Podcast số 108 – Trang Mạng tháng 2, 2022 – Chúng Ta là Dân Giao Ước – Djarot Subiantoro

Thuộc Nhóm Túc Số Thầy Bảy Mươi của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô

“Trở thành dân giao ước là một đặc ân, nhưng cũng là một trách nhiệm. Đó là một trách nhiệm kèm với những ân phước to lớn đã được hứa.”

Khi lần đầu tiên tôi được làm quen với Ky Tô Giáo ở trường học, tôi đã biết về Y Sơ Ra Ên với tư cách là một dân tộc có giao ước và cách họ được dẫn đến miền đất hứa. Mãi cho đến khi gia nhập Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau của Chúa Giê Su Ky Tô, tôi mới hiểu giao ước là gì và tại sao Các Thánh Hữu Ngày Sau được gọi là dân giao ước.

Giao ước là một hiệp ước hoặc thỏa thuận giữa Thượng Đế và con người, khi được chúng ta tuân giữ, giao ước đó sẽ mang lại các ân phước trong cuộc sống này, và cuối cùng dẫn đến việc trở về sống cùng với Cha Thiên Thượng một cách vĩnh cửu. Khi chúng ta tuân giữ phần của mình trong thỏa thuận, Thượng Đế cũng sẽ thực hiện các lời hứa của Ngài, như Thánh Thư đã dạy, Ta, là Chúa, bị ràng buộc khi các ngươi làm theo những điều ta phán; nhưng khi các ngươi không làm theo những điều ta phán thì các ngươi chẳng được lời hứa hẹn nào cả.”.

Ngay từ thuở sơ khai, Chúa đã lập giao ước với con cái của Ngài trên Thế Gian. A Đam và Ê Va đã lập giao ước với Thượng Đế để “sanh sản, thêm nhiều, làm cho đầy dẫy đất.”  Một trong những giao ước đáng chú ý nhất là giữa Thượng Đế và Áp Ra Ham, còn được gọi là Giao Ước Áp Ra Ham. Áp Ra Ham đã nhận được phúc âm và được sắc phong làm thầy tư tế thượng phẩm. Vì lòng trung tín của ông, Chúa đã hứa với Áp Ra Ham rằng nhờ ông và dòng dõi của ông mà tất cả các gia đình trên thế gian [sẽ] được ban phước.

Chẳng phải chúng ta là một phần của các gia đình trên thế gian sao? Chúng ta được ban phước như thế nào qua các giao ước do Áp Ra Ham lập vào thời xa xưa?

Lời hứa này đã được thực hiện qua một số cách:

  1. Qua Chúa Giê Su Ky Tô, Đấng Thầy và Đấng Cứu Chuộc của chúng ta, Đấng đã đến qua dòng dõi Áp Ra Ham.
  2. Qua chức tư tế đã được ban cho Áp Ra Ham và dòng dõi của ông.
  3. Qua sự phân tán và quy tụ của Y Sơ Ra Ên.

Do sự phân tán của Y Sơ Ra Ên trên khắp thế gian, huyết thống của Y Sơ Ra Ên đã được rải ra giữa các quốc gia, và do đó tất cả các quốc gia cũng được hưởng lời hứa rằng Y Sơ Ra Ên sẽ được quy tụ lại một lần nữa trong lòng thương xót của Thượng Đế, với điều kiện phải hối cải.

4. Qua việc đón nhận Phúc Âm của Chúa Giê Su Ky Tô, là Phúc Âm được phục hồi bởi Tiên Tri Joseph Smith.

Chúa đã lập một giao ước với Áp Ra Ham rằng sau thời của ông, tất cả những ai tiếp nhận phúc âm phải được gọi tên bằng tên của ông, hoặc được tính vào trong dòng dõi của ông, và phải nhận được Đức Thánh Linh.


“Ta, là Chúa, bị ràng buộc khi các ngươi làm theo những điều ta phán; nhưng khi các ngươi không làm theo những điều ta phán thì các ngươi chẳng được lời hứa hẹn nào cả.”GL&GƯ 82:10


Những ai không phải là con cháu của Áp Ra Ham và Y Sơ Ra Ên phải trở nên như vậy, và khi họ chịu phép báp têm và được xác nhận bởi những người có thẩm quyền Chức Tư Tế, họ sẽ được phép ghi danh vào cây gia phả và được hưởng tất cả các quyền và đặc ân như những người thừa kế.

Khi chúng ta chịu phép báp têm và được xác nhận là tín hữu của Giáo Hội Các Thánh Hữu Ngày Sau Của Chúa Giê Su Ky Tô, chúng ta giao ước với Đấng Cứu Rỗi để mang danh Ngài, luôn tưởng nhớ đến Ngài và tuân theo các giáo lệnh của Ngài. Đổi lại, Chúa đã hứa rằng chúng ta sẽ có sự đồng hành của Đức Thánh Linh. Chúng ta tái lập giao ước này với Chúa khi chúng ta dự phần Tiệc Thánh. Khi nhận được các giáo lễ trong đền thờ, chúng ta cũng lập các giao ước thiêng liêng và được hứa ban cho sự tôn cao vì sự vâng lời một cách trung tín.  “Bằng cách tuân theo Phúc Âm, hoặc chấp nhận Phúc Âm, tất cả chúng ta đều là những người thừa kế chung với Áp Ra Ham và dòng dõi của ông, bất kể chúng ta là dòng dõi của Mên Chi Xê Đéc, Ê Đôm, Ích Ma Ên, hay chúng ta là người Do Thái hay là Dân Ngoại.”

Trở thành dân giao ước là một đặc ân, nhưng cũng là một trách nhiệm. Đó là một trách nhiệm kèm với những ân phước to lớn đã được hứa. Chúa Giê Su đã nói với người Do Thái rằng, chỉ thuộc dòng dõi của Áp Ra Ham thôi là chưa đủ cho sự cứu rỗi của họ. Chúa Giê Su đã dạy: “Nếu các ngươi là con của Áp Ra Ham, thì chắc sẽ làm công việc của Áp Ra Ham.”

Trong cuộc di cư của những Thánh Hữu về phía tây do Brigham Young lãnh đạo vào năm 1846, họ đã được khuyến khích tiến vào hành trình với lời giao ước và lời hứa là sẽ tuân giữ tất cả các giáo lệnh và các luật lệ của Chúa Thượng Đế của chúng ta.”  Họ được nhắc nhở rằng cách cư xử của họ trên hành trình cũng quan trọng như đích đến của họ vậy, biến thử thách khó khăn này thành một kinh nghiệm thuộc linh quan trọng, để có thể được chia sẻ với người khác.

Tôi đã nhận được phước lành tộc trưởng của mình vào năm 2001, mười năm sau khi tôi chịu phép báp têm, và tìm hiểu sâu hơn về dòng dõi Y Sơ Ra Ên của chính mình. Bất kể dòng dõi của chúng ta là do huyết thống hay do được tính vào, chúng ta vẫn sẽ có đặc ân để nhận được các ân phước đã hứa qua Áp Ra Ham, tùy theo mức độ xứng đáng và lòng trung thành của chúng ta đối với Chúa.

Tôi biết ơn vì đã tìm thấy phúc âm phục hồi thông qua Giáo Hội được phục hồi của Chúa Giê Su Ky Tô. Quả thật, sự hiểu biết về giáo lý của việc trở thành một dân giao ước đã giúp tôi luôn sống Phúc Âm một cách nhất quán. Quan điểm vĩnh cửu mà Phúc Âm dạy, cùng với sự hướng dẫn của Đức Thánh Linh đã tạo ra những tác động sâu sắc trong cuộc sống của tôi. Cầu xin cho chúng ta luôn có được sự hướng dẫn của Thánh Linh để có thể tiếp tục cuộc hành trình của chúng ta với tư cách là một dân giao ước chân chính.