Podcast: Play in new window | Embed
Thuộc Chủ Tịch Đoàn Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi
Cùng với Kinh Thánh, Sách Mặc Môn là một chứng thư cần thiết về các giáo lý của Đấng Ky Tô và thiên tính của Ngài.
Cách đây nhiều năm, ông tổ của tôi lần đầu tiên nhặt được một quyển Sách Mặc Môn. Ông mở ra chính giữa quyển sách này và đọc một vài trang. Rồi ông nói: “Quyển sách đó hoặc là do Thượng Đế hoặc quỷ dữ viết, và tôi sẽ tìm ra ai đã viết quyển sách đó.” Ông đọc hết quyển sách đó hai lần trong 10 ngày rồi nói: “Quỷ dữ không thể nào viết quyển sách đó được—sách đó phải là từ Thượng Đế.”1
Đó là khía cạnh tuyệt hảo của Sách Mặc Môn—không hề lưng chừng. Hoặc sách đó là lời của Thượng Đế như chính sách tự nhận, hoặc là hoàn toàn bịp bợm. Quyển sách này không đơn thuần tự nhận là một luận án đạo đức hay sách bình luận về thần học hay một bộ sưu tập các tác phẩm uyên thâm. Sách này tự nhận là lời của Thượng Đế—mỗi câu, mỗi đoạn, mỗi trang. Joseph Smith nói rằng một thiên sứ của Thượng Đế đã hướng dẫn ông đến các bảng khắc bằng vàng, chứa đựng các tác phẩm của các vị tiên tri ở Châu Mỹ thời xưa, và rằng ông đã phiên dịch các bảng khắc đó nhờ các quyền năng thiêng liêng. Nếu câu chuyện đó có thật, thì Sách Mặc Môn là thánh thư, cũng giống như sách đã tự nhận; tuy nhiên, nếu không có thật, thì sách đó là một trò lừa đảo tinh vi quỷ quyệt.
C. S. Lewis đã nói về một tình trạng khó xử tương tự khi một người nào đó phải chọn để chấp nhận hoặc bác bỏ thiên tính của Đấng Cứu Rỗi—trong đó cũng không có thái độ lưng chừng: “Tôi đang cố gắng ngăn chặn bất cứ ai nói điều thực sự rồ dại mà người ta thường nói về Ngài: ‘Tôi sẵn sàng chấp nhận Chúa Giê Su là một người thầy dạy đạo đức đại tài, nhưng tôi không chấp nhận lời Ngài cho rằng Ngài là Thượng Đế.’ Đó là một trong những điều chúng ta không được nói. Một con người chỉ đơn thuần là một con người và nói những điều như Chúa Giê Su nói sẽ không phải là một người thầy dạy đạo đức đại tài. … Các anh chị em phải tự mình lựa chọn. Hoặc là người này là Vị Nam Tử của Thượng Đế: hoặc là một người điên hay một điều gì đó tồi tệ hơn. … Nhưng chúng ta không nên có bất cứ ý tưởng vô lý về việc Ngài là người thầy đại tài của nhân loại. Ngài không cần cách giải thích đó. Ngài không hề có ý định đó đâu.”2
Tương tự như thế, chúng ta cần phải có một sự lựa chọn giản dị với Sách Mặc Môn: sách đó là từ Thượng Đế hoặc từ quỷ dữ. Không có sự lựa chọn nào khác. Trong một vài phút nữa đây, tôi xin mời các anh chị em làm một bài trắc nghiệm mà sẽ giúp các anh chị em xác định tính chất thật của quyển sách này. Hãy tự hỏi xem các câu thánh thư sau đây từ Sách Mặc Môn mang các anh chị em đến gần Thượng Đế hay quỷ dữ:
“Hãy nuôi dưỡng những lời nói của Đấng Ky Tô; vì này, những lời nói của Đấng Ky Tô sẽ cho các người biết tất cả những gì các người phải làm” (2 Nê Phi 32:3).
Hoặc những lời này của một người cha nhân từ nói cùng các con trai của mình: “Và giờ đây, hỡi các con trai của cha hãy nhớ, hãy nhớ rằng các con phải xây dựng nền móng của mình trên đá của Đấng Cứu Chuộc chúng ta, tức là Đấng Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế” (Hê La Man 5:12).
Hoặc những lời này của một vị tiên tri: “Hãy đến cùng Đấng Ky Tô để được toàn thiện trong Ngài” (Mô Rô Ni 10:32).
Quỷ dữ có thể nào lại là tác giả của những lời này từ Sách Mặc Môn chăng? Sau khi Đấng Cứu Rỗi đuổi ra một số quỷ dữ, thì người Pha Ra Si cho rằng Ngài làm vậy là “nhờ Bê Ên Xê Bun là chúa quỉ.” Đấng Cứu Rỗi đáp rằng đó thật là một câu kết luận vô lý. Ngài phán: “Một nước mà chia xé nhau thì bị phá hoang; … một nhà mà chia xé nhau thì không còn được.” Và rồi điểm cuối cùng của Ngài: “Nếu quỉ Sa Tan trừ quỉ Sa Tan, ấy là tự nó chia xé nhau; thì nước nó làm sao còn được ư?” (Ma Thi Ơ 12:24–26; sự nhấn mạnh được thêm vào).
Nếu những câu thánh thư vừa đề cập đến từ Sách Mặc Môn dạy chúng ta phải thờ phượng, yêu mến, và phục vụ Đấng Cứu Rỗi (quả thật các câu này dạy như vậy), thì làm thế nào các câu thánh thư này lại là từ quỷ dữ? Nếu là như vậy, thì quỷ dữ sẽ tự xâu xé mình và do đó hủy diệt vương quốc của nó. Đấng Cứu Rỗi phán về tình trạng này là không thể xảy ra được. Việc chân thành đọc Sách Mặc Môn với đầu óc cởi mở, không hề định kiến, sẽ khiến một người kết luận giống như ông tổ của tôi, là: “Quỷ dữ không thể nào viết quyển sách đó được—sách đó phải là từ Thượng Đế.”
Nhưng tại sao Sách Mặc Môn lại là thiết yếu như thế nếu chúng ta đã có Kinh Thánh để dạy về Chúa Giê Su Ky Tô rồi? Các anh chị em có từng tự hỏi tại sao có quá nhiều Ky Tô giáo trên thế giới ngày nay nếu họ nhận được các giáo lý cũng từ một quyển Kinh Thánh cơ bản không? Đó là vì họ giải thích Kinh Thánh khác nhau. Nếu họ giải thích Kinh Thánh giống nhau, thì họ đã thuộc vào một giáo hội rồi. Đây không phải là tình trạng Chúa muốn, vì Sứ Đồ Phao Lô đã nói rằng “chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép báp têm” (Ê Phê Sô 4:5). Để giúp mang lại tính chất độc nhất này, Chúa đã thiết lập một luật pháp thiêng liêng về những người làm chứng. Phao Lô dạy: “Mọi việc sẽ định cứ lời khai của hai hoặc ba người làm chứng.” (2 Cô Rinh Tô 13:1).
Kinh Thánh là một chứng thư về Chúa Giê Su Ky Tô; Sách Mặc Môn là một chứng thư khác. Tại sao chứng thư thứ hai này lại chủ yếu như vậy? Ví dụ minh họa sau đây có thể giúp ích: Các anh chị em có thể vẽ bao nhiêu đường thẳng xuyên qua một điểm duy nhất trên một tờ giấy? Câu trả lời là vô số đường thẳng. Trong một chốc lát, hãy giả sử rằng điểm duy nhất đó tượng trưng cho Kinh Thánh, và hằng trăm đường thẳng vẽ xuyên qua điểm đó tượng trưng cho những cách giải thích khác nhau về Kinh Thánh, và rằng mỗi một trong những cách giải thích đó tượng trưng cho một giáo hội khác.
Tuy nhiên, điều gì xảy ra nếu trên tờ giấy đó, có một điểm thứ hai tượng trưng cho Sách Mặc Môn? Các anh chị em có thể vẽ bao nhiêu đường thẳng giữa hai điểm chuẩn này tượng trưng cho Kinh Thánh và Sách Mặc Môn? Chỉ một đường thẳng mà thôi. Chỉ một cách giải thích rằng các giáo lý của Đấng Ky Tô có thể tồn tại nhờ vào lời chứng của hai chứng thư này.
Không biết bao nhiều lần Sách Mặc Môn khẳng định, làm sáng tỏ và thống nhất rằng các giáo lý được giảng dạy trong Kinh Thánh là chỉ có “một Chúa, một đức tin, một phép báp têm.” Ví dụ, một số người lẫn lộn không biết phép báp têm có thiết yếu cho sự cứu rỗi hay không, mặc dù Đấng Cứu Rỗi đã phán cùng Ni Cô Đem: “Nếu một người chẳng nhờ nước và Thánh Linh mà sanh, thì không được vào nước Đức Chúa Trời.” (Giăng 3:5). Tuy nhiên, Sách Mặc Môn, loại bỏ tất cả những nghi ngờ về vấn đề này: “Và Ngài truyền lệnh cho tất cả mọi người phải hối cải, và chịu phép báp têm trong danh Ngài, … nếu không thì họ sẽ không được cứu rỗi trong vương quốc của Thượng Đế” (2 Nê Phi 9:23).
Trên thế giới ngày nay, có nhiều phương pháp báp têm khác nhau mặc dù Kinh Thánh đã cho chúng ta biết cách mà Đấng Cứu Rỗi, Đấng Gương Mẫu vĩ đại của chúng ta, chịu phép báp têm: “[Ngài] ra khỏi nước” (Ma Thi Ơ 3:16). Có thể nào Ngài ra khỏi nước được trừ phi Ngài đi xuống nước trước không? Để tránh bất cứ tranh luận nào về vấn đề này, Sách Mặc Môn gạt bỏ điều tranh cãi đó với lời phát biểu thẳng thắn về việc làm báp têm đúng cách là: “Và kế đó các ngươi dìm mình họ xuống nước” (3 Nê Phi 11:26).
Nhiều người tin rằng sự mặc khải đã chấm dứt sau khi Kinh Thánh đã viết xong, mặc dù chính Kinh Thánh là chứng ngôn về khuôn mẫu mặc khải của Thượng Đế trên 4.000 năm con người hiện hữu. Nhưng một giáo lý sai lầm như vậy giống như khi bộ cờ đôminô sụp đổ vì một con cờ bị đẩy ngã, hay là trong trường hợp này là sự sụp đổ của các giáo lý đúng. Sự tin tưởng vào việc chấm dứt mặc khải làm cho giáo lý về “Thượng Đế hôm qua, ngày nay và cho đến đời đời không hề thay đổi” (Mặc Môn 9:9) phải đổ ngã; điều này làm cho giáo lý do A Mốt giảng dạy rằng “cũng vậy, Chúa Giê Hô Va chẳng có làm một việc gì mà Ngài chưa tỏ sự kín nhiệm Ngài ra trước cho tôi tớ Ngài, là các Đấng tiên tri.” (A Mốt 3:7) cũng đổ ngã; và điều này làm cho giáo lý dạy rằng “Đức Chúa Trời chẳng hề vị nể ai” (Công Vụ Các Sứ Đồ 10:34) và như vậy nói cùng tất cả loài người trong mọi thời đại đều đổ ngã. Nhưng may thay Sách Mặc Môn đã nhấn mạnh lại lẽ thật của Kinh Thánh là sự mặc khải vẫn tiếp tục:
“Và lại nữa, tôi nói với các người, là những kẻ chối bỏ những sự mặc khải của Thượng Đế và còn bảo rằng những chuyện đó nay đã chấm dứt, không còn mặc khải. …
“Vì chẳng phải chúng ta đã đọc được rằng, Thượng Đế lúc nào cũng vậy, hôm qua cũng như hôm nay và mãi mãi về sau … hay sao?” (Mặc Môn 9:7, 9).
Nói cách khác, nếu Thượng Đế, là Đấng không thay đổi, đã phán trong thời xưa thì Ngài cũng phán trong thời cận đại.
Bản liệt kê những điều khẳng định và làm sáng tỏ giáo lý vẫn tiếp tục được viết ra nhưng không có điều nào mạnh mẽ, sâu sắc hơn những bài giảng của Sách Mặc Môn về Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. Các anh chị em có muốn tâm hồn mình được xác nhận về sự làm chứng không thể phủ nhận được rằng Đấng Cứu Rỗi hạ mình xuống dưới tội lỗi của các anh chị em và sẽ không có tội lỗi, không có hoàn cảnh khó khăn nào trên trần thế ngoài tình thương xót của Sự Chuộc Tội của Ngài không—vì Ngài có quyền năng chữa lành thượng thừa đối với mỗi nỗi vất vả của các anh chị em? Vậy thì hãy đọc Sách Mặc Môn. Sách ấy sẽ dạy cho các anh chị em và làm chứng cùng các anh chị em rằng Sự Chuộc Tội của Đấng Ky Tô là vô hạn vì bao gồm và xem xét cùng vượt qua mọi yếu kém của con người. Đó là lý do tại sao tiên tri Mặc Môn nói: “Các ngươi sẽ hy vọng qua sự chuộc tội của Đấng Ky Tô” (Mô Rô Ni 7:41).
Thảo nào Sách Mặc Môn mạnh dạn tuyên bố: “Và nếu các người tin Đấng Ky Tô thì các người sẽ tin những lời này vì đây là những lời của Đấng Ky Tô” (2 Nê Phi 33:10). Cùng với Kinh Thánh, Sách Mặc Môn là một chứng thư cần thiết về các giáo lý của Đấng Ky Tô và thiên tính của Ngài. Cùng với Kinh Thánh, Sách Mặc Môn “dạy tất cả mọi người phải nên làm điều thiện” (2 Nê Phi 33:10). Và cùng với Kinh Thánh, Sách Mặc Môn mang chúng ta đến với “chỉ … một Chúa, một đức tin, một phép báp têm.” Đó là lý do tại sao Sách Mặc Môn vô cùng quan trọng trong cuộc sống của chúng ta.
Cách đây vài năm, tôi đã tham dự một buổi lễ thờ phượng của chúng ta ở Toronto, Canada. Người nói chuyện là một bé gái 14 tuổi. Em ấy nói rằng em ấy đã thảo luận về tôn giáo với một trong số những người bạn học ở trường. Bạn của em nói với em: “Bạn theo đạo nào?”
Em ấy đáp: “Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, hay là Mặc Môn.”
Người bạn của em đáp: “Tôi biết Giáo Hội đó rồi, và tôi cũng biết là Giáo Hội đó không chân chính.”
Em ấy đáp: “Làm sao bạn biết được?”
Bạn em nói: “Vì tôi đã tìm tòi nghiên cứu Giáo Hội đó.”
“Vậy bạn đã đọc Sách Mặc Môn chưa?”
Câu trả lời là: “Chưa, tôi chưa đọc sách đó.”
Rồi bé gái tuyệt vời này đáp: “Vậy thì bạn chưa tìm tòi nghiên cứu về Giáo Hội của tôi đâu vì tôi đã đọc mỗi trang Sách Mặc Môn và tôi biết Giáo Hội này là chân chính.”
Tôi cũng đã nhiều lần đọc mỗi trang Sách Mặc Môn, và giống như ông tổ của mình, tôi long trọng làm chứng rằng sách ấy là từ Thượng Đế. Trong tôn danh của Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.