Podcast: Play in new window | Embed
Đệ Nhị Cố Vấn trong Chủ Tịch Đoàn Trung Ương Trường Chủ Nhật vào năm 2011 của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô
Mặc dù đều là giảng viên, nhưng chúng ta cần phải hoàn toàn hiểu rằng chính Đức Thánh Linh mới đích thực giảng dạy và làm chứng về tất cả lẽ thật.
Cách đây nhiều năm, khi tôi đang cùng với người bạn đồng hành của mình ở trung tâm huấn luyện truyền giáo, thì nghe tiếng của một đứa bé nói: “Bà ngoại ơi, có phải đó là những người truyền giáo đích thực không?” Tôi quay lại và thấy một bé gái đang nắm tay bà ngoại rồi chỉ vào tôi và người bạn đồng hành. Tôi mỉm cười, giơ tay ra, nhìn thẳng vào mắt nó và nói: “Chào em, tôi là Anh Cả Richardson, và chúng tôi là những người truyền giáo đích thực.” Gương mặt đứa bé tươi cười rạng rỡ khi nó nhìn tôi, vui mừng vì nó đang hiện diện cùng với những người truyền giáo đích thực.
Sau kinh nghiệm đó, tôi có một lòng tận tâm mới. Tôi muốn là người truyền giáo mà Đấng Cứu Rỗi, gia đình tôi và đứa bé gái này đã kỳ vọng rằng tôi sẽ được như vậy. Trong hai năm kế tiếp, tôi làm việc siêng năng để trông giống, suy nghĩ giống, hành động giống, và nhất là giảng dạy giống như một người truyền giáo đích thực.
Khi trở về nhà, càng ngày càng hiển nhiên rằng mặc dù tôi đã hoàn tất công việc truyền giáo, nhưng ảnh hưởng của công việc truyền giáo vẫn còn ở đó với tôi. Thật vậy, thậm chí sau nhiều năm, tôi vẫn còn cảm thấy rằng thời gian truyền giáo của mình là hai năm tốt nhất đối với cuộc đời tôi. Một bài học bất ngờ từ công việc truyền giáo của tôi là tiếng nói của đứa bé gái đó. Nhưng bây giờ, tôi nghe trong tâm trí mình câu hỏi “Bà ngoại ơi, có phải đó là người nắm giữ chức tư tế đích thực không? “Bà ngoại ơi, có phải đó là người chồng đích thực hay người cha đích thực không?” hoặc “Bà ngoại ơi, có phải đó là người tín hữu đích thực của Giáo Hội không?”
Tôi đã học được rằng chìa khóa để trở nên đích thực trong mọi khía cạnh của cuộc sống chúng ta là khả năng của mình để giảng dạy theo cách thức không làm giới hạn việc học hỏi. Các anh chị em thấy đó, một cuộc sống đích thực đòi hỏi tinh thần học hỏi đích thực, dựa vào khả năng giảng dạy đích thực. “Trách nhiệm để giảng dạy [một cách hữu hiệu] không chỉ giới hạn cho riêng những người được chính thức kêu gọi làm thầy giảng.”1 Thật vậy, mỗi người trong gia đình, vị lãnh đạo Giáo Hội, và tín hữu Giáo Hội (kể cả giới trẻ và trẻ em) đều có trách nhiệm để giảng dạy.
Mặc dù đều là giảng viên, nhưng chúng ta cần phải hoàn toàn hiểu rằng chính Đức Thánh Linh mới đích thực giảng dạy và làm chứng về tất cả lẽ thật. Những người không hiểu rõ điều này, thì hoặc là cố gắng giành lấy sự giảng dạy của Đức Thánh Linh và tự mình làm tất cả mọi điều, lịch sự mời Thánh Linh đến với họ, nhưng chỉ trong vai trò hỗ trợ thôi, hoặc là tin rằng họ đang giao tất cả sự giảng dạy của mình cho Thánh Linh, trong khi thật ra họ chỉ “trình bày bài học mà không nghiên cứu hay chuẩn bị gì cả.” Tất cả các bậc cha mẹ, các vị lãnh đạo, và giảng viên đều có trách nhiệm giảng dạy “qua Thánh Linh.”2 Họ không nên giảng dạy “ở phía trước Thánh Linh” hay “ở phía sau Thánh Linh” mà phải là “qua Thánh Linh” để Thánh Linh có thể giảng dạy lẽ thật mà không bị kiềm chế.
Mô Rô Ni giúp chúng ta hiểu cách mình có thể giảng dạy qua Thánh Linh mà không thay thế, làm giảm bớt ý nghĩa, hay gạt qua một bên Đức Thánh Linh với tư cách là Đấng giảng dạy đích thực. Mô Rô Ni nói rằng Các Thánh Hữu thực hiện những kinh nghiệm của họ “theo sự tác động của Thánh Linh.”3 Điều này cần nhiều hơn là chỉ được Thánh Linh ở cùng với chúng ta thôi. Tự làm “theo cách” của Đức Thánh Linh có nghĩa là chúng ta có thể cần phải thay đổi cách giảng dạy để mô phỏng theo cách giảng dạy của Đức Thánh Linh. Khi chúng ta sắp xếp cách thức của mình giống theo cách thức của Đức Thánh Linh, thì Đức Thánh Linh mới có thể giảng dạy và làm chứng một cách không gò bó. Việc sắp xếp quan trọng này có thể được minh họa bằng ví dụ sau đây.
Cách đây nhiều năm, tôi cùng con cái đi lên đỉnh núi South Sister, một ngọn núi cao 3.157 mét ở Oregon. Vài giờ sau, chúng tôi gặp phải một sườn núi dài có độ dốc là 45 độ với các viên đá cuội núi lửa nhỏ. Với đỉnh núi trong tầm nhìn, chúng tôi tiếp tục tiến bước và hoàn toàn thấy rằng với mỗi bước đi, chân của chúng tôi lún vào trong các viên đá cuội, khiến cho chúng tôi trượt ngược lại một vài centimét. Đứa con trai 12 tuổi của tôi tiến lên phía trước trong khi tôi ở lại với đứa con gái 8 tuổi. Chẳng bao lâu sau, chúng tôi cảm thấy mệt mỏi và chán nản, và con gái tôi buồn bã vì nghĩ rằng nó không thể lên đến đỉnh núi cùng với anh nó. Thoạt đầu tôi cảm thấy muốn cõng nó. Tinh thần của tôi rất sẵn sàng nhưng buồn thay, thể xác của tôi yếu đuối. Chúng tôi ngồi xuống trên những tảng đá, đánh giá tình thế của mình, và nghĩ ra một kế hoạch mới. Tôi bảo nó cho tay vào túi quần sau của tôi, giữ chặt, và —quan trọng nhất— là ngay sau khi tôi nhấc chân lên để đi một bước, thì nó phải nhanh chóng đặt bàn chân của nó vào ngay dấu chân đó. Nó làm đúng theo mỗi cử động của tôi và dựa vào sức nâng lên có được từ việc bám vào hai túi quần của tôi. Sau một thời gian dường như vô tận, chúng tôi lên đến đỉnh núi. Nét mặt chiến thắng và mãn nguyện của nó thật là vô giá. Và đúng thế, theo ý tôi, nó và anh nó đích thực là những người leo núi.
Thành công của con gái tôi là kết quả của nỗ lực chuyên cần của nó và nó đã đi giỏi như thế nào theo cách tôi đi. Khi động tác của nó ăn khớp với động tác của tôi, chúng tôi đã cùng nhau tạo được một sự nhịp nhàng, cho phép tôi sử dụng hết sức mình. Đó là trường hợp khi chúng ta giảng dạy “theo tác động của Thánh Linh.” Khi chúng ta sắp xếp cách giảng dạy của mình phù hợp với cách giảng dạy của Đức Thánh Linh, thì Thánh Linh củng cố chúng ta và, đồng thời, không bị kiềm chế. Với suy nghĩ này, xin xem xét hai “ảnh hưởng cơ bản của Thánh Linh” đáng cho chúng ta noi theo.
Trước hết, Đức Thánh Linh giảng dạy cá nhân trong một cách thức rất riêng tư. Điều này làm cho chúng ta có thể tự mình biết được tường tận lẽ thật. Vì nhu cầu, hoàn cảnh và tiến bộ của chúng ta khác biệt, nên Đức Thánh Linh giảng dạy điều chúng ta cần phải biết và làm để cho chúng ta có thể trở thành con người mà mình phải trở thành. Xin lưu ý rằng mặc dù Đức Thánh Linh giảng dạy “lẽ thật của tất cả mọi điều,”4 nhưng Đức Thánh Linh không giảng dạy tất cả lẽ thật cùng một lúc. Thánh Linh giảng dạy lẽ thật “từng hàng chữ một, từng lời chỉ giáo một, nơi này một ít, nơi kia một ít.”5
Những người giảng dạy theo cách của Thánh Linh hiểu rằng họ đang giảng dạy cho người khác chứ không phải chỉ trình bày bài học. Như vậy, họ vượt qua thôi thúc để giảng dạy mọi điều trong một quyển sách hoặc giảng dạy tất cả những gì họ đã học được về đề tài này, và thay vì thế tập trung vào những điều mà gia đình họ hay các học viên cần phải biết và làm. Các bậc cha mẹ, các vị lãnh đạo, và các giảng viên noi theo cách Thánh Linh giảng dạy, thì nhanh chóng học được rằng việc giảng dạy đích thực gồm có nhiều điều hơn là chỉ nói chuyện và kể chuyện. Do đó, họ cố tình dừng lại để lắng nghe, quan sát kỹ lưỡng, và rồi nhận ra phải làm gì tiếp theo.6 Khi họ làm điều này, thì Đức Thánh Linh đang trong vị thế giảng dạy những người học lẫn những người dạy điều họ cần phải làm và nói.7
Thứ hai, Đức Thánh Linh giảng dạy bằng cách mời gọi, thúc giục, khuyến khích, và soi dẫn chúng ta để hành động. Đấng Ky Tô bảo đảm rằng chúng ta dần dần biết được lẽ trung thực của giáo lý khi hành động thích hợp.8 Thánh Linh hướng dẫn, chỉ dẫn, và cho chúng ta thấy điều phải làm.9 Tuy nhiên, Thánh Linh sẽ không làm cho chúng ta điều mình cần có thể tự làm được. Các anh chị em thấy đó, Đức Thánh Linh không thể học giùm chúng ta, cảm nhận giùm chúng ta, hay hành động giùm chúng ta vì điều này sẽ trái với giáo lý của quyền tự quyết. Đức Thánh Linh có thể phụ giúp các cơ hội và mời gọi chúng ta học hỏi, cảm nhận, và hành động.
Những người giảng dạy theo cách này của Thánh Linh giúp những người khác bằng cách mời gọi, khuyến khích, và mang đến cho họ cơ hội để sử dụng quyền tự quyết của họ. Các bậc cha mẹ, các vị lãnh đạo và các giảng viên nhận ra rằng họ không thể cảm nhận giùm, học giùm, hay ngay cả hối cải giùm cho gia đình họ, cho giáo đoàn, hay các học viên. Thay vì hỏi: “Tôi có thể làm gì cho con cái tôi, các học viên, hay những người khác?” họ hỏi: “Tôi có thể mời và giúp những người xung quanh mình tự học như thế nào?” Các bậc cha mẹ tuân theo ảnh hưởng của Đức Thánh Linh tạo ra mái ấm là nơi gia đình học để quý trọng các giá trị thay vì học về các giá trị. Tương tự như vậy, thay vì chỉ nói về các giáo lý, các giảng viên giúp các học viên hiểu và sống theo các giáo lý phúc âm. Đức Thánh Linh không bị kiềm chế khi các cá nhân sử dụng quyền tự quyết của họ một cách thích hợp.
Với tình trạng hiện nay trên thế giới, chúng ta rất cần đến việc học hỏi và giảng dạy đích thực trong nhà, các buổi họp, và lớp học phúc âm của mình. Tôi biết rằng việc tìm kiếm của các anh chị em để tiến bộ hơn đôi khi có thể dường như quá sức. Xin đừng trở nên chán nản với sự tiến bộ của mình. Tôi nghĩ lại kinh nghiệm của mình khi đi bộ đường dài với các con tôi. Chúng tôi đồng ý rằng mỗi lần dừng lại để thở, thay vì hoàn toàn chú trọng vào việc cần phải đi bao xa, chúng tôi sẽ ngay lập tức quay lại và nhìn xuống núi. Chúng tôi sẽ nhìn vào quang cảnh đó và nói với nhau: “Hãy nhìn xem chúng ta đã đi được bao xa rồi.” Sau đó, chúng tôi sẽ thở một hơi thật sâu, nhanh chóng quay lại, ngước nhìn lên đồi, và bắt đầu leo lên một lần nữa, từng bước một. Thưa các anh chị em, các anh chị em có thể dạy dỗ, hướng dẫn, và giảng dạy theo ảnh hưởng của Thánh Linh. Tôi biết rằng các anh chị em có thể làm được điều này. Tôi làm chứng rằng các anh chị em có thể làm điều này, và cuộc sống sẽ thay đổi.
Cuộc sống của tôi đã được ban phước bởi những người đích thực giảng dạy với Thánh Linh và nhất là qua Thánh Linh. Tôi xin mời các anh chị em hãy sắp xếp cách giảng dạy của mình theo cách của Đức Thánh Linh trong tất cả mọi điều các anh chị em làm. Tôi làm chứng rằng Chúa Giê Su Ky Tô là Đấng Cứu Rỗi và rằng phúc âm của Ngài đã được phục hồi. Vì vậy, chúng ta cần phải là các bậc cha mẹ đích thực, người lãnh đạo đích thực, giảng viên đích thực, và học viên đích thực. Tôi làm chứng rằng Thượng Đế sẽ giúp đỡ các anh chị em trong các nỗ lực của mình, trong thánh danh của Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.