Podcast số 278 – Trang Mạng tháng 7, 2023 – Làm Người Hòa Giải trong Một Thế Giới Đầy Tranh Chấp- Kelly R. Johnson

Bài của Anh Cả Kelly R. Johnson, Đệ Nhị Cố Vấn trong Chủ Tịch Đoàn Giáo Vùng Châu Á

Nếu chúng ta muốn trở thành những người hoà giải trong một thế giới đầy tranh chấp, thì câu hỏi chúng ta phải tự hỏi bản thân rằng “tấm lòng của tôi đang đặt nơi đâu?” Một trong những điều mà tôi yêu thích về ngôn ngữ Thái Lan là việc sử dụng từ “trái tim” khi mô tả cảm xúc và cảm giác khác nhau. Ví dụ, các thuộc tính như sự bình tĩnh, điềm tĩnh và kiên nhẫn được phản ánh trong một từ tiếng Thái được dịch theo nghĩa đen là “tấm lòng bình tâm”. Những cảm xúc trái ngược như sự nóng nảy, hấp tấp hay nóng tính được phản ánh trong một từ tiếng Thái được dịch là “tấm lòng nóng nảy”. Cách liên kết cảm xúc và cảm giác với hình ảnh tấm lòng này tạo ra những từ giàu ý nghĩa và mời gọi chúng ta để suy ngẫm về những gì đang thực sự xảy ra trong những khoảnh khắc đầy xúc động này.

Thánh thư chứa đựng vô vàn ví dụ đề cập đến tấm lòng mà giúp chúng ta hiểu được sức mạnh của tấm lòng trong việc điều hướng suy nghĩ và cảm xúc của chúng ta. Một số ví dụ tham khảo này bao gồm:

“Đồng tâm đoàn kết trong tình thương yêu lẫn nhau.” (Mô Si A 18:21)
“Lòng nhu mì, khiêm nhường.” (Ma Thi Ơ 11:29)
“Hãy nức lòng và vui mừng.” (GL&GƯ 31:3)
“Lòng thành dâng cho.” (Xuất Ê Díp Tô Ký 35:5)
“Một tấm lòng đau khổ và một tâm hồn thống hối.” (3 Nê Phi 9:20)
“Lòng thanh khiết.” (Thi Thiên 24:3-4)

Điểm đặc biệt quan trọng mà chúng ta cần biết đó là lời giảng dạy cụ thể này từ Chúa đã xác định rõ ràng điều gì là quan trọng và điều gì là không quan trọng đối với Ngài. Đức Chúa Trời có phán rằng, “Chớ xem về bộ dạng và hình vóc cao lớn của nó, vì ta đã bỏ nó. Đức Giê Hô Va chẳng xem điều gì loài người xem; loài người xem bề ngoài, nhưng Đức Giê Hô Va nhìn thấy trong lòng” (1 Sa Mu Ên 16:7; sự nhấn mạnh đã được thêm vào).
 

Chúng ta có thể đối phó với sự tranh chấp và thất vọng hiện hữu trên thế giới qua việc theo dõi sát sao những gì đang xảy ra trong tấm lòng mình. Chẳng hạn, khi đương đầu với sự tranh chấp, chúng ta để cho lòng mình nóng hay lạnh?

Đấng Cứu Rỗi đã dạy một câu chuyện ngụ ngôn giúp chúng ta nhận biết được tầm quan trọng của việc kiểm soát những điều đang xảy ra trong tấm lòng mình. Một người nọ có hai người con trai. Người con thứ xin cha phần thừa kế rồi bỏ nhà đi phương xa, phung phí hết gia sản vào lối sống trác táng. Cuối cùng nạn đói đến trong xứ và người thanh niên này không có gì để ăn. Tuyệt vọng, người con trai quyết định trở về nhà và xin cha cho làm thuê. Sự trở về của người con đã đặt người cha vào một tình huống thú vị. Ông phải lựa chọn giữa việc để tấm lòng mình trở nên giận dữ, cay đắng hay thù hận, hoặc để cho tấm lòng mình tràn ngập lòng tốt, sự chấp nhận và lòng biết ơn rằng con trai ông đã trở về. “Tấm lòng bình tâm” của người cha đã chọn tình yêu thương, và ông chạy đến bên con trai, mặc quần áo cho con, đeo nhẫn vào ngón tay và bày yến tiệc tối chào mừng. “Tấm lòng bình tâm” của người cha trong tình huống gây tranh cãi này đã cho phép những phẩm chất tốt đẹp được bộc lộ. Người anh trai trong câu chuyện này cũng có một thử thách tương tự trong tấm lòng mình. Anh ta có thể để trái tim mình tràn ngập sự tức giận, chối bỏ và ghen tị trong bữa tiệc ăn mừng dành cho em trai mình, hoặc anh ta có thể để trái tim mình tràn ngập lòng tốt, sự chấp nhận và lòng biết ơn vì người em trai thất lạc đã lâu của anh ta đã trở về. Đáng buồn thay, chúng ta biết kết quả là người con cả đã để cho “tấm lòng nóng nảy” cai trị và không tham dự bữa tiệc ăn mừng em trai mình trở về (Lu Ca 15:11-32).
 

Lựa chọn khôn ngoan nhất của chúng ta trong việc làm người hoà giải trong một thế giới đầy tranh chấp là chọn để làm cho tấm lòng của chúng ta tràn đầy cảm xúc và thuộc tính giống như Đấng Ky Tô mà giúp xoa dịu và an ủi trong những phút giây tranh chấp.

Quyền năng tột bậc để kiểm soát và thay đổi tấm lòng của chúng ta theo chiều hướng tốt hơn đến từ Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô. “Sự thay đổi lớn lao” trong tấm lòng của An Ma đã xảy đến “nhờ đức tin của ông”, và một sự thay đổi lớn lao cũng đã đến trong tấm lòng của những người nghe theo ông khi họ “hạ mình và đặt tin cậy vào Đấng Thượng Đế chân thật và chằng sống” (An Ma 5:12, 13). Tương tự như vậy, tấm lòng của dân chúng dưới sự lãnh đạo của Vua Bên Gia Min đã “thay đổi nhờ có đức tin nơi danh [Đấng Cứu Rỗi]” (Mô Si A 5:7). Trong sách Hê La Man, chúng ta được dạy về các bước cần thiết để đạt được “sự thay đổi lớn lao trong tấm lòng” này. Sách này nói rằng những người dân xứ Gia Ra Hem La khiêm nhường “vẫn thường nhịn ăn và cầu nguyện, và họ đã trở nên càng ngày càng mạnh hơn trong sự khiêm nhường của họ, và càng ngày càng … vững chắc hơn … trong đức tin nơi Đấng Ky Tô … đến nỗi trái tim họ được trở nên thanh khiết và thánh hóa, mà sự thánh hóa này có được là nhờ họ đã hiến dâng lòng mình lên Thượng Đế” (Hê La Man 3:35).

Tôi có niềm tin vững chắc rằng việc làm người hoà giải trong một thế giới đầy tranh chấp chỉ có thể thực hiện được khi chúng ta học cách thay đổi và kiểm soát tấm lòng mình hầu cho luôn được tràn ngập những thuộc tính và cảm xúc hiền hoà. Nếu tấm lòng của chúng ta thực sự thay đổi nhờ vào Sự Chuộc Tội của Chúa Giê Su Ky Tô, thì hành động và phản ứng của chúng ta sẽ mang lại sự hoà giải cho mọi tình huống tranh chấp.