Podcast số 423 – Buổi Họp Đặc Biệt Giáng Sinh 2023 – Hãy Nhớ, Hãy Nhớ – Tracy Y. Browning

Bài của chị Tracy Y. Browning, Đệ Nhị Cố Vấn trong Chủ Tịch Đoàn Trung Ương Hội Thiếu Nhi của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô

Ở nơi tôi sống, bắt đầu vào khoảng tháng Mười Một, mọi cảnh vật thiên nhiên như chìm vào giấc ngủ mơ màng. Âm thanh xào xạc của những chiếc lá xanh nhẹ nhàng thổi lên khúc hát trong tôi báo hiệu xuân đã qua, hạ dần khuất bóng sau những cành cây khô cùng những chiếc lá vàng rơi rụng dưới chân tôi. Khi những chú chim ríu rít ngừng hót, hương thơm ngọt ngào của những cánh hoa dường như đã thôi tung bay trong gió. Những sự việc trong thế giới tự nhiên này khiến tôi liên tưởng đến sự náo nhiệt của cuộc sống sẽ rút lui trong một thời gian, và nhường chỗ cho khoảng không tĩnh lặng mênh mông—khi một năm khép lại và ngay trước khi tôi nghĩ chẳng còn niềm vui nào nữa—thì món quà Giáng Sinh đến.

Và góc nhỏ nơi tôi sống trong thế giới vĩ đại của Thượng Đế, tôi nhớ. Tôi nhớ lưu tâm đến những rặng cây thường xanh, tỏa hương gỗ thoang thoảng, cay nồng hòa quyện cùng hương của đất. Tôi nhớ tìm kiếm những bông hoa cùng quả mọng đỏ thẫm hay trắng tinh khôi và lắng nghe những bài ca quen thuộc đã được khắc sâu vào lòng, vào trong gia đình cũng như nơi thờ phượng, để rao truyền “niềm vui cho thế gian,” khi tôi tìm kiếm các biểu tượng Giáng Sinh mà “thiên thượng và thiên nhiên vang ca” với tôi và mời tôi hãy nhớ.

Một trong những điều kỳ diệu của mùa lễ này là dường như toàn thể cộng đồng Ky Tô hữu, và cả những người không phải là Ky Tô hữu, cũng dành khoảng thời gian này một cách có chủ ý để tìm kiếm và lấp đầy cuộc sống của họ bằng những biểu tượng tưởng nhớ đến Giáng Sinh.

Giáng Sinh là nhịp cầu dẫn lối chúng ta bước vào năm mới. Và khi đi ngang qua đó, chúng ta được mời gọi để ngẫm nghĩ về phép lạ của “Đức Chúa Trời hằng sống, là Đức Giê Hô Va, là Đấng đã dựng nên các đầu cùng đất,”1 là Đấng được sinh ra trong hoàn cảnh nghèo hèn ở thành Đa Vít và được “bọc bằng khăn, nằm trong máng cỏ.”2 Khi chúng ta đi trong cuộc hành trình của mình vào mùa lễ Giáng Sinh, có lẽ chúng ta có thể tự thấy mình là những người nam và người nữ thông thái trong thời hiện đại, có lẽ đang ngước nhìn các ngôi sao trên những ngọn thông xanh và những ngọn đèn lấp lánh quanh mình, rồi “hân hoan cùng mừng rỡ quá bội”3 trước những điềm triệu được đặt trước mặt chúng ta để hướng dẫn và chỉ lối cho cuộc hành trình của chúng ta hướng tới Chúa Giê Su Ky Tô, đến với Đấng là “sự sáng của thế gian.”4 Nếu chúng ta ngửi thấy mùi hương của một loại gia vị nào đó quyện lẫn trong không khí của mùa lễ này, thì có lẽ đó là để nhắc nhở chúng ta hãy mang theo những món quà để dâng tặng cho “Con Đức Chúa Trời hằng sống”5—chẳng phải “vàng, nhũ hương, và một dược”6 mà là sự hy sinh thờ phượng của “tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối” của chúng ta.7 Và đối với những ai trong số chúng ta là người yêu thương và chăm sóc trẻ em, có lẽ chúng ta cũng giống như những người chăn chiên ngày nay “canh giữ bầy chiên [của chúng ta],”8 lắng nghe các thiên sứ trần thế được Chúa gửi đến với lời mời gọi “chớ sợ hãi,” vì họ đến để hướng dẫn đến nơi mà có thể tìm thấy Đấng Cứu Rỗi của chúng ta.9 Chẳng lẽ chúng ta không nhớ thì thầm “một tin lành sẽ làm một sự vui mừng lớn” này vào tai con cái mình như một chứng ngôn sao? Để khi chúng, bằng sự hiếu kỳ của trẻ thơ, ngắm nhìn những sắc màu đỏ, xanh lá cây, vàng kim và trắng của Giáng Sinh, chúng sẽ tưởng nhớ đến sự hy sinh chuộc tội hoàn hảo và thanh khiết của Đấng Cứu Chuộc, Chúa Giê Su Ky Tô, là Đấng ban cho chúng ân tứ về sự cứu rỗi, cuộc sống mới và cuộc sống vĩnh cửu.

Lễ Giáng Sinh cho phép chúng ta thực hiện chuyến hành trình thuộc linh đến Bết Lê Hem để có được lời chứng cho chính mình về Đấng Cứu Rỗi, Chúa Giê Su Ky Tô, và rồi chia sẻ chứng ngôn đó với sự sẵn lòng và sẵn sàng để làm cho điều đó được “loan truyền khắp nơi”10 và làm chứng về tất cả những gì chúng ta đã biết về Ngài. Chúng ta có thể thực hiện chuyến hành trình đó đến với Đấng Cứu Rỗi bằng cách tưởng nhớ.

Thượng Đế ban cho ân tứ ghi nhớ để chúng ta không quên Đấng Ban Cho, để chúng ta dần cảm nhận được tình yêu thương vô hạn của Ngài dành cho chúng ta và học cách yêu mến Ngài lại. Tiên tri Mô Rô Ni thời xưa đã khuyên nhủ chúng ta hãy nhớ rằng “mọi ân tứ tốt lành đều từ Đấng Ky Tô mà đến.”11 Đấng Cứu Rỗi ban cho các ân tứ không phải như thế gian cho—hữu hạn, không hoàn chỉnh, và dễ bị mai một theo thời gian. Chúa Giê Su Ky Tô ban cho các ân tứ bền lâu, ngay cả các ân tứ thiết yếu, bao gồm:

  • Các ân tứ của Thánh Linh, chẳng hạn như sự hiểu biết, sự thông sáng, chứng ngôn, và đức tin.12
  • Ân tứ Đức Thánh Linh.
  • Ân tứ về cuộc sống vĩnh cửu.

Và khi suy ngẫm về “các ân tứ tốt lành” lớn nhỏ đã đến trong cuộc sống của mình, thì liệu chúng ta có thể thấy được bàn tay của Chúa đang giải cứu, củng cố, và giải thoát cho chúng ta không?

Mặc dù đôi khi tâm trí và tấm lòng của chúng ta có thể lơ đãng và xa cách Ngài, nhưng sự kiên định của Ngài bảo đảm với chúng ta rằng Chúa không quên chúng ta—trong mùa lễ Giáng Sinh hoặc bất cứ lúc nào khác. Chúa đã phán rằng chúng ta đã được chạm trong lòng bàn tay Ngài.13 Ngài luôn giữ lời hứa. Ngài nhớ các giao ước Ngài đã lập với chúng ta và với tổ phụ của chúng ta. Ngài lắng nghe và nhớ những lời cầu nguyện của chúng ta dâng lên Cha Thiên Thượng, cho dù chúng ta quỳ xuống hoặc khẩn cầu từ phòng riêng của mình hay nguyện cầu thầm trong lòng. Như Chủ Tịch Russell M. Nelson đã dạy, Ngài nhớ “can thiệp vào cuộc sống của những người tin nơi Ngài.”14 Ngài nhớ tha thứ cho chúng ta bao lần chúng ta hối cải. Ngài nhớ ngỏ lời cùng chúng ta qua thánh thư và các vị tiên tri để giúp chúng ta luôn tìm được đường trở về nhà—cho dù chúng ta đã lạc lối bao xa và bao lâu đi nữa. Và Ngài nhớ gửi Thánh Linh của Ngài đến để tiếp tục cố gắng cùng chúng ta khi chúng ta nỗ lực giữ lời hứa thiêng liêng của mình để “luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài.”15

Chủ Tịch Spencer W. Kimball đã dạy: “Khi các anh chị em tra từ điển để tìm từ quan trọng nhất, … [đó] có thể là từ ghi nhớ. Vì tất cả chúng ta đã lập các giao ước[,] … của mình là phải ghi nhớ.” Ông nói tiếp, “Đó là lý do tại sao mọi người đến dự lễ Tiệc Thánh mỗi ngày Sa Bát—dự phần Tiệc Thánh và lắng nghe các thầy tư tế cầu nguyện [để] họ ‘có thể luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài và tuân giữ các giáo lệnh mà Ngài đã ban cho họ.’ … Ghi nhớ là lời của nói. Ghi nhớ là hành động.”16

Việc tưởng nhớ tới Thượng Đế soi dẫn chúng ta khơi dậy quyền năng của đà thúc đẩy phần thuộc linh của mình và mời gọi chúng ta hành động theo những cách thức tin kính. Hãy xem xét những lời giảng dạy này mà Chủ Tịch Nelson đã mời gọi chúng ta ghi nhớ:

  • “Để cho Thượng Đế ngự trị trong cuộc sống của mình” và “chia sẻ với Chúa một phần thời gian của anh chị em.”
  • “Tìm kiếm và mong đợi phép lạ.”
  • “Chấm dứt xung đột trong … cuộc sống của anh chị em”17 và làm một người hòa giải.18

Lễ Giáng Sinh có thể là cơ hội để hành động theo những lời mời này và tự do vận dụng những khuynh hướng tự nhiên của chúng ta để nhớ nghĩ về Chúa Giê Su Ky Tô nhiều hơn, không ngừng suy ngẫm về phép lạ của sự giáng sinh của Ngài, cũng như cảm nhận và hành động một cách có ý nghĩa hơn về tình bằng hữu với con cái của Thượng Đế. Các biểu tượng ghi nhớ đặc trưng của mùa Giáng Sinh thường được công nhận khi chúng ta:

  • Nhớ gửi những lời chúc mừng Giáng Sinh đến bạn bè, gia đình, và cả những người lạ.
  • Nhớ trao tặng các món quà để bày tỏ tình thương yêu.
  • Nhớ luôn hào phóng với những người túng thiếu và hiếu khách đối với những người vào nhà của chúng ta.
  • Nhớ nhấn mạnh tầm quan trọng của những buổi xum họp gia đình và những truyền thống làm cho lễ Giáng Sinh trở nên khác biệt và đặc biệt.

Đối với nhiều người vào thời gian này của năm, niềm yêu thích sâu sắc của chúng ta là chuẩn bị những bữa ăn giống nhau, thường xuyên kể lại những câu chuyện gia đình, và trang trí cây thông Giáng Sinh với những quả châu mà chúng ta trưng bày hằng năm là những sinh hoạt quan trọng giúp duy trì ước muốn tự nhiên của mình để ghi nhớ những trải nghiệm quan trọng đối với chúng ta. Những bữa ăn đặc biệt, những câu chuyện cụ thể, và những món đồ trang trí trong ngày lễ có thể trở thành kỷ niệm cho những ký ức đã được lưu giữ của chúng ta. Ngay cả ước muốn được củng cố của chúng ta để trở nên bác ái hơn vào thời điểm này trong năm cũng có thể hướng sự chú ý đến ý định của chúng ta để nhớ phải biết ơn. Loại tình yêu thương đặc biệt đến với chúng ta khi Giáng Sinh về cũng là một cơ hội được đặt ra trước mắt chúng ta để tập trung những khát vọng và hành động của chúng ta vào Chúa Giê Su Ky Tô: “Hãy nhớ rằng các con phải xây dựng nền móng của mình trên đá của Đấng Cứu Chuộc chúng ta, tức là Đấng Ky Tô, Vị Nam Tử của Thượng Đế.”19 Hãy nhớ rằng khi chúng ta sắp kết thúc một năm và thực hiện cuộc hành trình bước qua cây cầu dẫn đến năm mới—với tư cách là những người nam và người nữ thông thái, là những người chăn chiên tỉnh táo—rằng chính là nhờ sức mạnh của bàn tay của Chúa20 mà chúng ta làm được như vậy.

Vì vậy, cho dù anh chị em sống ở bất cứ nơi nào trên thế giới, hãy nhớ lưu tâm đến nhiều biểu tượng khác nhau mà mời gọi anh chị em tìm kiếm Đấng Ky Tô. Trong tất cả những gì chúng ta nhấn mạnh vào thời điểm này trong năm, với mỗi lời chúc mà chúng ta gửi đi, với mỗi người chúng ta nhớ đến, hãy đừng quên tưởng nhớ tới Đấng Ban Cho thật sự—Ngài là Đấng không bao giờ quên chúng ta và ban cho chúng ta quyền năng để tưởng nhớ tới Ngài qua Thánh Linh của Ngài, vào mùa Giáng Sinh cũng như bất cứ lúc nào. Ngài mang “niềm vui cho thế gian” và mời gọi chúng ta “chuẩn bị chỗ cho Ngài”21 để tiếp nhận Vua của chúng ta. Ngài là nền tảng vững chắc để chúng ta bước đi trên đó. Ngài là Sự Sáng của Thế Gian và là Vị Nam Tử của Thượng Đế hằng sống. Tôi làm chứng trong thánh danh của Ngài, chính là Chúa Giê Su Ky Tô, A Men.