Podcast: Play in new window | Embed
Bài của Anh Cả L. Whitney Clayton, thuộc Chủ Tịch Đoàn Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô
Các anh chị em thân mến, buổi tối hôm nay chúng ta quy tụ lại để chia sẻ tình yêu thương về Sự Giáng Sinh và mùa lễ Giáng Sinh. Có điều gì tốt hơn nhạc và các bài ca Giáng Sinh tuyệt vời, những buổi tụ họp của gia đình và bạn bè, những khuôn mặt tươi cười, và niềm vui hân hoan của trẻ em không? Mùa lễ này có một khả năng thiêng liêng để mang chúng ta lại với nhau là gia đình, bạn bè và cộng đồng. Chúng ta mong đợi được trao đổi quà tặng và thưởng thức một bữa ăn liên hoan trong mùa lễ.
Trong câu chuyện A Christmas Carol, do tác giả người Anh Charles Dickens sáng tác, người cháu trai của Scrooge đã mô tả một cách thích hợp bầu không khí kỳ diệu vào thời gian thiêng liêng này trong năm khi nói rằng: ″Tôi đã luôn luôn xem thời gian Giáng Sinh là một mùa tốt lành: một thời gian để có lòng nhân từ, tha thứ, bác ái, vui vẻ: thời gian duy nhất tôi biết, trong suốt năm, khi mà người ta dường như đồng lòng biểu lộ rộng rãi tình yêu thương với nhau, và nghĩ đến người [khác] … như thể họ thực sự là những người bạn cùng đồng hành trong cuộc sống, chứ không phải trong những cuộc hành trình khác. Và do đó … mặc dù tôi không bao giờ nhận được tiền bạc trong mùa lễ này nhưng tôi tin rằng mùa lễ này đã và sẽ có lợi ích cho tôi; và tôi nói, Thượng Đế chúc phúc cho mùa lễ này!” (A Christmas Carol [1858], 5–6).
Với tư cách là một người cha, và bây giờ là người ông, tôi đã nhớ về sự kỳ diệu của lễ Giáng Sinh khi tôi nhìn các con tôi, và bây giờ các cháu tôi, kỷ niệm ngày giáng sinh của Đấng Cứu Rỗi và vui vẻ quây quần bên nhau khi gia đình chúng tôi tụ họp lại. Tôi chắc chắn rằng các anh chị em cũng như tôi đã nhìn thấy niềm vui thuần khiết và vẻ ngây thơ non nớt của trẻ con khi chúng háo hức mong đợi ngày lễ đặc biệt này. Việc nhìn thấy niềm vui của chúng nhắc nhở mỗi chúng ta về lễ Giáng Sinh hạnh phúc đã qua. Một lần nữa chính tác giả Dickens đã quan sát: “Đôi khi là điều tốt để được làm trẻ con, và chưa bao giờ tốt hơn vào dịp lễ Giáng Sinh, khi mà chính Đấng Tạo Hóa đầy quyền năng cũng từng là một hài nhi” (A Christmas Carol, 67).
Tôi lớn lên gần Los Angeles, nơi mà xung quanh nhà của chúng tôi là những khu vườn cam, với cây nặng trĩu trái cam vào thời gian đó của năm. Mỗi dịp Giáng Sinh, vào buổi tối, cha mẹ tôi thường mời gia đình, bạn bè và hàng xóm đến hát những bài ca mừng Giáng Sinh và ăn uống. Đó là một truyền thống tuyệt vời cho tất cả chúng tôi, và việc ca hát dường như kéo dài trong nhiều giờ. Chúng tôi là mấy đứa trẻ thường hát cho đến lúc nào mình cảm thấy phải hát, và sau đó chúng tôi lẻn ra ngoài và chơi dưới những lùm cây cam.
Vợ tôi, Kathy, và tôi cũng nuôi nấng con cái ở miền Nam California, tương đối gần bờ biển. Giáng Sinh ở đó được tiêu biểu với mấy cây cọ đung đưa trong gió. Mỗi năm con cái chúng tôi mong đợi được đi xuống bến cảng để xem tàu thuyền diễu hành hàng năm vào mùa lễ Giáng Sinh. Hàng trăm con tàu đẹp đẽ, lấp lánh với đèn đủ màu, đi vòng quanh bến cảng trong khi chúng tôi nhìn theo đầy kinh ngạc.
Bây giờ vì chúng tôi đang sống ở Salt Lake City, nên Kathy và tôi đã tạo ra một truyền thống là đưa con cháu đi xem vở kịch A Christmas Carol ở địa phương. Mỗi năm, khi chúng tôi xem Ebenezer Scrooge trải qua sự thay đổi kỳ diệu từ một người sống ẩn dật không có lòng nhân từ thành một người hàng xóm vui vẻ tràn đầy niềm vui Giáng Sinh, thì chúng tôi cảm thấy được thúc đẩy để thay đổi giống như Scrooge. Chúng tôi cảm thấy được thúc giục để làm tốt hơn một chút trong cuộc sống của mình để noi theo tấm gương bác ái của Đấng Cứu Rỗi dành cho mọi người.
Tinh thần thay đổi của mùa lễ Giáng Sinh bắt nguồn trong quyền năng cứu chuộc của Chúa Giê Su Ky Tô để thay đổi cuộc sống của chúng ta được tốt hơn. Câu chuyện được yêu thích về sự giáng sinh của Vị Nam Tử của Thượng Đế cách đây hơn hai ngàn năm ở Bết Lê Hem được ghi lại trong sách Lu Ca:
“Lúc ấy, Sê Sa Au Gút Tơ ra chiếu chỉ phải lập sổ dân trong cả thiên hạ. …
“Ai nấy đều đến thành mình khai tên vào sổ.
“Vì Giô Sép là dòng dõi nhà Đa Vít, cho nên cũng từ thành Na Xa Rét, xứ Ga Li Lê, lên thành Đa Vít, gọi là Bết Lê Hem, xứ Giu Đê; …
“Để khai vào sổ tên mình và tên Ma Ri, là người đã hứa gả cho mình đang có thai.
“Đang khi hai người ở nơi đó, thì ngày sanh đẻ của Ma Ri đã đến.
“Người sanh con trai đầu lòng, lấy khăn bọc con mình, đặt nằm trong máng cỏ, vì nhà quán không có đủ chỗ ở.
“Vả, cũng trong miền đó, có mấy kẻ chăn chiên trú ngoài đồng, thức đêm canh giữ bầy chiên.
“Một thiên sứ của Chúa đến gần họ, và sự vinh hiển của Chúa chói lòa xung quanh, họ rất sợ hãi.
“Thiên sứ bèn phán rằng: Đừng sợ chi; vì nầy, ta báo cho các ngươi một Tin Lành, sẽ làm một sự vui mừng lớn cho muôn dân;
“Ấy là hôm nay tại thành Đa Vít đã sanh cho các ngươi một Đấng Cứu thế, là Đấng Ky Tô, là Chúa.
“Nầy là dấu cho các ngươi nhìn nhận Ngài: Các ngươi sẽ gặp một con trẻ bọc bằng khăn, nằm trong máng cỏ.
“Bỗng chúc có muôn vàn thiên binh với thiên sứ đó ngợi khen Đức Chúa Trời rằng:
“Sáng danh Chúa trên các từng trời rất cao, Bình an dưới đất, ân trạch cho loài người!” (Lu Ca 2:1, 3–14).
Vị thiên sứ chắc hẳn đã thấy được nỗi sợ hãi ban đầu của các mục đồng khi vị ấy hiện đến cùng họ, nên đã bảo họ “đừng sợ chi.” Vinh quang đáng kinh ngạc của Thượng Đế, mà tỏa ra từ vị thiên sứ bất ngờ hiện đến, đã thực sự làm cho họ sợ hãi trong lòng. Nhưng tin lành mà vị thiên sứ đã đến để chia sẻ thì lại không có gì phải sợ cả. Vị ấy đã đến để loan báo một phép lạ, mang đến tin lành tột bậc, cho họ biết rằng sự cứu chuộc của nhân loại thật sự đã bắt đầu. Không có một thiên sứ nào khác trước đó hoặc kể từ đó đã loan báo tin vui hơn. Con Trai Độc Sinh của Đức Chúa Cha đã bắt đầu cuộc sống trần thế của Ngài: ″Ấy là hôm nay tại thành Đa Vít đã sanh cho các ngươi một Đấng Cứu thế, là Đấng Ky Tô, là Chúa″ Quả thực, đây là tin lành về niềm vui lớn lao.
Mỗi chúng ta đều có những giây phút trong đời mình khi niềm vui lớn lao mà vị thiên sứ hứa có thể dường như khó đạt được. Tất cả chúng ta đều chịu sự yếu đuối và gian khổ trong cuộc sống— bệnh tật, thất bại, thất vọng, và, cuối cùng, là cái chết. Trong khi nhiều người được phước để sống an toàn về mặt thể chất, thì những người khác lại hiện không được như vậy. Nhiều người gặp khó khăn rất lớn trong việc đáp ứng những đòi hỏi của cuộc sống và bị mất mát về mặt thể chất và tình cảm do khó khăn đó gây ra.
Tuy nhiên, bất kể những gian khổ của cuộc sống, sứ điệp của Chúa ban cho mỗi người chúng ta ngày nay cũng giống như sứ điệp ban cho các mục đồng đang chăn chiên cách đây hai ngàn năm: ″Đừng sợ chi.″ Có lẽ lời phán của vị thiên sứ là đừng sợ thì phù hợp nhiều hơn đối với chúng ta ngày nay hơn là khi lời phán đó trấn an nỗi lo sợ ban đầu của các mục đồng cho sự an toàn của họ trong đêm Giáng Sinh đầu tiên đó. Vị thiên sứ này có phải đã có ý nói cho chúng ta hiểu rằng nhờ vào Đấng Cứu Rỗi nên nỗi sợ hãi sẽ không bao giờ chiến thắng không? để nhấn mạnh thêm rằng nỗi sợ hãi cuối cùng là không bao giờ hợp lý không? để nhắc nhở chúng ta rằng không có vấn đề nào trên trần thế là lâu dài đến mức không ai trong chúng ta sẽ được cứu chuộc không?
Ân tứ vĩ đại nhất được ban cho vào dịp Giáng Sinh sẽ luôn luôn là ân tứ của chính Đấng Cứu Rỗi ban cho chúng ta: Sự bình an trọn vẹn của Ngài. “Ta để sự bình an lại cho các ngươi; ta ban sự bình an ta cho các ngươi; ta cho các ngươi sự bình an chẳng phải như thế gian cho. Lòng các ngươi chớ bối rối và đừng sợ hãi″ (Giăng 14:27). Ngay cả trong một thế giới mà sự bình an dường như ở rất xa, thì ân tứ về sự bình an của Đấng Cứu Rỗi có thể sống trong lòng chúng ta cho dù hoàn cảnh của chúng ta ra sao đi nữa. Nếu chúng ta chấp nhận lời mời gọi của Đấng Cứu Rỗi để noi theo Ngài, thì nỗi sợ hãi lâu dài sẽ bị mãi mãi xua tan. Tương lai của chúng ta đã được bảo đảm. Đây là ″một Tin Lành, sẽ làm một sự vui mừng lớn cho muôn dân.″ Tiên tri Ê Sai đã nhắc nhở chúng ta: ″Đừng sợ, vì ta ở với ngươi; chớ kinh khiếp, vì ta là Đức Chúa Trời ngươi! Ta sẽ bổ sức cho ngươi; phải, ta sẽ giúp đỡ ngươi, lấy tay hữu công bình ta mà nâng đỡ ngươi″ (Ê Sai 41:10).
Vì Đấng Cứu Rỗi giáng sinh cách đây hai ngàn năm ở Bết Lê Hem, nên có hy vọng—và còn nhiều hy vọng nữa. Có sự cứu chuộc, giải thoát, chiến thắng, và thắng lợi. “Kẻ tà ác sẽ thất bại, Người ngay chính sẽ chiến thắng” (“I Heard the Bells on Christmas Day,” Hymns, số 214).Thảo nào đã có muôn vàn thiên sứ bất ngờ xuất hiện như để nhấn mạnh đến lời loan báo của vị thiên sứ về sự giáng sinh của Đấng Cứu Rỗi khi họ hát rằng: Sáng danh Chúa trên các từng trời rất cao, Bình an dưới đất, ân trạch cho loài người!″ Không có một sứ điệp nào có khả năng trấn an như vậy cả. Không có một sứ điệp nào đầy ân trạch cho loài người như vậy cả.
Cầu xin cho mùa lễ này là một mùa lễ tràn đầy bình an và niềm vui cho các anh chị em và người thân của mình, ″vì hôm nay tại thành Đa Vít đã sanh cho chúng ta một Đấng Cứu Thế, là Đấng Ky Tô, là Chúa.″ Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men