Podcast: Play in new window | Embed
Sứ Điệp của Các Vị Lãnh Đạo Giáo Vùng Châu Á (September 2022).
Bài của Anh Cả Stephen C.K. Lai thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô
Ngày nay, chúng ta có thể có trải nghiệm tương tự như Ê Li, là người đã cảm thấy và nghe được Đấng Giải Cứu của ông qua một giọng nói nhỏ nhẹ.
Dần dần, chúng ta có thể nhận ra và biết được niềm vui khôn tả thông qua sự biểu hiện của Đức Thánh Linh. Thỉnh thoảng, nó có thể khiến chúng ta có những giọt nước mắt biết ơn cho tấm lòng thương xót dịu dàng của Đấng Cứu Rỗi dành cho chúng ta. Một cách tự nhiên, những kinh nghiệm như vậy giúp la bàn đạo đức của chúng ta hướng đến Chúa Giê Su Ky Tô. Và khi đó chúng ta trở thành như những người dân của Vua Bên Gia Min, là những người “biết những lời ấy thật vững vàng và chân thật, vì Thánh Linh của Chúa Vạn Năng đã đem lại một sự thay đổi lớn lao trong chúng tôi, hay trong lòng chúng tôi, khiến chúng tôi không còn ý muốn làm điều tà ác nữa, mà chỉ muốn luôn luôn làm điều thiện.”[1]
Một sự thay đổi lớn lao trong lòng có thể được so sánh với một sự thức tỉnh hoặc một nhận thức rõ về một sự kiện tích cực trong cuộc sống của chúng ta. Điều đó giúp chúng ta nhận ra rằng những gì chúng ta đã trải nghiệm không thể được tạo ra một cách giả tạo được. Thật là khó để có thể bày tỏ một cách thỏa đáng rằng “tấm lòng thương xót dịu dàng của Chúa được dành cho tất cả những người được Ngài chọn lựa, nhờ đức tin của họ, để làm cho họ hùng mạnh ngay cả có được quyền năng giải thoát.”[2]
Sự giải thoát của chúng ta chỉ có thể đến khi chúng ta sẵn lòng giao trọn tấm lòng của mình cho Chúa Giê Su Ky Tô mà không có sự do dự nào. Hành động đó tạo điều kiện cho một sự thay đổi trong lòng khi chúng ta “cởi bỏ con người thiên nhiên của mình, và trở nên một thánh hữu nhờ sự chuộc tội của Đấng Ky Tô, là Chúa, và trở thành như trẻ nhỏ, phục tùng, nhu mì, khiêm nhường, kiên nhẫn, đầy sự yêu thương, sẵn sàng chấp nhận tất cả những điều gì Chúa thấy cần gán cho mình, chẳng khác chi trẻ con thuần phục cha mình vậy.
Trong giáo trình Hãy Đến Mà Theo Ta của Kinh Cựu Ước chúng ta học được rằng nhiều tên của các vị tiên tri được kết nối trực tiếp với Đấng Tối Cao. Sau đây là ý nghĩa tên của các vị tiên tri trong tiếng Hê Bơ Rơ:
Giô Suê – Thượng Đế là sự giải thoát
Ê Li – Giê Hô Va là Thượng Đế của tôi
Ê Li Sê – Thượng Đế là sự cứu rỗi của tôi
Ê Sai – Thượng Đế cứu chuộc
Tuy nhiên, tối thượng nhất trong tất cả các tên là danh xưng Giê Su Ky Tô của Đấng Cứu Rỗi của chúng ta. Tên của Ngài có nghĩa là Đấng Được Xức Dầu, là người đến thế gian để hoàn thành sứ mệnh tiền sắc phong của Ngài từ Cha Thiên Thượng của Ngài để trở thành “Chiên Con của Thượng Đế là Đấng sẽ cất bỏ tội lỗi của thế gian.”[4] Ngài cũng được xức dầu để trở thành Đấng Giải Cứu của chúng ta, là người “lau ráo hết nước mắt khỏi mắt chúng.”[5] Và Ngài sẽ làm trọn sứ mệnh được xức dầu tối cao của Ngài để “cai trị như Vua của Các Vua và trị vì như Chúa của Các Chúa, và mọi đầu gối sẽ quỳ trước mặt Ngài và mọi lưỡi sẽ ngợi khen thờ phượng Ngài”[6] khi Ngài tái lâm trên thế gian.
Ngày nay, chúng ta có thể có trải nghiệm tương tự như Ê Li đã cảm thấy và nghe được Đấng Giải Cứu của ông qua “một giọng nói nhỏ nhẹ.”[7] Chúa mời gọi mọi người đến dự lễ Tiệc Thánh để được đổi mới hằng tuần. Đây là đặc ân của chúng ta để đến trước Ngài khi Ngài sẵn lòng mang và làm nhẹ gánh nặng cùng sự thống khổ của chúng ta. Chúng ta có thể lắng nghe Ngài khi chúng ta “yên lặng và biết rằng [Ngài] là Đức Chúa Trời.”[8] Khi đó, chúng ta có thể trang nghiêm và vui mừng trải nghiệm một sự thay đổi thuộc linh trong lòng chúng ta thông qua một “tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối.”[9]
Khi tâm trí và tấm lòng của chúng ta hoàn toàn hướng về Chúa—không chỉ trong vài phút cử hành lễ Tiệc Thánh, mà còn trong suốt các buổi họp còn lại và trong ngày Sa Bát của Ngài—chúng ta chắc chắn sẽ nghe giọng nói của Ngài.
“Chớ sợ chi, hãy ở đó, rồi ngày nay xem sự giải cứu Đức Giê Hô Va sẽ làm cho các ngươi.”[10]
Ngày nay, vị tiên tri hằng sống của chúng ta, Chủ Tịch Russell M. Nelson đã nhấn mạnh nhu cầu thiết yếu của việc tham dự Tiệc Thánh hằng tuần.
“Việc tham dự Tiệc Thánh là một đặc ân thiêng liêng và được thánh hóa. Điều đó sẽ khiến chúng ta có thể nhận được quyền năng của Chúa một cách trọn vẹn hơn. Chúng tôi mong muốn tất cả những ai có ước muốn tham dự Tiệc Thánh đều có cơ hội đó.”[11]
Chúa của chúng ta đã thực hiện nhiều điều kỳ diệu một cách trực tiếp và gián tiếp thông qua các vị tiên tri của Ngài. Ngài đã cứu một người đàn bà góa phụ ở Sa Rép Ta và đứa con trai của bà khỏi nạn đói.[12] Ngài đã cứu đứa con duy nhất đã chết của một góa phụ sống lại.[13] Ngài đã chữa lành một người đàn bà nghèo khổ bị bệnh mất huyết mười hai năm.[14] Ngài đã dành sự tôn trọng cao nhất cho một góa phụ đã dâng hiến tất cả hai đồng tiền bà có vào rương.[15] Chắc chắn rằng, Đấng đã nhận ra “một trong những người rất hèn mọn”[16] cũng sẽ nhận ra chúng ta. “Ta sẽ đi trước mặt các ngươi. Ta sẽ ở bên tay mặt các ngươi và ở bên trái các ngươi, và Thánh Linh của ta sẽ ở trong trái tim các ngươi, và các thiên sứ của ta sẽ vây quanh các ngươi để nâng đỡ các ngươi.”[17]
Đấng Cứu Rỗi của chúng ta, Chúa Giê Su Ky Tô, luôn sẵn lòng ban cho chúng ta “một [tấm] lòng mới …, và một [tinh] thần mới”[18] và là Đấng Giải Cứu của chúng ta hằng tuần nếu chúng ta sẵn lòng đến trước Ngài để dự phần Tiệc Thánh của Ngài. Bất kỳ khi nào chúng ta sẵn lòng điều chỉnh ý muốn của chúng ta theo ý muốn của Đấng Ky Tô thì một sự thay đổi đơn giản hoặc lớn lao trong lòng sẽ diễn ra vì “ta [là Chúa] sẽ đến gần các ngươi.”[19]