Podcast: Play in new window | Embed
Sứ Điệp của Các Vị Lãnh Đạo Giáo Vùng Châu Á (July 2022)
Bài của Anh Cả Peter Meurs thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô
Chúng ta có thể tìm đến tất cả mọi người với tình yêu thương, chia sẻ đức tin của mình và mời gọi họ tham gia với chúng ta. Khi bạn bè của chúng ta đến nhà thờ, chúng ta có thể giúp họ tìm kiếm những mối liên hệ và cảm thấy là một phần của nhóm bạn bè.
Cha mẹ tôi là các tín hữu đầu tiên trong một chi nhánh nhỏ ở Warrnambool, Victoria, Úc. Trong nhiều năm, chị tôi và tôi là những người duy nhất trong độ tuổi giới trẻ ở nhà thờ. Vào năm thứ ba trung học, tôi chuyển đến học trường nội trú ở thành phố Melbourne. Vào ngày Chủ Nhật, sau khi tham dự một chương trình phục vụ cần thiết ở trường học, tôi có thể tham dự các buổi lễ nhà thờ. Tôi được yêu cầu phải mặc đồng phục học sinh khi rời khỏi trường.Là một thiếu niên 14 tuổi nhút nhát, tôi nhớ mình đã đi vào tiểu giáo khu gần nhất và nhận thấy một số lượng lớn các bạn giới trẻ. Tôi cảm thấy xấu hổ và lạc lõng trong bộ đồng phục học sinh của mình. Vì chị tôi đang theo học một trường ở một khu vực khác của Melbourne, nên tôi đã chọn tham dự tiểu giáo khu của chị tôi vào hầu hết các ngày Chủ Nhật.
Một ngày nọ, tôi rất ngạc nhiên khi nhận được một lá thư từ một địa chỉ ở Melbourne. Đó là từ Maxine Thatcher. Bạn ấy là chủ tịch lớp trường Chủ Nhật dành cho giới trẻ. Lá thư đó viết như sau:
Peter thân mến,
Chúng mình nhận thấy rằng bạn đã không đến nhà thờ thường xuyên và muốn bạn biết rằng tất cả chúng tôi nhớ bạn và hy vọng rằng bạn sẽ sớm trở lại. Nếu có bất cứ điều gì mình có thể làm để giúp đỡ bạn, xin hãy gọi điện thoại cho mình. Số điện thoại của mình là …
Trân trọng,
Maxine Thatcher
Tôi rất ngạc nhiên và vui sướng và, sau khi đọc bức thư nhiều lần, đã quyết định gọi điện thoại cho Maxine. Tôi đi đến một cái bốt điện thoại, nhấc ống nghe lên, bỏ một đồng xu vào khe và hồi hộp bấm số.
Maxine trả lời. Bạn ấy nói rất tử tế và bày tỏ mối quan tâm đối với tôi. Tôi giải thích rằng tôi đang đi nhà thờ với chị tôi vào hầu hết các ngày Chủ Nhật. Maxine nói với tôi rằng bạn ấy và các học viên khác trong lớp Trường Chủ Nhật hy vọng rằng tôi sẽ chọn đi nhà thờ với họ thường xuyên hơn.
Bạn ấy mời tôi tham dự ngày Chủ Nhật kế tiếp. Tôi đã tham dự và cảm thấy được chào đón và kết nối. Tôi quên đi cảm giác khó chịu khi đi nhà thờ trong bộ đồng phục học sinh của mình.
Năm kế tiếp, gia đình tôi chuyển đến Melbourne. Maxine và tôi tiếp tục là bạn. Một năm sau khi tôi kết thúc công việc truyền giáo, chúng tôi kết hôn và làm lễ gắn bó trong Đền Thờ Hamilton New Zealand. Tôi sẽ luôn luôn biết ơn chủ tịch lớp Trường Chủ Nhật dành cho giới trẻ đã nhận thấy tôi đang thất lạc và liên lạc bằng một bức thư thân thiện để mời tôi trở lại.
Đấng Cứu Rỗi đã dạy:
“Trong các ngươi ai là người có một trăm con chiên, nếu mất một con, mà không để chín mươi chín con nơi đồng vắng, đặng đi tìm con đã mất cho kỳ được sao? Khi đã kiếm được, thì vui mừng vác nó lên vai. Đoạn, về đến nhà, kêu bạn hữu và kẻ lân cận, mà rằng: Hãy chung vui với ta, vì ta đã tìm được con chiên bị mất. Ta nói cùng các ngươi, trên trời cũng như vậy, sẽ vui mừng cho một kẻ có tội ăn năn hơn là chín mươi chín kẻ công bình không cần phải ăn năn.”[1]
Tôi yêu thích các khái niệm mạnh mẽ được giảng dạy trong câu thánh thư này:
“Đi tìm con đã mất cho kỳ được.” Việc ‘tìm’ một người có thể có ý nghĩa nhiều hơn là tìm ra người bạn thất lạc của chúng ta. Nó có thể có nghĩa là hiểu những sự lo lắng của họ và phục sự các nhu cầu của họ.
‘Vui mừng vác nó lên vai.” Làm thế nào chúng ta có thể giúp người bạn của mình trở lại? Làm thế nào chúng ta phục sự họ, hoặc giúp làm nhẹ gánh nặng của họ? Chúng ta có thể đi nhà thờ với họ, hoặc ở đó để chào đón họ, ngồi cạnh họ để họ cảm thấy thoải mái không?
“Kêu bạn hữu và kẻ lân cận, mà rằng: Hãy chung vui với ta.” Khi bạn bè của chúng ta đến nhà thờ, chúng ta có thể giúp họ tìm kiếm những mối liên kết và cảm thấy là một phần của nhóm bạn bè.
Khi trở lại các buổi nhóm họp trực tiếp, chúng ta tập trung vào ‘Sự Quy Tụ’ – quy tụ đến lễ Tiệc Thánh, nơi mà tất cả mọi người đều cảm thấy được yêu thương và xây đắp đức tin nơi Chúa Giê Su Ky Tô.
Khi An Ma và những người bạn đồng hành của ông chuẩn bị giảng dạy cho dân Giô Ram, ông đã cầu nguyện:
“Hỡi Chúa, lòng con quá đỗi buồn rầu; xin Ngài an ủi tâm hồn con trong Đấng Ky Tô. Hỡi Chúa, xin Ngài ban cho con có được sức mạnh để con có thể kiên nhẫn chịu đựng được những nỗi đau khổ sẽ xảy đến vì sự bất chính của dân này. Hỡi Chúa, xin Ngài an ủi tâm hồn con, và ban sự thành công cho con và cho những người bạn đang lao nhọc với con—phải, đó là Am Môn, A Rôn, Ôm Nê, A Mu Léc và Giê Rôm, cùng hai con trai của con—phải, xin Ngài an ủi tất cả những người này, hỡi Chúa. Phải, xin Ngài an ủi tâm hồn họ trong Đấng Ky Tô.”[2]
Khi đến thăm các giáo khu và giáo hạt trong Giáo Vùng Châu Á, chúng tôi rất vui khi nghe tấm gương của các tín hữu đã mời những người họ yêu thương đến lễ Tiệc Thánh. Hàng trăm người đã trở lại để tưởng nhớ và tái lập đức tin của họ nơi Chúa Giê Su Ky Tô, lập giao ước với Ngài và tiếp nhận Thánh Linh của Ngài ở cùng họ. Chúng ta cần Tiệc Thánh mỗi tuần để củng cố và giúp chúng ta trên con đường giao ước.
Còn có nhiều người nữa cần những lời mời đầy yêu thương để trở lại. Trong thời gian đại dịch, một số người đã mất liên lạc, một số người đối mặt với những thử thách về đức tin, còn những người khác đã mất đi những người thân yêu một cách bi thảm. Nhiều bạn bè và người lân cận cần các phước lành của phúc âm của Chúa Giê Su Ky Tô. Chúng ta có thể tìm đến tất cả mọi người trong tình yêu thương, chia sẻ đức tin của mình, và mời họ tham gia với chúng ta.
Tôi làm chứng rằng các nguyên tắc đơn giản về yêu thương, chia sẻ và mời gọi có thể hướng dẫn chúng ta trong công việc vĩ đại và vui mừng này của ‘Sự Quy Tụ.’