Podcast: Play in new window | Embed
Các anh chị em thân mến, lễ Giáng Sinh trong căn nhà thời thơ ấu của tôi được ảnh hưởng mạnh mẽ bởi những truyền thống của quê hương cha mẹ tôi. Mẹ tôi đã di cư đến Hoa Kỳ từ Thụy Điển và cha tôi từ Phần Lan.1 Để chuẩn bị cho lễ Giáng Sinh, chúng tôi trang trí cây thông Giáng Sinh của mình bằng đồ trang trí thủ công, còn mẹ tôi thì nướng bánh suốt cả ngày. Mẹ tôi là họ hàng của Bà Lundgren, bà của Chị Craig. Lễ ăn mừng Đêm Giáng Sinh của chúng tôi bắt đầu với một bữa tiệc thịnh soạn gồm những món ngon truyền thống mà mẹ tôi đã chuẩn bị—thịt viên; bánh gạo; và nhiều loại bánh mì, bánh ngọt và bánh quy. Lễ hội Đêm Giáng Sinh kết thúc với sự xuất hiện của Jultomten—ông già Noel—là người đã mang quà cho tất cả các trẻ em. Nhưng trước khi Jultomten đến, mẹ tôi luôn tập trung anh chị em tôi và tôi để lắng nghe khi cha tôi đọc câu chuyện Giáng Sinh từ Kinh Tân Ước.
Cha tôi là một người trầm tính, một người ít nói cả tiếng mẹ đẻ và tiếng Anh mà ông đã học khi trưởng thành. Ông ấy trung thực một cách hồn nhiên và không bao giờ khoa trương với những lời khen ngợi. Ông ấy không bao giờ nói lời hoa mỹ, và không bao giờ thêm thắt. Vào Đêm Giáng Sinh, ông đọc từ Lu Ca 2. Ông đọc về việc Giô Sép và Ma Ri hành trình đến Bết Lê Hem, sự hiện đến của vị thiên sứ cùng những người chăn chiên, sự giáng sinh của Chúa Giê Su, và Ma Ri suy ngẫm về tất cả những gì đã xảy ra trong lòng bà. Nhưng cha tôi đã không ngừng lại ở đó trong câu 19; ông tiếp tục với câu chuyện về Ma Ri và Giô Sép mang hài đồng Giê Su đến đền thờ ở Giê Ru Sa Lem để dâng của lễ theo như Luật Pháp Môi Se.
Cha tôi đọc:
“Vả, trong thành Giê Ru Sa Lem có một người công bình đạo đức, tên là Si Mê Ôn …
“Đức Thánh Linh đã bảo trước cho người biết mình sẽ không chết trước khi thấy Đấng Christ của Chúa.
“Vậy người cảm bởi Đức Thánh Linh vào đền thờ, lúc có [Ma Ri và Giô Sép] đem con trẻ là Giê Su đến, …
“Thì [Si Mê Ôn] bồng ẵm con trẻ, mà ngợi khen Đức Chúa Trời rằng:
“Lạy Chúa, bây giờ xin Chúa cho tôi tớ Chúa được qua đời bình an, theo như lời Ngài:
“Vì con mắt tôi đã thấy sự cứu vớt của Ngài,
“Mà Ngài đã sắm sửa đặng làm ánh sáng trước mặt muôn dân.”2
Khi đọc đến đến đây, cha tôi luôn ngưng lại một chút. Rồi ông chia sẻ chứng ngôn của mình. Luôn luôn trong cùng một cách ngắn ngủi, ông đã nói bằng tiếng Anh rất nặng: “Cha có thể không có khả năng bồng ẵm hài nhi Giê Su trong tay, nhưng cha biết, cũng giống như Si Mê Ôn đã biết, rằng hài nhi đó là Vị Nam Tử của Thượng Đế, Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của cha. Ngài có thật, và Ngài hằng sống.” Sau lời tuyên bố này, ông nhìn mỗi người chúng tôi với đôi mắt xanh dương thấu suốt và nói với một cái gật đầu dứt khoát: “Và các con cũng có thể biết được điều đó.”
Cha mẹ tôi biết hài nhi ở Bết Lê Hem là ai và Ngài sẽ lớn lên để hoàn thành điều gì. Sự hiểu biết này đã biến đổi họ. Cha mẹ tôi không chỉ mong muốn rằng lũ trẻ chúng tôi sẽ tin vào lời của họ3 mà còn mong muốn chúng tôi sẽ tiến đến việc tự mình biết rằng chúng tôi cũng có thể được biến đổi. Được thúc giục bởi chứng ngôn của cha mẹ tôi, tôi bước vào con đường giao ước với một ước muốn để “cũng biết được điều đó.”
Khi tôi 11 tuổi, gia đình chúng tôi sống ở Göteborg, Thụy Điển. Vị chủ tịch phái bộ truyền giáo đã mời tất cả các em giới trẻ đọc Sách Mặc Môn. Về cơ bản tôi không có tên trong lời mời, nhưng anh trai tôi là một thầy trợ tế vào lúc đó, và anh ấy đã chấp nhận lời mời. Tôi luôn muốn được giống như anh trai tôi và làm điều anh ấy đã làm, vì vậy tôi đã tham gia. Cha mẹ tôi đã đưa cho mỗi anh chị em tôi và tôi một bộ thánh thư riêng, và tôi bắt đầu đọc mỗi buổi tối.
Một vài tháng sau, Chủ Tịch Gösta Malm, một cố vấn trong chủ tịch đoàn phái bộ truyền giáo,4 đã khuyến khích giới trẻ đang đọc Sách Mặc Môn nên cầu vấn Thượng Đế về lẽ trung thực của sách đó. Tôi quyết định sẽ làm điều đó. Đêm đó, tôi chờ cho đến khi anh trai tôi chìm vào giấc ngủ. Tôi leo ra khỏi giường, quỳ xuống sàn nhà lạnh lẽo, và bắt đầu cầu nguyện. Chẳng bao lâu, tôi cảm thấy như thể tôi được cho biết: “Ta đã luôn phán bảo với con rằng sách đó là chân chính.” Và cùng với điều đó, một sự bình an không thể diễn tả được đã đến với tôi. Tôi tự mình biết bởi quyền năng của Đức Thánh Linh rằng Sách Mặc Môn là chân chính.5
Cũng giống như đã được hứa trong Lời Giới Thiệu Sách Mặc Môn, tôi cũng sẽ nhờ “bởi [quyền năng của Đức Thánh Linh] mà biết được rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi của thế gian, rằng Joseph Smith là vị … tiên tri của Ngài trong những ngày sau cùng này và rằng Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô là vương quốc của Chúa một lần nữa đã được thiết lập lại trên thế gian để chuẩn bị cho Ngày Tái Lâm của Đấng Mê Si.”6 Sự hiểu biết đó, được kết hợp với các lời chứng sau đó, đã biến đổi tôi, cũng giống như đã biến đổi cha mẹ tôi.
Sự hiểu biết này—rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Vị Nam Tử của Thượng Đế và Ngài đã bị đóng đinh trên thập tự giá vì tội lỗi của thế gian—là một ân tứ thuộc linh.7 Ân tứ này không gắn với một chức phẩm chức tư tế cụ thể hay một giới tính cụ thể; thay vì thế, ân tứ này có sẵn cho tất cả những người hội đủ điều kiện để nhận được nó. Chúng ta không được yêu cầu mang đến vàng, nhũ hương và một dược để hội đủ điều kiện cho ân tứ thuộc linh tuyệt vời này. Chúng ta được yêu cầu phải tự hiến dâng bản thân mình.8 Vị tiên tri trong Sách Mặc Môn là A Ma Lê Ki đã khẩn nài với dân chúng rằng: “Và giờ đây … tôi mong rằng các người hãy đến cùng Đấng Ky Tô, là Đấng Thánh của Y Sơ Ra Ên, và chia sẻ sự cứu rỗi của Ngài cùng quyền năng cứu chuộc của Ngài. Phải, các người hãy đến cùng Ngài, và hãy dâng tất cả tâm hồn mình như một của lễ hiến dâng lên Ngài … ; và như Chúa là Đấng hằng sống, các người sẽ được cứu.”9
Khi lớn lên, tôi thấy cha mẹ tôi phục vụ người khác. Tôi thấy họ tuân giữ các giao ước mà họ đã lập với Thượng Đế. Tôi thấy họ siêng năng thực hiện công việc giảng dạy tại gia và thăm viếng giảng dạy, cố gắng phục sự những người họ phục vụ. Tôi thấy họ tham gia vào các giáo lễ đền thờ và chấp nhận những sự kêu gọi trong Giáo Hội. Và mỗi năm, vào Đêm Giáng Sinh, cha tôi đã làm chứng với Si Mê Ôn về Đấng Cứu Rỗi Chúa Giê Su Ky Tô. Trong nhiều năm, cha tôi đã đưa ra lời mời để “cũng biết được điều đó” cho các con dâu rể và các cháu.
Nhiều thập niên sau kinh nghiệm thời niên thiếu của tôi với Sách Mặc Môn, tôi đã được tán trợ với tư cách là Thầy Bảy Mươi Có Thẩm Quyền Trung Ương và được chỉ định để nói chuyện trong đại hội trung ương. Các chị em của tôi chắc chắn rằng người cha 92 tuổi của tôi có thể xem đại hội—và đặc biệt là bài nói chuyện của tôi. Sau đại hội trung ương, tôi đi về nhà của ông. Tôi hỏi: “Cha ơi, cha có xem đại hội không?” Ông đáp: “Có chứ.” Tôi hỏi: “Cha có nghe bài nói chuyện của con không?” Ông đáp: “Có chứ.” Với một chút bực bội, tôi buột miệng: “Cha ơi, vậy thì cha đã nghĩ gì về bài nói chuyện đó?” Ông đáp: “Ồ bài nói chuyện hay lắm. Cha gần như hãnh diện.”
Sau một lúc lâu, ông nói: “Dale, cha có một điều mà cha cần phải nói cho con biết.” Sau đó tôi nhận ra rằng trong khi tôi đang mong đợi một lời khen, thì cha tôi đã bận tâm đến một điều gì đó quan trọng hơn nhiều so với việc khen ngợi tôi. Ông nói tiếp: “Đêm qua cha đã có một giấc mơ. Cha mơ mình đã chết, và cha trông thấy Đấng Cứu Rỗi. Ngài ôm cha vào lòng và phán bảo cha rằng tội lỗi của cha đã được tha thứ. Và cha cảm thấy thật tuyệt.” Đó là tất cả những gì cha tôi nói thành lời. Nhưng vẻ mặt của ông nói lên rất nhiều điều; ông biết Chúa Giê Su Ky Tô. Ông biết rằng hài nhi ở Bết Lê Hem, là người “khôn ngoan càng thêm, thân hình càng lớn, càng được đẹp lòng Đức Chúa Trời và người ta,”10 là sự cứu rỗi của ông, rằng Vị Nam Tử của Thượng Đế đã lớn lên và chuộc tội lỗi cho ông. Và cha tôi biết điều đó từ lâu trước giấc mơ này. Giấc mơ đó đơn giản là một tấm lòng thương xót dịu dàng—một ân tứ—từ Cha Thiên Thượng nhân từ cho một ông lão, là người đã qua đời hai tháng sau đó. Trong tất cả những món quà Giáng Sinh tôi từng nhận được, tôi trân quý nhất món quà về chứng ngôn và đức tin mà cha mẹ tôi đã nêu gương.
Giáng Sinh này, hãy cầu xin Cha Thiên Thượng ban cho ân tứ thuộc linh về việc biết được tính xác thực hằng sống của Đấng Cứu Rỗi của thế gian. Mùa Giáng Sinh là một thời gian tuyệt vời và phù hợp để học hỏi về cuộc sống của Ngài và cố gắng noi theo đặc tính và thuộc tính của Ngài. Khi làm như vậy, anh chị em có thể biết rằng Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế, và Ngài đã chuộc tội lỗi của anh chị em. Sự hiểu biết này tốt đẹp hơn và lâu dài hơn bất cứ món quà nào mà Jultomten có thể mang đến cho anh chị em, vì nó có thể biến đổi anh chị em. Anh chị em sẽ biết được rằng Đấng Cứu Rỗi yêu thích phục hồi điều mà anh chị em không thể phục hồi, chữa lành những vết thương mà anh chị em không thể chữa lành, sửa chữa những gì đã bị phá vỡ không thể sửa chữa, bù đắp cho những bất công mà anh chị em đã trải qua, và thậm chí hàn gắn vĩnh viễn những tấm lòng tan vỡ.
Cũng giống như người cha trần thế của tôi, tôi biết rằng tôi sẽ không thể ôm hài nhi Giê Su vào lòng, nhưng tôi biết, cũng giống như Si Mê Ôn đã biết, rằng hài nhi đó là Vị Nam Tử của Thượng Đế, Đấng Cứu Rỗi của tôi và Đấng Cứu Rỗi của anh chị em, Đấng Cứu Chuộc của tôi và Đấng Cứu Chuộc của anh chị em. Ngài có thật, và Ngài hằng sống. Và anh chị em cũng có thể biết được điều đó. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.