Podcast: Play in new window | Embed
Bài của Anh Cả Ross A. Chiles thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô
Tôi sẽ không bao giờ quên được trải nghiệm chuyển đến sinh sống tại Đài Loan nhiều năm về trước cùng gia đình nhỏ của mình. Đó là vào năm 1993 và chúng tôi mới chào đón đứa con thứ hai của mình. Trước đó, chúng tôi đã từng sống ở Đài Loan một thời gian khi mới kết hôn, nhưng lần chuyển đến này hoàn toàn khác biệt, chúng tôi không chỉ đến để khám phá – chúng tôi đến để sinh sống! Tôi vẫn còn nhớ rõ cảm giác thật khó khăn làm sao khi rời khỏi Canada trong một khoảng thời gian dài, và nhớ những buổi Lễ Tạ Ơn, Lễ Giáng Sinh và Lễ Phục Sinh khi gia đình chúng tôi tụ họp lại với nhau ở quê nhà. Trong những năm sinh sống tại Đài Loan, Carrie và tôi đã dành rất nhiều thời gian suy nghĩ làm cách nào chúng tôi vẫn có thể khiến những lễ kỷ niệm và truyền thống đó trở nên có ý nghĩa đối với gia đình nhỏ của mình, cũng như cách chúng tôi có thể giúp con cái mình vẫn cảm nhận được niềm vui mà chúng tôi đã trải qua khi lớn lên và tìm cách giảng dạy chúng về Đấng Cứu Rỗi và phúc âm của Ngài.
Trong những năm đầu tiên, chúng tôi đã đưa ra một số nguyên tắc định hướng để giúp chúng tôi. Thứ nhất, gần như là không thể tái hiện lại những trải nghiệm mà chúng tôi đã có trong chính ngôi nhà nơi chúng tôi lớn lên ở Canada. Ở Đài Loan, xung quanh chúng tôi không có ai kỷ niệm những ngày lễ đó cả. Chúng tôi phải chấp nhận điều đó, sau đó đơn giản hóa và điều chỉnh các lễ kỷ niệm của mình cho phù hợp với hoàn cảnh hiện tại. Thứ hai, chúng tôi phải chọn lọc những truyền thống nào là quan trọng nhất đối với mình và quyết định cách chúng tôi sẽ tái tạo những trải nghiệm ý nghĩa đó cho con cái mình với nguồn lực hạn chế. Thứ ba, chúng tôi nhận ra rằng chúng tôi cần tập trung vào việc tìm cách giảng dạy con cái mình về Đấng Cứu Rỗi và sứ mệnh của Ngài. Cuối cùng, chúng tôi đã quyết định kết hợp giữa các hoạt động trong Gia Đình và Giáo Hội.
- Chúng tôi nhận thấy rằng có những người khác trong tiểu giáo khu và nhóm bạn của chúng tôi cũng sống xa gia đình trong những thời điểm quan trọng này. Chúng tôi đã chào đón và mời nhiều người đến để kỷ niệm cùng chúng tôi tại nhà.
- Chúng tôi đã nỗ lực không chỉ mời những người nước ngoài khác mà còn cả những người bạn địa phương. Đối với nhiều người bạn Đài Loan của chúng tôi, việc tham gia các truyền thống của chúng tôi là một cách đầy ý nghĩa để giảng dạy hoặc gia tăng sự hiểu biết của họ về tầm quan trọng của cuộc đời và sự hy sinh của Đấng Cứu Rỗi.
- Âm nhạc về Đấng Cứu Rỗi là một phần quan trọng trong truyền thống gia đình của chúng tôi. Chúng tôi tạo những cuốn sách âm nhạc dành cho gia đình, tham gia vào ca đoàn và ca hát, kết quả là chúng tôi đã tận hưởng và chia sẻ Thánh Linh đặc biệt đến từ âm nhạc đặt Đấng Ky Tô làm trọng tâm.
- Khi chúng tôi thành tâm tìm kiếm những người khác để phục vụ trong những kỳ nghỉ lễ, điều đó đã mở ra những cơ hội đáng nhớ và đầy ý nghĩa để dạy con cái chúng tôi về việc quan tâm đến người khác.
- Trong tiểu giáo khu và giáo khu của mình, chúng tôi đã giúp đảm bảo rằng các buổi lễ Tiệc Thánh và các hoạt động trong những mùa lễ này đều tập trung vào Đấng Ky Tô. Thật vui mừng biết bao khi được giúp đỡ giảng dạy và chia sẻ về Đấng Cứu Rỗi thông qua các sự kiện của Giáo Hội như Chương Trình Biểu Diễn Hoạt Cảnh Chúa Giáng Sinh và Buổi Nhạc về Chiên Con Của Thượng Đế.
Tại Việt Nam, nơi giáo hội còn non trẻ, một cặp vợ chồng cao niên đã dạy những người thành niên trẻ tuổi độc thân (YSA) ở mỗi chi nhánh cách diễn lại Hoạt Cảnh Chúa Giáng Sinh trong khi đọc trong sách Lu Ca và Ma Thi Ơ trong Kinh Tân Ước. Chúng tôi mong muốn rằng một ngày nào đó, mỗi tín hữu tuyệt vời này sẽ có gia đình nhỏ của riêng họ và sẽ biết cách dạy con cái họ về câu chuyện Giáng Sinh.
Anh Cả Gary E. Stevenson đã có một bài nói chuyện đầy soi dẫn trong Đại Hội Trung Ương tháng Tư năm 2023 có tựa đề “Câu Chuyện Lễ Phục Sinh Hay Nhất Từng Được Kể”. Ông đã mời chúng ta “suy ngẫm và tìm cách để làm cho lễ Phục Sinh của gia đình mình tập trung nhiều hơn vào Đấng Ky Tô”. Ông nói, “Có lẽ … tất cả chúng ta nên suy ngẫm: Làm thế nào để chúng ta giảng dạy và kỷ niệm Sự Phục Sinh của Chúa Giê Su Ky Tô, tức là câu chuyện Phục Sinh, một cách cân bằng, trọn vẹn, và giàu truyền thống tôn giáo giống như sự sinh ra của Chúa Giê Su Ky Tô, hay câu chuyện Giáng Sinh?” Tôi đặc biệt biết ơn lời mời bổ sung của Anh Cả Stevenson để xem xét làm cách nào “việc đọc Sách Mặc Môn vào lễ Phục Sinh ban phước cho cuộc sống của chúng ta và những người thân yêu theo một cách đầy ý nghĩa”.
Khi công việc quy tụ tiếp tục diễn ra trên khắp Châu Á, điều quan trọng là chúng ta phải bắt đầu ngay bây giờ trong cuộc sống của chính mình và với gia đình mình để tìm cách kỷ niệm cuộc đời và sứ mệnh của Đấng Cứu Rỗi. Nghĩ về những điều chúng ta có thể làm một cách cá nhân, với gia đình và bạn bè, với tư cách là tiểu giáo khu và giáo khu để tạo ra tốt hơn những truyền thống đầy ý nghĩa và đặt Đấng Ky Tô làm trọng tâm vào Lễ Giáng Sinh và Lễ Phục Sinh.
Tôi cầu nguyện rằng chúng ta sẽ tìm ra cách sử dụng Sách Mặc Môn để giúp chúng ta luôn tưởng nhớ tới Đấng Ky Tô. Tôi làm chứng rằng cuốn sách này giảng dạy Giáo Lý của Đấng Ky Tô trên mỗi trang sách và là một cách thức được Thượng Đế ban cho để chúng ta ghi nhớ cũng như kỷ niệm cuộc đời và sứ mệnh của Đấng Cứu Rỗi.