Podcast: Play in new window | Embed
Sứ Điệp của Các Vị Lãnh Đạo Giáo Vùng Châu Á của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô.
Bài của Anh Cả Djarot Subiantoro thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi
Ngày Sa Bát được biệt riêng để dự phần Tiệc Thánh, tái lập các giao ước thiêng liêng.
Vào năm tôi ba mươi tuổi, lần đầu tiên tôi được mời đến dự lễ Tiệc Thánh tại một chi nhánh của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô ở Jakarta, Indonesia. Trước đó, tôi đã biết đến tôn giáo và lớn lên dưới hai giáo phái lớn khác do ảnh hưởng từ gia đình hay nhà trường. Tôi nhớ mình đã đến với tư cách là một người xa lạ, lo lắng sợ bị đánh giá, nhưng tôi đã không bị đối xử như mình lầm tưởng.
Tôi được chào hỏi như “anh em trong nhà,” như thể tôi là một phần của gia đình họ. Các tín hữu và lãnh đạo chi nhánh bày tỏ lòng biết ơn chân thành cho sự tham dự của tôi. Tôi cảm thấy được chào đón và yêu thương.
Buổi lễ diễn ra trang nghiêm và tràn đầy Thánh Linh. Tôi có thể dễ dàng làm theo từng bước. Các bài nói chuyện của những người nói chuyện được chỉ định đem lại cho tôi những hiểu biết sâu sắc mới về việc thấu hiểu Phúc Âm và cách sống theo nó.
Kể từ đó, tôi đã tham dự nhiều lễ Tiệc Thánh hơn, và tôi thực sự tin vào điều mà David O. McKay đã từng nói: “Tôi cảm thấy được soi dẫn để nhấn mạnh điều mà Chúa đã chỉ định là buổi lễ quan trọng nhất trong Giáo Hội, và đó là lễ Tiệc Thánh.” [1]
Chúng ta học được từ thánh thư: “Điều cần làm là giáo hội phải thường xuyên nhóm họp để chia sẻ bánh và rượu hầu tưởng nhớ tới Chúa Giê Su.” [2] Tương tự như vậy, tôi muốn mời tất cả các anh chị em đến dự lễ Tiệc Thánh vì ba lý do: để ở gần các anh chị em của mình trong Đấng Ky Tô, để tái lập các giao ước của mình qua việc dự phần Tiệc Thánh, và để nhắc nhở nhau về Chúa Giê Su Ky Tô và Phúc Âm của Ngài.
Ở gần các tín hữu của Giáo Hội đã giúp tôi có được chứng ngôn về sự phục hồi của Giáo Hội của Chúa Giê Su Ky Tô và củng cố quyết tâm của tôi để bước vào con đường giao ước.
Sau khi tôi chịu phép báp têm và được sắc phong một chức phẩm trong chức tư tế, tôi thường được chỉ định để ban phước Tiệc Thánh. Tôi cảm thấy mình có ích, và cơ hội để phục vụ những người khác qua việc ban phước Tiệc Thánh đã củng cố đức tin của tôi nơi Đấng Ky Tô.
Khi tôi được chỉ định để đưa ra bài nói chuyện đầu tiên của mình, việc chuẩn bị đã dẫn dắt tôi biết đến các nguồn tài liệu của Giáo Hội: thánh thư, bài nói chuyện của các vị thẩm quyền trung ương, và nhiều cuốn sách khác. Tôi đã học cách suy ngẫm về những kinh nghiệm của chính mình và chia sẻ chứng ngôn của mình để củng cố những người khác tham dự lễ Tiệc Thánh.
Chúa Giê Su thiết lập Tiệc Thánh như biểu tượng của sự hy sinh chuộc tội của Ngài: “Kẻ nào ăn bánh này là ăn vào tâm hồn mình thể xác của ta; và kẻ nào uống rượu nho này là uống vào tâm hồn mình máu của ta; và tâm hồn kẻ ấy sẽ được luôn luôn no đủ; không bao giờ còn bị đói hay khát nữa.”[3] Chúa hứa rằng những người dự phần Tiệc Thánh một cách xứng đáng sẽ luôn có được Thánh Linh của Ngài ở cùng họ.
Mỗi tín hữu của Giáo Hội nên ghi nhớ ba giao ước lớn được lập bằng cách dự phần các biểu tượng này:
1. Rằng họ tình nguyện mang danh Con của Cha.
2. Rằng họ sẽ luôn luôn tưởng nhớ tới Ngài.
3. Rằng họ sẽ tuân giữ các giáo lệnh mà Ngài đã ban cho họ. [4]
Trong bữa ăn tối cuối cùng, Ngài cũng dạy đừng tìm lỗi lầm nơi người khác mà hãy nhìn vào bên trong, đánh giá xem chúng ta cần hối cải điều gì, chúng ta phải yêu thương và phục vụ lẫn nhau, và rửa chân cho nhau.
George Albert Smith đã nói rằng: “Chúng ta nên dự phần Tiệc Thánh với lòng khiêm nhường, với sự chuẩn bị của đôi tay trong sạch và tấm lòng thanh khiết, và với ước muốn được Đức Chúa Cha chấp nhận; thì chúng ta sẽ nhận được nó một cách xứng đáng và vui mừng trong phước lành đến với chúng ta nhờ nó.” [5]
Ông cũng nhận xét rằng “những người nam và người nữ từ năm này qua năm khác không dự Bữa Ăn Tối của Chúa, sẽ dần đánh mất Thánh Linh của Cha Thiên Thượng; họ đánh mất sự đồng hành của nó ở nơi họ đã có cơ hội tham gia vào phước lành đó, nhưng lại đã không tận dụng được nó.” [6]
Tôi muốn gợi lại lời nhắc nhở của Chủ Tịch Joseph F. Smith với tất cả chúng ta rằng ngày Sa Bát được biệt riêng để dự phần Tiệc Thánh, để tái lập các giao ước thiêng liêng. “Ngày Sa Bát là ngày mà cùng với các anh chị em của mình, anh chị em nên tham dự các buổi họp của Các Thánh Hữu, chuẩn bị để dự phần Tiệc Thánh của bữa ăn tối của Chúa; trước hết, anh chị emthú nhận tội lỗi của mình trước mặt Chúa và các anh chị em của mình, và tha thứ cho đồng bào của mình như anh chị em mong đợi Chúa tha thứ cho mình vậy.” [7]