Podcast: Play in new window | Embed
Bài của Anh Cả Neil L. Andersen thuộc Nhóm Túc Số Mười Hai Vị Sứ Đồ của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô
Tôi xin cảm ơn Chủ Tịch Nelson và Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn về đặc ân được nói chuyện buổi tối hôm nay. Gia đình chúng tôi đã ăn mừng những truyền thống của lễ Giáng Sinh ở đất nước chúng tôi cũng như ở Pháp, Đức, và Brazil. Bất cứ nơi nào chúng ta sống, đối với tất cả chúng ta là những người tin và noi theo Chúa Giê Su Ky Tô, thì có một lẽ thật tuyệt vời không thay đổi: chúng ta hân hoan vì Ngài là Đấng đã được kêu gọi từ ban đầu, Ngài là Đấng đã được mong đợi trong nhiều thế kỷ, Ngài là Con Độc Sinh của Đức Chúa Cha, Ngài đã đến—trong thời trung thế, trong những hoàn cảnh khiêm tốn nhất—Ngài đã đến. Và bởi vì Ngài đã đến, nên hàng tỷ người đã sống trên thế gian này sẽ sống lại và có thể, nếu họ lựa chọn, thừa hưởng cuộc sống vĩnh cửu, là ân tứ lớn lao nhất trong tất cả mọi ân tứ của Thượng Đế.
Trong câu chuyện tuyệt vời về sự giáng sinh của Ngài vào dịp lễ Giáng Sinh, có rất nhiều bài học chúng ta có thể học hỏi.
Đây là bài học mà tôi sẽ chia sẻ với anh chị em tối hôm nay: Với tất cả những nỗi lo lắng và bấp bênh, những khó khăn và phiền muộn theo sau chúng ta ở đây trong cuộc sống trần thế của chúng ta, thì đối với những người ngay chính—những người có đức tin và tin cậy nơi Chúa—cuối cùng, tất cả rồi sẽ tốt đẹp.
Hãy nghĩ về các tấm gương tuyệt diệu này.
Một phụ nữ ngay chính tên là Ê Li Sa Bét và chồng của bà là Xa Cha Ri, giờ đây tuổi đã cao, rất buồn vì chưa được ban phước để có con cái. Nhưng họ vẫn trung tín và tin cậy nơi Chúa.
Mặc dù thánh thư không ghi chép về những gì Xa Cha Ri và Ê Li Sa Bét có thể đã cảm thấy và nói với nhau, nhưng vở nhạc kịch Đấng Cứu Rỗi của Thế Gian (Savior of the World) giúp chúng ta suy ngẫm về những điều mà họ có thể cảm thấy. Xa Cha Ri đã tuyên bố với Ê Li Sa Bét: “Chúng ta chưa được chọn để có con cái. Nhưng chúng ta vẫn tin cậy nơi Chúa.” Và sau đó họ hát: “Tôi sẽ dâng lên Thượng Đế mãi mãi, nhưng không phải để làm theo ý tôi. … Nếu không phải vậy, việc dâng lên Ngài mãi mãi có nghĩa là tôi sẽ chờ đợi và trông mong và quan sát. … Tôi sẽ … để cho Ngài dẫn dắt tôi … cho đến giờ phút của tôi, cho đến ngày của tôi, cho đến khi năm tháng của tôi qua đi.”1
Rồi một phép lạ đã xảy ra. Thánh thư chép rằng trong đền thờ, thiên sứ Gáp Ri Ên đã hiện đến cùng Xa Cha Ri. Vị thiên sứ tuyên bố: “Ê Li Sa Bét vợ ngươi, sẽ sanh một con trai, ngươi khá đặt tên là Giăng. … Chính người lại sẽ… sửa soạn cho Chúa một dân sẵn lòng.”2
Xa Cha Ri đáp: “Tôi đã già, vợ tôi đã cao tuổi rồi.”3
Gáp Ri Ên trả lời: “Ngươi sẽ câm, không nói được cho đến ngày nào các điều ấy xảy ra, vì ngươi không tin lời ta, là lời đến kỳ sẽ ứng nghiệm.”4
Hãy nghĩ về những cảm giác mà có thể đã đến với Ê Li Sa Bét và Xa Cha Ri. Trong nhiều năm, họ đã cầu xin có được con cái, nhưng vẫn chưa có con. Họ tiếp tục tuân giữ các lệnh truyền và tin cậy nơi Chúa. Rồi, một thiên sứ đã hiện đến cùng Xa Cha Ri, nhưng sau đó ông đã bị câm. Ông có thể đã băn khoăn về vị thế của ông trước Chúa. Vào đúng kỳ định, đứa bé được sinh ra. Xa Cha Ri đã có thể nói lại được. Và đứa trẻ trở thành Giăng Báp Tít, người chuẩn bị con đường cho Đấng Cứu Rỗi. Với tất cả những sự bấp bênh và khó khăn, thì đối với người ngay chính, cuối cùng tất cả rồi sẽ tốt đẹp.
Tiếp theo, trong câu chuyện Giáng Sinh, chúng ta gặp Ma Ri yêu dấu, được chọn làm mẹ của Vị Nam Tử của Thượng Đế. Tuy nhiên trong cuộc sống của bà vẫn còn có những mối bận tâm và bấp bênh. Gáp Ri Ên đã hiện đến cùng Ma Ri, cho bà biết về sự kêu gọi cao quý của bà. Ma Ri thắc mắc: “Tôi chẳng hề nhận biết người nam nào, thì làm sao có được sự đó?”5 Gáp Ri Ên giải thích rằng quyền năng của Đức Thánh Linh sẽ đến với bà, và quyền năng của Đấng Tối Cao sẽ che phủ bà, và bà sẽ mang thai Vị Nam Tử của Thượng Đế, và tên của Ngài sẽ là Giê Su.
Hãy nghĩ về niềm vui và hạnh phúc mà bà có thể đã cảm thấy khi được thiên sứ của Thượng Đế đến viếng thăm. Thật khiêm nhường biết bao khi bà ngẫm nghĩ về việc làm mẹ của Đấng Mê Si hằng mong đợi. Vậy mà khi bà nói cho Giô Sép biết, mọi việc vẫn chưa được giải quyết. Giô Sép là một người đàn ông ngay chính và không muốn để cho Ma Ri bị hổ thẹn, nhưng ông không chắc mình nên đi theo con đường nào. Giữa lúc phiền muộn và bấp bênh của ông, một thiên sứ đã hiện đến cùng ông trong một giấc mơ: “Hỡi Giô Sép, … ngươi chớ ngại lấy Ma Ri làm vợ, vì con mà người chịu thai đó là bởi Đức Thánh Linh. Người sẽ sanh một trai, ngươi khá đặt tên là Giê Su, vì chính con trai ấy sẽ cứu dân mình ra khỏi tội lỗi.”6
Chúng ta chắc chắn có thể hiểu được là Ma Ri, đang lúc phiền muộn và bấp bênh, tự hỏi liệu phước lành tuyệt diệu nhất này có xảy ra hay không. Giô Sép cũng lo lắng và cảm thấy không yên. Lúc này rõ ràng là họ sẽ đi theo đường lối này cùng nhau. Ma Ri chắc hẳn rất vui khi biết rằng một thiên sứ đã hiện đến cùng Giô Sép. Giô Sép chắc hẳn rất vui khi biết rằng đây là ý muốn của Thượng Đế. Với cảm giác bấp bênh và khó khăn, thì đối với người ngay chính, cuối cùng tất cả rồi sẽ tốt đẹp.
Nhưng như chúng ta biết, khó khăn vẫn còn ở phía trước; luôn luôn là vậy. Khi gần đến lúc Ma Ri sanh, dân La Mã bắt Giô Sép phải trở về thành Bết Lê Hem. Ma Ri và Giô Sép quyết định là họ sẽ đi cùng nhau. Chúng ta đều yêu thích câu chuyện tuyệt vời về sự Giáng Sinh. Khi họ tới Bết Lê Hem, nhà quán không còn có chỗ ở. Giô Sép chắc hẳn đã cảm thấy lo lắng biết bao. Sao có thể như vậy được? Tại sao Ma Ri, được lựa chọn trong số bao phụ nữ, phải sinh Con Trai của Đấng Tối Cao Nhất trong một chuồng gia súc thô sơ? Việc sinh nở sẽ được suông sẻ hoặc không có biến chứng gì không?
Điều này có thể sẽ rất ngạc nhiên, rất bất công. Nhưng đứa bé đã được sinh ra và khỏe mạnh. Như ca khúc hát mừng Giáng Sinh tuyệt vời thuật lại:: “Hài nhi Chúa Giê Su, ngủ yên trong máng cỏ, chẳng giường chẳng, chăn ấm.”7
Trước khi trời sáng, một thiên sứ đã hiện đến cùng những người chăn chiên trên cánh đồng mang đến tin lành về sự vui mừng lớn lao. Và các thiên sứ cất tiếng hát: “Sáng danh Chúa trên các từng trời rất cao, bình an dưới đất, ân trạch cho loài người.”8
Những người chăn chiên đi đến Bết Lê Hem để tìm hài đồng Giê Su. Và khi họ tìm thấy hài nhi Ky Tô, Giô Sép và Ma Ri chắc hẳn đã cảm thấy an ủi và trấn an biết bao khi họ nhận thấy là có mục đích trong nỗi khó khăn bao quanh họ. Các thiên sứ đã tuyên bố về sự giáng lâm của Ngài và sứ mệnh cao quý của Ngài. Sau khi phải vật lộn và những nỗi bấp bênh, thì đối với người ngay chính, cuối cùng tất cả rồi sẽ tốt đẹp.
Trong tân thế giới, người ngay chính cũng không tránh khỏi những khó khăn, bấp bênh, và lo lắng. Tiên tri Sa Mu Ên đã tiên tri rằng sự giáng sinh của Đấng Cứu Rỗi sẽ xảy ra trong 5 năm tới và rằng sẽ có một điềm triệu về một đêm dài không có bóng tối. Khi đến ngày đó, những sự kiện bất ngờ và dường như không thể xảy ra đã xảy ra. “Những kẻ vô tín ngưỡng [kẻ đã tuyên bố rằng thời gian đã trôi qua] đã ấn định một ngày, mà đến ngày đó, nếu không có điềm triệu gì hiện ra thì tất cả những người tin [rằng Đấng Cứu Rỗi sẽ đến] này sẽ bị xử tử.”9 Những kẻ không tin chế giễu kẻ tin: “Sự vui mừng của các người và đức tin của các người về điều này thật là vô ích.”10 Hãy tưởng tượng cảm giác bồn chồn và lo lắng của người ngay chính. Thánh thư dạy rằng Nê Phi “cúi rạp mình xuống đất kêu cầu hết sức tha thiết lên Thượng Đế để xin cho dân ông.”11 Và trong khi Nê Phi cầu nguyện, “tiếng nói của Chúa đến với ông mà rằng: Con hãy ngẩng đầu vui vẻ đi, vì này, giờ đã đến rồi, và đêm nay điềm triệu sẽ được ban ra, và ngày mai ta sẽ đến với thế gian.”12
Thánh thư khẳng định: “Những lời đã báo trước với Nê Phi đều được ứng nghiệm, … vì này, hôm đó lúc mặt trời lặn vẫn không có bóng tối. … [Và] tất cả mọi người … đều hết sức kinh ngạc, đến đỗi phải ngã lăn xuống đất. … [Và] suốt đêm hôm đó không có bóng tối, và trời vẫn sáng như lúc giữa trưa. … Và họ biết rằng đó là ngày Chúa ra đời.”13
Với tất cả những nỗi khó khăn và cảm giác bấp bênh, đối với những người ngay chính—đối với những người tin cậy nơi Thượng Đế—cuối cùng, cho dù trong cuộc sống này hay khi chúng ta quỳ dưới chân Ngài, tất cả rồi sẽ được tốt đẹp.14
Khi nghĩ về thời khắc thiêng liêng khi Đấng Cứu Rỗi giáng sinh, tại sao Chúa chờ cho đến đúng đêm cuối cùng để cho Nê Phi biết rằng Ngài sẽ được sinh ra vào ngày hôm sau? Ngài đã có thể cho ông biết nhiều tuần hoặc nhiều tháng trước. Tại sao Ngài để cho Ê Li Sa Bét và Xa Cha Ri đến khi luống tuổi vẫn không có con cái trước khi xác nhận rằng họ sẽ sinh ra tiên tri Giăng? Và tại sao Ma Ri cần phải tự hỏi về con đường trước mắt bà và Giô Sép thắc mắc về vị thế của ông trong câu chuyện này trong số bao câu chuyện? Tại sao vai trò của cái máng cỏ và những người chăn chiên và thiên sứ lại không được biết đến cho đến khi các sự kiện này xảy ra?
Trong tiền dương thế, Chúa đã tuyên phán: “Chúng ta sẽ thử thách họ bằng phương tiện này, để xem họ sẽ làm theo tất cả những gì Chúa, Thượng Đế của họ, sẽ truyền lệnh cho họ chăng.”15 Và trong sách Châm Ngôn: “Hãy hết lòng tin cậy Đức Giê Hô Va, Chớ nương cậy nơi sự thông sáng của con; Phàm trong các việc làm của con, khá nhận biết Ngài, thì Ngài sẽ chỉ dẫn các nẻo của con.”16
Trong những lúc bấp bênh của chúng ta, trong những ngày rắc rối và khó khăn, trong những lúc vật lộn, chúng ta hãy luôn trung tín. Chúa Giê Su đã đến vào đêm thánh đó. Ngài là Đấng Cứu Rỗi của thế gian, Hoàng Tử Bình An, Vua của các vua. Ngài hằng sống, và “bao xưa hy vọng kinh hãi đôi đường đến nay gặp [Ngài] giữa đêm trường.”17 Tôi làm chứng rằng khi chúng ta ngay chính, tất cả mọi giọt lệ đau khổ, những nỗi khó khăn, và cảm giác bấp bênh đều sẽ được đáp ứng và làm cho đúng nơi Ngài, Vị Nam Tử yêu dấu của Thượng Đế. “Niềm vui cho thế gian, Chúa đã đến.”18 Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.