Podcast: Play in new window | Embed
Đệ Nhất Cố Vấn trong Đệ Nhất Chủ Tịch Đoàn năm 2010
Chúng ta hãy làm bất cứ điều gì cần thiết để hội đủ điều kiện có được Đức Thánh Linh là bạn đồng hành của mình.
Tôi biết ơn cơ hội được hiện diện với các anh em là những người được Thượng Đế tôn trọng để nắm giữ chức tư tế của Ngài. Chúng ta được kêu gọi để sử dụng quyền năng thiêng liêng nhằm phục vụ con cái của Cha Thiên Thượng. Việc chúng ta thi hành bổn phận đó tốt như thế nào sẽ mang lại kết quả vĩnh cửu đối với những người mà chúng ta được kêu gọi phục vụ, đối với chúng ta và đối với các thế hệ chưa sinh ra.
Tôi trân trọng tưởng nhớ đến hai người mang chức tư tế đã hội đủ điều kiện để nhận được Thánh Linh của Thượng Đế để cùng với họ làm công việc Chúa đã kêu gọi họ làm. Họ tự tìm ra phúc âm phục hồi ở nước Mỹ. Họ là tôi tớ của Chúa và là những người đầu tiên nói về phúc âm đó cho hai tổ tiên của tôi.
Một trong hai tổ tiên đó là một thiếu nữ sống trong một nông trại nhỏ ở Thụy Sĩ. Người kia là một thiếu niên, mồ côi cha mẹ và di cư đến Hoa Kỳ từ nước Đức, sống ở St. Louis, Missouri.
Cả hai người đều nghe một người nắm giữ chức tư tế làm chứng về phúc âm phục hồi—người thiếu nữ nghe lời chứng đó cạnh bên lò sưởi trong căn nhà nhỏ của mình ở Thụy Sĩ, và người thiếu niên nghe lời chứng đó khi ngồi trên ban công của một hội trường mướn ở Mỹ. Qua Thánh Linh, họ biết rằng sứ điệp mà các anh cả đó mang đến cho họ là chân chính.
Thiếu niên và thiếu nữ đó chọn chịu phép báp têm. Hai người gặp nhau lần đầu tiên trên con đường mòn bụi bậm nhiều năm về sau, đi bộ hằng trăm kilômét đến vùng núi ở Miền Tây Hoa Kỳ. Trong khi cùng đi với nhau thì họ nói chuyện. Họ nói chuyện về một phước lành kỳ diệu mà trong số tất cả những người trên khắp thế giới, các tôi tớ của Thượng Đế đã tìm ra họ và còn hơn thế nữa, họ đã biết là sứ điệp của những người truyền giáo là chân chính.
Họ yêu nhau và kết hôn với nhau. Và nhờ vào chứng ngôn về Thánh Linh bắt đầu từ khi họ nghe những lời của những người nắm giữ chức tư tế dưới ảnh hưởng của Đức Thánh Linh, họ được làm lễ gắn bó bởi quyền năng của chức tư tế cho thời vĩnh cửu. Tôi là một trong số hằng chục ngàn con cháu của người thiếu niên và thiếu nữ đó, là những người đã ban phước tên của hai người nắm giữ chức tư tế đã mang theo ảnh hưởng của Thánh Linh của Thượng Đế khi họ leo lên đồi ở Thụy Sĩ và đứng lên nói chuyện trong buổi họp đó ở St. Louis.
Câu chuyện hạnh phúc đó cũng như hằng triệu câu chuyện giống như vậy, được lặp lại trên khắp thế giới và sẽ được lặp lại trong nhiều thế hệ nữa. Đối với một số người, đó sẽ là câu chuyện về một người thầy giảng tại gia trẻ tuổi đã nói những lời làm khơi dậy nơi ông nội của mình ước muốn để trở lại Giáo Hội. Đối với một số người, đó sẽ là những lời an ủi và phước lành từ một vị tộc trưởng khuyến khích cho mẹ của mình khi thảm cảnh hầu như vùi dập lấy bà.
Những câu chuyện đó đều sẽ có một đề tài chung. Đề tài đó là quyền năng của một người nắm giữ chức tư tế để phục vụ và ban phước nhờ quyền năng của Đức Thánh Linh để làm cho vinh hiển.
Vậy nên sứ điệp của tôi dành cho chúng ta buổi tối hôm nay là như sau: Chúng ta hãy làm bất cứ điều gì cần thiết để hội đủ điều kiện có được Đức Thánh Linh là bạn đồng hành của mình và rồi hãy mạnh dạn tiến bước để chúng ta sẽ được ban cho quyền năng để làm bất cứ điều gì Chúa kêu gọi chúng ta làm. Sự tăng trưởng đó trong quyền năng để phục vụ có thể đến từ từ, có thể đến từng bước nhỏ rất khó cho các anh em thấy, nhưng nó sẽ đến.
Buổi tối hôm nay, tôi sẽ đưa ra một vài đề nghị để có thể hội đủ điều kiện có được sự đồng hành của Đức Thánh Linh trong khi các anh em phục vụ với chức tư tế. Sau đó, tôi sẽ đưa ra một vài tấm gương phục vụ với chức tư tế mà trong đó các anh em có thể kỳ vọng thấy được các khả năng phục vụ của mình được ảnh hưởng của Thánh Linh củng cố.
Chúng ta biết rằng lễ xác nhận của Giáo Hội ban cho chúng ta ân tứ Đức Thánh Linh. Nhưng sự đồng hành của Đức Thánh Linh, những biểu hiện của ân tứ đó trong cuộc sống và sự phục vụ của chúng ta, đòi hỏi chúng ta phải sống xứng đáng để hội đủ điều kiện đó.
Chúng ta trau dồi các ân tứ thuộc linh bằng cách tuân giữ các lệnh truyền và cố gắng sống một cuộc sống thanh sạch. Điều đó đòi hỏi đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô để hối cải và được thanh tẩy nhờ vào Sự Chuộc Tội của Ngài. Như vậy, với tư cách là những người nắm giữ chức tư tế, chúng ta sẽ không bao giờ bỏ lỡ cơ hội để hết lòng tham gia vào lời hứa được ban cho trong mỗi buổi lễ Tiệc Thánh dành cho các tín hữu của Giáo Hội phục hồi để “mang danh Con của Cha, và luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài, cùng tuân giữ các giáo lệnh mà Ngài đã ban cho họ, để họ có thể luôn được Thánh Linh của Ngài ở cùng họ”1
Giống như chúng ta cần phải được thanh tẩy khỏi tội lỗi để có được Thánh Linh ở cùng với mình, chúng ta cũng phải có đủ khiêm nhường trước mặt Thượng Đế để nhìn nhận là chúng ta cần có điều đó. Các môn đồ của Đấng Cứu Rỗi phục sinh đã cho thấy lòng khiêm nhường đó như đã được ghi trong Sách Mặc Môn.
Đấng Cứu Rỗi chuẩn bị họ cho giáo vụ của họ. Họ quỳ xuống trên đất để cầu nguyện. Đây là lời tường thuật: “Và họ cầu xin điều mà họ mong muốn nhất; họ mong muốn được ban cho Đức Thánh Linh.”2 Họ chịu phép báp têm như các anh em đã chịu phép báp têm. Và biên sử chép rằng, để đáp lại lời khẩn nài của họ, họ được dẫy đầy Đức Thánh Linh và lửa.
Đấng Cứu Rỗi cầu nguyện lớn tiếng để cảm tạ Cha Ngài đã ban Đức Thánh Linh cho những người Ngài đã chọn nhờ vào niềm tin của họ nơi Ngài. Và rồi Đấng Cứu Rỗi đã cầu xin một phước lành thuộc linh cho những người mà họ đang phục vụ. Chúa khẩn nài với Cha Ngài: “Con cầu xin Cha ban Đức Thánh Linh cho tất cả những ai sẽ tin vào những lời nói của họ.”3
Là các tôi tớ khiêm nhường của Đấng Cứu Rỗi, chúng ta cần phải cầu nguyện để có được sự biểu hiện của Đức Thánh Linh đến với chúng ta trong khi chúng ta phục vụ và đến với những người mình phục vụ. Lời cầu nguyện khiêm nhường dâng lên Cha Thiên Thượng, với đức tin sâu đậm nơi Chúa Giê Su Ky Tô, là thiết yếu để chúng ta có thể hội đủ điều kiện có được sự đồng hành của Đức Thánh Linh.
Lòng khiêm nhường và đức tin của chúng ta để thỉnh mời các ân tứ thuộc linh được gia tăng bằng việc chúng ta đọc, học và suy ngẫm thánh thư. Chúng ta đều đã nghe những lời đó. Tuy nhiên, chúng ta có lẽ đọc một vài dòng hay vài trang thánh thư mỗi ngày và hy vọng rằng điều đó sẽ là đủ.
Nhưng việc đọc, học và suy ngẫm thánh thư thì không giống nhau. Chúng ta đọc những từ và chúng ta có lẽ hiểu được khái niệm. Chúng ta học và khám phá ra mẫu mực và những điều liên quan trong thánh thư. Nhưng khi suy ngẫm, chúng ta mời mọc sự mặc khải qua Thánh Linh. Đối với tôi, suy ngẫm là suy nghĩ và cầu nguyện sau khi tôi đã đọc và học kỹ thánh thư rồi.
Đối với tôi, Chủ Tịch Joseph F. Smith đã nêu gương về cách suy ngẫm có thể mời mọc ánh sáng từ Thượng Đế như thế nào. Điều đó đã được ghi trong Tiết 138 của sách Giáo Lý và Giao Ước. Ông đã đọc và học nhiều trong thánh thư, cố gắng tìm hiểu về ảnh hưởng của Sự Chuộc Tội của Đấng Cứu Rỗi sẽ tìm đến những người đã chết mà chưa bao giờ nghe sứ điệp của Ngài như thế nào. Đây là lời tường thuật của ông về sự mặc khải đã đến như thế nào: “Trong khi tôi đang suy ngẫm về những điều đã viết này, thì mắt hiểu biết của tôi được mở ra, và Thánh Linh của Chúa ngự trên tôi, và tôi thấy muôn triệu kẻ chết, cả nhỏ và lớn.”4
Sự hối cải, cầu nguyện và suy ngẫm thánh thư là những phần thiết yếu cho việc chúng ta được hội đủ điều kiện nhận được các ân tứ của Thánh Linh trong khi chúng ta phục vụ với chức tư tế. Khả năng phục vụ của chúng ta sẽ được làm cho vinh hiển thêm khi chúng ta đáp ứng với đức tin để tiến bước trong những sự kêu gọi của mình với sự giúp đỡ của Đức Thánh Linh.
Chủ Tịch Thomas S. Monson đã nói điều đó với chúng ta như sau: “Việc làm vinh hiển sự kêu gọi [của các anh em] là gì? Điều đó có nghĩa là gia tăng phẩm cách của sự kêu gọi của các anh em …, nới rộng và củng cố sự kêu gọi để cho ánh sáng của thiên thượng rực chiếu qua sự kêu gọi của các anh em cho những người khác thấy. Và một người làm vinh hiển sự kêu gọi như thế nào? Chỉ bằng cách phục vụ có liên quan đến sự kêu gọi đó.”5
Tôi sẽ đề nghị hai sự phục vụ mà chúng ta đã được kêu gọi để thực hiện. Khi thực hiện hai sự phục vụ này dưới ảnh hưởng của Thánh Linh, các anh em và những người khác sẽ thấy được khả năng phục vụ của mình được củng cố và làm vinh hiển.
Sự phục vụ đầu tiên là với tư cách là người đại diện của Ngài để giảng dạy và làm chứng với những người khác thay cho Ngài. Chúa gồm người trẻ tuổi nhất và người ít kinh nghiệm nhất trong số những người nắm giữ chức tư tế A Rôn vào sự kêu gọi phục vụ đó. Sau khi mô tả những bổn phận của các thầy tư tế trong Chức Tư Tế A Rôn, Ngài phán:
“Nhưng cả thầy giảng lẫn thầy trợ tế đều không có thẩm quyền để làm phép báp têm, ban phước lành Tiệc Thánh, hay làm phép đặt tay;
“Tuy nhiên, họ phải cảnh cáo, giải nghĩa, khuyên nhủ, giảng dạy, và mời mọi người đến cùng Đấng Ky Tô.”6
Ở một nơi nào đó trên thế giới, vào tuần này, sẽ có một thầy trợ tế được chủ tịch nhóm túc số của người ấy yêu cầu mời một thành viên lâu ngày không gặp của nhóm túc số của mình đến buổi họp. Người chủ tịch 13 tuổi có lẽ không dùng những từ “cảnh cáo, khuyên nhủ, giảng dạy,” nhưng đó là điều mà Chúa trông mong nơi người thầy trợ tế đã được chỉ định để đi giải cứu.
Tôi sẽ đưa ra ba lời hứa cho người thầy trợ tế đã nhận được sự kêu gọi đó. Trước hết, khi em cầu nguyện để được giúp đỡ, thì Thánh Linh sẽ trấn an nỗi lo sợ của em. Thứ hai, em sẽ ngạc nhiên thấy rằng mình biết điều phải nói khi em đến căn nhà của em kia và trong khi đi đến nhà thờ. Điều em nói có thể dường như vô nghĩa đối với em kia. Nhưng em sẽ cảm thấy rằng những lời được ban cho em vào lúc ấy là những lời em cần. Và thứ ba, em sẽ cảm thấy được sự chấp thuận của Chúa, là Đấng đã kêu gọi em qua người chủ tịch của em, dù kết quả có ra sao đi nữa.
Tôi không thể hứa sẽ có được thành công nào vì mỗi người được tự do chọn cách họ đáp ứng với một tôi tớ của Thượng Đế. Nhưng người thầy trợ tế mà em nói chuyện thay cho Chúa sẽ nhớ là em đã đến với em ấy. Tôi biết một thiếu niên, bây giờ là một người đàn ông không tích cực trong Giáo Hội, đã nói với ông nội của mình về một cuộc viếng thăm như vậy cách đây 20 năm. Và dường như điều đó không có hiểu quả gì mặc dù người ấy còn kể ra tên của người thầy trợ tế đã đến thăm nữa. Ông nội của người ấy đã yêu cầu tôi tìm ra và cám ơn người thầy trợ tế là người đã được kêu gọi đến mời, khuyên nhủ và giảng dạy. Đó chỉ là một ngày trong cuộc đời của một thiếu niên, nhưng một người ông và Chúa vẫn nhớ đến những lời mà em ấy đã được soi dẫn để nói và nhớ tên của em ấy.
Tôi khuyên nhủ tất cả chúng ta, già lẫn trẻ, là những người đã được kêu gọi để nói chuyện tại một buổi họp trong danh của Chúa, hãy loại bỏ những cảm nghĩ nghi ngờ về bản thân mình và việc không xứng đáng. Chúng ta không cần phải sử dụng những lời lẽ hùng hồn hoặc bày tỏ những hiểu biết sâu xa. Những lời chứng ngôn giản dị là đủ rồi. Thánh Linh sẽ ban cho các anh em những điều để nói và sẽ truyền những lời ấy vào tâm hồn của những người khiêm nhường đang tìm kiếm lẽ thật từ Thượng Đế. Nếu chúng ta tiếp tục cố gắng nói thay cho Chúa, thì một ngày nào đó chúng ta sẽ ngạc nhiên để biết rằng chúng ta đã cảnh cáo, khuyên nhủ, giảng dạy và mời gọi với sự giúp đỡ của Thánh Linh để ban phước cho những người khác, vượt xa hơn bất cứ quyền năng nào của chính mình.
Ngoài sự kêu gọi để giảng dạy, tất cả chúng ta còn sẽ được Chúa gửi đi giúp đỡ những người đang gặp hoạn nạn. Đó là một sự phục vụ khác của chức tư tế mà trong đó chúng ta sẽ cảm nhận được ảnh hưởng của Thánh Linh làm gia tăng khả năng phục vụ của chúng ta. Các anh em sẽ tự thấy mình có khả năng hơn để nhận ra nỗi đau đớn và lo âu trên gương mặt của những người khác. Tên hoặc gương mặt của những người trong nhóm túc số của mình sẽ đến với tâm trí của các anh em với ấn tượng rằng họ đang gặp hoạn nạn.
Các vị giám trợ có được cảm nghĩ đó đến với họ vào ban đêm và mỗi khi họ ngồi trên bục chủ tọa nhìn vào các tín hữu trong tiểu giáo khu của mình hoặc nghĩ về những người không có mặt ở đó. Điều đó có thể xảy đến với họ khi họ thấy mình đến một bệnh viện hoặc một trung tâm an dưỡng. Hơn một lần, tôi đã nghe những lời nói như sau khi tôi bước ngang qua cửa: “Ồ, tôi biết thế nào anh cũng đến.”
Chúng ta không cần phải lo lắng về việc biết điều gì đúng để nói hoặc làm khi chúng ta đến đó. Tình yêu thương của Thượng Đế và Đức Thánh Linh có thể là đủ cho chúng ta rồi. Khi tôi còn là một thiếu niên, tôi đã sợ rằng sẽ không biết phải làm hoặc nói điều gì để giúp những người khác đang gặp hoạn nạn.
Có lần tôi đang ở trong bệnh viện, bên cạnh giường của cha tôi khi ông dường như đang hấp hối. Tôi nghe có tiếng ồn ào của những người y tá ngoài hành lang. Bất ngờ, Chủ Tịch Spencer W. Kimball bước vào phòng và ngồi vào một cái ghế đối diện với cái giường bên cạnh tôi. Tôi tự nghĩ: “Đây là cơ hội của mình để quan sát và lắng nghe một người thầy đến với những người đang đau đớn và khổ sở.”
Chủ Tịch Kimball hỏi han vài lời, hỏi Cha tôi là ông đã nhận được một phước lành của chức tư tế chưa, và Cha tôi nói là đã nhận được rồi, vị tiên tri ngồi vào ghế của mình.
Tôi chờ đợi sự biểu lộ kỹ năng an ủi mà tôi cảm thấy mình thiếu sót và rất cần. Sau khi có lẽ năm hoặc mười phút ngồi nhìn hai người chỉ lặng lẽ nhìn nhau mỉm cười, thì Chủ Tịch Kimball đứng dậy và nói: “Henry, tôi nghĩ rằng tôi phải về trước khi chúng tôi làm cho anh mệt.”
Tôi nghĩ tôi đã học hụt bài học, nhưng về sau tôi đã học được bài học đó. Trong một lần trò chuyện dịu dàng với Cha tôi sau khi ông bình phục đủ để về nhà, cuộc chuyện trò của chúng tôi xoay đến lần viếng thăm của Chủ Tịch Kimball. Cha tôi nhỏ nhẹ nói: “Trong số tất cả những người đến thăm Cha, thì lần viếng thăm đó của chủ tịch đã nâng cao tinh thần của cha nhiều nhất.”
Chủ Tịch Kimball đã không nói nhiều lời an ủi hay là tôi đã không thể nghe thấy, nhưng ông đến với Thánh Linh của Chúa là bạn đồng hành của ông để an ủi. Giờ đây, tôi biết rằng ông đã cho thấy bài học như Chủ Tịch Monson dạy: “Một người làm vinh hiển sự kêu gọi như thế nào? Chỉ bằng cách phục vụ có liên quan đến sự kêu gọi đó.”
Thật đúng như thế cho dù chúng ta được kêu gọi để giảng dạy phúc âm qua Thánh Linh hoặc cùng với Đức Thánh Linh đến với những người có đầu gối suy nhược và bàn tay rũ rượi.7 Sự phục vụ với chức tư tế của chúng ta sẽ được củng cố, các tín hữu sẽ được ban phước và ánh sáng của thiên thượng sẽ có ở đó. Ánh sáng của thiên thượng sẽ có ở đó cho chúng ta cũng như cho những người chúng ta phục vụ. Chúng ta có thể mệt mỏi. Những điều phiền toái của chúng ta và của gia đình chúng ta có lẽ sẽ làm bận tâm chúng ta. Nhưng có một phước lành đầy khích lệ cho những người nào phục vụ dưới ảnh hưởng của Thánh Linh.
Chủ Tịch George Q. Cannon đã chịu nhiều nỗi buồn khổ, chống đối và thử thách trong những năm tháng phục vụ với chức tư tế của ông. Ông cũng đã có kinh nghiệm với Đức Thánh Linh là bạn đồng hành của ông trong những lúc khó khăn và phục vụ gay go. Đây là lời ông nói quả quyết với chúng ta trong sự phục vụ với chức tư tế của chúng ta, trong Giáo Hội và trong gia đình chúng ta. Đối với tôi, lời hứa đó là chân chính khi tôi cảm nhận được Thánh Linh trong sự phục vụ với chức tư tế của tôi. “Bất cứ khi nào bóng tối tràn ngập tâm trí mình, thì chúng ta có thể biết được rằng mình không có được Thánh Linh của Thượng Đế… Khi chúng ta được đầy dẫy Thánh Linh của Thượng Đế, chúng ta được tràn đầy niềm vui, bình an và hạnh phúc, dù hoàn cảnh của chúng ta có thể ra sao đi nữa; vì đó chính là tinh thần vui vẻ và hạnh phúc. Chúa đã ban cho chúng ta ân tứ Đức Thánh Linh. Đặc ân của chúng ta là có được Đức Thánh Linh ngự bên trong chúng ta, để từ sáng đến tối và từ tối đến sáng chúng ta sẽ có được niềm vui, ánh sáng và sự mặc khải của Đức Thánh Linh.”8
Chúng ta có thể trông mong sẽ có được phước lành về hạnh phúc và niềm vui đó khi chúng ta cần phước lành đó vào những lúc khó khăn trong sự phục vụ trung tín với chức tư tế.
Tôi làm chứng rằng chúng ta được Thượng Đế kêu gọi bằng lời tiên tri. Đây là Giáo Hội chân chính của Chúa Giê Su Ky Tô đã được phục hồi qua Tiên Tri Joseph Smith. Thượng Đế hằng sống và nghe mỗi lời cầu nguyện của chúng ta. Chúa Giê Su là Đấng Ky Tô phục sinh và Đấng Cứu Rỗi của chúng ta. Các anh em có thể biết được những điều này là chân chính nhờ quyền năng của Đức Thánh Linh mà sẽ đến với các anh em trong sự phục vụ của mình. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.