Podcast: Play in new window | Embed
Thuộc Chủ Tịch Đoàn Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi
Vào một dịp Giáng Sinh khác, nhưng ở một nơi khác cách xa, rất xa nơi này, cha tôi, Norman Nielson, là một thanh niên rất trẻ đang phục vụ năm thứ hai trong số bốn năm chiến đấu ở mặt trận Thái Bình Dương của Thế Chiến Thứ Hai. Ông là một chuyên gia phòng không sống trong rừng ở Papua New Guinea. Đây là ảnh ông đang đứng ở trước lều. Vào ngày Lễ Giáng Sinh năm 1943, ông viết bức thư này gửi về nhà cho người mẹ góa của mình: “Như mẹ thấy ngày đề trong bức thư này, hôm nay là lễ Giáng Sinh. Con thức dậy vào 7 giờ sáng, ăn sáng, rồi làm việc cho đến 3 giờ chiều thì con đi xuống suối để giặt quần áo và tắm rửa. Bữa tối hôm nay chúng con có một khẩu phần rất nhỏ thịt gà tây, một ít khoai lang, bắp, nước sốt, và bánh nướng nho khô. Con sẽ rất thích nếu được ở nhà với mẹ và gia đình, đặt chân dưới gầm bàn và được ăn lại tất cả những món mà chúng ta từng có khi cả nhà mình ở bên nhau cách đây vài năm. Chúng con cảm thấy thất vọng vì những gói quà Giáng Sinh đã không đến trước lễ Giáng Sinh. Nhiều người trong chúng con không nhận được món quà Giáng Sinh nào cả. Con nhớ mẹ có nói nhiều lần là ta sẽ không bao giờ thấy thiếu nước cho đến khi giếng nước đã cạn.”
Năm vừa qua vợ tôi là Marcia và chị tôi là Susan đã viết lại lịch sử bốn năm chiến đấu của cha tôi trong Thế Chiến Thứ Hai. Họ thu thập tất cả những bức thư mà ông đã gửi về nhà cho mẹ mình. Phải nói rằng khi tôi đọc bức thư Giáng Sinh ảm đạm này, tôi đã cảm thấy hơi khó tin. Mặc dù câu chuyện này có vẻ như tầm thường đối với anh chị em, nhưng vì đây là cha tôi, là người mà tôi yêu thương, nên tôi muốn bằng cách nào đó thay đổi những sự kiện trong Ngày Giáng Sinh đó. Tôi thốt lên trong lòng: “Làm sao chàng thanh niên này từ Idaho có thể chịu đựng bao nhiêu đau khổ như vậy?” Cha ông qua đời vì nhồi máu cơ tim khi ông chỉ mới 12 tuổi. Ông được người mẹ góa nuôi dạy, rồi ông nhập ngũ, và bây giờ thì đang sống trong rừng giữa một trận chiến khủng khiếp. Ít nhất ông cũng có thể nhận được một món quà Giáng Sinh chứ? Khi tôi suy ngẫm về hoàn cảnh của ông, tôi cảm thấy Thánh Linh đang mách bảo tôi: “Brent, con biết câu chuyện này có kết cục ra sao rồi. Cha con cuối cùng đã nhận được món quà quan trọng nhất và đã sống một cuộc đời tràn đầy đức tin với Giáng Sinh là thời gian ông ưa thích nhất trong năm.”
Khi đọc kỹ hơn lịch sử của cha tôi, tôi đã bắt gặp một trong những bức thư cuối cùng ông gửi về nhà cho mẹ mình vào tháng Hai năm 1945. Trong bốn năm ông phục vụ, dưới sự lãnh đạo của Tướng Douglas MacArthur, ông đã chiến đấu từ Darwin, Úc, đến Papua New Guinea, đến Leyte Gulf ở Philippines, và cuối cùng là đến Manila, Philippines, nơi ông đã kết thúc nghĩa vụ quân sự và trở về nhà. Hầu hết thời gian ông phục vụ trong chiến tranh đều không có các buổi nhóm họp của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, nhưng một khi đến Philippines vào cuối thời gian phục vụ của ông, ông đã có thể tìm được một buổi nhóm họp của Giáo Hội. Sau khi tham dự buổi họp đó, ông đã viết bức thư thú vị này gửi về nhà cho mẹ ông: “Hôm qua con đi nhà thờ, nhưng con không quan tâm đến bài nói chuyện cho lắm. Mẹ ơi, có nhiều thứ dường như rất tầm thường đối với con bây giờ mà trước đây đã rất quan trọng. Con không có ý nói là niềm tin của con nơi Thượng Đế, niềm tin đó vẫn mạnh mẽ hơn bao giờ hết, nhưng con trông cậy vào Thượng Đế như là một Đấng nhân từ và thấu hiểu hơn là một [Đấng] luôn ở bên cạnh ta và trừng phạt ta vì mỗi lỗi lầm mà ta gây ra.”
Điều mà Thánh Linh đã dạy tôi là qua những thời gian đầy thử thách khắc nghiệt, và vì tham gia vào một cuộc chiến khủng khiếp nơi có nhiều người lính, y tá, thủy thủ, phi công, và nhiều người dân vô tội ở cả hai bên chiến tuyến đã thiệt mạng, nên cha tôi đã tìm được món quà—ông tìm được tinh thần thực sự của Giáng Sinh. Ông đã học được rằng ông có một Cha Thiên Thượng nhân từ là Đấng thấu hiểu ông và trông chừng ông. Bài học quan trọng nhất trong cuộc đời mà ông học được là: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.”1 Trong những lúc cùng cực nhất, khi gặp phải những thử thách khắc nghiệt nhất mà ông từng chịu đựng, cha tôi đã tìm thấy một Cha Thiên Thượng đầy lòng yêu thương và nhân từ. Điều mà cha tôi đã tìm thấy mang đến sự bình an, niềm vui và hạnh phúc cho ông trong một thế giới đầy hỗn loạn, đầy đau đớn và khổ sở. Khi bỏ lại chiến tranh đằng sau, ông đã mang về nhà món quà đó.
Tôi không chắc mình có thể sống sót qua những khó khăn mà cha tôi đã gặp phải trong ba mùa Giáng Sinh xa nhà đó hay không, nhưng tôi biết rằng bài học ông và tôi học được là món quà thực sự vào dịp Giáng Sinh, mà đã được Cha Thiên Thượng của chúng ta ban cho, chính là Đấng Cứu Rỗi Chúa Giê Su Ky Tô. Giáng Sinh năm nay, vì tình hình trên thế giới, một số người trong chúng ta thấy mình rơi vào những hoàn cảnh xa gia đình hoặc bị cô lập khỏi gia đình ngay cả khi họ sống ở gần. Một số người trong chúng ta có thể cảm thấy năm nay giống như những gì cha tôi đã cảm thấy vào Giáng Sinh năm 1943. Chúng ta thậm chí còn có thể tự hỏi tại sao chúng ta không nhận được quà hoặc chẳng ai đến thăm gì cả. Nhưng nếu chúng ta nhìn lên và hướng về Thượng Đế để sống, chúng ta sẽ khám phá ra rằng Chúa Giê Su Ky Tô là món quà quý giá nhất. Việc mở ra món quà đó sẽ cho chúng ta chìa khóa dẫn đến một cuộc sống tuyệt vời, tràn đầy bình an.
Trong chương 4 sách Mác của Kinh Tân Ước, các môn đồ của Đấng Cứu Rỗi đã có một kinh nghiệm đáng sợ. Họ đang ở trên thuyền với Đấng Cứu Rỗi trên Biển Ga Li Lê khi một cơn bão lớn nổi lên. Các môn đồ rất hoảng sợ, và Đấng Cứu Rỗi phán cùng họ rằng: “Sao các ngươi sợ? Đức tin các ngươi ở đâu?”2 Với giọng phán truyền, Đấng Cứu Rỗi đã làm lặng yên gió và sóng. Rồi các môn đồ hỏi câu hỏi sâu sắc này mà tôi mời anh chị em suy ngẫm vào Giáng Sinh này: “Vậy thì người nầy là ai, mà gió và biển cũng đều vâng lịnh người?”3 Tôi sẽ cố gắng trả lời câu hỏi này. Chúa Giê Su Ky Tô là “Đấng Lạ Lùng, là Đấng Mưu Luận, là Đức Chúa Trời quyền năng, là Cha đời đời, là Chúa bình an.”4 “[Bởi] Ngài, qua Ngài và do Ngài mà các thế giới đã và đang được sáng tạo.”5 Ngài là Đấng Cứu Rỗi và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta; Ngài là Con Đầu Lòng của Đức Chúa Cha.
Ê Sai mô tả Đấng Cứu Rỗi theo cách này: “Ngươi không biết sao, không nghe sao? Đức Chúa Trời hằng sống, là Đức Giê Hô Va, là Đấng đã dựng nên các đầu cùng đất, chẳng mỏi chẳng mệt; sự khôn ngoan Ngài không thể dò? … [Ai] trông đợi Đức Giê Hô Va thì chắc được sức mới, cất cánh bay cao như chim ưng; chạy mà không mệt nhọc, đi mà không mòn mỏi.”6
Chính vì tất cả những điều này mà Đấng Cứu Cứu Rỗi mời gọi và luôn luôn mời gọi tất cả chúng ta vào dịp Giáng Sinh này: “Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ. … Nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ. Vì ách ta dễ chịu và gánh ta nhẹ nhàng.”7 Lời mời của Ngài dành cho chúng ta là “hãy đến.”
Tôi hy vọng rằng trong mùa Giáng Sinh này, dù hoàn cảnh của chúng ta ra sao, dù chúng ta đang ở đâu, và dù chúng ta có thể phải xa cách gia đình hoặc bạn bè của mình, thì chúng ta sẽ nhớ rằng Ngài, Đấng Cứu Rỗi Chúa Giê Su Ky Tô, là món quà; rằng khi chúng ta đến cùng Ngài, Ngài sẽ làm cho gánh của chúng ta được nhẹ; và rằng chúng ta có thể tìm thấy Ngài, như cha tôi đã làm ở giữa chiến tranh tàn khốc. Đấng Ky Tô phán: “Ta để sự bình an lại cho các ngươi; ta ban sự bình an ta cho các ngươi; ta cho các ngươi sự bình an chẳng phải như thế gian cho. Lòng các ngươi chớ bối rối và đừng sợ hãi.”8 Khi chúng ta tin cậy Ngài, chúng ta sẽ tìm thấy sự bình an và niềm vui, dù hoàn cảnh hiện tại của chúng ta ra sao đi nữa.
Tôi chúc tất cả anh chị em một Giáng Sinh vui vẻ và cầu nguyện rằng, năm nay, khi thế giới đầy mệt mỏi này hân hoan, thì anh chị em sẽ nhận được và ghi nhận món quà mà Đức Chúa Cha nhân từ ban cho chúng ta khi Ngài cho phép sự hy sinh của Con Trai Độc Sinh Yêu Dấu của Ngài. Tôi chia sẻ lời chứng cá nhân của tôi về Cha Thiên Thượng nhân từ và Con Trai hoàn hảo của Ngài, Hoàng Tử Bình An. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.