếu niên nông dân cày bừa biết nhiều về Thánh Thư hơn là quý ông.”
Tyndale bị phản bội và bị giam giữ hơn một năm trong một ngục tối lạnh lẽo ở Brussels, Bỉ. Quần áo của ông rách tả tơi. Ông nài nỉ xin những người bắt giữ ông cho ông áo choàng ngoài, mũ và đèn cầy: “Thật là chán ngắt khi ngồi một mình trong bóng tối.” Nhưng họ từ chối không cho những thứ ông xin. Cuối cùng, ông bị mang ra khỏi nhà giam và bị thắt cổ rồi bị trói thiêu sống trước một đám đông dân chúng. Nhưng việc làm và sự tuẫn đạo của William Tyndale không phải là điều vô ích.
Vì các trẻ em Thánh Hữu Ngày Sau được giảng dạy từ nhỏ để biết về thánh thư, nên chúng có phần nào làm ứng nghiệm lời tiên tri của William Tyndale đưa ra từ bốn thế kỷ trước.
Thánh thư ngày nay của chúng ta gồm có Kinh Thánh, Sách Mặc Môn: Một Chứng Thư Khác về Chúa Giê Su Ky Tô, Trân Châu Vô Giá và Giáo Lý và Giao Ước.
Vì Sách Mặc Môn nên chúng ta thường được gọi là Giáo Hội Mặc Môn, một danh xưng làm cho chúng ta không bực bội nhưng thật sự không xác đáng.
Trong Sách Mặc Môn, Chúa trở lại viếng thăm dân Nê Phi vì họ đã cầu nguyện lên Đức Chúa Cha trong danh Ngài. Và Chúa phán:
“Các ngươi muốn được ta ban cho điều chi?
“Và họ thưa với Ngài rằng: Thưa Chúa, chúng con muốn cầu xin Chúa phán bảo cho chúng con biết, chúng con sẽ gọi giáo hội này là tên gì; vì có nhiều sự tranh luận trong dân chúng về vấn đề này.
“Và Chúa phán cùng họ rằng …, tại sao dân chúng phải bàn tán và tranh luận về điều này như vậy?”
“Phải chăng họ không đọc thánh thư trong đó có nói rằng các ngươi phải mang lấy danh của Đấng Ky Tô … ? Vì đây là tên mà các ngươi sẽ được gọi vào ngày cuối cùng. …
“Vậy nên, bất cứ điều gì các ngươi sẽ làm, các ngươi phải làm trong danh ta; vậy các ngươi phải gọi giáo hội bằng danh ta; và các ngươi phải cầu xin Đức Chúa Cha trong danh ta để Ngài vì ta mà ban phước cho Giáo Hội.
“Làm sao mà giáo hội thuộc về ta nếu không được gọi bằng danh ta? Vì nếu một giáo hội có tên là Môi Se thì tức đó là giáo hội của Môi Se; hoặc nếu được gọi theo tên một người nào đó, thì giáo hội ấy sẽ thuộc về người đó; vậy nên, nếu giáo hội được gọi bằng danh ta thì đó là giáo hội của ta, nếu họ cũng được xây dựng trên phúc âm của ta.”
Vì tuân theo điều mặc khải nên chúng ta tự gọi là Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô thay vì Giáo Hội Mặc Môn. Nếu người khác gọi Giáo Hội chúng ta là Giáo Hội Mặc Môn hoặc gọi chúng ta là người Mặc Môn thì không có vấn đề gì cả, nhưng nếu chúng ta làm như vậy thì là chuyện khác.
Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn nói:
“Việc sử dụng danh xưng đã được mặc khải, là Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô (GLGƯ 115:4), trách nhiệm của chúng ta càng ngày càng quan trọng để rao truyền tôn danh của Đấng Cứu Rỗi trên khắp thế gian. Vì thế, chúng tôi yêu cầu rằng khi nào nói đến Giáo Hội, chúng ta sử dụng danh xưng đầy đủ của Giáo Hội nếu có thể được. …
“Khi nói đến các tín hữu của Giáo Hội, chúng tôi đề nghị là ‘các tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô.’ Để rút gọn, thì nên nói là: ‘Các Thánh Hữu Ngày Sau’ hơn.”
“[Các Thánh Hữu Ngày Sau] nói về Đấng Ky Tô, chúng tôi hoan hỷ về Đấng Ky Tô, chúng tôi thuyết giảng về Đấng Ky Tô, chúng tôi tiên tri về Đấng Ky Tô, và chúng tôi viết theo những điều tiên tri của chúng tôi, để cho con cháu chúng ta có thể hiểu được nguồn gốc nào mà chúng có thể tìm kiếm được sự xá miễn các tội lỗi của chúng.”
Thế gian muốn nói tới chúng ta là gì thì nói, nhưng trong lời lẽ của chúng ta thì phải luôn luôn là chúng ta thuộc vào Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô.
Một số người cho rằng chúng ta không phải là Ky Tô hữu. Hoặc là họ không biết gì hết về chúng ta, hoặc là họ hiểu lầm.
Trong Giáo Hội, mỗi giáo lễ đều được thực hiện bởi thẩm quyền và trong danh của Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng ta có cùng một tổ chức mà đã có trong Giáo Hội nguyên thủy với các vị sứ đồ và tiên tri.
Thời xưa Chúa kêu gọi và sắc phong cho Mười Hai Sứ Đồ. Ngài bị phản bội và bị đóng đinh. Sau khi Đấng Cứu Rỗi phục sinh, Ngài đã giảng dạy cho các môn đồ của Ngài trong 40 ngày và rồi thăng lên trời.
Nhưng đã thiếu một điều gì đó. Một vài ngày sau, Mười Hai Vị quy tụ lại trong một căn nhà, và “thình lình, có tiếng từ trời đến như tiếng gió thổi ào ào, đầy khắp nhà môn đồ ngồi …Lưỡi rời rạc từng cái một … như lưỡi bằng lửa, [đậu trên] mỗi người trong bọn mình. Hết thảy đều được đầy dẫy Đức Thánh Linh.” Các Sứ Đồ của Ngài giờ đây đã có được quyền năng. Họ hiểu rằng thẩm quyền được ban cho bởi Đấng Cứu Rỗi và ân tứ Đức Thánh Linh là thiết yếu để thiết lập Giáo Hội của Ngài. Họ được truyền lệnh phải làm phép báp têm và truyền giao ân tứ Đức Thánh Linh.
Cuối cùng, Các Sứ Đồ và chức tư tế mà họ mang không còn nữa. Thẩm quyền và quyền năng để phục sự cần phải được phục hồi. Trong nhiều thế kỷ, con người trông chờ sự trở lại của thẩm quyền và sự thiết lập của Giáo Hội của Chúa.
Vào năm 1829, chức tư tế được Giăng Báp Tít cùng Các Sứ Đồ Phi E Rơ, Gia Cơ và Giăng phục hồi cho Joseph Smith và Oliver Cowdery. Giờ đây, các nam tín hữu của Giáo Hội được sắc phong cho chức tư tế. Thẩm quyền này và ân tứ Đức Thánh Linh kèm theo, là ân tứ được truyền giao cho tất cả các tín hữu của Giáo Hội sau phép báp têm, làm cho chúng ta khác với các Giáo Hội khác.
Một điều mặc khải ban đầu chỉ thị “để cho mọi người đều có thể nói lên trong danh Đức Chúa Trời, là Đấng Cứu Rỗi thế gian.” Công việc trong Giáo Hội ngày nay được thực hiện bởi những người nam và người nữ bình thường được kêu gọi và tán trợ để chủ tọa, giảng dạy và phục sự. Chính là bởi quyền năng mặc khải và ân tứ Đức Thánh Linh mà những người được kêu gọi đó được hướng dẫn để biết được ý Chúa. Những người khác có thể không chấp nhận những điều như lời tiên tri, mặc khải và ân tứ Đức Thánh Linh, nhưng nếu họ sẽ có thể hiểu được chúng ta thì họ phải hiểu rằng chúng ta chấp nhận những điều này.
Chúa đã mặc khải cho Joseph Smith một luật pháp về sức khỏe, là Lời Thông Sáng, từ lâu trước khi thế gian biết được những điều nguy hiểm này. Tất cả mọi người đều được dạy phải tránh trà, cà phê, rượu, thuốc lá và dĩ nhiên, nhiều loại ma túy và chất nghiện khác nhau, là những điều luôn luôn ở trước mắt giới trẻ của chúng ta. Những người tuân theo điều mặc khải này thì được hứa rằng họ “sẽ nhận được sức khỏe trong cuống rốn và xương tủy của mình;
“Và sẽ tìm thấy sự khôn ngoan cùng những kho tàng hiểu biết lớn lao, và những kho tàng đã bị giấu kín.
“Và sẽ chạy mà không mệt nhọc, và sẽ bước đi mà không mòn mỏi.”
Trong một điều mặc khải khác, tiêu chuẩn đạo đức của Chúa truyền lệnh rằng các khả năng thiêng liêng của việc sinh con phải được bảo vệ và chỉ được sử dụng giữa người nam và người nữ, giữa vợ chồng mà thôi. Việc sử dụng sai khả năng này là một tội lỗi nghiêm trọng hơn bất cứ tội lỗi nào khác ngoại trừ tội làm đổ máu người vô tội hay tội chối bỏ Đức Thánh Linh. Nếu một người vi phạm luật này thì giáo lý về sự hối cải dạy cách xóa bỏ hậu quả của sự phạm giới này.
Tất cả mọi người đều bị thử thách. Có người có thể nghĩ rằng họ gặp một cám dỗ đặc biệt không giống những người khác là không công bằng, nhưng đây là mục đích của cuộc sống trần thế—phải bị thử thách. Và câu trả lời thì đối với ai cũng giống nhau: chúng ta cần phải và chúng ta có thể chống lại bất cứ loại cám dỗ nào.
“Kế hoạch hạnh phúc vĩ đại” được đặt trên nền tảng của cuộc sống gia đình. Trong gia đình, người chồng là cái đầu và người vợ là trái tim. Và hôn nhân là một sự cộng tác bình đẳng. Một người nam Thánh Hữu Ngày Sau có trách nhiệm đối với gia đình của mình và trung tín trong phúc âm. Người ấy là một người chồng và người cha tận tụy, biết quan tâm. Người ấy kính trọng phụ nữ. Người vợ hỗ trợ chồng mình. Cả hai cha mẹ đều nuôi dưỡng sự phát triển thuộc linh của con cái họ.
Các Thánh Hữu Ngày Sau được dạy phải yêu thương nhau và sẵn lòng tha thứ cho nhau những điều sai trái.
Cuộc sống của tôi được thay đổi nhờ vào một vị tộc trưởng ngay chính. Khi còn trẻ, vị ấy kết hôn với người mình yêu. Họ yêu nhau tha thiết và chẳng bao lâu, vợ của ông mang thai đứa con đầu lòng.
Vào cái đêm sinh đứa bé thì xảy ra biến chứng. Lúc ấy, ông bác sĩ duy nhất trong vùng quê này đang chăm sóc cho người bệnh ở đâu đó. Sau nhiều giờ đồng hồ chuyển dạ, tình trạng của người mẹ trở nên tuyệt vọng. Cuối cùng, người ta kiếm ra được ông bác sĩ. Trong trường hợp khẩn cấp, ông đã hành động nhanh chóng, rồi chẳng bao lâu đứa bé sinh ra và dường như cơn nguy ngập đã được giải quyết xong. Nhưng vài ngày sau đó, người mẹ trẻ qua đời vì bị lây nhiễm từ người bệnh mà ông bác sĩ đã chữa trị tại một nhà khác vào đêm đó.
Cuộc sống của người chồng trẻ góa vợ này bị đảo lộn. Nhiều tuần trôi qua, nỗi phiền muộn của anh ta trở nên day dứt thêm. Anh ta không nghĩ đến một điều gì khác, và với nỗi cay đắng trong lòng, anh ta bắt đầu hăm dọa sẽ làm hại người khác. Nếu sự việc đó xảy ra ngày nay, thì tôi chắc chắn là anh ta sẽ kiện ông bác sĩ đó vì tội hành nghề sơ xuất, như thể tiền bạc sẽ giải quyết được mọi chuyện vậy.
Một đêm nọ, có một tiếng gõ cửa nhà anh ta. Một đứa bé gái đứng trước cửa và chỉ nói: “Cha cháu muốn chú đến nhà. Cha cháu muốn nói chuyện với chú.”
“Người Cha” đây là vị chủ tịch giáo khu. Vị lãnh đạo khôn ngoan này đưa ra lời khuyên chỉ là:“Anh John à, hãy bỏ qua đi. Không có điều gì anh làm mà sẽ mang chị ấy trở lại được. Bất cứ điều gì anh làm sẽ làm cho sự việc càng tồi tệ hơn. Anh John à, hãy bỏ qua đi thôi.”
Đây là thử thách đối với người bạn tôi. Làm thế nào anh ấy bỏ qua được chứ? Một điều sai trái khủng khiếp đã xảy ra rồi. Anh ấy cố gắng tự kiềm chế rồi cuối cùng quyết định nên vâng lời và tuân theo lời khuyên dạy của vị chủ tịch giáo khu sáng suốt đó. Anh ấy quyết định sẽ bỏ qua.
Anh nói: “Đến khi lớn tuổi rồi tôi mới hiểu và có thể thấy được một ông bác sĩ nghèo ở miền quê—làm việc quá sức, với đồng lương ít ỏi, chạy khắp nơi khám hết bệnh nhân này đến bệnh nhân khác, thuốc men, dụng cụ y tế thiếu thốn,không có bệnh viện, cố gắng vất vả cứu mạng người, và hầu hết đều thành công. Ông ấy đã đến trong giây phút nguy ngập, khi hai mạng người đang bị tử thần đe dọa và đã hành động không hề chậm trễ. Cuối cùng tôi đã hiểu!” Anh nói: “Tôi đã làm hỏng cuộc đời tôi và cuộc đời của những người khác.”
Anh đã nhiều lần cám ơn Chúa về vị lãnh đạo chức tư tế khôn ngoan đó đã khuyên anh một cáchgiản dị: “Anh John à, hãy bỏ qua đi.”
Chúng ta thấy xung quanh mình các tín hữu của Giáo Hội bị xúc phạm. Một số người bị xúc phạm vì những sự kiện thuộc về lịch sử của Giáo Hội hoặc vì các vị lãnh đạo Giáo Hội và họ chịu đau khổ suốt đời, họ không thể tha thứ cho những lỗi lầm của người khác. Họ không chịu bỏ qua. Họ trở nên kém tích cực.
Thái độ đó hơi giống một người bị đánh bằng gậy. Vì bị xúc phạm, nên người ấy lấy gậy và tự đánh lên đầu mình suốt những tháng ngày trong cuộc đời. Thật là điên rồ! Thật là đáng tiếc! Kiểu trả thù đó là tự hại mình. Nếu các anh chị em bị xúc phạm, thì hãy tha thứ, quên đi và bỏ qua.
Sách Mặc Môn cảnh cáo rằng: “Và giờ đây, nếu có lỗi lầm thì đó là lỗi lầm của loài người; vậy nên, đừng có lên án những sự việc của Thượng Đế, để các người có thể được xét thấy là không tì vết trước ghế phán xét của Đấng Ky Tô.”
Thánh Hữu Ngày Sau là người hoàn toàn bình thường. Chúng ta hiện diện ở khắp nơi trên thế giới. Chúng ta có 14 triệu người. Đây chỉ là khởi đầu mà thôi. Chúng ta được dạy rằng chúng ta ở trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Do đó, chúng ta sống một cuộc sống bình thường trong các gia đình bình thường ở giữa dân chúng.
Chúng ta được dạy không nói dối, trộm cắp hay lừa đảo. Chúng ta không dùng lời lẽ báng bổ. Chúng ta lạc quan, hạnh phúc và không sợ sệt cuộc đời.
Chúng ta “sẵn sàng than khóc với những ai than khóc … và an ủi những ai cần được an ủi và đứng lên làm nhân chứng cho Thượng Đế bất cứ lúc nào, trong bất cứ việc gì, và ở bất cứ nơi đâu.”
Nếu một người đang tìm kiếm một giáo hội không đòi hỏi họ nhiều thì đây không phải là giáo hội họ tìm kiếm. Việc làm một Thánh Hữu Ngày Sau không dễ dàng, nhưng cuối cùng đó là con đường duy nhất đúng đắn.
Cho dù có sự chống đối hoặc “những cuộc chiến tranh, những tiếng đồn về chiến tranh, cùng các trận động đất ở nhiều nơi,” nhưng không có một quyền lực hoặc ảnh hưởng nào có thể ngăn chặn công việc này. Mỗi người chúng ta có thể được tinh thần mặc khải và ân tứ Đức Thánh Linh hướng dẫn. “Giống như một người dang ra bàn tay yếu ớt của mình để ngăn dòng sông Missouri đang chảy, hay làm cho dòng sông này chảy ngược về nguồn, thì chẳng khác chi ngăn cản Đấng Toàn Năng đổ sự hiểu biết từ trời lên đầu Các Thánh Hữu Ngày Sau vậy.”
Nếu các anh chị em đang mang một gánh nặng nào đó, thì hãy quên nó đi và bỏ qua. Hãy tha thứ nhiều và hối cải chút ít, để các anh chị em sẽ được Đức Thánh Linh đến thăm viếng và được xác nhận bởi chứng ngôn mà các anh chị em không biết là hiện hữu. —Các anh chị em và những người thân của mình sẽ được trông nom và ban phước. Đây là lời mời gọi hãy đến cùng Ngài. Giáo hội này —Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, “là giáo hội hằng sống và chân chính duy nhất trên khắp mặt đất này,” qua lời phán của Ngài—là nơi mà chúng ta tìm thấy “kế hoạch hạnh phúc vĩ đại.”Tôi làm chứng điều này trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.