Podcast: Play in new window | Embed
Bài của Chị Bonnie H. Cordon, Chủ Tịch Trung Ương Hội Thiếu Nữ của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô
Hãy Mở Lòng Mình để Tiếp Nhận
Sự bình an và ấm áp của âm nhạc đầy soi dẫn tràn ngập tâm hồn chúng ta.
Chúc Mừng Giáng Sinh!
Đó là vào tháng Mười Hai năm 1943, khi thế giới chìm trong Đệ Nhị Thế Chiến. Tất cả mọi người đều lo lắng cho những người thân yêu nơi bên kia đại dương xa xôi, và những mối bận tâm ở nhà càng chồng chất bởi tình trạng thiếu thốn tiền bạc và lương thực. Với sự kiểm soát tài chính chặt chẽ của gia đình, thì đó là một sự kinh ngạc đối với cha tôi, là Harold Hillam, một cậu bé chín tuổi, khi nhận được một món quà Giáng Sinh kỳ diệu―một bộ đồ chơi xe lửa. Đây không phải là một chiếc xe lửa bình thường; chiếc xe lửa này tự chạy dọc theo đường ray. Mà không cần phải đẩy. Đó dường như là một điều bất khả thi để có được một món quà kỳ diệu trở thành hiện thực như thế. Ôi, Harold trân quý chiếc xe lửa đó biết bao.
Một vài năm sau, khi lễ Giáng Sinh cận kề, thế giới vừa chấm dứt chiến tranh. Tuy nhiên tình trạng kinh tế ở thị trấn nhỏ St. Anthony, Idaho, vẫn chưa được cải thiện, và đối với gia đình của cha tôi, tình trạng đã thực sự trở nên tồi tệ hơn. Cha của Harold bị bệnh nặng, gần như suýt chết. Sẽ không có quà tặng cho bất cứ ai vào dịp Giáng Sinh đó—kể cả Harold và em trai của ông là Arnold.
Một vài ngày trước lễ Giáng Sinh, cha của Harold bước đến và khẽ hỏi rằng: “Harold, con có sẵn lòng cho Arnold chiếc xe lửa của con để em có thể có một món quà Giáng Sinh trong năm nay không?”
Cậu không nghe nhầm lời cha nói đấy chứ? Chiếc xe lửa quý báu của cậu? Đây là yêu cầu khó khăn nhất trong tất cả mọi yêu cầu.
Buổi sáng Giáng Sinh đến, Arnold mừng rỡ reo lên khi nhận được một chiếc xe lửa giống y như của Harold.
Chẳng bao lâu sau Arnold nhận thấy rằng Harold đã không còn chơi với chiếc xe lửa của anh nữa. Cuối cùng, Arnold nhận ra món quà quý giá của mình không phải giống y như chiếc xe lửa của Harold—mà chính là chiếc xe lửa của Harold! Khi Arnold hiểu được ý nghĩa đằng sau món quà này, thì chiếc xe lửa đó trở nên vô giá.
Đối với tôi, bản thân câu chuyện gia đình này đã là một món quà—và không phải chỉ vì nó khiến tôi nhớ đến người cha kính yêu của tôi và người em trai yêu quý của ông. Quan trọng hơn nữa, là nó nhắc nhở tôi về sự hy sinh—sự hy sinh và tình yêu thương của Vị Nam Tử Yêu Dấu của Thượng Đế–là Đấng mà chúng ta kỷ niệm sự giáng sinh của Ngài.
Chúa Giê Su Ky Tô là món quà Giáng Sinh đầu tiên và mãi mãi của chúng ta. Tôi làm chứng về lẽ thật này rằng: Ngài đã giáng sinh, Ngài đã sống và Ngài chết cho chúng ta, và Ngài hằng sống―vẫn hằng sống!
Chúng ta được phước biết bao khi được là những người đón nhận món quà đầy hân hoan này. Theo lời của một khúc hát mừng Giáng Sinh: “Sự vui mừng cho thế gian, Chúa đã đến; thế gian hãy tiếp nhận vị Vua của mình!”1
Anh Cả Neal A. Maxwell đã dạy: “Khi suy ngẫm về tất cả những điều mà Thượng Đế đã ban cho chúng ta, thì lẽ ra chúng ta phải khá giỏi trong việc tiếp nhận, nhưng chúng ta lại không như thế. Chúng ta là những người tự xem mình là người khá tự túc và độc lập, thường cảm thấy vụng về, thậm chí còn khó khăn trong việc tiếp nhận. …
“[Tuy nhiên], những món quà của Thượng Đế, không giống như những món quà theo mùa lễ, mà là những món quà vĩnh cửu và bất tận!”2
Vậy làm thế nào để chúng ta nhận được đầy đủ món quà tuyệt vời như thế? Làm thế nào để hằng ngày chúng ta chọn món quà là Đấng Cứu Rỗi, tình yêu thương, và Sự Chuộc Tội vô hạn của Ngài?
Hãy rời khỏi những ô cửa lạnh lẽo cùng những cây kẹo gậy đầy sắc màu và học hỏi từ những bổn phận khiêm nhường và theo bước đường của những tín đồ đầu tiên tiếp nhận hài đồng Đấng Cứu Rỗi.
Tiếp Nhận Sự Thánh Ngài
Khi sự giáng sinh của Đấng Cứu Rỗi gần kề, Ma Ri và Giô Sép đã cố gắng len lỏi qua những con đường tấp nập ở Bết Lê Hem, nhưng các nhà quán đã đầy. Không một ai còn phòng cho họ sao? Không một ai cho họ nghỉ chân sao? Ma Ri biết món quà mà bà đang mang, nhưng không ai có đủ chỗ để đón nhận món quà đó, để tiếp nhận Ngài.
Chúng ta không thể thực sự biết cảm giác của Ma Ri và Giô Sép vào lúc bấy giờ, nhưng tôi luôn luôn tưởng tượng rằng họ tiến bước với sức mạnh và sự tin tưởng thầm lặng. Khi nghe lời mời của thiên sứ “đừng sợ chi”3 và bấy giờ đang chuẩn bị cho sự giáng sinh của Chúa Giê Su, có thể họ đã từ bỏ mọi kỳ vọng về chỗ ở tiện nghi và thay vào đó đành chọn thu xếp trong một chuồng gia súc yên ắng, thấp hèn. Nhưng chắc hẳn hoàn cảnh đã mang lại cảm giác tồi tệ ấy sẽ không còn như vậy. Chẳng bao lâu nữa Chúa sẽ làm đầy sự trống rỗng đó bằng sự thánh thiện.
Như câu thánh thư quen thuộc trong Lu Ca 2:7: “Người sanh con trai đầu lòng, lấy khăn bọc con mình, đặt nằm trong máng cỏ, vì nhà quán không có đủ chỗ ở.”
Đấng Cứu Rỗi của chúng ta—món quà vinh quang của cuộc sống, niềm hy vọng, và lời hứa—đã đến thế gian.
Chúng ta có thể chuẩn bị chỗ trong lòng mình để tiếp nhận Đấng Ky Tô và để cho sự thánh Ngài lấp đầy những khoảng trống trong chúng ta không? Giống như Ma Ri và Giô Sép, chúng ta có thể tin cậy nơi Ngài ngay cả trong những hoàn cảnh đôi khi vượt quá sức chịu đựng. Sự hướng dẫn—ngay cả những phép lạ—mà đến với cuộc sống của chúng ta có lẽ sẽ không ở nơi hối hả và nhộn nhịp, cũng không phải trên sân khấu hay sân vận động, mà ở những nơi yên tĩnh nơi chúng ta sống và làm việc―nơi chúng ta tìm kiếm sự giúp đỡ. Bất cứ nơi nào nhu cầu khiêm nhường của mình trỗi dậy, thì chúng ta có thể và sẽ nhận được câu trả lời cho những lời cầu nguyện thầm của mình.
Nhận Lời Mời của Ngài để Hành Động
Chẳng phải là điều kỳ diệu sao, khi một số người đầu tiên tiếp nhận Chiên Con của Thượng Đế là những người chăn chiên?
Màn đêm bao phủ thế gian khi những người chăn chiên kinh hãi quy tụ lại dưới một lăng kính sáng rực rỡ khi đất trời giao thoa trong sự kiện trọng đại về sự giáng sinh của Đấng Cứu Rỗi.
“Thiên sứ bèn phán rằng: Đừng sợ chi; vì này, ta báo cho các ngươi một tin lành, sẽ làm một sự vui mừng lớn. …
“Ấy là hôm nay tại thành Đa Vít đã sanh cho các ngươi một Đấng Cứu Thế, là [Đấng Ky Tô], là Chúa.”4
Chúng ta yêu thích việc những người chăn chiên tận tụy này đã không trì hoãn việc tiếp nhận mà vội vàng đến gặp vị Vua của họ. Từ họ, chúng ta biết rằng việc tiếp nhận là một từ chỉ hành động. Lu Ca cho chúng ta biết rằng những người chăn chiên “vội vàng đi đến đó, và thấy con trẻ đang nằm trong máng cỏ.”5
Nhiều khi những ấn tượng nhỏ nhẹ êm ái của chúng ta từ Chúa có thể không được tiếp nhận bởi vì chúng không hoàn toàn phù hợp với lịch trình, kế hoạch hoặc thời gian của chúng ta. Câu chuyện giáng sinh đó nhắc nhở chúng ta phải giống như những người chăn chiên tận tụy này đã không trì hoãn việc thực hiện những điều cần thiết để tiếp nhận vị Vua của họ.
Giờ đây, các anh chị em có để ý thấy Lu Ca đã lồng vào câu chuyện Giáng Sinh một sự thúc giục vui mừng là việc tiếp nhận Ngài là san sẻ Ngài, giải thích: “Đã thấy [Chúa Giê Su], họ bèn thuật lại những lời thiên sứ nói về con trẻ đó”?6 Những người chăn chiên nhận được sứ điệp này từ thiên thượng, bèn vội vã đi, và rồi trở thành các sứ giả của thiên thượng, rao truyền “sự vui mừng cho thế gian” và mời gọi tất cả mọi người “hãy tiếp nhận Vị Vua [của họ]!”7
Tiếp Nhận với Đức Tin Bền Bỉ
Bây giờ chúng ta hãy tập trung về Các Thầy Thông Thái. Họ là những người nổi bật trong số những người tìm kiếm vĩ đại của Chúa Giê Su Ky Tô. Họ chuyên tâm dành cả cuộc đời mình để quan sát biểu hiện của thiên thượng, và khi biểu hiện đó xuất hiện, họ đã bỏ lại những tiện nghi ở nhà, công việc làm, gia đình, và bạn bè để đi theo ngôi sao và tìm kiếm vị Vua của họ.
Không giống như những người chăn chiên, cuộc hành trình của họ là một cuộc hành trình liên tục cần nhiều thời gian. Họ phải tìm kiếm, cầu xin, chờ đợi và đi, và rồi cứ thế lặp lại, cho đến cuối cùng khi họ thấy con trẻ cùng với Ma Ri, mẹ của Ngài. Họ dâng lên những món quà quý giá nhất và sấp mình xuống và thờ phượng Ngài.8
Tôi thường suy ngẫm: Khi tiếp nhận Đấng Ky Tô, chúng ta có siêng năng tìm kiếm Ngài và để cho Ngài dẫn dắt cuộc hành trình của chúng ta đến những nơi xa lạ và ở giữa những người không quen biết không? Làm thế nào chúng ta có thể bày tỏ lòng biết ơn của mình qua các món quà và sự thờ phượng mà chúng ta dâng lên?
Phước Thay cho Những Người Tiếp Nhận
Thế nên, đó là—câu chuyện Giáng Sinh vĩ đại.
Các bạn thân mến, phước thay cho những người tiếp nhận. Cũng quý báu như món quà chiếc xe lửa của cha tôi, và món quà đầy xúc động của thời gian và những kho báu được tạo ra bởi các gia đình ở khắp mọi nơi, những món quà đó cũng trở nên mờ nhạt khi so sánh với việc nhận được món quà thật sự của Giáng Sinh—đó là Chúa Giê Su Ky Tô.
“Vì nó có ích lợi gì cho một người nếu một [món quà] được ban cho kẻ đó, và kẻ đó không chấp nhận [món quà] ấy?”9
Hãy suy ngẫm câu thánh thư đó dưới ánh sáng của lẽ thật vĩnh cửu này: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.”10
Tôi yêu thích lời hứa rằng bất cứ ai sẽ thực sự tiếp nhận món quà là Đấng Ky Tô đã được ban cho vào cái đêm thánh đó thì sẽ có được cuộc sống vĩnh cửu!
Vì vậy chúng ta thấy rằng qua những nỗ lực hằng ngày của mình để tiếp nhận Đấng Ky Tô một cách trọn vẹn hơn, chúng ta sẽ trở thành những người như Chủ Tịch Russell M. Nelson đã mời gọi: [trở thành] “một dân tộc có khả năng, sẵn sàng và xứng đáng để tiếp nhận Chúa khi Ngài tái lâm, một dân tộc đã chọn Chúa Giê Su Ky Tô.”11
Thật hiển vinh làm sao khi hình dung về ngày mà chúng ta cùng nhau tuyên bố một lần nữa: “Sự vui mừng cho thế gian, Chúa đang đến; thế gian [và mỗi người trong tất cả chúng ta] hãy tiếp nhận vị Vua của mình!”12 Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.