Podcast: Play in new window | Embed
Sứ Điệp của Các Vị Lãnh Đạo Giáo Vùng Châu Á (March 2022)
“Các buổi lễ Tiệc Thánh là những cơ hội đặc biệt để được gần gũi với Đấng Cứu Rỗi. Để tận dụng tối đa kinh nghiệm này, chúng ta có thể làm gì để chuẩn bị bản thân mình tốt hơn?”
Cách đây vài năm, tôi đã có cơ hội đi đến Đất Thánh, là nơi Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô đã sống và giảng dạy. Để chuẩn bị, tôi đã nghiên cứu về cuộc đời của Ngài và tra cứu về nơi tôi muốn đến thăm. Điểm nổi bật trong chuyến đi của tôi là đọc những lời tường thuật trong Kinh Thánh về nỗi thống khổ của Chúa trong Vườn Ghết Sê Ma Nê giữa các cây ô liu cổ thụ ở bên ngoài Giê Ru Sa Lem, và về sự phục sinh của Ngài tại Ngôi Mộ Vườn. Tôi đã hoàn tất cuộc hành hương ngắn ngủi đó với một quyết tâm được đổi mới để noi theo Đấng Cứu Rỗi. Tiến trình chuẩn bị, tham gia, và hành động theo những kinh nghiệm đó đã ban phước rất nhiều cho cuộc sống của tôi.
Mỗi người chúng ta đều có một cơ hội để hành trình thường xuyên đến một nơi thiêng liêng, nơi mà chúng ta có thể suy ngẫm về cuộc đời của Đấng Cứu Rỗi và mối quan hệ của chúng ta với Ngài. Đấng Cứu Rỗi mời gọi chúng ta nhóm họp thường xuyên để dự phần Tiệc Thánh[1] và hứa sẽ ở giữa[2] chúng ta khi chúng ta quy tụ để làm như vậy. Khi chấp nhận lời mời gọi của Ngài, chúng ta được chuẩn bị và bảo vệ khỏi những thử thách[3] trong tương lai. Khi chúng ta luôn hối cải và tưởng nhớ tới Ngài, thì chúng ta sẽ luôn được Thánh Linh của Ngài ở cùng chúng ta[4]. Chính nhờ giáo lễ Tiệc Thánh và giao ước liên quan với Thượng Đế, nên các buổi lễ Tiệc Thánh là các buổi nhóm họp thiêng liêng và quan trọng nhất trong Giáo Hội[5].
Các buổi lễ Tiệc Thánh là những cơ hội đặc biệt để được gần gũi với Đấng Cứu Rỗi. Để tận dụng tối đa kinh nghiệm này, chúng ta có thể làm gì để chuẩn bị bản thân mình tốt hơn? Làm thế nào chúng ta có thể tham gia một cách trọn vẹn hơn? Kinh nghiệm Tiệc Thánh của chúng ta có thể tiếp tục ban phước cho chúng ta như thế nào?
Chuẩn bị
Việc chuẩn bị cho lễ Tiệc Thánh bắt đầu trước khi đến ngày Sa Bát. Đấng Cứu Rỗi đã dạy rằng chúng ta nên suy ngẫm và cầu nguyện về những lời của Ngài trong nhà của mình và chuẩn bị trước[6] tâm trí của chúng ta. Chúng ta chuẩn bị con cái mình cho Tiệc Thánh bằng cách nói chuyện với chúng trong suốt tuần về ý nghĩa của Tiệc Thánh và cách chúng có thể sử dụng thời gian đó để tìm hiểu về điều mà Đấng Cứu Rỗi đã làm cho chúng. Chúng ta nên tự[7] xem xét và quyết định những thay đổi nào chúng ta cần phải thực hiện trong cuộc sống của mình và chúng ta cần sự giúp đỡ nào từ Chúa. Chúng ta có thể lập một bản liệt kê các câu hỏi để mang đến buổi nhóm họp và sẵn sàng lắng nghe những câu trả lời cho những câu hỏi đó qua những lời cầu nguyện, các bài thánh ca, và sứ điệp được đưa ra ở đó. Chúng ta có thể dâng lên Chúa tấm lòng đau khổ và tâm hồn thống hối[8] của mình bằng cách hối cải và tìm kiếm sự tha thứ từ Chúa cho tội lỗi của chúng ta và tha thứ cho những người khác về những lỗi lầm của họ ảnh hưởng đến chúng ta. Sự chuẩn bị có chủ ý cho phép chúng ta nhận được sự soi dẫn mà chúng ta tìm kiếm và cần đến.
Tham gia
Đấng Cứu Rỗi yêu cầu chúng ta phải cảnh giác, tỉnh thức và cầu nguyện luôn luôn.[9] Chúng ta vẫn luôn cảnh giác và tập trung khi chúng ta tích cực tham gia vào buổi nhóm họp bằng cách chăm chú lắng nghe những câu trả lời cho các câu hỏi của mình, và bằng cách ghi lại những thúc giục chúng ta nhận được từ Đức Thánh Linh. Chúng ta hiệp nhất đức tin của mình với những người khác qua những lời cầu nguyện được dâng lên và hiệp nhất tiếng nói của mình trong việc hát các bài thánh ca. Chúng ta bày tỏ lời khẳng định của mình với điều được nói qua từ “A Men” sau mỗi sứ điệp và lời cầu nguyện. Chúng ta lắng nghe một cách tôn kính khi những lời cầu nguyện Tiệc Thánh được đọc và lặp lại trong tâm trí chúng ta như thể đó là những lời khẩn nài và cam kết cá nhân của chúng ta đối với Chúa. Chúng ta tập trung các sứ điệp, âm nhạc, hoặc lời cầu nguyện của mình vào Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô, và chúng ta tìm kiếm cơ hội để giúp người khác cảm thấy được chào đón, yêu thương, và được cần đến. Qua sự tham gia tích cực, chúng ta cảm thấy tính xã hội, sự hoàn thiện, và tính gây dựng cao hơn với những người đồng thờ phượng với mình.
Hành động
Qua giáo lễ Tiệc Thánh, chúng ta giao ước với Thượng Đế rằng chúng ta sẵn lòng mang danh của Chúa Giê Su Ky Tô, luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài, và luôn luôn tuân giữ các giáo lệnh của Ngài. Sau mỗi buổi lễ Tiệc Thánh, chúng ta cố gắng làm tròn những lời hứa của mình với Thượng Đế. Chúng ta cũng chọn để hành động ngay theo những ấn tượng mà chúng ta nhận được trong thời gian nhóm họp. Chúng ta chấp nhận lời mời gọi của Đấng Cứu Rỗi để “đưa cao sự sáng của chúng ta” để ánh sáng đó có thể chiếu sáng trên thế gian[10] và làm điều này bằng cách yêu thương, chia sẻ, và mời những người khác “hãy đến xem,” “đến và giúp đỡ,” và “đến và thuộc vào” theo những cách bình thường và tự nhiên. Khi chúng ta hành động trong đức tin, Chúa ban phước cho chúng ta với những kinh nghiệm mà mang lại cho chúng ta niềm vui lâu dài. Qua tiến trình chuẩn bị, tham gia và hành động lặp đi lặp lại này, việc thờ phượng trong lễ Tiệc Thánh của chúng ta trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống của chúng ta và một nguồn quyền năng và sự bảo vệ thuộc linh lâu dài. Mối quan hệ của chúng ta với Đấng Cứu Rỗi và những người cùng là môn đồ cũng sẽ được gia tăng. Cầu xin cho mỗi người chúng ta cân nhắc cách chúng ta có thể làm trọn vẹn kinh nghiệm của mình trong lễ Tiệc Thánh trong cuộc sống của mình.